Một số bất cập về quản lý công nghiệp địa phương

Hiện nay, có nhiều vấn đề nổi cộm trong quản lý công nghiệp ở các địa phương và vấn đề nào cũng có thể coi là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên có 3 vấn đề được đề cập đến nhiều. Đó là: công tác khuyến công;
 

1 – Công tác khuyến công.

        Hầu hết các địa phương đề nghị Bộ Công nghiệp sớm có văn bản hướng dẫn thống nhất để thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP, trong đó có nhiều vấn đề như, việc thành lập Trung tâm khuyến công ở các tỉnh; cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động của Trung tâm để công tác khuyến công sớm đi vào hoạt động có hiệu quả. Nhiều ý kiến đề nghị thành lập Trung tâm khuyến công trực thuộc Sở Công nghiệp.

        Ngày 09/6/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Nghị định này ra đời với mục tiêu Nhà nước tổ chức hoạt động khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp (và thường gọi tắt là họat động khuyến công) nhằm: Động viên và huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức và cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của cả nước và từng địa phương. Nghị định này cũng góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, trước hết là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội. Phạm vi và đối tượng áp dụng của Nghị định rất rộng, bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn và xã. Do đó, việc triển khai thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, tình hình về công tác khuyến công có những vấn đề sau:

- Theo đánh giá của các nhà quản lý công nghiệp địa phương thì hầu hết ở các tỉnh đã hình thành quỹ khuyến công. Có tỉnh đã có nguồn quỹ khuyến công khá và ổn định, như Hải Phòng, trong 3 năm qua đã chi 22,7 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 7,56 tỷ đồng). Thực tế cho thấy, tỉnh nào có kinh phí đầu tư cho khuyến công lớn, thì ở đó công nghiệp nông thôn và làng nghề phát triển mạnh, hoặc bắt đầu phất triển tốt. Một số tỉnh do kinh phí đầu tư cho khuyến công hạn chế, nên chưa đáp ứng được việc duy trì và phát triển nghề ở các vùng nông thuần nông còn khó khăn.

- Về tổ chức quản lý quỹ khuyến công ở các tỉnh cũng chưa có mô hình thống nhất. Một số tỉnh thành lập Ban chỉ đạo quản lý quỹ khuyến công cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Công nghiệp làm Phó trưởng ban thường trực, các ủy viên là giám đốc các sở Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Liên minh HTX. Trong khi đó, có tỉnh, quỹ khuyến công được giao trực tiếp cho Sở Công nghiệp, mà Giám đốc Sở làm Trưởng ban và một số chuyên viên văn phòng làm ủy viên. Lại có tỉnh, thành lập Trung tâm khuyến công riêng rẽ. Ngay trong Nghị định 134 của Chính phủ tại Khoản 5, Điều 15 cũng chỉ quy định như sau: “ Sở Công nghiệp là cơ quan giúp ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương”. Mọi chuyện lại phải chờ vào Khoản 1 của Điều 18 của Nghị định 134 được thực hiện. Khoản 1 Điều 18 của Nghị định 134 như sau: “ Bộ Công nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này”.

- Vấn đề sử dụng quỹ khuyến công cũng đang là vấn đề cần quan tâm. Hình thức sử dụng quỹ khuyến công ở các tỉnh cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu tập trung để hỗ trợ, khôi phục các làng nghề truyền thống; đào tạo, nhân cấy và phát triển ngành nghề mới ở địa bàn nông thôn, tỷ trọng này thường chiếm đến 60-70% quỹ khuyến công; một số tỉnh còn sử dụng quỹ khuyến công để hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ trong việc xúc tiến thương mại và đổi mới công nghệ, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các đơn vị thực hiện chuyển giao công nghệ.

Vấn đề sử dụng quỹ khuyến công còn nhiều chuyện đáng bàn. Hiện quỹ khuyến công còn rất hạn hẹp, nhưng mọi người không vì thế mà “buồn”, cái “buồn” lớn nhất lại là việc cấp kinh phí khuyến công thường là không kịp thời, phần lớn dồn vào cuối năm, do vậy, các sở Công nghiệp gặp rất  nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ khuyến công.

Cũng có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý quỹ khuyến công cho phù hợp với thực tế hơn, như mở rộng thêm diện hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng…và nâng mức hỗ trợ hợp lý hơn đối với các dự án.

2 – Quản lý khu, cụm, điểm công nghiệp địa phương.

Để phát triển công nghiệp cần có những cơ chế chính sách đồng bộ và hợp lý. Một trong những chính sách đó là xây dựng các khu công nghiệp tập trung, trong đó kết cấu hạ tầng cho phát triển công nghiệp như giao thông, cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường…phải được xây dựng đồng bộ và hợp lý. Nhưng hiện nay, việc xây dựng và quản lý các khu, cụm, điểm công nghiệp còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm đặc biệt.

- Quy mô khu, cụm, điểm công nghiệp. Qua báo cáo của 15 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, hiện vùng kinh tế này có tới 87 khu công nghiệp tập trung. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã có khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề. Trong đó, Hải Phòng là thành phố có nhiều khu, cụm công nghiệp nhất (13 khu và 35 cụm), Thái Bình chỉ có 5 khu công nghiệp nhưng có tới 153 cụm, điểm công nghiệp. Bình quân diện tích các khu, cụm công nghiệp cũng rất chênh lệch giữa các tỉnh. Có tỉnh điện tích đất bình quân đến 1.212 ha/khu, nhưng có tỉnh bình quân chỉ có 20 ha/khu. Còn về diện tích đất bình quân cho một cụm công nghiệp thì cao nhất là 100 ha/cụm, ít thì chỉ có hơn 4ha/cụm. Theo kinh nghiệm của những tỉnh, thành thì, chí ít một khu công nghiệp cũng phải có diện tích tối thiểu từ 50 ha trở lên thì khu công nghiệp đi vào họat động mới hiệu quả.

 Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải có một tiêu chí thống nhất để xác định thế nào là khu, thế nào là cụm và thế nào là điểm công nghiệp.

- Vấn đề đầu tư khu, cụm công nghiệp. Có ý kiến cho rằng, cần huy động vốn để đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp từ nhiều nguồn, không nên như hiện nay là 100% vốn đầu tư từ ngân sách. Vốn từ ngân sách chỉ nên dành đầu tư những hạng mục cơ bản như: quy hoạch chi tiết khu, đường giao thông trục, đường thóat nước trục, coi đây là khoản đầu tư khuyến khích phát triển công nghiệp của Nhà nước, vì những hạng mục này các doanh nghiệp không đầu tư do hiệu quả đầu tư hạn chế. Các cơ sở hạ tầng còn lại như cấp điện, cấp nước, bưu chính-viễn thông…sẽ vận động và yêu cầu các doanh nghiệp chuyên doanh các lĩnh vực này bỏ vốn đầu tư.

- Vấn đề quản lý khu, cụm, điểm công nghiệp. Tình trạng hiện nay trong cả nước là đầu mối quản lý (xây dựng kết cấu hạ tâng, quản lý sau đầu tư…) khu, cụm công nghiệp ở các địa phương không theo một mô hình nào cụ thể. Đối với các khu công nghiệp do Chính phủ quyết định thành lập được quản lý theo Nghị định đã được ban hành, thì đơn vị quản lý là Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh.

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, từ việc lập dự án đến triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, sau đó đến quản lý các khu công nghiệp như hiện nay là chưa hợp lý. Lập dự án để hình thành khu công nghiệp thì giao cho Sở Công nghiệp, sau khi dự án được duyệt triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thì giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và xây dựng xong lại do một Ban quản lý do tỉnh thành lập. Xem ra ý kiến này cũng không phải là không có lý.

Đối với các khu, cụm công nghiệp do tỉnh quyết định thành lập thì có tỉnh giao cho Sở Công nghiệp, có tỉnh giao cho Ban quản lý khu công nghiệp, tỉnh này giao cho UBND huyện, tỉnh kia các cụm công nghiệp làng nghề lại giao cho UBND xã. Như vậy, việc quản lý các khu, cụm công nghiệp ở trong tay nhiều “ông chủ” khác nhau, mà chưa có tính thống nhất về tổ chức chung.

Những nhà quản lý công nghiệp các địa phương đang hy vọng trong tương lai gần sẽ xuất hiện “Quy chế quản lý khu, cụm công nghiệp” để có sự thống nhất về công tác quản lý trong phạm vi cả nước.

Có thể nói, xây dựng và đưa vào hoạt động các khu cụm công nghiệp tại các địa phương là một giải pháp tốt trong quá trình phát triển sản xuất công nghiệp, nhằm mục tiêu vừa đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, vừa đảm bảo phát triển theo quy hoạch, tạo thuận lợi trong quản lý và kiểm soát môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, hiện nay đã đến lúc báo động về việc phát triển quá nhiều các khu, cụm công nghiệp từ trung ương đến địa phương. Việc phát triển này là dựa trên những quy hoạch do “thợ nội” xây dựng lên, do đó diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt những đất đai phì nhiêu, cạnh các thành phố, thị xã, thị trấn, dọc các đường trục giao thông đang bị “làm thịt” để cho các khu, cụm công nghiệp. Việc làm này có nhiều điều bất lợi, vừa mất đất nông nghiệp, vừa tốn rất nhiều công đổ đất san nên và sau này, dọc các trục đường toàn là nhà và nhà, nên khó cho việc xây dựng và quản lý các đường cao tốc. Đã không ít chuyên gia cảnh báo, việc xây dựng các dự án khu, cụm công nghiệp theo phong trào như hiện nay thì tương lai không xa, Việt Nam đang là nước hàng đầu xuất khẩu gạo sẽ trở thành nước nhập khẩu gạo. Mong các nhà chiến lược của Việt Nam hãy tham khảo nước Trung Quốc láng giềng, nơi đã phải ra lệnh đóng cửa gần 50.000 khu công nghiệp trên tổng số hơn 60.000 khu công nghiệp đã được triển khai để lấy lại đất làm việc khác. Nếu không có những điều chỉnh hợp lý trong việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Chắc chắn trong tương lai không xa, chúng ta lại phải làm như Trung Quốc hiện nay.

