Để hoạt động khuyến công thúc đẩy hơn nữa công nghiệp nông thôn

“Chỉ cho người nông dân thấy con cá, mà không đưa cần câu” Do tính chất bức xúc của sự phát triển công nghiệp nông thôn, cả nước đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hoạt động kh

Các địa phương đã giành một phần ngân sách lập Quỹ Khuyến công, nhằm hỗ trợ cho hoạt động truyền, nhân cấy nghề và đào tạo nghề; khôi phục phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống; xây dựng các cụm, điểm công nghiệp, hỗ trợ vốn đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng cao, bồi dưỡng kiến thức quản lý cho chủ doanh nghiệp, hỗ trợ lập dự án khởi nghiệp, tìm kiếm thị trường, tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin....

Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động này còn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết giữa các địa phương và đặc biệt là chưa có sự chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương. Do vậy, chưa động viên và huy động được mọi nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp ở nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch  phát triển công nghiệp của cả nước và từng địa phương. Bên cạnh đó, cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ khuyến công còn đơn giản, chưa có hướng dẫn thống nhất như các quỹ tài chính khác. Nguồn vốn lập quỹ khuyến công còn hạn chế, hình thức hỗ trợ còn đơn giản, chưa đa dạng các hình thức hỗ trợ, vì vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn và thu hút các nguồn vốn đầu tư khác của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Đặc biệt là lực lượng lao động cho công nghiệp nông thôn chủ yếu là vừa học vừa làm, chưa qua đào tạo, trình độ văn hoá và tay nghề còn thấp. Tại nhiều địa phương, công nghiệp nông thôn chưa vượt qua cái ngưỡng “ngành nghề phụ”.

Hơn nữa, tỷ lệ sử dụng kinh phí khuyến công cho các dự án nâng cao năng lực quản lý kinh doanh (tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại...) chưa cao, điều này bắt nguồn từ nguyên nhân chính là chưa quan tâm đến việc hình thành và sử dụng các tổ chức dịch vụ khuyến công như tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác có liên quan đến đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn. Vì vậy, theo ông Nguyễn Doanh Châu, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn mới chỉ dừng ở việc “chỉ cho người nông dân con cá, mà chưa đưa cho họ chiếc cần câu”.

Một trong những yếu tố tạo nên sự thần kỳ của nền kinh tế các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc.. là chính sách phát triển công nghiệp nông thôn. Trung Quốc với chính sách phát triển doanh nghiệp hương trấn từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, các nước khác có chính sách phát triển công nghiệp vừa và nhỏ. Kinh nghiệm cho thấy, nông nghiệp giúp cho đất nước ổn định về kinh tế- xã hội nhưng sau khi ổn định, muốn đất nước phát triển, giầu có thì phải chuyển sang phát triển công nghiệp, trong đó vai trò không thể thiếu được của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc tạo môi trường, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp.

Khuyến công nghĩa là khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Hoàng Long, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương. Theo ông, hoạt động khuyến công phải bao gồm đầy đủ 3 yếu tố: khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ để phát triển công nghiệp nông thôn. Làm đủ 3 yếu tố này, người nông dân lúc đó mới có “cần câu”.

Hiện, mới có hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn bằng việc trích một phần ngân sách địa phương lập quỹ hỗ trợ các hoạt động này, song giá trị những quỹ khuyến công đó rất nhỏ, chỉ khoảng 200- 300 triệu đồng, trong khi nhu cầu thực tế của các địa phương luôn rất lớn. Để thay đổi tình hình, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, nhằm tạo khung pháp lý và sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương đối với hoạt động khuyến công và quỹ khuyến công. Bên cạnh đó, toàn ngành Công nghiệp cần khẩn trương hình thành, kiện toàn các tổ chức làm công tác khuyến công và Quỹ khuyến công từ trung ương đến địa phương, nhằm ưu tiên tập trung cao hơn về vốn, công nghệ và con người cho hoạt động này theo những nội dung cơ bản sau:

- Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng và đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng, lãnh thổ và địa phương.

- Hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

- Hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

- Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề.

- Hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh và tổ chức triển lãm, hội chợ và giới thiệu sản phẩm.

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ mới do Liên Bộ Công nghiệp và Bộ Nội vụ ban hành, các Sở Công nghiệp cần củng cố kiện toàn các bộ phận nghiệp vụ, giúp Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, đồng thời xây dựng đề án trình UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm khuyến công thuộc Sở để thực hiện các hoạt động khuyến công tại địa phương.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khuyến công, tổ chức hoạt động tư vấn giúp đỡ cơ sở công nghiệp nông thôn theo quy định của pháp luật, để thực hiện các nội dụng của hoạt động khuyến công và tạo điều kiện cho các tổ chức này được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, được tham gia vào các chương trình, kế hoạch, dự án khuyến công do Nhà nước tổ chức, thông qua hợp đồng với các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công.

Khuyến khích các tổ chức cá nhân, nhất là các tổ chức nghiên cứu khoa học- đào tạo, tổ chức các trung tâm tư vấn, giúp đỡ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhận chuyển giao để nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ truyền thống và áp dụng phương pháp công nghệ mới, chế tạo sản phẩm mới, lập dự án đầu tư, đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề, hoặc tổ chức dịch vụ khuyến công nhằm cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật, công nghệ, thị trường, khuyến khích, hướng dẫn sản xuất công nghiệp nông thôn./.

  • Tags: