Ông Phùng Hà - Chuyên viên Vụ Quản lý công nghệ và chất lượng sản phẩm – Bộ Công nghiệp
Năm 2002, Nhà nước đã cắt toàn bộ phần hỗ trợ quĩ lương của các viện nghiên cứu thuộc Tổng công ty. Trước tình hình trên, để tồn tại, các viện nghiên cứu thuộc các Tổng công ty phải gắn các hoạt động của mình với thị trường, thông qua việc ký kết các hợp đồng sản xuất, gia công... giống như một doanh nghiệp. Tại Viện Hóa học công nghiệp, do đã có một số mặt hàng truyền thống như thuốc tuyển VH2000, extrat bồ kết, sơn, dầu phanh... đã được thị trường chấp nhận từ trước, nên tình hình cũng đỡ “căng thẳng” hơn một vài viện nghiên cứu khác mà từ trước đến nay vẫn dựa vào việc chỉ quen nghiên cứu các đề tài do Nhà nước cấp kinh phí. Ngoài một số sản phẩm như đã nói ở trên, Viện Hóa học công nghiệp cũng tham gia thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học – công nghệ của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, của Bộ Công nghiệp và thắng thầu một số đề tài độc lập cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Việc để các viện nghiên cứu tự hạch toán độc lập cũng có ưu điểm là giúp các viện nghiên cứu gắn các đề tài nghiên cứu với thực tế sản xuất, đưa nhanh các tiến bộ KHKT vào cuộc sống. Tuy nhiên, mô hình này cũng có những mặt hạn chế nhất định. Khi chỉ chú tâm vào sản xuất, các cán bộ nghiên cứu sẽ mai một trình độ, ít tập trung nghiên cứu những vấn đề khoa học đòi hỏi hàm lượng khoa học tương đối cao. Ngoài ra, thiết bị, cơ sở vật chất sẽ ít hoặc hầu như không được bổ sung, nâng cấp. Chính vì thế, một sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu và ứng dụng là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Cảnh Nam- Phó viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ: "Cần một sự đầu tư đúng đắn hơn nữa giành cho Viện nghiên cứu cũng như các nhà khoa học"
Theo tôi, trực thuộc Bộ hay ngành của một viện nghiên cứu chỉ là vấn đề về mặt hành chính, còn nhiệm vụ của nó đều như nhau, đó là làm sao để kết quả nghiên cứu được đưa vào áp dụng trong sản xuất. Chúng ta không nên đồng nhất việc trực thuộc đó thành cơ chế. Sự ra đời và tồn tại của bất kỳ một viện nghiên cứu nào cũng đều xuất phát từ nhu cầu sản xuất của ngành đó, khi không cần thì bỏ, còn nếu vẫn cần đến nó thì phải có trách nhiệm với nó. Theo tôi có một số vấn đề cần quan tâm để phát triển các viện nghiên cứu trong tình hình hiện nay, đó là: Nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất ban đầu như trụ sở, phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu… vì rõ ràng, việc các viện tự bỏ tiền ra làm việc này là không thể. Ngoài ra, một trong những việc quan trọng nhất là cần phải quan tâm đến chế độ chính sách cho các nhà khoa học công tác tại các viện, nếu như muốn họ thực sự có tâm huyết, say mê với công việc. Chúng tôi vẫn nói đùa về tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong" của các “Viện sĩ” giống như ví von kiểu nghệ sĩ "chạy sô". Chúng tôi không thể yên tâm theo đuổi việc nghiên cứu các đề tài "dài hơi" quá nhiều năm, trong khi gánh nặng cơm áo vẫn phải hàng ngày đối mặt. Ngoài ra, để giúp các viện có thêm năng lực và vị thế, Nhà nước cũng nên tạo ra một thị trường khoa học công nghệ, cạnh tranh lành mạnh trong cơ chế tham gia đấu thầu công trình khoa học. Cuối cùng, trong thời đại của thông tin "sáng mới chiều cũ" như hiện nay, Nhà nước cũng như các cơ quan chủ quản của các viện nên quan tâm đến việc đào tạo lại, bổ sung những kiến thức đã trở nên quá lỗi thời cho các nhà khoa học chúng tôi. Muốn làm được như vậy, cần phải có kinh phí đào tạo. Và có làm được như vậy thì các viện mới có thể phát huy vai trò của mình trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu.
Bà Nguyễn Thị Thu Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam.
Hướng để cho các viện nghiên cứu chuyển dần sang hạch toán độc lập là vấn đề cần thiết, vì từ đó các đề tài sẽ gắn với thực tế hơn, phát huy hiệu quả trong sản xuất. Tuy nhiên, để chuẩn bị đến bước đó cũng cần tính đến những khó khăn mà các đơn vị này phải đương đầu. Mỗi viện thường có hai mảng hoạt động chính là nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Về nghiên cứu, những năm gần đây, các đề tài đã tương đối bám sát thực tế, nhưng vì thời gian cho các đề tài thực hiện ngắn, thường là một năm, nên sau khi bảo vệ xong, chưa chuyển giao được cho doanh nghiệp. Do tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp mà khả năng chi trả cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học là hạn chế. Thường các cán bộ khoa học của các viện, sau khi làm công tác chuyển giao không thu đủ kinh phí đã trang trải cho hoạt động này. Như vậy, nếu chuyển cơ chế cho các viện thì cần xem xét kỹ về nguồn thu để có khả năng tự trang trải.
Các viện nghiên cứu hiện nay có sự phân biệt trong việc cấp phát kinh phí, đầu tư và đào tạo nên khi chuyển cơ chế thì một số viện trong thời gian qua không được đầu tư sẽ bị thiệt thòi về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực khoa học công nghệ.
Việc quản lý các viện nghiên cứu cũng cần thống nhất theo ngành dọc. Các cơ quan này phải chuyên về quản lý khoa học công nghệ mới phát huy và khai thác hết tiềm năng khoa học công nghệ của các cơ sở nghiên cứu để phục vụ sản xuất, nhất là trong thời kỳ các nước trên thế giới bắt đầu chuyển hướng sang nền kinh tế tri thức.
Ông Nguyễn Hữu Cung – Phó viện trưởng Nghiên cứu Da-Giầy: “Dù thuộc Bộ hay thuộc ngành thì nhiệm vụ chính của Viện Nghiên cứu như chúng tôi là làm sao để ngày càng có nhiều các công trình khoa học có khả năng ứng dụng tốt, vào thực tiễn sản xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành”
Trong thời gian qua, mối quan hệ của Viện Nghiên cứu Da-Giầy với Tổng công ty có phần lơi lỏng, do công tác nghiên cứu của Viện chưa đáp ứng được yêu cầu của Tổng công ty. Ngược lại, Tổng công ty cũng để Viện từ “tìm kiếm” các đề tài nghiên cứu cũng như các hoạt động dịch vụ có thu khác, miễn sao Viện vẫn tồn tại và hoạt động như các đơn vị khác của Tổng công ty. Do vậy, cơ chế, chính sách tiền lương và mức lương của Viện không khuyến khích người tài, không thu hút được người làm công tác nghiên cứu giỏi vào làm việc tại Viện.
Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện nay, với những sự thay đổi quan trngj của ngành Da-Giầy, Viện Nghiên cứu Da-Giầy không còn thuộc sự quản lý của Tổng công ty Da-Giầy nữa, mà do Bộ Công nghiệp trực tiếp quản lý như một đơn vị sản xuất, kinh doanh độc lập. Theo tôi, ở góc độ của một viện nghiên cứu, đây là một chủ trương đúng đắn, tạo sự thuận tiện cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng của các viện khi đó sẽ tương đương như một xí nghiệp, nhưng là xí nghiệp chuyên nghiên cứu. Nhưng tính đến thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa thấy có một quy định cụ thể nào của Bộ về việc này. Tôi cho rằng, Ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ cần giúp Bộ xây dựng để ban hành một cơ chế hoạt động của Viện Nghiên cứu Khoa học trực thuộc Bộ./.