3 – Vấn đề quy hoạch, phát triển và quản lý điện nông thôn.

Để phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng, thì phát triển điện lực phải đi trước một bước. Nhìn chung, các năm qua, các tỉnh đều có những bước đi cụ thể, nhằm huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để phát triển lưới điện nông thôn như; từ nguồn ngân sách, vốn do dân đóng góp, vốn lồng ghép từ các chương trình (135, SIDA, WB,…) từng bước đạt kết quả.

Trong những năm qua, công tác quản lý lưới điện nông thôn đã có những tiến bộ rõ rệt, nhất là chuyển đổi mô hình quản lý lưới điện nông thôn theo Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ về cung ứng và sử dụng điện. Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều lựa chọn mô hình hợp tác xã là chủ yếu.

Cơ chế đầu tư điện cho nông thôn  60% kinh phí do ngân sách hỗ trợ, huy động nhân dân đóng góp 40%, hiện có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Có ý kiến cho rằng, do cơ chế “hỗn hợp” vừa Nhà nước, vừa nhân dân cùng xây dựng lưới điện, nên dẫn đến tình trạng như: Phần vốn đóng góp của dân 40% nhiều khi không huy động đủ, do đó lại phải lấy từ vốn ngân sách để bù vào, vì vậy, công trình triển khai chậm, kéo dài và dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Nhà nước đầu tư đến 60% số vốn nên “bài ca muôn thủa” là đầu tư giàn trải, trong khi nguồn vốn có hạn và đầu tư theo phong trào là không tránh khỏi.

    Đây lại là bài toán thuộc về quy hoạch, chiến lược và nhiều ý kiến cho rằng, thà mất tiền thuê chuyên gia ngoại, họ vừa có trách nhiệm với đồng tiền được thuê, vừa có trình độ và cái hay nhất là họ không bị chi phối bởi các mối quan hệ xã hội, không bị ảnh hưởng của các cuộc viếng thăm trước các cuộc bầu cử. Thiết nghĩ, nếu không thuê chuyên gia nước ngoài để xây dựng các đề án về xây dựng và quản lý lưới điện nói chung và nông thôn nói riêng, mà cứ loanh quanh với các vấn đề như: xem xét lại cơ chế thực hiện Dự án năng lượng nông thôn II (REII) bằng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới (có ý kiến cho rằng, REII là Chương trình đầu tư lớn bằng vốn vay của WB, do đó Bộ Công nghiệp phải có sự chỉ đạo sát sao, không nên “khoán” cho EVN và Công ty Điện lực I) hoặc vấn đề tạo vốn đối ứng cho Dự án; hay đòi hỏi phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng, về đấu thầu, rồi yêu cầu thực hiện đúng tiến độ vv... Tất nhiên, các vấn đề vừa nêu là rất cần thiết, nhưng nếu hướng đầu tư không khoa học, mà mang nhiều ý chí chủ quan, thì dù có về đích sớm và không thất thoát, không tiêu cực thì hiệu quả thu được cũng sẽ rất thấp. Tại diễn đàn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI, các đại biểu đã cho rằng, trong đầu tư và xây dựng, lãng phí ở các khâu do các quyết định không sát, không đúng chiếm khoảng 60-70% tổng số lãng phí, thất thoát.

Tóm lại, tình hình quản lý và phát triển công nghiệp của các địa phương hiện nay còn rẩt nhiều điều bất cập cần được giải quyết. Những vấn đề bất cập này do 2 nguyên nhân chủ yếu, một là do trình độ có hạn của các chuyên gia và cán bộ quản lý các cấp, thứ hai là  tinh thần trách nhiệm vì công việc chung của một bộ phận cán bộ nhà nước. Vấn đề thứ hai là vấn đề cốt lõi và rất khó giải quyết trong tình hình cơ chế hiện nay. Hy vọng chúng ta phải có cuộc cách mạng về tuyển chọn và sử dụng cán bộ nhà nước theo một tiêu chí mới, thì mới mong giải quyết được những bất cập về kinh tế – xã hội nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng./.

  • Tags: