Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2008 ước đạt 13 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2007 (nếu loại trừ yếu tố giá thì đạt 11,0%). Tổng kim ngạch nhập khẩu quý I/2008 ước đạt 20,39 tỷ USD, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2007.
2. Những vấn đề đặt ra
Những vấn đề cần lưu ý của xuất khẩu Việt Nam từ lâu, đó là hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất khẩu, vấn đề cơ bản của mặt hàng xuất khẩu: Mặt hàng thô và sơ chế, nhất là nông sản, tỷ lệ chế biến sâu thấp, trên 60% giá trị kim ngạch là mặt hàng xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp; Về hàng công nghiệp: tỷ lệ gia công cao, nhất là may mặc và giầy dép, hàng hóa chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới, tính cạnh tranh thấp vì chất lượng và mẫu mã, giá đầu vào cao, chi phí cho xuất khẩu lớn, nhất là thu gom hàng hóa và vận tải, tiêu cực phí ở các khâu vận tải và thủ tục hải quan...
Tuy nhiên, hiện nay, trong cán cân thương mại, từ năm 2006, tỷ lệ tăng trưởng của nhập khẩu luôn cao nhiều so với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, xuất hiện khoản nhập siêu quá lớn (năm 2007, tỷ lệ này là 39,6/21,9 với mức nhập siêu là 14,12 tỷ USD so với 5,07 tỷ USD của năm 2006. Quý I/2008, đã đạt mức nhập siêu 7,4 tỷ USD, bằng 56,5% so với kim ngạch xuất khẩu. Quý I/2007 là 18,2%), tỷ lệ tăng trưởng của nhập khẩu so với xuất khẩu là 62,5/22,7 (quý I/2007 là 33,6/22,9).
Ngoài những chính sách hạn chế về kim ngạch và số lượng nhập khẩu một số loại mặt hàng được cho là chưa thiết yếu, chưa cần thiết, biện pháp hữu hiệu nhất để giảm nhập siêu là đẩy mạnh xuất khẩu, làm cho tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.
3. Các chính sách hỗ trợ khuyến khích xuất khẩu.
Trong giai đoạn kinh tế hiện nay, các chính sách hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu là một trong những nhóm chính sách góp phần giảm lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh cần phải nhờ vào ba yếu tố là: Chính sách thương mại, nhu cầu thị trường thế giới và sự gia tăng FDI. Sử dụng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu của nước ta hiện nay cũng đang nhằm vào mục tiêu chiến lược là thay đổi cơ cấu trong xuất khẩu theo hướng chuyển dần sang xuất khẩu các nhóm hàng chế tạo có giá trị tăng cao và tăng hiệu quả kinh tế và chất lượng của xuất khẩu.
Các nhóm đòn bảy khuyến khích xuất khẩu đều thuộc các biện pháp của chính sách tài chính và chính sách tiền tệ, nhằm mục tiêu giảm chi phí sản xuất hàng xuất khẩu và các nhà xuất khẩu. Thực tế ở nước ta đã sử dụng các biện pháp của chính sách tài chính bao gồm: Khuyến khích về thuế đối với đầu tư, giảm thuế các phương tiện kho tàng và khu chế xuất, hoàn thuế. Các biện pháp tiền tệ bao gồm: Các phương tiện chiết khấu (lãi suất) tín dụng xuất khẩu, thưởng xuất khẩu, tỷ giá hối đoái... Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều biện pháp không phù hợp đã bị loại bỏ. Hiện nay nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển thường sử dụng ba nhóm khuyến khích xuất nhập khẩu. Nhóm thứ nhất là nhóm thuế, hoàn trả lại thuế và giảm thuế áp dụng đối với các sản phẩm trung gian nhập khẩu. Thuế và hoàn thuế, giảm thuế cũng được áp dụng đối với máy móc và thiết bị nhập khẩu cho sản xuất hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Nhóm thứ 2 bao gồm tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu để tăng vốn lưu động phục vụ xuất khẩu. Nhóm thứ ba bao gồm các quỹ phục vụ các đoàn công tác đi nước ngoài của các quan chức chính phủ và các doanh nghiệp, các nhà ngoại giao, thương vụ nhằm khuyếch trương xuất khẩu Việt Nam ra thị trường thế giới. Tựu trung lại, các chính sách hỗ trợ xuất khẩu ở bất kỳ quốc gia nào cũng nhằm vào hai đối tượng chính là các nhà sản xuất, hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu và các doanh nghiệp làm chức năng xuất nhập khẩu.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Nghị định của Chính phủ số 151/2006/NĐ- CP của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, trong đó quy định rõ các khoản cho vay xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Nguồn vốn được huy động để thực hiện bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động. Vốn ngân sách nhà nước chủ yếu là vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngoài ra, còn vốn ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ đầu tư và vốn ngân sách nhà nước cấp cho các chương trình mục tiêu của Chính phủ.
Điều quan trọng là Nghị định này đã quy định, doanh nghiệp muốn vay vốn có hợp đồng xuất nhập khẩu và hàng hóa xuất nhập khẩu phải thuộc danh mục mặt hàng được vay vốn tín dụng xuất khẩu.
Do sự biến động về giá cả hạn mức tín dụng cho xuất khẩu nên cần phải có sự nghiên cứu điều chỉnh thích hợp. Danh mục các hàng hóa được vay vốn cũng cần được điều chỉnh theo hướng mở rộng hơn.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc những giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, giảm nhập siêu, góp phần đẩy lùi lạm phát do Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan đề xuất, công văn số 481/TTg-KTTH ngày 31/3/2008 trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về thúc đẩy xuất khẩu, điều tiết nhập khẩu, cân đối bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân... Thủ tướng cũng yêu cầu việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là các giải pháp về tài chính – tín dụng không được trái với các nguyên tắc của WTO.
Hiện nay, nhiều nước đã sử dụng hữu hiệu công cụ “bảo hiểm tín dụng xuất khẩu”, đây thực chất là một loại dịch vụ có vai trò rất tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của các tổ chức tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, dịch vụ này chưa phát triển, một phần do các doanh nghiệp chưa hiểu, chưa thấy hết vai trò quan trọng của loại hình bảo hiểm này. Mặt khác, quy mô và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp chưa lớn, hình thức bán hàng chủ yếu theo giá FOB, cho nên ngay cả việc bảo hiểm hàng hóa, xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng ở mức rất thấp, các doanh nghiệp thường “quên” tham gia loại hình bảo hiểm này. Hiện nay, rủi ro tài chính trong giao dịch buôn bán quốc tế là rất dễ xảy ra, trong khi công tác tìm hiểu đối tác và dự báo giá cả, tỷ giá... của Việt Nam còn yếu kém. Vì vậy, việc áp dụng các hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, là rất cần thiết và cấp bách.
Như vậy, làm tốt công tác quản lý kinh tế vĩ mô sẽ góp phần làm cho nền kinh tế hoạt động đạt hiệu quả cao và có sức chịu đựng khi xảy ra sự biến động bất ngờ. Các chính sách về tài chính, tiền tệ và tỷ giá luôn là công cụ quan trọng cần thiết để đạt được sự ổn định và cân bằng của nền kinh tế.