"Nghị định 134 đã mang đến "chiếc cần câu" cho người câu cá"

Nhằm tạo khung pháp lý và sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương đối với hoạt động khuyến công, ngày 9/6/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển côn

PV: Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ đã có tác động thế nào đối với việc khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Chính: Tôi còn nhớ trước đây, người ta vẫn so sánh một cách hình ảnh về hoạt động khuyến công là “chỉ cho người nông dân con cá mà chưa đưa cho họ chiếc cần câu”, có nghĩa là trước khi có Nghị định 134/2004/NĐ-CP, mọi hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu liên kết và chưa có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, Nghị định 134/2004/NĐ-CP ra đời đã chỉ đạo thống nhất công tác khuyến công trên phạm vi toàn quốc. Nó là công cụ và động lực để động viên và huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công. Tôi cho rằng, Nghị định này là một nỗ lực lớn của Chính phủ, trong đó phải kể đến việc đã quy định rõ danh mục các ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công, vì vậy, đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, trước hết là công nghiệp hóa nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Nghị định 134 còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh...

PV: Cái được chúng ta đã rõ. Vậy còn những cái chưa được? Theo ông, đâu là những khó khăn vướng mắc khi thực hiện Nghị định 134?

Ông Nguyễn Xuân Chính: Có thể nói rằng, Nghị định 134/2004/NĐ-CP đã mang đến “chiếc cần câu” cho người đi câu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định.

Thứ nhất, có sự chồng chéo, chưa thống nhất giữa Quyết định 132/2002/QĐ-TTg, Nghị định 134/2004/NĐ-CP và Nghị định 66/2006/NĐ-CP, trong khi đó, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện đồng bộ, nên chưa nhận được sự đồng thuận cao của các ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan tài chính, kế hoạch. Thứ hai, nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến công còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế (nguồn KPKC quốc gia năm 2005 được cấp 2,9%, năm 2006 được cấp 12,6% so với nhu cầu), do vậy, chưa tập trung được nguồn kinh phí hỗ trợ cho các dự án khuyến công có tầm ảnh hưởng lớn, có vai trò làm hạt nhân thúc đẩy, trong khi các thủ tục thanh toán, giải ngân theo quy định của Luật Ngân sách còn khá phức tạp, ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các đề án khuyến công. Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mới, kỹ thuật mới để nhân rộng cũng bị hạn chế, do hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình, trong khi vốn đầu tư của các doanh nghiệp cần hàng tỷ đồng... ở nhiều địa phương, kinh phí khuyến công của tỉnh được phân bổ trong kế hoạch giao vốn hàng năm cho huyện, thị, nên Sở Công nghiệp chưa thực hiện được nhiệm vụ quản lý sử dụng nguồn kinh phí khuyến công địa phương như quy định tại Nghị định số 134/2004/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 36/2005/BTC-BCN, trong khi hệ thống tổ chức khuyến công mới chỉ có ở cấp tỉnh, mà chưa có ở cấp huyện, cấp xã... nên hiệu quả các đề án khuyến công do các huyện, thị thực hiện chưa cao. Các trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, phần lớn mới được thành lập, cán bộ làm công tác khuyến công còn thiếu về số lượng (với mức biên chế bình quân ở các tỉnh miền Bắc là 5 người/trung tâm), lại không đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất (phần lớn các TT chưa có trụ sở làm việc chính thức), nên quá trình triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn còn gặp nhiều khó khăn.

PV: Được biết Hà Tây là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện công tác khuyến công, xin ông cho biết tình hình thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP ở Hà Tây?

Ông Nguyễn Xuân Chính: Hà Tây là tỉnh sớm quan tâm đến phát triển ngành nghề nông thôn, ngay từ năm 1999, chương trình khuyến công đã được thực hiện. Cùng thời gian Chính phủ ban hành Nghị định 134/2004/NĐ-CP thì Hà Tây cũng thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Trong những năm gần đây, công tác khuyến công tỉnh Hà Tây đã có sự chỉ đạo ngày càng cụ thể, sự tham gia ngày càng sâu rộng của các cấp, các ngành, các tổ chức và doanh nghiệp. Ngoài kinh phí hỗ trợ của Tỉnh và quốc gia, các huyện, thị xã, mặt trận, đoàn thể và các doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ tích cực cho các chương trình truyền nghề, nhân cấy nghề. Điều đó bước đầu khơi dậy sự năng động, sáng tạo của các lực lượng sản xuất CN-TTCN, tạo nên phong trào củng cố, khôi phục, phát triển làng nghề, làng có nghề rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn Tỉnh.

Gần đây, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành Nghị quyết số 26 ngày 29/6/2007 về phát triển kinh tế làng nghề giai đoạn 2007- 2010. Trên cơ sở đó, Tỉnh cũng đang triển khai quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn giai đoạn 2007- 2010 và định hướng đến năm 2015 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, Hà Tây có khoảng 400 làng nghề, 90% làng có nghề. Song song với quá trình phát triển các làng nghề mới, Hà Tây đang tiến hành Quy hoạch 10 dự án bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch là những dự án điểm, trên cơ sở có thể nhân rộng các mô hình phát triển các làng nghề trong giai đoạn tới.

Với những nỗ lực trong công tác khuyến công, nhiều làng thuần nông đã trở thành làng có nghề, làng có nghề trở thành làng nghề. Cho đến nay, trong Tỉnh đã có 1.180 làng có nghề, trong đó có 240 làng nghề được công nhận làng nghề theo tiêu chuẩn của Tỉnh; 31 nghệ nhân được công nhận. Công tác khuyến công đã góp phần đáng kể tăng trưởng kinh tế xã hội của Tỉnh. Giá trị sản lượng CN-TTCN của Tỉnh tăng bình quân trên 20% trong các năm gần đây (đưa giá trị sản xuất CN-TTCN tăng từ 7.225,7 tỷ đồng năm 2004 lên 10.070,7 tỷ năm 2006, chiếm tỷ 40% GDP toàn Tỉnh), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, trước hết là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn. Tỉnh Hà Tây đã được Bộ Công nghiệp (trước đây) đánh giá là một trong những tỉnh có nội dung hoạt động khuyến công phong phú và hiệu quả nhất cả nước, đặc biệt là chương trình truyền nghề, nhân cấy nghề.

PV: Theo ông, trong giai đoạn tới, để thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển hơn nữa, Chính phủ cần có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Xuân Chính: Tôi cho rằng, để thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới, Chính phủ cần chú trọng vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, tổ sản xuất đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề.

Thứ hai, về lao động, cần có chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi cho các làng nghề và sử dụng nghệ nhân, thợ giỏi vào công tác truyền nghề, nhân cấy nghề. Về nguyên liệu, Chính phủ cần tiến hành quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, để kịp thời cung ứng nguồn nguyên liệu CN-TTCN.

Thứ ba, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các làng nghề đã được công nhận đủ tiêu chuẩn làng nghề về vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để khuyến khích các làng nghề khác. Tăng cường huy động các nguồn vốn cho các hoạt động khuyến công để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương cho hoạt động khuyến công, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến công, tạo điều kiện để thu hút nhiều nguồn kinh phí trong và ngoài nước, mở rộng xây dựng trường dạy nghề để cung cấp lao động cho các làng nghề, có chính sách kết kết hợp giữa đào tạo, nhân cấy nghề với việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cuối cùng, Nhà nước cần có quy định cụ thể về mạng lưới khuyến công, từ cấp trung ương đến cơ sở, thường xuyên đào tạo nâng cao kiến thức, tập huấn các chế độ, chính sách mới cho các cán bộ thực hiện công tác khuyến công.

PV: Xin cám ơn ông!

  • Tags: