Để phục vụ cho việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, trong phạm vi bài này, xin giới thiệu một luận điểm rất cơ bản của Lê Nin về Nhà nước kiểu mới, Nhà nước XHCN. Đó là một Nhà nước mà theo Lê Nin“… Không còn là bộ máy ăn bám đứng trên quá trình sản xuất, mà biến thành một tổ chức trực tiếp thực hiện chức năng quản lý kinh tế trong nước” (1).
Trước hết, cần quan niệm Nhà nước kiểu mới là gì ? C.Mác và Ăng Ghen đã vạch rõ: “Nhà nước, tức là giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị” (2) và suốt cả thời kỳ quá độ lên CNXH “ Nhà nước không thể là cái gì khác hơn là chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” (3). Lê Nin cho rằng, Mác và Ăng Ghen đã nêu lên một trong những tư tưởng đặc sắc nhất và trọng yếu nhất của chủ nghĩa Mác. Vì theo Lê Nin, lý luận ấy của Mác và Ăng Ghen gắn liền với toàn bộ học thuyết của ông về vai trò lịch sử của giai cấp vô sản, thông qua chính Đảng cộng sản lãnh đạo. Trong khi nhấn mạnh bản chất giai cấp của Nhà nước là quyền lực chính trị của giai cấp vô sản thông qua Đảng Cộng sản lãnh đạo, Lê Nin còn phát triển luận điểm đó của Mác và Ăng Ghen về nhà nước kiểu mới, Nhà nước XHCN, nó “ không còn là bộ máy ăn bám đứng trên quá trình sản xuất” , mà biến thành “ một tổ chức trực tiếp thực hiện chức năng quản lý kinh tế” . Đó là vì, khi bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Lê Nin nhận thấy rằng: “ Ngày nay, nhiệm vụ quản lý đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm. Muốn quản lý được tốt mà chỉ biết thuyết phục, biết chiến thắng trong cuộc nội chiến mà thôi thì chưa đủ, còn cần phải biết tổ chức về mặt thực tiễn nữa. Trước kia, chúng ta chiến thắng bằng phương pháp trấn áp, thì sau này, chúng ta cũng có thể chiến thắng bằng phương pháp quản lý” . Và muốn quản lý được tốt thì phải có nghệ thuật. “Bất kỳ công tác quản lý nào cũng đòi hỏi phải có trình độ khoa học nhất định”. Và nghệ thuật quản lý không phải người ta bẩm sinh ra đã có mà phải trải qua kinh nghiệm mới đạt được. Thực tiễn trong công cuộc xây dựng CNXH đã chứng minh vai trò và hoạt động tổ chức quản lý kinh tế của Nhà nước XHCN không ngừng tăng lên và ngày càng mở rộng. Với chức năng mới – chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước XHCN, Lê Nin vạch rõ rằng: “ Cơ quan đặc biệt, bộ máy trấn áp đặc biệt của Nhà nước vẫn còn cần thiết, nhưng nó đã là “ Nhà nước quá độ” , mà không phải là Nhà nước theo nguyên nghĩa của nó nữa. Điều đó có nghĩa là chính quyền theo đúng nghĩa của nó là bạo lực có tổ chức của một giai cấp nhất định để trấn áp một giai cấp khác, thì bây giờ đây, Nhà nước kiểu mới, Nhà nước XHCN không chỉ là một cơ quan cai trị, mà còn là một cơ quan quản lý kinh tế, một bộ máy điều hành nền sản xuất xã hội. Do đó, Nhà nước kiểu mới này vừa là một công cụ bạo lực, vừa là một tổ chức trực tiếp thực hiện chức năng trung tâm là quản lý kinh tế. Còn Nhà nước thì còn chức năng chính trị, còn quyền lực chính trị, như Lê Nin đã dạy: Nhà nước là lĩnh vực thực hành cưỡng bức, chỉ có điên rồ mới từ bỏ cưỡng bức đối với những kẻ âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng.
Vận dụng luận điểm của Lê Nin về Nhà nước kiểu mới vào điều kiện nước ta, Đảng ta vẫn khẳng định: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Là Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, thực hiện theo đường lối, mục tiêu cách mạng và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Quyền lực Nhà nước là biểu hiện tập trung quyền lực của nhân dân. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất về mặt lập pháp; chính phủ là cơ quan hành chính tối cao của quốc gia; còn tòa án và viện kiểm sát trong tổ chức quyền lực thống nhất của Nhà nước, có sự phân công và phối hợp giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đảng ta còn chỉ rõ: “Nhà nước ấy vừa là một một tổ chức hành chính, một cơ quan, cưỡng chế, vừa là một tổ chức quản lý kinh tế, văn hóa, giáo dục, quản lý xã hội về mọi mặt”. Nhà nước kiểu mới ấy “Nằm ngay trong tổ chức kinh tế – xã hội, thâm nhập vào toàn bộ tổ chức kinh tế – xã hội, chứ không phải nằm trên hoặc bên lề tổ chức kinh tế – xã hội. Nó vận dụng mọi phương tiện hành chính và kinh tế, giáo dục và pháp chế, cưỡng bức và thuyết phục, tổ chức và tư tưởng để quản lý kinh tế, quản lý xã hội mọi mặt” (4).
Thực tiễn đã chứng minh trong hơn 15 năm thực hiện đường lối “ Đổi mới” theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước ta, vai trò và hoạt động tổ chức, quản lý kinh tế của Nhà nước không ngừng nâng cao và ngày càng mở rộng. Nhà nước pháp quyền Việt Nam không phải là một bộ máy, đứng trên quá trình sản xuất, mà là một tổ chức trực tiếp thực hiện chức năng quản lý kinh tế, thâm nhập vào tổ chức kinh tế để điều hành quản lý kinh tế, quản lý sản xuất, phân phối lưu thông, xuất nhập khẩu. Nói như vậy, tuyệt nhiên không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ chức năng bạo lực trấn áp đối với những kẻ chống phá sự nghiệp cách mạng, gây rối trật tự an toàn xã hội. Còn Nhà nước thì còn chức năng quyền lực, còn phải giữ vững bộ máy bạo lực, củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội để bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chúng ta không tự cho phép mình mất cảnh giác đối với những âm mưu “ diễn biến hòa bình” chống đối của chủ nghĩa đế quốc. Chúng ta phải có những công cụ bạo lực thật mạnh, thật sắc bén để giữ vững chủ quyền, bảo vệ độc lập, bảo vệ tổ quốc. Nhưng, vấn đề mới là do sự thay đổi từ phương thức sản xuất này sang phương thức sản xuất khác, một chức năng mới – chức năng quản lý kinh tế đã trở thành trung tâm của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cho nên, về mặt là cơ quan quản lý kinh tế, khi nói Nhà nước là một tổ chức kinh tế nằm trong tổ chức kinh tế để quản lý điều hành nền kinh tế, là để nhấn mạnh cơ cấu tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của những cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý điều hành kinh tế, chứ không phải nhập cục chức năng quản lý hành chính, quản lý kinh tế và phương thức hoạt động của những cơ quan Nhà nước không có chức năng trực tiếp quản lý kinh tế cũng giống như những cơ quan nhà nước có chức năng quản lý kinh tế. Mỗi cơ quan nhà nước có chức năng khác nhau, thì cơ cấu tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động cũng khác nhau.
Việc nêu rõ tính chất của bộ máy Nhà nước của ta “ vừa là một tổ chức hành chính, cưỡng chế, vừa là một tổ chức quản lý kinh tế, văn hóa, giáo dục, quản lý xã hội về mọi mặt” … là điều có ý nghĩa quan trọng đối với cơ cấu tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Nhà nước. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Nhà nước có hiệu lực và hiệu quả, cần rà soát lại tổ chức bộ máy Nhà nước, xem xét từ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, phân công, phân nhiệm và biên chế của từng tổ chức bộ máy ở các cấp, các ngành có gì trùng lắp, nhiều tầng nấc không cần thiết cần điều chỉnh lại, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ đổi mới, theo định hướng XHCN. Đó là cách thiết thực kỷ niệm ngày sinh Lê Nin. q
(1) Lê Nin – Toàn tập, tập 38
(2) C.Mác-Ăng ghen – tuyển tập, tập I, NXB THN, 1960
(3) C.Mác- Ăng ghen – Tuyển tập II-SDD, 1971, trang 36.
(4) Lê Duẩn – Phát huy quyền làm chủ, SDD, 1978, trang 95