Làm gì để tiếp tục giữ vững và vượt tốc độ tăng trưởng của năm 2003?

Có thể nói, năm 2003 là năm thắng lợi toàn diện của ngành Công nghiệp Việt Nam, với mức tăng trưởng 16% (GTSXCN đạt 302.990 tỷ đồng) và giá trị tăng thêm (GDP) đạt 10,5%, cao hơn 0,5% so với chỉ tiêu

 Ông Lê Chính Kỳ-
CTHĐQT- Tổng Công ty Thiết bị Kỹ thuật điện: Muốn phát triển phải nắm được thị trường trong nước.
Năm 2003, là năm thành công của Tcty Thiết bị Kỹ thuật điện. Mức tăng trưởng của toànTcty là 30%, trong đó, có những công ty thành viên đạt mức tăng trưởng kỷ lục 50%, thậm chí lên đến 90%. Sự tăng trưởng này chỉ là tăng nóng, còn về lâu dài chưa biết tình hình sẽ diến biến như thế nào. Song phải khẳng định rằng, có được sự thành công như trong mấy năm trở lại đây (đặc biệt là năm 2003) là do Ngành đã đầu tư một cách có hiệu quả. Vấn đề bây giờ là phải xác định được “tầm gần và tầm xa” về thị trường và khả năng sản xuất- kinh doanh của toàn Tcty. Trong thời gian tới, tất cả các công ty trực thuộc Tcty sẽ tập trung vào đầu tư và phải đầu tư mở rộng. Vì chỉ có đầu tư, mới có khả năng tạo sức cạnh tranh cũng như theo kịp sự phát triển chung của khu vực. Đầu tư ở đây là đầu tư công nghệ, mặt bằng sản xuất và đầu tư cho con người, đặc biệt là đào tạo và chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo kế cận có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu ngày càng nặng nề là “phải nắm được thị trường trong nước”. Muốn vậy, phải đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại.
Năm 2004, Tcty chúng tôi tin chắc, vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua.
Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt- May Việt Nam (VINATEX): Tìm mọi cách giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh.


Năm 2003, ngành Dệt- May của cả nước đã xuất khẩu đạt giá trị gần 3,7 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2002 (trong đó, các doanh nghiệp thuộc VINATEX đạt 868 triệu USD). Điều đáng mừng, trong tổng số kim ngạch xuất khẩu nói trên, tỷ lệ sản phẩm đã được nội địa hoá chiếm đến 30% và tỷ lệ xuất khẩu dưới dạng FOB chiếm khoảng 40%.
Mặc dù có được những kết quả khả quan như trên trong năm 2003, nhưng trong năm 2004 và những năm tiếp theo, chắc chắc sẽ là những năm mà ngành Dệt- May Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức... một trong những thách thức lớn nhất, chính là việc bãi bỏ hạn ngạch hàng dệt may thuộc những nước đã nằm trong WTO vào năm 2005 (khi đó, nếu Việt Nam gia nhập WTO) thì sẽ phải cạch tranh khốc liệt để tồn tại... Song, dù có thế nào đi chăng nữa, thì năm 2004, toàn ngành Dệt- May sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD (các doanh nghiệp thuộc VINATEX khoảng 1 tỷ USD), đạt mức tăng trưởng khoảng 18% và phấn đấu tỷ lệ nội địa hoá đạt mức 40%.
Để đạt được các mục tiêu trên, bên cạch sự giúp đỡ của Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan, về phía Tcty hiện đã xây dựng xong 11 giải pháp để tăng tốc cho toàn Ngành. Còn về phía các doanh nghiệp, không còn cách nào khác là phải tìm mọi biện pháp giảm gía thành cũng như đẩy nhanh sự tăng trưởng về chất (GDP tăng thêm) bằng việc mở rộng thị trường, cải tiến mẫu mã và tăng tỷ lệ nội địa hoá...

 Bà Hồ Thị Kim Thoa - Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang: Tiếp tục đa dạng hoá mặt hàng để giữ vững thị trường.
Năm 2003, Điện Quang đã làm được 3 việc lớn. Đó là: Đưa hệ thống quản lý giá thành vào nề nếp, các chỉ tiêu kinh tế vượt 4% so kế hoạch. Đặc biệt là công tác xuất khẩu đạt được kết quả rất khả quan. Lần đầu tiên, giá trị xuất khẩu của Điện Quang đạt mức 2 triệu USD với mức tăng trưởng 63% so với năm 2002. Đối với mặt hàng mà giá trị sản phẩm nhỏ như ngành hàng chiếu sáng, thì xuất khẩu đạt mức này có thể coi là thành công. Và cuối cùng là khôi phục sản xuất của Thủy tinh Phả Lại, tạo việc làm và ổn định đời sống cho mấy trăm CBCNV trong thời gian rất ngắn. Đến nay, Phả Lại đã đạt mức thu nhập 900.000 đồng/người/ tháng.
Nhìn chung, thị trường chiếu sáng của năm 2003 đang vào giai đoạn cạnh tranh rất khốc liệt. Khi Việt Nam mở cửa hội nhập thì thị trường sẽ càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp phải vừa cạnh tranh trong nước và vừa phải cạnh tranh với nước ngoài. Do vậy, năm tới, Điện Quang sẽ duy trì sản lượng để khai thác tối đa năng lực lò thủy tinh, đồng thời mở rộng sản xuất kinh doanh ra các mặt hàng khác, cùng phục vụ cho ngành chiếu sáng để sẵn sàng cho hội nhập, giữ vững mức tăng trưởng ổn định.  

Ông Đoàn Văn Kiển- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Than Việt Nam: “Quả ngọt” được hình thành từ quá trình “gieo trồng” tích cực, không ngơi nghỉ.
Năm vừa qua, ngành Than đã thực hiện rất tốt hai nhiệm vụ chính là đầu tư mạnh và đổi mới công nghệ. Đó cũng là chìa khoá của mọi thành công của chúng tôi trong suốt thời gian qua. Chúng tôi áp dụng triệt để việc đổi mới tư duy một cách quyết liệt trong sản xuất kinh doanh, trong đó, phương châm tiết kiệm chi phí luôn đứng hàng đầu. Sở dĩ có được những kết quả tốt như hôm nay, ngành Than cũng có lợi thế là đã tích tụ được thành công từ những năm trước. Có thể nói, những “quả ngọt” hôm nay đều đã hình thành từ quá trình “gieo trồng” tích cực, không ngơi nghỉ.
Trong năm 2004, ngoài việc sản xuất ô tô chuyên dụng, Tổng Công ty Than Việt Nam sẽ bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực đóng tầu thuỷ. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với sự trưởng thành của ngành Than Việt Nam.

 Ông Ngô Văn Trới, Tổng giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam: Phải chú trọng đến những sản phẩm mà thị trường cần.
Năm 2003, mặc dù còn gặp không ít khó khăn về vốn, về nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, nhưng Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam vẫn hoàn thành kế hoạch.
Để thực hiện nhiệm vụ năm 2004 với mức tăng trưởng khoảng 15,1% so với năm 2003, Tcty sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện khối lượng đầu tư XDCB trọng điểm như: Dự án tổ hợp Bauxít- Nhôm Lâm Đồng, Tổ hợp Đồng Sin Quyền- Lào Cai, Nhà máy Kẽm Điện phân –Thái Nguyên... Mặt khác,Tcty sẽ tăng cường các biện pháp quản lý tài chính, công nghệ, kỹ thuật, chú trọng đến các sản phẩm có nhu cầu của thị trường, đặc biệt các mặt hàng xuất khẩu đang có tiềm năng, đồng thời, đẩy mạnh công tác đổi mới và sắp xếp lại các đơn vị thành viên, mở rộng quan hệ hợp tác để chuẩn bị tài nguyên, chuẩn bị các các dự án đầu tư phát triển mới cho các năm tiếp theo.
 Ông Nguyễn Anh DũngTGĐ TCT Bia-Rượu-NGK Sài Gòn: Tự hào mình là một thương hiệu Việt và sẵn sàng cạnh tranh để phát triển. Để khắc phục khó khăn về năng lực sản xuất, năm 2003, TCT đã tăng cường gia công bia Sài Gòn tại các công ty bia địa phương, đạt 79 triệu lít (khối bia Sài Gòn sản xuất được 261 triệu lít). Trong lúc nhu cầu thị trường về sản phẩm bia Sài Gòn đang rất lớn thì việc tăng thêm sản lượng nhờ phương pháp gia công đã giải quyết được phần nào tình trạng khan hiếm bia, hạn chế hiện tượng sốt giá, nhất là vào dịp Tết nguyên đán. Chúng tôi tự hào vì mình là một thương hiệu Việt, nhưng sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các đại gia nổi tiếng nước ngoài. Hàng năm, TCT nộp ngân sách cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.
Trong năm 2004 và các năm tiếp sau, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng sản lượng bia gia công để khai thác hết tiềm năng đã được đầu tư tại các công ty bia địa phương. Song song với việc đó, TCT cũng sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bia tại một số tỉnh. Trước hết là Dự án Nhà máy bia công suất 100 triệu lít/năm tại Củ Chi đang hoàn tất thủ tục để quí I/2006 sẽ đưa vào vận hành khai thác.

  • Tags: