Trải qua trên 100 năm khai thác, tuyến đường sắt Bắc - Nam, đặc biệt là đoạn chạy xuyên qua trung tâm TP. Hà Nội, ngày càng bộc lộ những tồn tại cần phải khắc phục. Toàn tuyến từ Yên Viên đến Ngọc Hồi có 60 điểm giao cắt với đường bộ của Thành phố, cùng với hệ thống hạ tầng cũ kỹ lạc hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc giao thông đô thị, nhất là vào giờ cao điểm. Thêm vào đó là tình trạng hành lang an toàn giao thông đường sắt trong Thành phố vô cùng chật hẹp, lại thường xuyên bị vi phạm, không đảm bảo an toàn tính mạng người dân cũng như cảnh quan môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Năng lực của đường sắt đơn lại hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng như hiện nay... trong khi đó, theo dự báo, nhu cầu vận chuyển hành khách trên tuyến Yên Viên- Ngọc Hồi đến năm 2010 sẽ tăng 6,9% so với hiện tại. 
Vì rất nhiều lý do như thế, có thể thấy việc xây dựng đường sắt trên cao Hà Nội đoạn Yên Viên- Gia Lâm- Hàng Cỏ- Giáp Bát- Văn Điển- Ngọc Hồi là rất cần thiết. Cải tạo đường sắt hiện tại để xây dựng tuyến đường sắt trên cao kết hợp khai thác chung cho cả đường sắt quốc gia và đô thị không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô.
Theo Dự án đường sắt trên cao, có thể hình dung đoạn tuyến phía Bắc dài 11km sẽ được bố trí như sau: xuất phát từ ga Hà Nội tuyến đi trên cao theo tim đường sắt cũ hiện nay, vượt qua đường Nguyễn Khuyến, Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Trần Nhật Duật đến Long Biên vượt sông Hồng tiếp tục đi trên cao tiếp đất trước ga Gia Lâm hiện tại, từ sau ga Gia Lâm tiếp tục đi trên cầu cạn qua cầu Đuống ở vị trí hiện tại và tiếp đất ở phía nam ga Yên Viên tại lý trình Km10+600. Còn tuyến phía Nam sẽ dài 13,6km từ ga Hà Nội, tuyến đi trên cao và cơ bản bám theo tim đường sắt quốc gia hiện tại, vượt qua đường giao cắt trên không tại Vĩnh Quỳnh, tiếp đất tại Km11+050 trước ga mới Ngọc Hồi (Việt Hưng).
Hướng tuyến Đường sắt trên cao được chọn bám theo trục đường sắt quốc gia hiện có để hạn chế đến mức thấp nhất việc đền bù giải phóng mặt bằng, có kết hợp chỉnh tuyến cục bộ, đảm bảo hài hoà với cảnh quan đô thị, có tính đến phương án kết nối thuận tiện với các loại phương tiện giao thông khác.
Các ga chính sẽ gồm ga Hà Nội, Yên Viên, Ngọc Hồi, Gia Lâm, Giáp Bát. Ga Hà Nội là ga trung tâm được xây dựng mới trên cao để phục vụ đón gửi hành khách Đường sắt đô thị, Đường sắt quốc gia và Đường sắt Liên vận quốc tế. Toàn bộ phần mặt đất khu ga sẽ được xây dựng khu tập kết bến xe buýt, tắc xi và là Trung tâm trung chuyển hành khách của giao thông Thành phố với Đường sắt quốc gia và Đường sắt đô thị. Ngoài các công trình ga, phòng đợi, phục vụ yêu cầu của hành khách, phần kiến trúc nhà ga sẽ xây dựng thành toà nhà cao tầng trung tâm, làm văn phòng các cơ quan, kết hợp siêu thị, dịch vụ phục vụ yêu cầu của hành khách và dân cư.
Các ga Đường sắt đô thị dọc đường sẽ bao gồm: Đoạn Hà Nội- Ngọc Hồi: gồm 9 ga được xây dựng mới trên cao gồm có: Công viên Lênin, Đại Cồ Việt, Bệnh viện Bạch Mai, Phương Liệt, Hoàng Liệt, Kim Ngưu B, Văn Điển, Vĩnh Quỳnh và Ngọc Hồi. Đoạn Hà Nội- Yên Viên gồm 7 ga được xây dựng trên cao gồm: Điện Biên Phủ, Phùng Hưng, Long Biên Nam, Long Biên Bắc, Thượng Thanh, Đức Giang, Cầu Đuống.
Các công trình vượt sông cũng được bố trí như sau: Đối với cầu qua sông Hồng, giải pháp xây dựng mới cầu đường sắt đôi tại vị trí cách cầu Long Biên hiện tại 50m về hạ lưu hoặc thượng lưu. Cao độ đáy gầm nâng lên khoảng 3m so với cao độ đáy dầm cầu Long Biên hiện nay, để đảm bảo khoảng không thông thuyền tương đương cầu Chương Dương đường bộ hiện nay.
Cầu Long Biên hiện nay sẽ được khôi phục theo một dự án riêng do tài trợ của Chính phủ Pháp. Sau khôi phục, Cầu Long Biên sẽ sử dụng cho tuyến đường sắt hiện nay. Khi có cầu mới cho đường sắt trên cao sẽ chuyển sang phục vụ cho giao thông đô thị Hà Nội.
Cầu qua sông Đuống sẽ được xây dựng mới một cầu đường sắt đôi tại vị trí hiện nay. Cao độ dầm cầu được nâng lên bảo đảm khoảng không thông thuyền của giao thông đường thuỷ. Đồng thời, xây dựng mới cầu đường bộ tại vị trí cách cầu đường sắt khoảng 100 m về hạ lưu với quy mô dự kiến từ 4- 6 làn xe.
Tổng quỹ đất cần có để xây dựng dự án khoảng 148ha. Trong khi đó, quỹ đất hiện có dọc theo trục đường sắt quốc gia hện tải là khoảng 108ha. Như vậy, cần cấp thêm khoảng 39,55ha, chủ yếu để mở rộng hành lang đường sắt tại những vị trí chật hẹp, không đủ diện tích xây dựng. Trong đó, quỹ đất đền bù để xây dựng công trình trong nội thành ước khoảng 54.000m2 và gần 900 hộ gia đình, cần có kế hoạch xây dựng khu tái định cư cho các gia đình này như các dự án ưu tiên khác của TP. Hà Nội.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2005- 2006 với kinh phí là 1168 tỷ đồng để xây dựng mới khu ga Ngọc Hồi, cải tạo nâng cấp ga Gia Lâm, xây dựng ga Yên Viên, di dời toàn bộ khu ga Hà Nội, Giáp Bát đến các địa điểm mới tại Ngọc Hồi, Gia Lâm, Yên Viên. Giai đoạn 2 từ 2006- 2009 với kinh phí đầu tư là 6.718 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường sắt trên cao từ Gia Lâm đến Ngọc Hồi, các trung tâm đa chức năng tại khu ga Hà Nội, Giáp Bát, xây dựng mới cầu Long Biên cho đường sắt trên cao. Giai đoạn 3 từ năm 2010, kinh phí đầu tư là 1.312 tỷ đồng, với các nhiệm vụ xây dựng phần đường sắt trên cao còn lại từ Gia Lâm đến Yên Viên, xây dựng cầu Đuống đường sắt và đường bộ, hoàn chỉnh cải tạo ga Yên Viên. Tổng kinh phí ước tính lên đến 9.198 tỷ đồng. Do chưa tìm kiếm được nguồn vốn ODA, Chính phủ sẽ có giải pháp về tài chính để triển khai thực hiện dự án, chuẩn bị cho năm 2006 có thể triển khai xây dựng phần đường sắt trên cao- phần xây dựng chính của dự án.
Dự án Đường sắt trên cao Hà Nội đoạn Yên Viên- Ngọc Hồi là một dự án lớn, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội, không những góp phần giảm ách tắc giao thông, đảm bảo an toàn tại các đường ngang, mà còn cải thiện được cảnh quan môi trường, tạo quỹ đất, làm thay đổi bộ mặt giao thông Hà Nội.
Hy vọng rằng, không lâu nữa, tuyến giao thông đường sắt Hà Nội sẽ có một khuôn mặt mới. Du khách đến Hà Nội bằng tàu hoả sẽ được ngắm nhìn một Hà Nội từ trên cao với nhiều cảm giác mới lạ.

  • Tags: