Trong hai năm 2000-2001, số vụ tai nạn có liên quan đến taxi xấp xỉ 150 vụ, làm chết và bị thương 170 người và thiệt hại vật chất gần 300 triệu đồng. Và giá cước taxi của nhiều hãng cao một cách vô lý: đi xe một lượt với khoảng cách 12-13 km phải trả 95.000-100.000 đồng là khá bình thường. Khi bạn thắc mắc, lái xe sẽ khẳng định đồng hồ đo quãng đường là chính xác, đã kiểm định hẳn hoi!!! Có lẽ thành quả của cuộc chiến hạ giá taxi ở Hà Nội xảy ra khoảng tháng 8 tháng 9 năm 2001 đã rơi tõm xuống ao bèo

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có gần 30 doanh nghiệp tham gia hoạt động taxi vận tải hành khách với hơn 1600 xe. Ngoài ra còn có khoảng 1.000 xe khác hoạt động chở khách như taxi nhưng không đăng ký kinh doanh. Khoảng 3.000 lái xe có đăng ký. Hàng năm, lượng khách do taxi vận chuyển đạt tới khoảng 10 triệu lượt người. Ngoài mặt tích cực là đáp ứng nhu cầu đi lại của một bộ phận dân cư và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, loại hình kinh doanh vận tải hành khách này còn bộc lộ không ít những hạn chế cần được khắc phục.
Kết quả đợt kiểm tra liên ngành về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở GTCC Hà Nội phát động vừa qua cho thấy một loạt các vi phạm của loại hình taxi.
Theo quy định, lái xe taxi phải đảm bảo độ tuổi từ 20 tuổi trở lên, có bằng lái xe phù hợp, có giấy chứng chỉ công nhận đã tham gia tập huấn lái xe taxi theo giáo trình bắt buộc (theo quyết định mới nhất số 4126 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành đầu tháng 12/2001). Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp lái xe không đủ độ tuổi như quy định. Số liệu từ đợt kiểm tra này cho thấy, chỉ với mấy hãng xe đã có 40 trường hợp vi phạm: Taxi Thế kỷ mới có 17 trường hợp lái xe chưa đủ tuổi, taxi Hoàn Thắng 12 trường hợp và taxi Mai Linh 6 trường hợp. Nguy hiểm hơn nữa là hầu như 100% các doanh nghiệp không tiến hành khám sức khoẻ định kỳ (KSKĐK) cho lái xe 6 tháng một lần theo quy định mà chỉ được thực hiện 1 lần trước khi tuyển dụng.
Cho đến hết quý II năm 2002, chỉ có khoảng 500 xe của một vài hãng đưa đến kiểm định. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết đã có công văn gửi đến từng hãng tham gia kinh doanh taxi vận tải hành khách, nhưng việc đưa xe đến kiểm định chưa được quan tâm. Chất lượng nhiều xe đã quá kém vì hoạt động lâu năm, dù hình thức bên ngoài của những chiếc taxi đó được chăm chút cẩn thận để câu khách.
Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp chưa đăng ký giá cước với cơ quan quản lý, chưa niêm yết giá cước trên xe theo quy định. Hiện bảng giá cước được các doanh nghiệp định ra rồi báo cáo với Sở Kế hoạch đầu tư (KHĐT). Qua kiểm tra, chỉ có một số ít các doanh nghiệp thực hiện đúng là taxi Hà Nội, taxi CP, taxi 12 và taxi Thủ Đô. Trong hoạt động kinh doanh, đã xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh như nghe trộm điện thoại để tranh khách là phổ biến. Thậm chí còn có cả hiện tượng phá sóng vô tuyến điện của nhau như vụ việc xảy ra hai lần (tháng 10/2001 và 3/2002) đối với hãng taxi Tân Hoàng Minh (V20) là một ví dụ. Còn có tình trạng dây dưa chậm nộp phí sử dụng tần số vô tuyết điện. Đến hết quý III năm 2002, vẫn còn tới 20 hãng taxi chưa nộp phí sử dụng tần số vô tuyến điện với số tiền trên dưới 1 tỷ đồng. Việc khoán doanh thu của các hãng, theo ý kiến của cánh lái xe, là tương đối cao. Lý do này, cộng với sự thiếu tôn trọng lái xe đã dẫn đến vụ việc đình công ở hãng Vina Taxi thành phố Hồ Chí Minh  (tháng 2/2002), đòi hỏi bỏ việc thay đổi mức khoán và giám đốc công ty phải từ chức. Cũng cần nói thêm là mặt bằng giá cước taxi ở thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn ở Hà Nội. Có lẽ vì mức khoán cao, nên chuyện chỉnh đồng hồ công tơ mét là khá phổ biến. Tại Hà Nội, có những thợ chuyên chỉnh đồng hồ taxi được cánh tài xế biết tiếng. Thậm chí, nhiều lái xe biết ít nhiều về kỹ thuật còn tự chỉnh lấy công tơ mét, rồi chỉnh hộ xe của các đồng nghiệp.
Độ chính xác của những chiếc đồng hồ là chuyện nhiều người quan tâm. Báo cáo của Đoàn kiểm tra cho biết: Các doanh nghiệp chưa chú ý đến việc kiểm định định kỳ công tơ mét, dẫn đến tình trạng đồng hồ tính tiền thiếu chính xác, gây vi phạm về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tính đến thời điểm kiểm tra thì mới có 8/26 doanh nghiệp kiểm định công tơ mét theo quy định, tức là có 754/1619 công tơ mét được kiểm định, chỉ vào khoảng gần 50%. Điển hình của sự vi phạm này là taxi Thành Hưng, taxi Nội Bài..., Còn những doanh nghiệp như: Taxi Hà Nội, Thủ đô, V20 và taxi CP...là thực hiện kiểm định tương đối nghiêm chỉnh. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nói: “Đúng ra, doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, song hiện nay, việc kiểm định công tơ mét ở từng xe vẫn chỉ là hình thức. Có hay không kiểm định thì sau đó lái xe, nếu muốn vẫn tính sai được” . Nhiều lái xe còn có thủ đoạn tắt công tơ mét, tắt thiết bị liên lạc vô tuyến với trung tâm điều hành, khi nhân viên điều hành xe hỏi tới thì họ sẵn sàng trả lời là đang ngủ cho đỡ mệt, tất nhiên rất có thể lúc đó khách hàng quen dược đi xe giảm giá, và tất nhiên hãng xe không được đồng nào!
Công tác tuyển dụng lái xe taxi còn tuỳ tiện. Một số lái xe có trình độ văn hóa thấp, sức khoẻ không đảm bảo, có hãng qua kiểm tra phát hiện 1/3 lái xe có sử dụng ma tuý. Đến gần đây, việc thi lấy bằng lái taxi còn khá dễ, nên chuyện lái xe phóng nhanh vượt ẩu ngoài đường khá phổ biến. Bây giờ đi đường, nhiều người phải để ý tránh taxi như tránh xe công nông mấy năm trước vậy. Đã có hiện tượng, lái xe taxi vay tiền khách hàng không được thì hành hung, hoặc tham gia vận chuyển ma tuý như ở hãng taxi T.H. Nếu không phải là người hay đi taxi, khi sắp sửa xuống xe, bạn dễ bị bất ngờ khi bị yêu cầu trả một khoản tiền nhiều hơn dự tính –  lái xe hầu như không bao giờ thông báo cho khách biết giá cước của xe. Phía trong nhiều taxi cũng có dán một bảng niêm yết giá, nhưng chữ nhỏ một cách “ khiêm tốn”, thường phải nhìn kỹ mới thấy. Nếu được hỏi, lái xe sẽ nói ngay với “thượng đế”  là yên tâm, vì xe có đồng hồ ta-xi-mét, giá do hãng quy định!
Có lẽ vì nhiều nhiêu khê như thế, nên khá nhiều người dân cho biết, chỉ dùng đến taxi như là phương tiện giao thông cuối cùng, khi thời tiết quá xấu hay không thể sử dụng các phương tiện giao thông khác (như xe buýt hay xe máy chẳng hạn). Giá cước taxi hiện nay nhiều người cho là vô lý, có lẽ vì nó còn cao hơn so với mức sống của đa số người dân thành phố.
Tài xe taxi tải tận tình với khách hàng hơn, ví dụ như một số lái xe của hãng Hưng Thịnh luôn thông báo giá cước tính theo cây số ngay từ đầu cho khách hàng. Taxi tải cũng tỏ ra thực sự đắc dụng, vì nhiều trường hợp, không có loại phương tiện nào khác tỏ ra thích hợp hơn nó.
Để có hoạt động kinh doanh taxi hoạt động theo hướng lành mạnh hơn, cần có các biện pháp quản lý thích hợp hơn đối với các loại hình taxi. Các biện pháp quản lý sẽ khả thi nếu theo hướng chặt chẽ, hợp lý hợp tình hơn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp taxi quản lý tốt nhân viên của họ. Kịp thời phát hiện những trường hợp lái xe nghiện chích ma tuý, tự ý chỉnh sửa đồng hồ ta-xi-mét, bắt chẹt khách hàng để tước bằng lái, buộc người vi phạm thôi việc. Thành phố Hà Nội và Sở GTCC cũng cần tạo điều kiện về bến bãi, điểm đỗ cho các doanh nghiệp taxi như: Giảm giá trông xe, giảm phí thuê tần số để sử dụng hay cho phép các hãng “ trả chậm”  phí sử dụng tần số... Trong một vài năm tới, khi mà lượng xe buýt, xe điện chưa đủ để đáp ứng giao thông công cộng của Hà Nội, giải pháp tháo gỡ ùn tắc giao thông bằng cách hạn chế taxi như có đề xuất mới đây (bắt buộc xe chở phải đủ 4 người mới được vào trung tâm thành phố...) là không thấu đáo và phi thực tế.
Nếu không tự thay đổi cách thức kinh doanh, sẽ có nhiều hãng taxi sập tiệm trong vài năm tới, khi mà người dân quay sang với các phương tiện giao thông công cộng rẻ tiền mà an toàn hơn như xe buýt và xe điện. Tới lúc đó, tâm lý coi việc sử dụng taxi là “ sang”  còn phổ biến ở nhiều nơi hiện nay chắc cũng đã thay đổi.

  • Tags: