Nâng cao năng lực để hội nhập phát triển

Thành lập từ năm 1980, hoàn thành xây dựng và bắt đầu sản xuất từ năm 1987, Công ty Diesel Sông Công (DISOCO) đã một thời là niềm tự hào của ngành Cơ khí, bởi quy mô, tính đồng bộ và sản phẩm của nó.

                Ông Ngô Văn Tuyển, Giám đốc Công ty cho biết: Với nhiều thiết bị và công nghệ đặc biệt như máy búa 10T, máy đúc áp lực 1.100T, có đầy đủ các công đoạn sản xuất từ tạo phôi tới gia công cơ khí, là điều kiện cần thiết để có thể chế tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh trong điều kiện sản xuất thiếu sự chuyên môn hóa và quy mô nhỏ. Mặc dù quy mô đầu tư ban đầu của nhà máy khá lớn, nhưng sản lượng thiết kế chỉ đạt 2.100 động cơ D50L/năm. Một sản lượng chỉ tương đương không quá một tuần sản xuất ở những nhà sản xuất động cơ trung bình trên thế giới. Một mô hình rõ ràng không còn là ưu thế, mà trở thành gánh nặng khi hoạt động của doanh nghiệp lấy hiệu quả làm thước đo hàng đầu và nền kinh tế mở cửa lấy cạnh tranh làm động lực phát triển. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều có thể khắc phục được những điểm yếu đó. DISOCO đã chọn phương án đa dạng hóa sản phẩm, một phương án tưởng chừng đi ngược lại xu hướng chuyên môn hóa, nhưng thực tế chính là giải pháp khai thác năng lực tối đa ở từng công đoạn, từng bộ phận sản xuất. Chính vì vậy, hàng loạt sản phẩm mới của Công ty đã ra đời như các loại động cơ diesel nhỏ 6 – 16 mã lực, đồng thời hàng ngàn tấn linh kiện mỗi năm đã được cung cấp cho các đơn vị thành viên của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) để sản xuất nhiều loại động cơ khác. Sản phẩm của VEAM đã dần chiếm lại thị trường động cơ nhỏ, mà nhiều năm bị sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc lấn lướt, đặc biệt ở các thị trường đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Gần đây, các loại thiết bị cho nuôi trồng thuỷ sản mang thương hiệu DISOCO đã giành được sự tin cậy gần như tuyệt đối của người tiêu dùng.

                Mặc dù đã có những bước đi hợp lý và thành công trong thời gian qua, nhưng với một nhà máy và thiết bị công nghệ đã hơn 20 tuổi, công ty cần phải đầu tư để đổi mới công nghệ nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Ông Tuyển cho biết, trong thời gian qua, Công ty đã thực hiện đầu tư bổ sung để tận dụng và nâng cao năng lực sản xuất của các công đoạn sản xuất hiện có. Đồng thời, Công ty cũng tìm kiếm các cơ hội đầu tư có tính chất chuyên môn hóa để sản xuất hàng loạt các linh kiện có chất lượng cao của ngành ô tô, xe máy, phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với mô hình sản xuất hiện đại và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao. Đối với Dự án Cơ khí trọng điểm sản xuất động cơ diesel lớn 100 – 400 mã lực, đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai, Giám đốc Tuyển cho rằng, đây là niềm vui đối với những người tâm huyết trong ngành sản xuất động cơ diesel, nhưng điều trăn trở lớn nhất chính là đòi hỏi và mục tiêu cuối cùng của Dự án – Hiệu quả đầu tư. Khác với khi đầu tư Nhà máy Diesel Sông Công trước đây, sản phẩm đã được xác định đáp ứng nhu cầu cho toàn bộ thị trường máy kéo của cả nước. Một sản phẩm, một nhãn hiệu động cơ chỉ có thể chiếm 5 – 7% thị phần. Sản phẩm động cơ ô tô phải là sự lựa chọn của người tiêu dùng (nhà sản xuất ô tô và người sử dụng), không thể có sự chỉ định và áp đặt. Một quy mô sản xuất vài chục ngàn động cơ/năm không dễ giải quyết bài toán chất lượng, giá thành, hiệu quả kinh tế và yêu cầu nội địa hóa. Đành rằng chúng ta phải có những luật chơi chung mà mọi người đều phải chấp nhận. Chính vì vậy, việc triển khai Dự án đòi hỏi phải có những bước đi thích hợp và cẩn trọng, với mục tiêu hiệu quả là hàng đầu. Đấy cũng chính là điều kiện cần của quá trình hội nhập và phát triển.

  • Tags: