Tham dự triển lãm lần này có 111 công ty từ 18 quốc gia, khu vực về 3 lĩnh vực: Máy móc thiết bị của ngành May; Máy móc thiết bị của ngành Dệt và nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may. Trong đó diện tích trưng bày khoảng 4.000 m2 gồm các công ty đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc với 22 công ty, tiếp đến là Đức 14 , Áo 11, Italy 10, Hồng Kông 9, Đài Loan 9, Hàn Quốc 8, Thụy Sỹ 7, Nhật Bản 6, Ấn Độ 2, Canada 1, Malaysia 1, Hà Lan 1, Pakistan 1, Singapore 1, Tây Ban Nha 1, Mỹ 1 và Việt Nam là nước chủ nhà với 16 công ty tham gia.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thành Biên – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may của Chính phủ, Việt Nam đã trở thành một trong những nước dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 9,1 tỉ USD. Dự kiến năm nay, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 11 tỉ USD. Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2015 là đưa Việt Nam vào top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới với chỉ tiêu nội địa hóa trên 60% đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Với định hướng đó, việc tìm kiếm và hợp tác với những đối tác hàng đầu thế giới về thiết bị và nguyên phụ liệu ngành dệt may sẽ đóng vai trò quan trọng cho thành công của ngành dệt may trong tương lai. Ông Biên cũng tin tưởng rằng, triển lãm là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham quan, tìm hiểu công nghệ mới, các chủng loại thiết bị, phụ tùng dệt may hiện đại phục vụ công tác đầu tư phát triển cũng như giúp các doanh nghiệp may có thêm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu mới, chủ động đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng nước ngoài, góp phần phát triển ngành dệt may Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ hợp tác, làm ăn giữa các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước.
Dàn máy thêu của Sunstar
Những tín hiệu phát triển ngành Dệt may là rất đáng phấn khởi, tuy nhiên để đạt được những con số đó, toàn ngành Dệt may cần không ngừng thay đổi công nghệ và phải có những thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe của các thị trường quốc tế. Bởi ngày nay, ngoài sản phẩm tốt còn phải đảm bảo tiêu chí thân thiện môi trường, người tiêu dùng không bị ảnh hưởng đến sức khỏe bởi những hóa chất sử dụng trong sản phẩm đó. Đó là những yêu cầu rất gay gắt mà nếu không có thiết bị hiện đại, công nghệ cao thì không thể đáp ứng được.
Theo ông Lê Tiến Trường – Phó tổng giám đốc Vinatex thì triển lãm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu lần này hướng tới 3 tiêu chí “Năng suất – Chất lượng – Thân thiện môi trường”. Các doanh nghiệp tham gia triển lãm đều phải có đăng ký sở hữu trí tuệ về các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, ông Trường cũng khẳng định, ngành Dệt may Việt Nam là ngành đang phát triển, nên cần phải cân nhắc đánh giá, lựa chọn cái phù hợp với mình cả trong đầu tư, cả trong công nghệ vì đầu tư còn phải phù hợp với trình độ lao động trong khu vực, nếu thiết bị quá hiện đại mà lao động không đủ trình độ để vận hành sử dụng thì sẽ rất lãng phí. Do đó, triển lãm giới thiệu các công nghệ với nhiều lát cắt khác nhau để doanh nghiệp lựa chọn cho phù hợp với khả năng tổ chức quản lý và địa bàn kinh doanh của mình.
Ông Dương Kỳ Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Triển lãm Hội nghị và Quảng cáo Việt Nam (VCCI Expo) cho biết thêm, triển lãm năm nay có phần đổi mới so với những lần triển lãm trước vì các thiết bị trưng bày đều là những thiết bị, công nghệ mới, hiện đại mà các nhà sản xuất mong muốn giới thiệu tại thị trường Việt Nam khi ngành Dệt may Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, qua đó để các doanh nghiệp có điều kiện lựa chọn các trang thiết bị phù hợp với doanh nghiệp mình.
Triển lãm sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 10-12/11/2010.