Phạt người sai, ai bảo vệ người đúng?

Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt giao thông đường bộ được áp dụng từ ngày 20/5, người đi bộ sai quy định sẽ bị xử phạt từ 40- 120.000 đồng tùy từng lỗi vi phạm.

Người đi bộ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40- 60.000 đồng nếu đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. Phạt tiền từ 60- 80.000 đồng đối với người đi bộ mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Phạt tiền từ 80 - 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Trong khi thực hiện việc phạt người sai thì chúng ta cũng không quên đặt ra câu hỏi, ai bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người đi bộ đây?

Chuyện ở ta

Đúng là ở Việt Nam nhiều người đi bộ, đối tượng “không có gì để mất” (ngoài mối nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của chính mình), rất khinh nhờn Luật Giao thông. Họ băng ngang đường ở bất cứ điểm nào thấy tiện, không nhất thiết phải ở nơi có những vạch trắng kẻ ngang đường. Đối với họ tín hiệu đèn xanh, đỏ không có hiệu lực. Họ bước qua giải phân cách thấp, trèo qua hàng rào vừa phải và chọc thủng hàng rào cao để khỏi phải đi vòng. Họ nghênh ngang đi hàng hai, hàng ba dưới lòng đường, quay ngang đòng gánh hoặc bất cứ thứ gì đang vác trên vai khiến cả dòng xe cộ bị chặn lại. Vân vân và vân vân.


Xe máy không nhường đường cho người đi bộ  ở các vạch trắng.
Nhưng công bằng mà nói ở ta quyền lợi của người đi bộ cũng còn nhiều bất cập. Chúng ta nói rằng người đi bộ sang đường tùy tiện. Đó là một thực tế. Nhưng có một thực tế khác là ngay trên các vạch trắng kẻ ngang vốn được quy định là “thánh địa” của những người đi bộ thì họ cũng không hề có được cảm giác an toàn khi sang đường. Rất hiếm thấy các phương tiện giao thông chạy chầm chậm để nhường đường. Càng hiếm hơn trường hợp xe cộ dừng hẳn để chờ người đi bộ sang đường.   Chúng ta nói rằng nhiều người đi bộ không thèm để ý đến đèn tín hiệu giao thông. Đó là một thực tế. Nhưng có một thực tế khác là tín hiệu đèn đỏ và dòng chữ “Dừng lại, nhường đường cho người đi bộ!” trong nhiều trường hợp hoàn toàn vô tác dụng. Chúng ta nói rằng người đi bộ trèo qua dải phân cách nhưng có một thực tế khác là khi thiết kế và thi công các con đường cao tốc người đi bộ đã bị lãng quên – không có các lối sang đường ngầm dưới đất hoặc treo trên cao, khoảng cách giữa hai lối sang đường quá xa. Ngay tại thủ đô Hà Nội không ít các con phố không có vỉa hè, hoặc vỉa hè bị trưng dụng làm nơi bán hàng, để xe máy hoặc ô tô và người đi bộ bắt buộc phải tràn xuống lòng đường…  

Nhìn ra thế giới

Các quy định Giao thông đường bộ ở Nga vốn rất chú trọng tới việc bảo vệ người đi bộ. Tuy nhiên, các vụ ô tô cán chết người đi bộ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số các trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng ở nước này (trung bình mỗi tháng có gần 2.000 người thiêt mạng). Theo Thanh tra Giao thông đường bộ quốc gia (GIBDD), đó là do mức độ xe hơi hóa ở Nga được đẩy mạnh, có nhiều người non tay lái và hệ thống đường sá chưa hoàn thiện. Song, ông Victor Kondratyev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – khoa học An ninh đường bộ của Bộ Nội vụ Nga, cho rằng một trong những biện pháp chính để bảo vệ người đi bộ là phải thay đổi Các quy định Giao thông đường bộ theo hướng nâng cao trách nhiệm của người lái xe.

GIBDD đề xuất ý tưởng buộc các loại xe khi tham gia giao thông phải bật đèn pha ở mọi lúc mọi nơi nhằm để người đi bộ dễ nhận ra những chiếc xe đang đến gần. Một sự điều chỉnh quan trọng là tại các lối sang đường dành cho người đi bộ mà không có hệ thống đèn hiệu thì người lái ô tô không chỉ phải nhường cho người đang băng qua đường mà cả cho người mới có ý muốn sang đường.

Nga cũng sẽ áp dụng quy định ô tô không được chạy quá 50 km/h tại các điểm dân cư như tại các nước EU. Kinh nghiệm tại EU cho thấy việc giảm đi 10km/h cứu sống được rất nhiều người đi bộ. Ông Kondratyev đề nghị áp dụng quy định xe chạy dưới 30 km/h tại các khu văn phòng và trung tâm thương mại, 20 km/h tại các khu vực đông dân cư và có nhiều người đi bộ.

Để cứu sống tính mạng của khách bộ hành thì các bảng báo là chưa đủ. Một số chuyên gia Nga muốn áp dụng tích cực hệ thống đèn báo thông minh đang phổ biến ở phương Tây. Hệ thống đèn hiệu thông minh được trang bị ra đa. Nếu một chiếc ô tô phóng quá 30 km/h tới gần lối qua đường của người đi bộ thì đèn sẽ chuyển sang màu đỏ để buộc người lái phải dừng lại cho dù không có ai qua đường. Còn nếu xe chạy đúng tốc độ quy định thì đèn chuyển sang màu xanh và chỉ bật đèn đỏ khi có người qua đường.

Việc tổ chức lại hệ thống vỉa hè và lối qua đường ở các thành phố ở Nga cũng sẽ được chú trọng và càng thuận tiện cho người đi bộ càng tốt vì nếu không người dân sẽ không chấp nhận. Trách nhiệm của người thiết kế và người duyệt thiết kế vỉa hè, lối qua đường được nâng cao. Bên cạnh đó, đội quân tình nguyện sẽ thường xuyên có mặt tại các “điểm đen giao thông”. 

Ở Mỹ trên các con đường chỉ có 3 loại đối tượng được ưu tiên đặc biệt - xe cứu hỏa, xe buýt chở học sinh và trên hết là người đi bộ. Ngay cả xe cứu hỏa cũng nhường bước cho người đi bộ sang đường. Tiền phạt đối với người lái xe không nhường đường cho người đi bộ rất cao, đủ sức răn đe. Trẻ em là đối tượng được ưu tiên đặc biệt. Khu vực trường học được đánh dấu bằng tín hiệu đèn vàng nháy liên tục cùng vô số các ghi chú trên bảng và dưới đường nhựa. Các loại xe cộ không được vượt quá tốc độ 20 dặm/h(trên 32 km/h). Buổi sáng và trưa, khi học sinh đi học và tan trường, là thời gian hoạt động của “cảnh sát dành cho trẻ em”- thường là phụ nữ làm việc ngoài biên chế. Họ chặn các con phố và dắt trẻ qua đường. Các loại xe đều răm rắp đứng yên chờ trẻ đi qua. Khi trên xe buýt chở học sinh có một em nào cần đi ra thì tài xế bật tín hiệu Stop và đèn nháy giống như ở xe cảnh sát. Khi em học sinh đó bước xuống đường để nhào vào vòng tay của người mẹ đang chờ ở vỉa hè thì mọi chuyển động trên đường phố đều ngừng lại. Vượt chiếc xe buýt chở học sinh đang bật đèn nháy là thứ tội khủng khiếp nhất đối với người ngồi sau tay lái ở Mỹ!

Một điều đập vào mắt du khách nước ngoài là các tài xế Mỹ thể hiện sự nhường nhịn tuyệt đối trước người đi bộ qua đường. Thái  độ này nếu không được tìm hiểu trước thì dễ  bị coi là “diễn” vì nó quá đều và đẹp. Các loại xe “chết lặng” cách khá xa vạch kẻ ngang trên đường ngay cả khi người đi bộ còn đứng trên vỉa hè và chuẩn bị bước xuống đường.

Niu Yoóc được hãng điều tra TreeHugger của Mỹ công nhận là siêu thành phố thích hợp nhất đối với khách bộ hành. Mới cách đây không lâu thành phố này còn là “vương quốc ô tô”, song chính quyền thành phố đã thường xuyên tăng diện tích mặt bằng dành cho người đi bộ. 


  • Tags: