Vật giá "leo thang" đến chóng mặt

Áp lực từ việc tăng giá xăng dầu là nguyên nhân chính khiến hầu hết các mặt hàng tăng giá. Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng trên thị trường đã bão hòa nên sức tiêu thụ chậm, buộc nhà sản xuất phải hạ

 

Hiện các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng  và các mặt hàng thiết yếu khác tại TP.HCM, Hà Nội và Đồng bằng sông Cửu Long đều đồng loạt tăng giá.

Trên địa bàn TP.HCM, từ siêu thị đến chợ đều có biểu hiện điều chỉnh giá bán. Trong đó, giá niêm yết tại các siêu thị tăng từ 7-10%, còn tại các chợ bán lẻ, các mặt hàng tươi sống đã tăng cao. Thịt heo tăng đến 20% so với đầu tháng 5 (tăng bình quân 2.000 -3.000 đồng/kg), các loại rau củ, thủy hải sản tăng hơn 1.000-2.000 đồng/kg, gạo đặc sản cũng nhích lên 100-200đồng/kg. Được biết, giá gạo tăng là do gạo đang được đẩy mạnh xuất khẩu nên sản lượng gạo về chợ giảm. Tại Hà Nội, hàng loạt mặt hàng thực phẩm tăng giá khá mạnh. Hầu hết các loại thực phẩm thiết yếu đều kéo nhau tăng giá như: gạo, thịt gà, thịt lợn, dầu ăn, rau xanh... Trong đó, dầu ăn tăng 5.000 đồng/can; thịt gà, lợn, bò tăng từ 3.000-  5.000 đồng/kg; gạo tăng 300 đồng/kg; các loại cá nước ngọt cũng tăng từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/kg; hải sản tăng từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg...

Giá các mặt hàng thiết yếu khác như: sữa bột, gas… cũng tăng. Từ sau Tết đến nay, giá nhiều loại sữa bột đã tăng mạnh, đặc biệt là sữa Pediasure (tăng hơn 20.000 đồng/ hộp 900g so với trước Tết), sữa Similac Advance IQ (tăng 16.000 đồng/hộp 900g), sữa bột Dutch Lady (tăng 9.000 đồng/hộp 900g), sữa bột Nestle (tăng 8.000-9.000 đồng/hộp). Nhiều loại sữa đặc có đường đựng trong lon thiếc giá cũng tăng thêm 1.000 đồng/lon. Từ đầu tháng 5.2007, giá gas trên thị trường đã tăng bình quân từ 5.000-7.000 đồng/bình 12 kg. Trong vòng 2 tháng, giá gas đã tăng 3 lần. Nhìn chung, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đã tăng 5-10%.

Trong số các mặt hàng đang chịu nhiều áp lực tăng giá do giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển, nhân công tăng... phải kể đến các sản phẩm nhôm, nhựa gia dụng và nhiều loại vật liệu xây dựng. Tại TP.HCM, giá xi măng vừa tăng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/bao (tùy loại); gạch ống tăng từ 10 - 20 đồng/viên. Các loại cát, đá cũng tăng vài chục ngàn đồng/khối. Nhiều điểm kinh doanh sắt thép đã tăng giá thêm khoảng 50.000 đồng/tấn. Tháng 4 vừa qua, giá nguyên liệu nhựa đã tăng khoảng 10%; nguyên liệu đồng, nhôm, inox tăng từ 10- 15%, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng không tăng giá bán vì nguồn nguyên liệu dự trữ vẫn còn. Tuy nhiên, trước áp lực giá xăng tăng lần này khiến chi phí vận chuyển tăng, họ không thể nào gồng mình giữ giá mãi được nên nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu tăng giá bán từ  5- 10%.

Bên cạnh đó, ngành Dịch vụ cũng có biểu biểu hiện điều chỉnh giá, cụ thể là ngành Dịch vụ taxi. Do giá xăng tăng, giá các yếu tố đầu vào khác cũng tăng so với đầu năm (phụ tùng tăng 30%, dầu tăng 30%), nên các doanh nghiệp kinh doanh taxi đã có giải pháp tăng giá cước từ 10%-20%.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, cơn sốt giá phân bón vẫn chưa hạ nhiệt. Hiện thị trường phân bón vẫn ở giá cao như suốt từ đầu tháng 4 đến nay và một số loại có xu hướng tiếp tục tăng giá. Nguyên nhân do giá một số loại phân trên thế giới tăng rất cao, nhất là phân DAP. Tại Hậu Giang, phân U-rê Trung Quốc tăng khoảng 50.000-70.000 đồng/bao 50kg, giá phân DAP “leo thang” đến chóng mặt, từ 290.000đ/bao thời điểm đầu năm lên 360.000đ/bao vào giữa tháng 4 và nay là 400.000đ/bao. Dự báo, Trung Quốc chuẩn bị áp 20% thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân DAP, có khả năng loại phân bón này sẽ tăng lên 490USD/tấn.

Tuy nhiên, các mặt hàng hàng điện tử  lại đang vào đợt giảm giá mạnh. Giá bán hầu hết các sản phẩm gia dụng như: máy lạnh, tivi, tủ lạnh, máy ảnh kỹ thuật số… tại các siêu thị, trung tâm điện máy trên địa bàn TP.HCM đều giảm từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước  và 8-10% so với cuối năm 2006. Các dòng sản phẩm cao cấp như tivi LCD, tivi siêu mỏng vào mùa giảm giá mạnh nhất từ trước Tết đến nay (hãng LG giảm 20-45%, Sony giảm 20-27%). Bên cạnh đó, nhiều siêu thị, trung tâm điện máy còn tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như “Đổi cũ sở hữu mới với giá ưu đãi”, “tuần lễ giá rực lửa” … để kích cầu thị trường này. Vào lúc thị trường đang bão hòa, sức tiêu thụ thấp, hàng tồn kho nhiều, dự báo, các hãng điện tử trong nước sẽ còn tiếp tục giảm giá, nhất là mặt hàng tivi LCD, vì mặt hàng này có giá trong nước cao hơn 20-30% so với giá thị trường thế giới.q

  • Tags: