Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên ngay từ đầu nhiệm kỳ (năm 2011) Sở Công Thương đã tập trung nghiên cứu, dự báo tình hình, phân tích đánh giá để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đồng thời tập trung nguồn lực và sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ. Khẩn trương xây dựng Đề án trọng tâm “Phát triển công nghiệp – khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011- 2015” và triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của năm 2011 nhằm tạo đà tốt cho cả giai đoạn.
Xác định rõ tầm quan trọng của ngành mũi nhọn, ngành Công Thương đã luôn sát cánh cùng các doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, đưa năng suất lao động lên mức cao nhất có thể, đặc biệt chú trọng vào những ngành, lĩnh vực then chốt, có tỷ trọng cao. Nhờ đó, đã có nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp hoàn thành kế hoạch năm 2011. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cả năm (theo giá cố định năm 1994) ước đạt 2.525 tỷ đồng, tăng 16,4 % so với năm 2010. Nhiều sản phẩm chủ lực đạt sản lượng lớn và tăng cao so với năm trước như: Quặng apatit, tinh quặng đồng, quặng sắt, fenspat, đồng thỏi, phốt pho vàng, điện phát…Đặc biệt, một số công trình mới hoàn thành cho ra những sản phẩm mới quan trọng, tiêu biểu như: Nhà máy Super lân Lào Cai công suất 100.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2011; Nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn gia súc công suất 50.000 tấn/năm đã đi váo hoạt động từ tháng 10/2011; ba nhà máy thủy điện tổng công suất lắp máy 85 MW hòa lưới điện quốc gia và nhiều dự án tiểu thủ công nghiệp khác đã hoàn thành đầu tư.
Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, chỉ đạo và tạo điều kiện cho dự án “Các công trình công nghiệp trọng điểm giai đoạn 2011-2015” sớm hoàn thành đưa vào sản xuất. Trong số đó có những dự án quy mô lớn như Nhà máy tuyển quặng apatit Bắc Nhạc Sơn công suất 350.000 tấn/năm đã cơ bản hoàn thiện; Nhà máy Gang thép Lào Cai xây dựng tại Khu công nghiệp Tằng Loong đến năm 2013 hoàn thành dây chuyển sản xuất thép 500.000 tấn/năm và tiếp tục nâng công suất lên một triệu tấn/năm; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón chất lượng cao DAP số 2 công suất 330.000 tấn/năm chuẩn bị khởi công xây dựng và nhiều dự án thuộc lĩnh vực luyện kim, hóa chất, phân bón, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản…sẽ được hoàn thành đưa vào hoạt động trong giai đoạn từ nay đến 2015 tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị lớn cho ngành Công nghiệp cũng như nền kinh tế của tỉnh.
Công trinh công nghiệp trong điểm Nhà máy Gang thép lào Cai
Một góc nhà máy Luyện đồng Lào Cai
Phát huy những tiềm năng, lợi thế, để công nghiệp tỉnh nhà tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao bền vững, năm 2012 ngành Công nghiệp Lào Cai phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 2.750 tỷ đồng, tăng 12,1 % so với năm 2011. Trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Một là: Tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án trọng tâm “Phát triển công nghiệp – khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011- 2015”. Tiếp tục rà soát và sớm hoàn thiện Quy hoạch phát triển công nghiệp, Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Bảo đảm sự đồng bộ và gắn kết giữa quy hoạch phát triển công nghiệp với quy hoạch vùng và các quy hoạch sử dụng đất đai, giao thông, thuỷ lợi, quy hoạch phát triển nông thôn…cần cụ thể hoá quy hoạch được duyệt bằng kế hoạch, đầu tư vốn, khoa học công nghệ, thị trường … chuẩn bị tốt công tác cấp điện, nguồn nguyên liệu…để đảm bảo phát huy tốt năng lực sản xuất hiện có.
Hai là: Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công sớm hoàn thành đưa vào hoạt động. Tiếp tục kêu gọi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các dự án hiệu quả, công nghệ cao, các dự án chế biến sâu khoáng sản, chế biến nông, lâm sản của địa phương, các dự án sử dụng nhiều lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp…
Ba là: Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp cần thiết phải có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc xây dựng thương hiệu, củng cố và mở rộng thị trường; đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường; tìm kiếm thông tin, thị trường.
Bốn là : Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản : khai thác theo quy hoạch, sử dụng hợp lý, có hiệu quả, bền vững và tăng thu ngân sách cho địa phương; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản; Gắn khai thác khoáng sản với chế biến sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong cả ba khâu: khai thác, chế biến, vận chuyển nhằm giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên quốc gia.
Năm là : Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình khuyến công, hỗ trợ có hiệu quả phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Duy trì và nâng cao chất lượng bản tin Công Thương; Thường xuyên trao đổi thông tin về sản xuất, hàng hoá, thị trường với các tỉnh thành trong nước và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.
Sáu là: Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh nói chung. Tỉnh cần tập trung khắc phục nhanh tình trạng yếu kém về giao thông, trước mắt chú trọng sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ gắn với các khu vực phát triển về công nghiệp như Thành phố Lào Cai, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát…