Đồng bằng sông Cửu Long, một vùng sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt, đường điện cao thế, hạ thế nhằng nhịt, nguy cơ tiềm ẩn về an toàn điện luôn rình rập. Thực tế đã có hàng trăm vụ tai nạn điện xảy ra. Năm 2002, theo báo cáo của 37 sở Công nghiệp, đã có tới 250 người chết do bị điện giật, năm 2003, số người chết do điện giật lên tới gần 300 người, nhiều nhất vẫn là vùng sông nước các tỉnh phía Nam. Hầu hết những người quản lý điện đều nhìn thấy, nguyên nhân là:
Công nhân làm việc ở các ban quản lý điện, cai thầu điện là những người chưa được đào tạo qua các trường lớp về điện và người sử dụng điện cũng không am hiểu về điện.
Vì thiếu hiểu biết, cho nên đường đây điện được xây dựng không đúng kỹ thuật, không đạt độ cao, tiết diện dây dẫn quá nhỏ, tróc lớp cách điện, dùng cột gỗ bị mục, không dùng sứ cách điện tại vị trí dây chằng, kéo điện chỉ dùng một dây nóng... dẫn đến rò điện, quá tải đứt dây, đổ ngã trụ... gây điện giật.
Dùng dây điện làm rào chống trộm, gài chuột, rà cá, kéo điện rất tạm bợ để tưới rẫy, thắp sáng vườn cây, vùng nuôi tôm. Cột ăng ten cao hơn cả đường dây trung thế, khi đổ chạm vào đường dây trần trung thế.
Có hai câu chuyện thương tâm được nói tại cuộc hội thảo:
- Một trường hợp khi thấy đường dây trần, điện trung thế 15 kV đi qua, một người dùng điện tưởng là đường dây điện hạ thế, đã quăng dây điện lên đường dây này để lấy điện thắp sáng, tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra.
- Thương tâm hơn, khi thấy người bị điện giật, bà con không biết làm cấp cứu, liền lấy bùn trát vào người nạn nhân, thật đau lòng!
Tất cả những vấn đề xảy ra trên đây, đều vi phạm Quyết định số 41/2001/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ban hành quy định về an toàn điện nông thôn, Nghị định số 169/2003/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn điện. Nghị định số 74/2003/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Người có quyền xử phạt từ cấp chính quyền xã.
Điều quan trọng là những văn bản trên đây, các Sở Công nghiệp là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương đã phổ biến tới các cấp chính quyền hay chưa? Chắc là nhiều nơi chưa làm được, thậm chí chỉ có văn bản gửi tới cũng chưa có tác dụng, mà phải có biện pháp hướng dẫn có bài bản.
Trước mắt, là việc chuyển đổi mô hình điện nông thôn, đây là vấn đề mấu chốt. Cho dù là hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần ... đều phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã... ở đó có quy định trách nhiệm người lao động, người sử dụng lao động, trong lĩnh vực an toàn lao động. Cần chấm dứt ngay việc tồn tại Ban điện xã (xã đứng ra mua điện rồi bán cho dân), thực tế là xã không trực tiếp bán cho dân, mà giao cho từng nhóm người, nhóm người này thực chất là những cai thầu điện. Khi đã chuyển đổi được mô hình thì chính quyền xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước, trong đó có chức năng kiểm tra, xử phạt.
Khi đã thành doanh nghiệp kinh doanh bán điện, họ chỉ được bán điện khi lưới điện đảm bảo đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, có trách nhiệm của người bán, người mua, được quy định rõ ở Nghị định số 45/2001/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong đó có lĩnh vực an toàn điện. Bên bán buộc phải chống thất thoát, bên mua buộc phải tiết kiệm điện, không có chuyện dùng điện bừa bãi, gây mất an toàn như một số vùng nông thôn hiện nay.
Hiện nay, chúng ta đang làm tốt công tác chuyển đổi mô hình, cấp giấy phép hoạt động điện lực. Thành tích đó của Tổng công ty Điện lực VN, của các sở Công nghiệp rất đáng trân trọng. Nhưng việc hướng dẫn các văn bản pháp luật về hoạt động điện lực để các doanh nghiệp này hoạt động theo đúng quỹ đạo thì cơ quan quản lý nhà nước và ngành Điện còn phải đầu tư nhiều công sức mới có được kết quả như mong muốn.
Riêng việc tuyên truyền về lĩnh vực an toàn, ngành Điện đã tốn khá nhiều tiền của, công sức, nhưng xem ra hiệu quả vẫn chưa cao, có lẽ cần phải có một bước cải tiến lớn về công tác này, trước mắt là cần tổ chức các lớp ngắn hạn, bồi dưỡng cho các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp xã.
áp dụng biện pháp hành chính, đặc biệt đối với cấp xã Nghị định số 74/2003/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, quy định, chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử phạt tới 500.000 đồng. Hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này cũng quy định khá cụ thể. Thí dụ: Tại khoản 2 Điều 10: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với các hành vi: “Buộc gia súc, phương tiện, dụng cụ vào cột điện, tường rào trạm điện... Lắp đặt ăng ten, dây phơi, biển hộp, đèn quảng cáo và các vật dụng khác trong hành lang bảo vệ công trình điện...”. Nếu ở cấp xã làm tốt các biện pháp xử phạt hành chính, cũng đã giảm khá nhiều tai nạn về điện trong nhân dân.