Đầu tháng 7/2008, bộ SGK mới lớp 12 lại được phát hành trên toàn quốc và ngày 7/7/2008, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cũng chính thức thông báo về việc lấy ý kiến đóng góp cho chương trình và sách giáo khoa phổ thông trên website: www.diendan.edu.vn
Liệu cuộc “cách mạng SGK” lần này có mang lại những cải cách thật sự? Lâu nay, việc biên soạn SGK thường do một nhóm các giáo sư được Bộ GD-ĐT giao cho thực hiện. Điều đáng nói là, họ đều không phải là những người trực tiếp giảng dạy ở ba cấp từ tiểu học lên trung học phổ thông (THPT), nên chắc chắn không thể hiểu được thực tế khả năng tư duy, tiếp thu của học sinh.
Gần đây lại có đề xuất không cần SGK chuẩn, mà tuỳ thuộc vào từng nơi. Có người lại đề nghị ở bậc tiểu học nên có bộ SGK chung. Nghe mà cứ loạn cả óc, ù cả tai, vì các “quan điểm”, “dẫn chứng ngoại”, “kinh nghiệm” khắp nơi mà mỗi người khi nói, đều cố chứng minh những luận giải của mình là đúng nhất.
Chính thế, có lần, một người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, do chán cảnh cứ cải tiến, cải lùi SGK đã nói đại ý là “cứ lấy sách giáo khoa cũ cách đây 60 -70 năm mà dùng còn tốt hơn”.
Thật khó hiểu, SGK của các lớp 5, 9 và 12, khi đưa con số về diện tích Việt Nam ở 3 khối lớp này lại không giống nhau, xê dịch hàng mấy trăm km2. Một “khuyết tật” khác của SGK là còn quá cao siêu, đầy ắp lý thuyết với những khái niệm trừu tượng, khó hiểu. Đơn cử: học sinh lớp 10, 11, 12 phải học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, triết học, kinh tế chính trị của bậc đại học. Môn Sinh học, Hóa học lớp 11, 12, mỗi bài được dẫn giải đến bốn, năm trang. Những bài văn học cổ “Hịch tướng sỹ”, “Chiếu dời đô” dạy học sinh lớp 8 thì làm sao học sinh có thể “thẩm thấu” được.
Nhiều chuyên gia đã kiến nghị, người xây dựng chương trình viết SGK không chỉ phải là những nhà khoa học, những người có học vị cao, mà phải là những thầy giáo đã từng giảng dạy nhiều năm ở bậc phổ thông. Đồng thời, nhất thiết phải đưa ra một bộ SGK chuẩn, sử dụng được ít nhất 10 năm như các nước, chứ không thể năm nào cũng cải cách, chỉnh lý, dẫn đến việc sách cũ thành mớ giấy vụn, lãng phí hàng tỷ đồng.
Sau 6 năm triển khai đại trà, SGK mới đã bộc lộ nhiều hạn chế: một số bài yêu cầu kiến thức nặng, dài dòng, ghi nhớ máy móc, chưa phù hợp với phần đông học sinh mà chỉ thích hợp với những em tự giác và học lực khá giỏi; khi viết sách, chưa chú ý đến điều kiện vùng miền, trình độ nhận thức của học sinh miền núi...
Cấp học nào, bậc học nào, thậm chí cả lớp 1, lớp 2 cũng có sách tham khảo. Tại Trung tâm sách Tràng Tiền, chỉ một quyển SGK Hình học 7 thì có đến gần 50 quyển tham khảo “ăn theo”. Đứng trước một rừng sách mênh mông, học sinh và phụ huynh đều lúng túng vì không biết nên chọn quyển nào cho phù hợp. Điều đáng nói là có nhiều quyển có tên gọi khác nhau nhưng nội dung tương tự. Không những thế, giá sách tham khảo đang bị thả nổi. Có nhiều quyển kiến thức còn sai lệch so với SGK, làm học sinh thực sự rối trí, mất phương hướng.
Chương trình - sách giáo khoa là linh hồn của nền giáo dục, sách tham khảo cũng tương tự.
Hiện nay, vấn đề giáo dục và đào tạo đang là những điểm “nóng” và ai ai cũng nói và thậm chí còn nói rất “to” là cần chấn hưng nền giáo dục và đào tạo, nhưng vấn đề SGK đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Chúng ta vẫn hay chủ trương và triển khai nhiều việc theo kiểu định tính, hô khẩu hiệu, nói chung chung…
Mong các nhà quản lý, theo chức năng và quyền hạn của mình, hãy biết nghe mình và nghe người cho thật thấu đáo đối với mỗi ý tưởng, cải cách có liên quan đến giáo dục và đào tạo nước nhà.
Bao giờ Việt Nam có sách giáo khoa chuẩn?
TCCT
Từ nhiều năm nay, chương trình - sách giáo khoa (SGK) gần như năm nào cũng chỉnh sửa, nhưng vẫn bị kêu quá tải, hàn lâm, tùy tiện... Và không biết đã tốn bao nhiêu tiền của để biên soạn SGK mà