PV: Hiện nay, khái niệm về rào cản kỹ thuật còn có sự nhận thức khác nhau. Thực tế rào cản kỹ thuật là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội trong kinh doanh và thương mại quốc tế. Xin Ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này.
Ông Cao Quốc Hưng: Rào cản kỹ thuật trong thương mại là những quy định ngoài thuế quan, hay một chính sách phân biệt nào đó mà một nước hay một vùng lãnh thổ áp dụng, với mục đích hạn chế hoặc ngăn cản thương mại quốc tế. Nó bao gồm tất cả các biện pháp được thực hiện ở biên giới, nhằm hạn chế việc hàng hóa nước khác thâm nhập vào thị trường và các thủ tục này tạo thuận lợi cho hàng hóa trong nước như một hình thức bảo hộ. Các rào cản kỹ thuật trong thương mại được chia thành nhiều loại:
- Các biện pháp bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của con người: Những tiêu chuẩn được đặt ra để bảo vệ an toàn và sức khoẻ của cá nhân như các tiêu chuẩn về thiết bị điện, hoặc các quy định về sử dụng các vật liệu chậm cháy trong sản xuất đồ gỗ gia dụng (như ghế sô pha hoặc ghế tựa); Các quy định về chất lượng sản phẩm thực phẩm, đồ uống và thuốc lá (ví dụ các yêu cầu không sử dụng các nguyên liệu gây nguy hiểm để sản xuất sản phẩm, ghi nhãn chính xác về hàm lượng, trọng lượng và con số đo lường chính xác v.v...). Trong trường hợp sản phẩm thuốc lá, còn phải in bên cạnh bao “hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ”.
- Các biện pháp bảo vệ sự sống, sức khỏe của động vật và thực vật: Mỗi quốc gia có thể nghiên cứu và đưa vào áp dụng ngay các biện pháp để bảo vệ các loài sinh vật nguy hiểm, hoặc để bảo vệ các loài cây quý hiếm. Do đó, ở một số nước, các sản phẩm từ một số loài thủy sản nhất định được bảo vệ (ví dụ cá voi, một số loài cá). Đặc biệt, ở một số nước phát triển, việc buôn bán các sản phẩm từ một số động vật cũng có những quy định cụ thể, như ngà voi hoặc dược phẩm lấy từ động vật cũng bị cấm.
- Các biện pháp bảo vệ môi trường: Bao gồm các yêu cầu về khí thải từ xe ôtô, các biện pháp an toàn về vận chuyển các nguyên liệu gây nguy hiểm và việc tạo ra các nguyên liệu gây hại cho môi trường như chlorofluorocarbon (CFC’s). Các nước công nghiệp tiên tiến cũng ngày càng quan tâm đến các vấn đề về môi trường, liên quan đến phế thải và yêu cầu cần tái chế, điều này dẫn đến việc tăng chi phí của các nhà sản xuất.
- Các qui định để bảo vệ công chúng, người tiêu dùng hoặc để cung cấp dữ liệu phục vụ cho việc kiểm soát chất lượng, như các thông số ghi trên nhãn mác sản phẩm, các quy định về chất lượng của sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Hiệp định rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng định nghĩa một số khái niệm liên quan như sau:
Quy định kỹ thuật: Là những quy định về đặc tính của sản phẩm hoặc quy trình và các phương pháp sản xuất chế biến sản phẩm có ảnh hưởng tới đặc tính của sản phẩm, bao gồm tất cả hoặc chỉ liên quan riêng đến thuật ngữ chuyên môn, các biểu tượng, yêu cầu về bao vì, mã hiệu hoặc ghi nhãn, được áp dụng cho một sản phẩm, quy trình hoặc phương pháp sản xuất. Các quy định kỹ thuật mang tính pháp lý và việc tuân thủ là bắt buộc.
Các tiêu chuẩn: Là tài liệu do các tổ chức được công nhận có thẩm quyền ban hành. Đó là các quy tắc, hướng dẫn hoặc đặc tính của sản phẩm; các quy trình và phương pháp sản xuất sản phẩm đó, tuy nhiên việc thực thi là không bắt buộc. Nó cũng có thể bao gồm tất cả hoặc chỉ liên quan đến một trong các yếu tố như: thuật ngữ chuyên môn, biểu tượng, yêu cầu về bao bì, mã hiệu hoặc ghi nhãn, được áp dụng cho một sản phẩm, quy trình hoặc phương pháp sản xuất.
Các thủ tục đánh giá sự tuân thủ: Là bất cứ thủ tục nào áp dụng trực tiếp hoặc gián tiếp, để xác định xem các yêu cầu có liên quan trong các qui định kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn có được thực hiện hay không. Các thủ tục này bao gồm các thủ tục về chọn mẫu, thử nghiệm và kiểm tra, đánh giá, thẩm định và đảm bảo phù hợp; Đăng ký, công nhận và chấp nhận hoặc là sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu liên quan đến hàng công nghiệp, nguyên liệu thô và đầu vào của ngành nông nghiệp.
PV: Thưa Ông, nguyên nhân nào tạo nên những rào cản đối với các sản phẩm công nghiệp trong quá trình hội nhập và để tháo gỡ những rào cản này, các doanh nghiệp đã có những giải pháp nào trước mắt cũng như lâu dài?
Ông Cao Quốc Hưng: Hiện nay, khó khăn lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp nói riêng khi tham gia vào các thị trường quốc tế là các nước ngày càng có xu hướng ít sử dụng những biện pháp bảo hộ mang tính lộ liễu như áp đặt lệnh cấm, hạn chế số lượng hoặc áp đặt thuế suất nhập khẩu cao. Thay vào đó, các biện pháp bảo hộ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các vấn đề về môi trường được lồng vào với những lý do chính đáng. Nhiều quốc gia coi tiêu chuẩn quốc gia là tiêu chuẩn bắt buộc, phải tuân thủ đối với hàng hóa nhập khẩu. Các nước có trình độ công nghệ cao thường có xu hướng đưa các yêu cầu kỹ thuật cao vào tiêu chuẩn quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam với trình độ công nghệ thấp sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, đặc biệt là các nước Trung Quốc, ấn Độ và các nước ASEAN, là những nước sản xuất nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh với hàng công nghiệp Việt Nam và có trình độ phát triển khoa học, công nghệ cao hơn so với chúng ta.
Như vậy, nếu một nước áp đặt một quy định hoặc một tiêu chuẩn lên một sản phẩm cá biệt, thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể ở vào thế bất lợi, do phải cải tiến sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn này. Do vậy, doanh nghiệp phải mất thêm nhiều chi phí cho nghiên cứu và đầu tư thêm dây chuyền sản xuất. Ví dụ, đối với doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện, đây là một mặt hàng không khó sản xuất. Tuy nhiên, nếu muốn xuất khẩu, doanh nghiệp phải nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường xuất khẩu khác nhau, vì mỗi nước đều có các tiêu chuẩn và quy định khác nhau về: vật liệu cách điện có thể dùng được, tính chất cháy của vật liệu cách điện, độ dày của lớp cách điện, khả năng thấm nước, độ mềm dẻo... Đối với các nước đang phát triển nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nói riêng, việc tìm ra các yêu cầu về quy định kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu, nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất phù hợp với các quy định này và cung cấp sản phẩm thực sự đáp ứng được các quy định của thị trường toàn cầu là rất mất thời gian và tốn thêm nhiều chi phí. Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ có thể chọn một hoặc hai thị trường chính và sản xuất các sản phẩm của mình phù hợp với các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của những thị trường đã chọn lựa đó.
Một nguyên nhân nữa góp phần tạo nên các rào cản đối với các sản phẩm công nghiệp, đó là sự hạn chế trong việc cập nhật các quy định về tiêu chuẩn mới thay đổi ở những nước mà doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu.
PV: Theo Ông, các doanh nghiệp phải có những giải pháp gì để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của mình?
Ông Cao Quốc Hưng: Nhìn chung, hệ thống các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật của Việt Nam còn nhiều hạn chế do tính không đồng bộ, tương thích của các tiêu chuẩn hiện hành và thiếu các qui định kỹ thuật, hướng dẫn, áp dụng... Khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, do tính chất tự nguyện áp dụng của các tiêu chuẩn quốc gia, thì các quy định kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hóa sẽ là điều kiện, vũ khí để các nhà sản xuất bảo vệ sản phẩm của mình. Từ những yêu cầu này, các doanh nghiệp cần cân nhắc trong việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật sao cho phù hợp và đáp ứng được các điều kiện của những thị trường xuất khẩu. Để việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật không trở thành thách thức đối với các nhà sản xuất trong nước, các doanh nghiệp cần điều tra kỹ về điều kiện sản xuất, mặt bằng công nghệ và trình độ của các ngành hàng sản phẩm công nghiệp, để đưa ra được mức tiêu chuẩn, quy định phù hợp, mang tính khuyến khích các nhà sản xuất nâng cấp công nghệ, nâng cao chất lượng. Công tác điều tra cũng cho phép xác định chính xác lộ trình nâng cao hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm công nghiệp.
Việc từng bước tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cũng tạo cho các doanh nghiệp nội địa sức ép phải cải tiến, nâng cao trình độ quản lý, công nghệ, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường mới cho sản phẩm công nghiệp Việt Nam. Hiện nay, hầu hết các nước trong ASEAN đã chấp nhận hình thức chuyển dịch tiêu chuẩn quốc tế (ISO) thành tiêu chuẩn quốc gia.
Các doanh nghiệp công nghiệp cũng cần chú trọng đến việc tăng cường áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng sản phẩm và môi trường tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên thành lập quỹ để xử lý vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng nên coi trọng việc đăng ký sở hữu trí tuệ bản quyền và thương hiệu cho các sản phẩm của mình trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp
TCCT
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực và xu hướng toàn cầu hóa, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành Công nghiệp nói riêng đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật