Trần Văn Đạo - "Bàn tay vàng" của Tuyển than Cửa Ông

Phân xưởng Cơ khí Công ty Tuyển than Cửa Ông được biết đến như một cái nôi đào tạo thợ có tay nghề cao với nhiều thợ được công nhận là "Bàn tay vàng". Anh Trần Văn Đạo - Tổ trưởng tổ Cơ khí 3, thợ ngu

Từ năm 2000 đến nay, anh liên tục nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Năm 2008, anh vinh dự là 1 trong 5 CBCN của Công ty được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ Nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh công nhân, lao động đang trực tiếp lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo". Năm 2008 là năm đầu tiên giải thưởng này được trao tặng cho 100 công nhân lao động tiêu biểu thuộc các thành phần kinh tế có tổ chức Công đoàn. Anh còn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2008, là Chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương năm 2008, Chiến sỹ thi đua Tập đoàn năm 2008, Chiến sỹ thi đua Công ty liên tục từ năm 2005 đến nay.

Anh Đạo đi làm công nhân từ năm 18 tuổi, được phân xưởng cho đi đào tạo trung cấp cơ điện để nâng cao tay nghề. Trong thời gian 35 năm làm thợ, bản thân anh đã tham gia rất nhiều công trình có vai trò đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa chiến lược đối với quá trình phát triển của Công ty, với những sáng kiến thiết thực. Có những lúc phải cùng anh em thợ làm cả ngày lẫn đêm, quên ăn vì tập trung vào công trình và bản vẽ, lúc nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Kể về công trình cải tạo máy rót than SL1 và SL2 tại cảng Cửa Ông năm 1993, anh tự hào nói: "Máy rót SL1 và SL2 do Nhật Bản thiết kế chỉ có công suất 12.000 tấn, sau một thời gian hoạt động, anh em chúng tôi nhận thấy hoàn toàn có thể cải tạo để nâng công suất rót than của hai máy. Chúng tôi đã cùng các chuyên gia của Nhật nghiên cứu, tìm tòi, bên họ cung cấp thiết bị, bên mình tháo lắp thiết bị cũ để thay thế thiết bị mới. Có khi phải làm cả ngày lẫn đêm vì bản vẽ thiết kế của Nhật chưa phù hợp với thực tế, chúng tôi phải sửa lại từng chi tiết để phù hợp cho việc lắp đặt. Sau khi cải tạo, công suất đã nâng lên 40.000 tấn. Công việc chỉ mất khoảng hơn 1 tháng nhưng đó là bao nhiêu mồ hôi và công sức của anh em thợ".

Đặc biệt, năm 2008, một cơn lốc xoáy đã làm đổ cả 3 máy rót than SL1, Sl2 và SL3 tại cảng Cửa Ông, gây thiệt hại hơn 100 tỷ cho công ty. Đây là khó khăn và sự cố lớn nhất của công ty kể từ ngày thành lập, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống CBCN công ty và vùng Cẩm Phả. Phát huy tinh thần lao động sáng tạo, CBCN công ty đã xây dựng các phương án sản xuất khoa học, kịp thời khắc phục sự cố góp phần ổn định sản xuất và tiêu thụ. Anh Đạo đã cùng anh em thợ tự chế tạo và thi công đưa vào phục vụ sản xuất 2 công trình: Băng rót than số 1 và cải tạo, sửa chữa trạm dẫn động đầu băng B13+ B21, phục hồi đưa vào hoạt động máy rót Hitachi số 1, số 2. Việc thực hiện các công trình trên đã đảm bảo cho việc tiêu thụ than tại cảng Cửa Ông ổn định như trước khi xảy ra sự cố, kịp thời phục vụ kế hoạch tiêu thụ của Tập đoàn, tiết kiệm chi phí bốc rót chuyển tải. Anh đã được Tập đoàn TKV tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia khắc phục sự cố.

Có những công trình khác phải huy động gần như toàn bộ thợ Cơ khí hơn 100 người làm liên tục trong hơn 1 năm. Đó là công trình cải tạo toàn bộ phần cơ của các thiết bị trong nhà máy Tuyển than 1 năm 2008, bao gồm gần 200 đầu thiết bị, trong đó tham gia sản xuất trong dây chuyền tuyển than khoảng 100 thiết bị như băng tải, máy sàng, máy bơm, máy lắng... Toàn bộ thợ của phân xưởng Cơ khí đã được huy động để gia công chuẩn bị và lắp đặt thiết bị. Anh Đạo đã trực tiếp đi khảo sát để vẽ các chi tiết máy, sau đó hướng dẫn và tham gia gia công chi tiết. Khó nhất là phải vẽ chính xác tuyệt đối các chi tiết, chỉ cần một sai sót nhỏ thì việc lắp đặt sẽ thất bại, tốn bao công sức của anh em thợ. Do đó anh không bao giờ cho phép mình lơi là trong công việc.

Nhận xét về anh Đạo, anh Bùi Văn Lợi (Chủ tịch Công đoàn phân xưởng) cho biết: "Làm thợ cơ khí cần nhất những người cần cù, chịu khó, lanh nghề bởi công việc cần sức người là chính. Anh Đạo là một người thợ có tay nghề cao và rất tâm huyết với công việc. Không những thế anh còn tích cực tham gia kèm cặp lớp thợ trẻ để họ sớm kế thừa tay nghề, trở thành thợ giỏi, để Công ty ngày càng có thêm những "Bàn tay vàng ".

Mỗi khi tiếp nhận một công trình, anh đều cẩn thận khảo sát kỹ lưỡng rồi mới đi vào bản vẽ, kể cả với những chi tiết anh đã thông thuộc. Bên cạnh những công trình lớn, theo kế hoạch sửa chữa thường xuyên hàng năm của Công ty, anh và các thợ trong phân xưởng đều tiến hành cải tạo, trung tu, sửa chữa các thiết bị cơ điện của các đơn vị Tuyển 1, Tuyển 2, Kho bến 1, Kho bến 2, Môi trường...

Gắn bó với Tuyển than Cửa Ông đã 35 năm, anh Đạo chia sẻ nhiều cảm xúc: "Không chỉ có tôi làm ở Cửa Ông mà cả bố mẹ, vợ và con trai đều gắn bó với nơi đây. Bố mẹ tôi đã làm ở đây từ những thời kỳ gian khó nhất, bản thân tôi và cháu may mắn được làm việc trong giai đoạn ổn định và phát triển. Tôi tự hào là một người thợ đóng góp cho sự phát triển bền vững của Công ty".