Ngành Công nghiệp sẵn sàng hội nhập

Năm 2007 là năm các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 11/1/2007. Bước vào sân

Ông Nguyễn Bá Thi – Chủ tịch HĐQT TCT Bia-Rượu-NGK Sài Gòn: “Hội nhập sẽ giúp chúng ta hoàn thiện và phát triển”.

Gia nhập WTO, chúng ta sẽ phải đương đầu với những khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi nhất định. Riêng với ngành đồ uống, sự cạnh tranh sẽ rất rõ nét. Khi thuế nhập khẩu các mặt hàng đồ uống giảm, thì áp lực về cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết. Các hãng nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, hệ thống quản lý hiện đại và chiến lược chinh phục thị trường lâu dài sẽ đặt các nhà sản xuất trong nước trước nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tự hoàn thiện và phát triển trong cơ chế cạnh tranh lành mạnh. SABECO đã có chiến lược về thương hiệu, về thị trường, nguồn nhân lực để chủ động trong hội nhập, sẵn sàng hợp tác với các đối tác để phát triển SABECO thành một tổng công ty kinh doanh đa ngành nghề.

Ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam: “Trong môi trường lành mạnh, ngành Dệt May Việt Nam có đủ sức cạnh tranh và phát triển”.

Vào WTO, không cần ưu đãi, chỉ cần được đối xử bình đẳng cạnh tranh trong môi trường lành mạnh, ngành Dệt May Việt Nam có đủ sức cạnh tranh và phát triển bởi sẽ có 3 cái lợi: Xuất khẩu không bị khống chế quota; Một số thị trường đang đối xử phân biệt về thuế, sẽ đưa thuế nhập khẩu từ Việt Nam xuống bình thường; Được hưởng những lợi ích do môi trường đầu tư được cải thiện. Nhưng mặt khác, ngành Dệt May sẽ phải đối đầu với 3 thách thức: Một là, hàng rào bảo vệ thị trường nội địa bằng thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống tới mức thấp nhất; Hai là, sẽ có sự chuyển dịch lớn về lao động khi dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam; Ba là, các rào cản của nước ngoài sẽ được dựng lên, như các vấn đề về môi trường, chống bán phá giá… Hiện tại, một số nhà nhập khẩu lớn đã rút đơn hàng sang các nước khác, vì cho rằng, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro. Thêm vào đó, các nhà sản xuất trong nước cũng phải đối mặt với tình hình cạnh tranh gay gắt ở thị trường nội địa.

Do vậy, muốn giữ vững được vị trí như hiện nay thì ngành Dệt May cần phải cố gắng gấp đôi. Tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, đưa các doanh nghiệp vào hoạt động có hiệu quả, tiến tới xây dựng Tập đoàn Dệt May thành một tập đoàn đa sở hữu, có qui mô lớn hàng đầu khu vực không có vốn Nhà nước chi phối. Chúng ta sẽ đứng vững nếu biết liên kết thành một khối thống nhất và phát triển theo đúng định hướng, chiến lược đề ra.

ông Lê Xuân Hãn – Tổng giám đốc TCT Máy và TBCN: “Muốn cạnh tranh phải làm chủ được công nghệ”.

Việt Nam gia nhập WTO đặt các doanh nghiệp ngành Cơ khí vào tình thế phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập. Chúng ta sẽ phải bỏ quy định tỷ lệ nội địa hoá khi thực hiện các công trình công nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp Cơ khí sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với các đối tác nước ngoài. Để tạo được lợi thế cạnh tranh và phát triển, TCty Máy và Thiết bị công nghiệp nhận thức, phải làm chủ được công nghệ, bởi hiện nay giá thành chế tạo thiết bị cơ khí thấp hơn rất nhiều so với giá thiết bị nhập khẩu. Trước hết là đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và nâng cao trình độ cán bộ quản lý. Ngay từ giai đoạn 2001-2005, TCT đã tập trung vào đầu tư nâng cao năng lực sản xuất tại hầu hết các đơn vị thành viên. Trong đó, chú trọng đầu tư các thiết bị có khả năng gia công lớn để chế tạo các thiết bị toàn bộ thuộc loại siêu trường, siêu trọng; Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài có thực lực, trình độ để học hỏi kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực thiết kế công trình thiết bị toàn bộ, đặc biệt là các ngành giấy, xi măng và điện, phấn đấu đưa nhóm mặt hàng này trở thành mặt hàng truyền thống của TCT; Đồng thời, có hình thức thu hút nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về làm việc, tuyển dụng thêm nhiều kỹ sư trẻ và có chính sách đào tạo bằng kinh nghiệm thực tế tại các công trình mà TCT đang thực hiện.

ông Nguyễn Thanh Giang – Tổng giám đốc TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM): “Cần có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất”.

Chuẩn bị cho hội nhập, từ những năm trước đây, TCT đã quan tâm, mạnh dạn đầu tư, triển khai xây dựng các nhà máy mới, mở rộng công suất các nhà máy hiện có để sản xuất các loại động cơ có công suất lớn; các xe ôtô tải hạng trung, hạng nhẹ, máy kéo 4 bánh công suất lớn; Tăng sản lượng và đa dạng hoá các loại máy làm đất, máy chế biến sau thu hoạch, các dây chuyền chế biến thức ăn gia súc với quy mô ngày càng lớn, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng nhanh của kinh tế trang trại, nông nghiệp, ngư nghiệp và vận tải. Bên cạnh đó, TCT còn tăng cường sản xuất phụ tùng động cơ, phụ tùng xe máy chất lượng cao, cung cấp cho các liên doanh nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; Tham gia chế tạo các phụ kiện và thiết bị cho ngành điện, dầu khí, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, khai thác mỏ và cung cấp nước sạch…

Khó khăn lớn nhất của TCT hiện nay đó là, những áp lực cạnh tranh về giá từ các sản phẩm của Trung Quốc và hàng nhập khẩu từ  các nước ngoài. Đây cũng là bài toán nan giải mà TCT phải đối mặt… từ nhiều năm trước đây. Các sản phẩm của Trung Quốc do được trợ giá xuất khẩu hoặc được nhập lậu vào Việt Nam không rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến giá thành của các sản phẩm này thường thấp hơn nhiều so với sản phẩm của VEAM. Bên cạnh đó, sản phẩm của VEAM đa dạng, nhiều chủng loại, số lượng nhỏ, khó thực hiện chuyên môn hoá cao, khó đầu tư trang thiết bị. Khách hàng lại chủ yếu là nông dân, nên sức mua không cao và chịu ảnh hưởng của yếu tố thời vụ. Với những khó khăn kể trên, để thực hiện từng bước lộ trình hội nhập, TCT đề nghị Nhà nước cần xem xét và có bước đi phù hợp với trình độ và đặc thù ngành chế tạo máy động lực, máy nông nghiệp và phương tiện vận tải của Việt Nam. Trong đó, cần có các rào cản như nhiều nước trong khu vực hiện nay đang áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh từ các hãng lớn của nước ngoài trên thị trường nội địa. Ngoài ra, nhà nước cũng cần ban hành chính sách hỗ trợ nông dân lãi suất vay vốn mua máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế của bà con nông dân.

Ông Phùng Văn Hà - Giám đốc Nhà máy chế biến gỗ, thuộc Công ty Cổ phần An Khánh (Hải Phòng): “Các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau”.

Lợi ích của việc liên kết này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng được những đơn hàng lớn từ phía đối tác Mỹ, EU, mà còn giúp doanh nghiệp có điều kiện sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn, xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Nếu như trước đây, các doanh nghiệp ngành gỗ thường quen với các thị trường truyền thống mà không mở rộng thị trường, không liên kết với nhau, thì bây giờ không còn cách nào khác, các doanh nghiệp phải tự tìm kiếm, liên kết lại với nhau. Chúng tôi đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn và cả một số đơn vị ở Hà Nội để mình có thêm thế mạnh và có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Ông Bùi Văn Việt - Giám đốc Công ty Apatit Việt Nam: “Ngành Phân bón sẽ đối mặt với nhiều thách thức”.

Đối với những doanh nghiệp sản xuất phân bón, thách thức thứ nhất là khi hội nhập phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu phân bón từ 17,4% xuống còn 13,4%  (với phân bón là 5%) trong vòng 3 đến 5 năm tới. Như vậy, sự cạnh tranh trên thị trường phân bón sẽ quyết liệt hơn giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Tất nhiên, nông dân sẽ được dùng phân bón giá rẻ, được lựa chọn nhiều chủng loại phân bón hợp với đồng đất của họ, đưa lại năng suất cao. Nhưng về phía các nhà sản xuất phân bón trong nước thì tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận sẽ khó khăn thêm. Bởi vậy, Công ty đang chủ động “góp mỗi người một ngày lương” vào quỹ phát triển của Công ty để phòng khi có biến động xấu. Mặt khác, Công ty cũng có thêm đồng vốn để phát triển sản xuất trong điều kiện có thể.

Thách thức thứ hai là các doanh nghiệp sản xuất phân bón hiện nay thì hầu hết công nghệ đã cũ, chủ yếu từ thập niên 60,70, của thế kỷ trước. Cho nên, thiếu vốn đang là vấn đề thách thức lớn để các đơn vị có đủ điều kiện đầu tư thiết bị và công nghệ hiện đại.

Thách thức thứ ba là bộ máy quản lý còn cồng kềnh. Đến nay, Công ty Apatit Việt Nam đã nhiều lần tinh giảm biên chế (hiện còn 2.957 lao động) nhưng so với yêu cầu thì chưa phải là con số cuối cùng.

Thách thức thứ tư là rất cần sự hợp tác cả bề rộng lẫn chiều sâu của các nước có nền công nghiệp phân bón và hoá chất phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, CHLB Đức…Sự hợp tác này, ngoài ý nghĩa là đôi bên cùng có lợi, còn ý nghĩa nữa là các doanh nghiệp nhỏ đang thời kỳ phát triển như chúng tôi sẽ có cơ hội vượt lên “thoát nghèo” trong hội nhập kinh tế quốc tế. Riêng Apatít Việt Nam đáp ứng đủ quặng cho sản xuất, nhưng vận chuyển quặng từ Lào Cai về các nhà máy, nhất là Nhà máy DAP thì vô cùng khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Tòng - Tổng thư ký Hiệp hội Da Giầy Việt Nam: “Các doanh nghiệp cần tích lũy vốn, công nghệ hiện đại và có sự liên kết chặt chẽ với nhau”.

Tính cạnh tranh của ngành Da Giầy Việt Nam còn yếu do thiếu khả năng tự thiết kế mẫu mã, tự đảm bảo vật tư nguyên liệu trong nước, quy mô sản xuất chưa đủ lớn, điều kiện kinh tế và hạ tầng dịch vụ của Việt Nam còn nhiều hạn chế, giá thành, chi phí sản xuất cao. Vào WTO, bên cạnh việc xây dựng chiến lược đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định danh tiếng và uy tín của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần khẳng định vị thế của mình bằng việc tích lũy vốn, công nghệ hiện đại, có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng phát triển trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Hiệp hội và ngành Da Giầy sẽ có định hướng để các doanh nghiệp cơ cấu sắp xếp lại sản xuất – kinh doanh cho năng động, hiệu quả hơn, đồng thời, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực và phát huy các quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau và, với các đối tác tiềm năng, tổ chức các khoá tập huấn, hội thảo về kiến thức hội nhập để giúp các doanh nghiệp có chiến lược phát triển phù hợp.

Bà Phạm Thị Mùi - Phó Tổng Giám đốc TCty Thuốc lá Việt Nam: “Cần tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh thuốc lá trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới, môi trường cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn với những cơ hội và thách thức mới. Đối với ngành Thuốc lá, Nhà nước sẽ ban hành nhiều quy định pháp luật phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế và thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá..., theo hướng mở rộng các điều kiện kinh doanh và đầu tư. Mặt khác, Nhà nước cho phép nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt, đồng thời, vấn đề buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại được dự báo sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiêu thụ thuốc lá trong nước. Trước bối cảnh đó, Tổng công ty Thuốc lá VN đã chú trọng thực hiện các giải pháp sau: Từng bước sắp xếp, đổi mới mô hình quản lý tổ chức theo hướng năng động, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu thuốc lá điếu; nghiên cứu thay đổi kiểu dáng bao bì, mẫu mã, tạo ra những sản phẩm có hình thức đẹp, chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất các sản phẩm thuốc lá có hàm lượng tar và nicôtin thấp theo xu hướng chung của thế giới; chủ động chuẩn bị phương án sản phẩm, thị trường, từng bước điều chỉnh giá bán thuốc lá gắn với việc nâng cấp chất lượng đảm bảo hiệu quả theo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; hợp tác với các tập đoàn thuốc lá nước ngoài sản xuất các nhãn thuốc lá cao cấp tại Việt Nam để chủ động và tăng cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. 

Hiện nay, để tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp trong giai đoạn mới, Tổng Công ty xin kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan một số vấn đề sau: Hoàn thiện sửa đổi Nghị định 76/2001/NĐ-CP về hoạt động sản xuất - kinh doanh thuốc lá để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh thuốc lá trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Xem xét lộ trình phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam trong việc xây dựng Dự thảo Luật Phòng chống tác hại và kiểm soát thuốc lá, Quy định An toàn vệ sinh thuốc lá điếu liên quan đến in cảnh báo sức khỏe, quy định về ghi nhãn hàng hóa; Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá; Có chính sách hỗ trợ các đơn vị sản xuất thuốc lá gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của việc thay đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, nghiên cứu hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong công tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và ổn định việc phát triển nguyên liệu trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ô tô-Xe máy -Xe đạp Việt Nam: “Cần mạnh dạn đầu tư để có chất lượng sản phẩm ổn định”.

Sở dĩ có một số doanh nghiệp thời gian qua kinh doanh theo kiểu “chụp giật” một phần là do chính sách còn thiếu nhất quán, khiến họ không yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách nội địa hóa khiến các doanh nghiệp đổ xô vào việc làm khung sườn và hệ thống sơn, dẫn đến việc đầu tư không có chiều sâu. Những hạn chế này khi hội nhập sẽ bị triệt tiêu, chỉ còn sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Đơn vị nào làm ăn nghiêm túc, có chiến lược thì tồn tại, ngược lại sẽ phá sản. Trong bối cảnh hạ tầng như hiện nay, ngoài sự tồn tại của các loại xe máy cao cấp thì dòng xe giá rẻ cũng đang được các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng, nó sẽ đáp ứng tốt thị trường tiềm năng ở nông thôn.

Các chuyên gia thị trường cho rằng, hàng nhựa Việt Nam muốn giảm áp lực cạnh tranh của hàng nhựa Trung Quốc để tăng thị phần tại thị trường Mỹ cần phải chú ý nâng cao chất lượng và tính ổn định của chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã và chuyên nghiệp hóa dịch vụ theo hướng nhanh chóng, giao hàng đúng hạn với giá cả hợp lý. Các doanh nghiệp nhựa cần phải mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa sản xuất, chủ động liên minh, liên kết hợp tác với nhau dưới nhiều hình thức để nâng cao năng lực sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh nhằm không chỉ thỏa mãn nhu cầu sản phẩm và dịch vụ ở thị trường nội địa mà phải thoả mãn cả yêu cầu của người tiêu dùng Mỹ, cũng như các thị trường muốn vươn tới. Làm được điều này, chắc chắn các doanh nghiệp nhựa Việt Nam sẽ không còn lặp lại tình trạng bỏ lỡ quá nhiều cơ hội thực hiện các hợp đồng xuất khẩu hàng nhựa sang thị trường Mỹ với khối lượng lớn, giá trị cao.
  • Tags: