Được thành lập và đi vào sản xuất từ những năm 1959 - 1961, đến nay, Công ty Hoá chất Việt Trì đã có hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đã phấn đấu và khẳng định được vị trí của mình trên thị trường. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác của nước ta, khi bước sang cơ chế thị trường, Công ty đã gặp phải nhiều khó khăn, do phải cạnh tranh không cân sức với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, nhất là hàng Trung Quốc. Thêm vào đó, những năm gần đây, thị trường chất tẩy rửa Việt Nam được mở cửa, với sự tham gia của nhiều công ty liên doanh thuộc các tập đoàn mạnh, đa quốc gia, càng làm cho hoạt động của thị trường hoá chất nói chung có nhiều biến động, các doanh nghiệp sản xuất rất khó khăn trong việc cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm.

Trước thực trạng trên, Công ty Hoá chất Việt Trì mặc dù là doanh nghiệp duy nhất sản xuất xút ở miền Bắc, nhưng cũng không cạnh tranh nổi với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nên tốc độ tăng trưởng GTSXCN chỉ đạt hơn 1%/năm. Phải làm gì để duy trì sản xuất, đồng thời vươn lên cạnh tranh được và góp phần giữ lấy ngành hoá chất cơ bản, trong khi một số doanh nghiệp khác sản xuất các sản phẩm cùng loại đã phải chuyển hướng sang sản xuất phân bón, hoặc tăng cường sản xuất các sản phẩm khác đi từ hoá chất để bù vào hỗ trợ cho các sản phẩm truyền thống ?

Đứng trước khó khăn trên, Công ty Hoá chất Việt Trì, một mặt đã vừa cố gắng duy trì sản xuất, vừa phát huy tối đa năng lực để nâng cao khả năng cạnh tranh. Công ty đã chủ động đánh giá lại năng lực quản lý, sản xuất, tiến hành đầu tư chiều sâu, thông qua việc nâng cấp cải tiến thiết bị, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, nên đã giảm được chi phí sản xuất và hạ giá thành, nhằm tăng sức cạnh tranh và dành giữ thị phần. Năm 1998, Công ty đã tiến hành cải tiến dây chuyền sản xuất axít, tìm cách cân bằng sử dụng hết axít cho sản xuất clo,... Vì thế, một số sản phẩm của Công ty như xút, canxi clorua đã chiếm được ưu thế trên thị trường, được khách hàng ưu thích bởi chất lượng cao và giá thấp hơn hàng Trung Quốc. Tới nay, năng lực sản xuất các sản phẩm hoá chất cơ bản của Công ty đã tăng từ 3 -5 lần so với công suất thiết kế ban đầu, với sản lượng xút lỏng đạt 6 nghìn tấn/năm, axít chlohydric đạt 15 nghìn tấn/năm, Clo lỏng đạt 2 nghìn tấn/năm, Javen đạt 5 nghìn tấn/năm và canxi clorua đạt 4 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, mấy năm gần đây, Công ty còn sản xuất phân bón hỗn hợp NPK với công suất 10 nghìn tấn/năm và các chất tẩy giặt khoảng 4 nghìn tấn/năm, cho doanh thu từ 7 -10 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2002, Công ty đạt doanh thu 71,579 tỷ đồng, tăng gần 9,3% so với kế hoạch và vượt lên tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2001. Công ty đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước 770 triệu đồng, đảm bảo thu nhập trung bình của CBCNV đạt 1,04 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, Công ty cũng sửa sang được nhà hành chính, xưởng sản xuất, và mua sắm thêm được một số trang thiết bị cần thiết, tạo bộ mặt mới tương đối khang trang.

Tuy nhiên, so với nhu cầu sử dụng hóa chất trong thực tế, thì các con số trên còn quá nhỏ bé và khiêm tốn. Công ty đã và đang chuẩn bị đầu tư thêm để tận dụng và phát huy được nhà xưởng, đội ngũ lao động sẵn có, đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh việc duy trì và mở rộng sản xuất clo, javen, axít các loại, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp như giấy, chất tẩy rửa, các chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, nuôi trồng thuỷ sản của nước ta, Công ty sẽ tập trung đầu tư mạnh hơn cho phát triển xút -  là mặt hàng chủ lực của mình. Từ khi mới bước vào hoạt động, sản lượng xút chỉ có 1,9 nghìn tấn/năm. Do nhu cầu ngày càng tăng của các ngành công nghiệp Giấy, Dệt, Thực phẩm đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung, nên đến nay, Công ty đã nâng công suất và tiêu thụ được 6 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, 6 nghìn tấn xút mà Công ty sản xuất cũng mới chỉ cung cấp được 1/10 nhu cầu trong nước, 1/4 nhu cầu ở miền Bắc. Theo qui hoạch phát triển các ngành trên, nhu cầu dùng xút sẽ tăng trung bình từ 7 -15%/năm. Vì thế, Công ty đang tích cực chuẩn bị để đầu tư nâng công suất sản xuất từ 6 nghìn tấn xút /năm lên 10 nghìn tấn/năm (năm 2005) và 20 nghìn tấn/năm (năm 2010), nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và hạn chế nhập khẩu.

Tuy nhiên, Công ty Hoá chất Việt Trì lại đang đứng trước những thách thức to lớn, đó là vốn đầu tư cho phát triển hoá chất cơ bản rất lớn, khả năng thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, giá điện tăng cao, làm giá thành sản phẩm khó có thể hạ thấp hơn được. Mặt khác, trong khi Việt Nam đang tiến đến hội nhập hoàn toàn AFTA, thì khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hoá chất cơ bản sẽ càng gặp khó khăn hơn về giá thành. Trước thực trạng này, Công ty Hoá chất Việt Trì một mặt vừa tích cực tìm mọi biện pháp tăng cường sản xuất, mặt khác cũng mong muốn được Nhà nước có chính sách, giải pháp tháo gỡ, đỡ đầu ưu tiên phát triển ngành nguyên liệu đầu nguồn, để ngành hoá chất cơ bản nói chung và Công ty Hoá chất Việt Trì nói riêng có điều kiện phát triển.
  • Tags: