Tại kỳ họp thứ II, Quốc hội khoá XI đã thông qua Nghị quyết số 13/2002 quyết định lựa chọn địa điểm xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La và giao cho Chính phủ quyết định phê duyệt mức nước dâng bình thường cụ thể và quy mô công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối và hiệu quả kinh tế tổng hợp trên cơ sở 3 nhiệm vụ, 5 yêu cầu đã nêu trong Nghị quyết số 44 của Quốc hội khoá X về “Quyết định chủ trương đầu tư Dự án thuỷ điện Sơn La”.
Những thông tin chủ yếu về Thuỷ điện Sơn La
Theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì trên dòng chính sông Đà sẽ hình thành 3 bậc thang thuỷ điện là Hoà Bình (115 mét), Sơn La (205 - 215 mét ở tuyến Pa Vinh 2), Lai Châu (295 mét) và trên nhánh Nậm Mu có hai bậc là Bản Chát, Huội Quảng. Nhà máy Thuỷ điện Sơn La được xây dựng tại xã ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La có tổng dung tích phòng lũ là 9,26 tỷ m3, dung tích hữu ích là 6,5 tỷ m3, công suất lắp máy 2.400 MW, gồm 6 tổ máy, điện lượng trung bình năm là 9,429 tỷ kWh. Tuyến đập có chiều cao lớn nhất là 138,1 mét, chiều dài theo đỉnh là 1.043,75 mét. Theo dự toán ban đầu, dự án có số vốn đầu tư là 36.790 tỷ đồng, nếu tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng sẽ vào khoảng gần 43.000 tỷ đồng. Trong đó, có gần 20.000 tỷ đồng dành cho các hạng mục công trình chính; hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống lưới điện; khoảng 9.000 tỷ đồng cho các công trình giao thông; gần 12.000 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư… Toàn bộ nguồn vốn cho dự án sẽ được huy động từ trong nước (70%) và nước ngoài (30%).
Khối lượng thi công công trình gồm đào hơn 16,6 triệu m3 đá, xúc và vận chuyển gần 20 triệu m3 đất đá, đầm gần 2 triệu m3 đất nền (năm cao điểm lên tới hơn 6 triệu m3 đất đá đào, hơn 7 triệu m3 đất đá vận chuyển); đổ gần 6 triệu m3 bê tông các loại và lắp đặt hơn 115.000 tấn vật tư, thiết bị…. Theo tính toán của các cơ quan chức năng thì phương án Thuỷ điện Sơn La có mực nước dâng 215 mét sẽ phải di dời khoảng 19.000 hộ dân với 91.000 nhân khẩu đến định cư tại hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Trong số đó, có gần 12.500 hộ dân tỉnh Sơn La, khoảng 2.600 hộ dân thuộc tỉnh Lai Châu và gần 3.000 hộ dân tỉnh Điện Biên.
Theo kế hoạch dự kiến thì đến hết năm 2005, sẽ hoàn tất các hạng mục phụ trợ để khởi công ngăn sông đợt 1, phát điện tổ máy đầu tiên vào năm 2012 và hoàn thành kết thúc công trình vào năm 2015.
Mục tiêu kinh tế – xã hội
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La, ngay từ đầu năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành liên quan như: Xây dựng, Công nghiệp, Kế hoạch & Đầu tư, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN)… triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của mình. Trong đó, EVN có trách nhiệm thẩm tra và phê duyệt các nội dung và hạng mục công trình phục vụ khởi công. Theo các chuyên gia kinh tế thì việc rút ngắn thời gian xây dựng Nhà máy sớm hơn một năm so với dự kiến sẽ tăng thêm 9 tỷ kWh điện (x 6 cent) = 500 triệu USD. Cụ thể hơn, nếu trừ các chi phí quản lý, vận hành thì mỗi ngày, Thuỷ điện Sơn La cũng đem lợi về cho đất nước 1 triệu USD. Cái được nữa là khi công trình vào sớm sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển phụ tải, khắc phục tình trạng thiếu nguồn năng lượng như hiện nay. Vì vậy, EVN đã đề xuất phương án lên Chính phủ cho phép khởi công trong năm 2005, đưa vào vận hành tổ máy 1 và hoàn thành toàn bộ Nhà máy sớm hơn kế hoạch ban đầu. Để thực hiện được mục tiêu trên, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện Sơn La (thay mặt Tổng công ty Điện lực Việt Nam - chủ đầu tư); Tổng công ty Sông Đà (tổng thầu) và các thành viên trong liên danh tham gia xây dựng công trình gồm: Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Trường Sơn, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO I), Công ty Xây lắp điện 3 và Công ty Xây dựng Lũng Lô đã thống nhất tiến độ như sau: Quý 4-2005, đào đắp hơn 4 triệu m3 đất đá, đổ xong bê tông khu vực kênh dẫn dòng; lắp đặt hoàn chỉnh 4 hệ thống van thượng lưu và xa hơn sẽ phấn đấu đến quý 3-2008 lấp sông dẫn dòng; quý 4-2009 nút ba lỗ xả sâu; quý 4-2010 chạy tổ máy số 1 và quý 3-2012 hoàn thành 8 tổ máy.
Việc đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành công trình sớm hơn 3 năm theo kế hoạch đề ra không chỉ giúp cho các tỉnh Tây Bắc phân bố lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Giao thông thuỷ - bộ, đường điện, trường học, bệnh viện, bưu chính viễn thông, công trình văn hoá, mà còn giải quyết hàng loạt các vấn đề về xã hội như công ăn việc làm, xoá đói, giảm nghèo, nuôi trồng thuỷ hải sản, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Trong đó phải kể tới hàng vạn đồng bào các dân tộc sau khi di dời đến nơi ở mới đều có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, từng bước xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Đặc biệt, khi Thuỷ điện Sơn La được đưa vào vận hành, ngoài việc hằng năm cung cấp khoảng hơn 10,2 tỷ kWh điện lên lưới điện quốc gia phục vụ các địa phương trong cả nước phát triển kinh tế – xã hội, công trình còn góp phần chống lũ về mùa mưa, chống hạn trong mùa khô cho cả vùng đồng bằng Bắc bộ.
Những công việc chính đang triển khai
Theo ông Vũ Đức Thìn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Trưởng ban Quản lý Dự án Thuỷ điện Sơn La, ngay sau khi khởi công công trình, EVN đang khẩn trương phối hợp với Tổng công ty Sông Đà cùng với liên danh các nhà thầu xúc tiến ngay việc chuẩn bị chống lũ năm 2006, trong đó tập trung sức để đắp đê quai giai đoạn 2 và tổ chức lực lượng khoan phụt vữa nền đê quai phục vụ chống thấm phần móng công trình. Đồng thời, lựa chọn tư vấn nước ngoài giúp công tác thẩm định thiết kế, thủ tục xét thầu, cung cấp thiết bị, máy móc cũng như giám sát thi công công trình...
Đối với tỉnh Sơn La thì sau khi di chuyển khoảng hơn 1.200 hộ dân đến nơi ở mới, Tỉnh cũng đã và đang xúc tiến việc di dời toàn bộ số hộ dân hiện có nhà bị ngập dưới lòng hồ và đến năm 2008 phải thực hiện di chuyển xong số đồng bào tái định cư theo kế hoạch. Để đảm bảo quyền lợi cho đồng bào các dân tộc khi phải hy sinh đất đai, ruộng vườn cho xây dựng nhà máy thuỷ điện, các cấp lãnh đạo tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về giao đất, giao vườn, hỗ trợ vốn, hoàn thiện hệ thống điện, nước sinh hoạt, giúp bà con tái định cư nhanh chóng hoà nhập với nơi ở mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia phát triển các ngành nghề, dịch vụ du lịch, nâng cao nhận thức xã hội, từng bước xây dựng đời sống văn hoá tiến bộ.
Để thi công trong gần 10 năm ròng rã với một khối lượng công việc quá nặng nề, cũng như phải ngày đêm chiến đấu với cái nắng, cái rét trên núi rừng Tây Bắc, có thể lúc cao điểm, công trình sẽ tập trung tới hơn 1 vạn người nên đời sống tinh thần của các lực lượng thi công sẽ rất khó khăn. Vừa qua, một số cơ quan báo chí Trung ương và Bộ Công nghiệp đã khởi xướng cuộc vận động “Cả nước chung tay cùng Thuỷ điện Sơn La” và phối hợp với ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và các tổng công ty trực tiếp tham gia dự án kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước, tích cực ủng hộ về sức người, sức của trên tinh thần “đoàn kết, tương thân, tương ái”, giúp đỡ đồng bào tái định cư vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng đang trực tiếp thi công tại công trình. Hơn lúc nào hết, đã đến lúc, CBCNV ngành Công nghiệp hãy đi đầu trong cuộc vận động này để cùng “Cả nước vì Thuỷ điện Sơn La”.