Gạo Việt Nam xuất khẩu giá thấp nhất thế giới

Gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn có giá thấp nhất nếu so với gạo cùng loại của các nước khác. Nhà nhập khẩu khó mua giá cao do chất lượng gạo Việt Nam không đồng đều.

Ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Vinafood II kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương Thực (VFA), không ít lần  nói với báo chí rằng: “Thế mạnh của Việt Nam là gạo trắng thì cứ phát triển gạo trắng, không nên chen chân vào gạo thơm vì không phải là đối thủ của Thái lan”.

Quả vậy, cho dù Việt Nam xuất khẩu gạo đã 20 năm, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là hai đầu mối lớn nhất Vinafood I  và Vinafood II chỉ chú trọng thị trường giá thấp. Hiện nay, theo VFA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội về giá cũng như thị trường, bởi  Thái Lan đang thực hiện kiềm chế xuất khẩu gạo nhằm mục tiêu giữ giá nên lượng tồn kho còn khá lớn. Myanmar và Bangladesh mới tham gia thị trường gạo thế giới với những thông tin rất hạn chế về lượng cung. Tất cả điều này làm cho cả người bán và người mua trên thị trường thế giới đều “nhìn” nhau một cách thận trọng.

Hoạt động mua bán gạo trên thị trường quốc tế gia tăng sau khi có tin Philippines cần nhập trên 2 triệu tấn gạo. Indonesia có thể hủy kế hoạch xuất khẩu 2 triệu tấn gạo nếu hạn hán kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều môi giới, trung gian đang trả giá gạo của Việt Nam với mức 320-350 USD/tấn đối với gạo 3% (loại gạo có phẩm chất cao của Việt Nam với mục đích chính là thăm dò). Do đó, ông Trịnh Văn Tiến- chuyên gia về ngành hàng lúa gạo của Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp- nông thôn, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) cho rằng trong ngắn hạn, giá gạo thế giới sẽ giữ ổn định ở mức thấp.

Tuy nhiên, nhu cầu và  giá gạo thế giới hiện nay đang trên đà tăng có lợi cho Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu. Philippines vừa mở gói thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo. Tổng công ty Lương thực Miền Nam trúng thầu cung ứng 150.000 tấn gạo với giá bán 480 USD/tấn.

Thêm vào đó, các nhận định về thị trường gạo thế giới hồi đầu năm đều có sai số lớn, nhất là nhận định Ấn Độ - nước sản xuất và tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới - sẽ sụt giảm sản lượng 16 triệu tấn vì hạn hán trong năm 2009 và có thể phải nhập khẩu 3 triệu tấn gạo trong năm 2010.

Nhìn vào giá cả thị trường thì, hiện có một nghịch lý ở chỗ năm nay thị trường gạo Thái Lan đang có những bất ổn trong nước khó "làm chủ" thị trường gạo, nhưng hiện giá gạo của ta vẫn chưa hẳn là được giá… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thọ Trí - Phó Chủ tịch VFA: "Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang nhích lên chứ không xuống, song nếu không tính Myanmar thì giá gạo của Việt Nam đang được xuất khẩu với mức giá thấp nhất trên thị trường thế giới!"

Nghịch lý ở chỗ, Việt Nam được xem là đang có tác động lớn đến thị trường gạo, không chỉ bởi Việt Nam xuất khẩu lượng gạo lớn thứ hai thế giới, mà còn do, Thái Lan - nước xuất khẩu lớn nhất - vẫn chưa bán ra số lượng lớn gạo tồn kho vì Chính phủ nước này vẫn muốn giữ giá gạo Thái ở mức cao. Từ nay đến cuối năm, khả năng Thái Lan sẽ bán ra, nhưng gạo Thái và gạo Việt khác nhau (gạo Thái chất lượng cao) không có sự tranh chấp, nhưng giá gạo Thái lại cao hơn giá gạo của Việt Nam, với mức quá chênh lệch là 160USD/tấn.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội về giá và lượng gạo xuất khẩu, nhưng giá vẫn bị "đứng chót" thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu của doanh nghiệp cũng như thu nhập của nông dân. Nhìn lại 20 năm về trước, Việt Nam bán gạo rẻ ngay trong thời kỳ còn bị Mỹ cấm vận trong thập niên 1980, thời đó qua trung gian Việt kiều Pháp gạo Việt Nam của bà Ba Thi đã được xuất khẩu đường vòng qua châu Phi. Gạo Việt Nam rẻ do hạt gạo không đồng nhất, mau xuống mầu, không thương hiệu cũng như không thể truy nguyên nguồn gốc từ cánh đồng nào, tỉnh nào.

GS- TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, đồng thời là nhà khoa học nổi tiếng Đông Nam Á về lúa gạo, thường nói rằng nông dân Việt Nam làm ăn cá thể mạnh ai nấy làm, cho nên dù có  cùng cánh đồng nhưng quá nhiều giống lúa.  Để giải quyết bài toán này, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chung lưng với nông dân tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể chủ động về sản lượng. Có vậy sẽ tạo được thương hiệu cho gạo Việt Nam bởi chủ động được chất lượng gạo đồng đều, thuần chủng.

Hiện nay, nông dân đã trồng nhiều giống lúa chất lượng cao, nhưng khi mua lúa, thương lái cũng như doanh nghiệp sợ tốn kém không phân loại ngay từ đầu để các loại chung với nhau. Khi xuất khẩu, các nước thường tính giá theo tỷ lệ tấm, không có giá riêng. Không như Thái Lan, họ chọn một số giống lúa đặc sản trồng để xuất khẩu riêng, tuy sản lượng thấp nhưng bù lại họ xuất được giá cao, tạo được tiếng gạo Thái ngon.

Thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới hầu như chưa có để có thể tạo thế cạnh tranh về giá. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nhìn nhận gạo Việt Nam vẫn thua Thái Lan trong khâu chế biến. Nông dân chỉ mong bán được giá cao, nhưng vì khâu thu mua, tồn trữ, chế biến không làm tốt nên gạo Việt Nam còn đứng thứ hạng sau. Vì vậy, cần phải có kho chứa để mua lúa gạo của dân; doanh nghiệp phải có lượng gạo trong kho ít nhất bằng 50% lượng gạo trong hợp đồng xuất khẩu.

Trong  một thời gian tương đối ngắn, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, từ lượng gạo xuất khẩu trung bình 4-5 triệu tấn gạo/năm đã tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn vào năm 2009. Tuy nhiên, cho đến nay các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chỉ muốn “ăn xổi”, có được hợp đồng mới mua gom gạo, giá càng rẻ càng lợi, chưa mấy người nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu, hoặc chưa hợp tác với nông dân tổ chức vùng lúa chuyên canh. Với cách làm “bóc ngắn,cắn dài” như vậy, thì gạo xấu bán rẻ là chuyện khó tránh khỏi.