Chính vì vậy, nhiệm vụ của Công ty apatit Việt Nam trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề. Bên cạnh đáp ứng đủ quặng cho nhu cầu của các nhà máy sản xuất phân bón trong nước, Công ty còn phải triển khai chương trình xuất khẩu quặng tuyển dự kiến 100.000 – 150.000 tấn/năm. Theo thông báo của Tổng công ty Hoá chất và Ban Quản lý Dự án Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ – Hải Phòng thì cuối năm 2007, Nhà máy cần 359.000 tấn, năm 2008 cần 570.000 tấn, và từ năm 2009 trở đi cần 633.000 tấn. Đấy là chưa kể đến chương trình liên doanh sản xuất quặng tuyển với Công ty Tùng Lâm – Trung Quốc đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, UBND tỉnh Lào Cai thoả thuận, cho phép xây dựng ở Lào Cai nhà máy DAP công suất 200.000 tấn/năm.
Nhu cầu quặng tuyển apatit từ 2006-2010 được thể hiện ở bảng sau: (Xem bảng)
Tuy nhiên, đến nay trữ lượng quặng loại 1 của Công ty tại các công trường đang khai thác không còn nhiều. Tính đến 30/12/2005, trữ lượng dự kiến ở các khai trường chỉ còn khoảng 2.310.000 tấn quặng loại 1, chủ yếu tập trung ở Mỏ Cóc, khai trường 10, 12, 17, chưa kể đến các khai trường tận thu. Với tốc độ khai thác như hiện nay thì hết năm 2010, Công ty sẽ khai thác hết quặng loại 1. Đây là một dự báo có cơ sở khoa học và tin cậy.
Trước thực trạng này, để đảm bảo mục tiêu 1,4 triệu tấn quặng/năm, Công ty apatit Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng và thiết kế xây dựng các công trường khai thác mới, nhằm đảm bảo cung cấp ổn định nguồn quặng apatit cho các doanh nghiệp, trong đó có nhà máy DAP Đình Vũ – Hải Phòng.
Về quặng tuyển, hiện nay Công ty có 2 nhà máy tuyển với tổng công suất 420.000 tấn/năm (quy về 15% ẩm). Nhà máy tuyển Cam Đường công suất 120.000 tấn/năm vừa mới khánh thành đưa vào vận hành sản xuất ngày 28/04/06, Nhà máy tuyển Tằng Loỏng công suất 400.000 T/năm (hiện đang sản xuất 350,000 tấn/năm).
Từ năm 2008, lượng quặng của Công ty cung cấp cho các doanh nghiệp sẽ bắt đầu thiếu hụt vào các năm sau đó. Dự tính năm 2008 thiếu 127.000 tấn; năm 2009 thiếu 77.000 tấn; năm 2010 thiếu 27.000 tấn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất quặng loại 1 giai đoạn 2006 – 2010 và những năm sau đó, trong đó nhiệm vụ chính trị nổi bật là đáp ứng nhu cầu quặng tuyển cho Nhà máy DAP Đình Vũ – Hải Phòng chạy thử cuối năm 2007 và chính thức vào sản xuất năm 2008, Tổng công ty Hoá chất đã đề ra một số giải pháp thiết thực sau:
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án XDCB, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng Nhà máy tuyển Nhạc Sơn. Mặt khác, Công ty có kế hoạch sản xuất quặng loại 1 dự trữ (gồm quặng 1 nguyên khai và quặng tuyển) cho các năm 2006, 2007, để bù đắp lượng quặng tuyển cho Nhà máy DAP Đình Vũ đi vào sản xuất cuối năm 2007 đầu năm 2008.
- Tích cực mở các khai trường mới cho giai đoạn 2010 (công tác thăm dò nâng cấp và thiết kế khai thác mỏ mới).
Trên cơ sở thực hiện các giải pháp trên, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản của Công ty trong giai đoạn 2006 – 2010 hướng vào các mục tiêu sau đây:
Thứ nhất: Đưa sản lượng quặng 1 nguyên khai tăng lên từ 450.000 tấn đến 600.000 tấn/năm, trên cơ sở khai thác triệt để các khai trường hiện có, Tích cực đẩy mạnh công tác khai thác tận thu, xây dựng kho dữ trự quặng 1. Mở khai trường 7 vào năm 2007, và hai khai trường 20, 22 ở bắc Nhạc Sơn để năm 2009 có đủ quặng 1 nhập kho cho 2 năm (2009 – 2010). Tập trung khai thác nhanh khai trường 17, 12 để rút lực lượng thiết bị, nhân lực lên khai trường 20, 22 vào năm 2008.
Thứ hai: Nhà máy tuyển Cam Đường đi vào sản xuất liên tục, đảm bảo công suất 100.000 tấn/năm và chuẩn bị phương án dự trữ quặng ngay tại Nhà máy. Đẩy nhanh tốc độ thi công Dự án Đường sắt Làng Dạ - Mỏ Cóc (quý 3 năm 2006) để sớm đưa vào sử dụng, tận dụng lợi thế của vận tải đường sắt. Tập trung đẩy mạnh hoàn thiện 2 dây chuyền tuyển quặng Tằng Loỏng và đường sắt đôi Pom Hán – Làng Vàng, đạt công suất 700.000 tấn/năm (độ ẩm 15%) hết quý 1/2007 đi vào hoạt động.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn phải hoàn thành trong năm 2010 để cung cấp quặng tuyển sau năm 2010.
Thứ 3: Trong 5 năm (2006-2010) phải tiến hành thăm dò nâng cấp trữ lượng 6 khai trường: Làng Phúng (khu vực phía Nam); Khai trường 26, 27, 28, 29 (bắc Nhạc Sơn) với tổng số vốn thăm dò dự kiến khoảng 26, 6 tỷ đồng, để chuẩn bị sớm lượng quặng cho giai đoạn sau năm 2010. Để triển khai công tác này, Tổng công ty đang chỉ đạo Công ty phối hợp với Công ty Mỏ để xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng giai đoạn 2006-2020 trình Bộ Công nghiệp.
Vì mục tiêu phải đạt được 1, 4 triệu tấn quặng/năm (vào năm 2010), được sự quan tâm và lãnh đạo trực tiếp của Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, của UBND tỉnh Lào Cai và các ban ngành liên quan, Công ty Apatit sẽ thực hiện thành công kế họach đề ra trong giai đoạn 2006 - 2010.