Gắn kết “4 nhà” xây dựng nông thôn mới thành công

Xây dựng nông thôn mới là việc góp phần làm thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn ĐBSCL nói riêng. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Liên kết 4 nhà chính là tạo nên sức mạnh, nó t

Liên kết” 4 nhà” là tất yếu

Đây là ý kiến của ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre.Cũng theo ông Hải, trên thực tế, sự phối hợp giữa "4 nhà" trong phát triển kinh tế chưa chặt chẽ và đồng bộ. Việc xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ còn hạn chế, giữa các nhà thật sự vẫn có những khoảng cách lớn. Chính vì vậy, để xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL thành công, trước hết chúng ta phải xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân phải có sự đồng thuận cao.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phương Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình liên kết "4 nhà" được nhiều đơn vị, địa phương ở ĐBSCL áp dụng thành công, cho hiệu quả cao như chương trình xã hội hóa công tác giống, phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa... Đặc biệt, việc liên kết để sản xuất hàng hóa sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như thanh long, nhãn, bưởi Năm Roi, vú sữa Vĩnh Kim, đã cho thấy đây là hướng đi đúng.

GS.TS Trương Giang Long, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: “Việc liên kết đã có từ lâu, nhưng nói chung là còn hạn chế. Tôi hy vọng "4 nhà" sẽ tìm ra được những giải pháp tốt nhất để đưa nông thôn vùng ĐBSCL phát triển mạnh hơn nữa. Chúng ta phải xây dựng được những mô hình làm kinh tế hiệu quả mà trong đó có sự tham gia của "4 nhà", từ đó nhân rộng mô hình đó ra không những ở ĐBSCL mà còn ở khắp nông thôn Việt Nam. Sự liên kết giữa "4 nhà" sẽ là cơ sở vững chắc góp phần xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL”.

Để góp phần xây dựng nông thôn theo chủ trương của Đảng - Nhà nước thì trước hết đời sống nông dân phải được nâng lên. Bởi nông dân là chủ thể chính để xây dựng các tiêu chí của nông thôn mới. Nông thôn mới và nông dân - nông nghiệp không thể tách rời. Do vậy, muốn nâng cao đời sống nông dân thì bản thân họ không thể tự thân vận động được mà cần phải có sự liên kết, hỗ trợ từ nhiều phía. Trong liên kết "4 nhà" để sản xuất nông nghiệp cũng vậy, phải xác định nông dân là đối tượng, nông nghiệp là cơ hội và nông thôn là địa bàn. Liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp thì Nhà nước phải giữ vai trò là nhạc trưởng, là nhân tố xúc tác đảm bảo cho sự liên kết giữa doanh nghiệp- nhà khoa học và nhà nông được phát huy.

Để liên kết "4 nhà" hữu hiệu trong sản xuất nông nghiệp thì các địa phương vùng ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách hợp lý và có lợi cho nông dân, như trợ vốn ưu đãi cho nông dân trong khâu mua vật tư, phân bón, cơ giới hóa trong sản xuất, đầu tư ngân sách cho phát triển nông nghiệp, hạ tầng nông thôn; đồng thời xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong liên kết "4 nhà" để sản xuất nông nghiệp thì các địa phương cần đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các nhà; trong đó lợi nhuận đầu tiên phải thuộc về nhà nông. Có như vậy nông dân mới tái sản xuất,làm giàu cho bản thân và góp phần xây dựng nông thôn mới.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng: "ĐBSCL là khu vực có tiềm lực rất lớn trong phát triển kinh tế. Muốn xây dựng nông thôn mới có hiệu quả thì chúng ta phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội, từ đó làm cho đời sống kinh tế, trình độ dân trí của nông dân được nâng lên. Việc liên kết "4 nhà" là điều kiện tất yếu để hoàn thành chương trình này".

Tạo sức bật mới

Theo PGS.TS Phương Ngọc Thạch, liên kết "4 nhà" còn chưa được vận dụng phổ biến, hạn chế trong một số lĩnh vực nông nghiệp và ở một số nơi nên chưa tạo được bước đột phá, tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Lâu nay, các nhà cũng đã hợp tác, bắt tay nhau thực hiện một số chương trình về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng đó mới chỉ là những cuộc bắt tay đôi, thỉnh thoảng mới bắt tay ba nhà. Liên kết "4 nhà" chỉ là khẩu hiệu chung chung. Theo ông Thạch, để xây dựng nông thôn mới thì đòi hỏi "4 nhà" phải đưa ra và thực thi những chính sách cũng như chủ trương đã đề ra trên tinh thần hài hòa lợi ích.

Về phía Nhà nước, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, nhanh chóng tháo gỡ những "nút thắt" để hợp tác "4 nha"̀ chuyển biến mạnh mẽ, tạo sức bật mới trong thực hiện Nghị quyết tam nông.

Về phía nhà khoa học, cần nghiên cứu, đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Cần nghiên cứu và chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân; đưa máy móc, công cụ phù hợp với từng đối tượng cây trồng và điều kiện của nông nghiệp Việt Nam vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm; chuyển giao công nghệ chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch cho nông dân để nâng cao giá trị hàng hoá của sản phẩm. Huấn luyện đào tạo nhà nông tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Về phía doanh nghiệp, cần phải có chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp với thị trường trong và ngoài nước. Phải xây dựng được thương hiệu và chăm sóc thương hiệu của mình theo định hướng cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường, tích cực đi tìm thị trường, định ra khả năng tiêu thụ. Đặt hàng ký hợp đồng với nông dân bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm sản xuất với điều kiện sản phẩm đúng chất, đủ lượng, đúng hạn, đúng giá. Các doanh nghiệp cần chú trọng hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu cho chính mình, nếu không vùng nguyên liệu nông sản có nguy cơ bị mất về tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Về phía nhà nông, cần phải hợp tác sản xuất để tạo vùng nguyên liệu có định hướng theo hợp đồng. Nông dân phải làm ăn theo hợp đồng, tôn trọng hợp đồng cả về số lượng, chất lượng và thời gian cung ứng.