PV: Xin ông cho biết về thực trạng đầu tư, ứng dụng công nghệ trong ngành Hoá chất Việt Nam hiện nay. Với những công nghệ hiện có, các doanh nghiệp hoá chất nước ta sẽ gặp khó khăn gì khi hội nhập kinh tế quốc tế?
TS. Nguyễn Duy Sỹ: Như chị đã biết, hầu hết các nhà máy hoá chất ở phía Bắc đều được xây dựng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước với sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc. ở phía Nam, các nhà máy cũng được xây dựng từ thời còn Mỹ-Ngụy và đó là các cơ sở tư nhân, gia công nhỏ lẻ, vì vậy khi bước vào cơ chế thị trường, sau 30-40 năm hoạt động, công nghệ và thiết bị của các nhà máy hoá chất đã trở nên vô cùng cũ kỹ và lạc hậu.
Hưởng ứng chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Tổng công ty Hoá chất Việt Nam và các đơn vị thành viên thấy con đường duy nhất để tồn tại và phát triển là nhanh chóng đầu tư, đổi mới thiết bị kĩ thuật và công nghệ sản xuất. Sau gần 20 năm thực hiện chủ trương đổi mới, đến nay các doanh nghiệp đã hoàn toàn lột xác. 100% các doanh nghiệp trong Tổng công ty chúng tôi đã được đầu tư, đổi mới từ công nghệ thiết bị sản xuất, cơ sở hạ tầng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm đến cung cách quản lý, cũng như trình độ, tay nghề và điều kiện làm việc của người lao động. Việc 30/37 đơn vị thành viên trong Tổng công ty đã được cấp chứng chỉ ISO-9001 về quản lý chất lượng và nhiều sản phẩm trong ngành phân bón, acquy, săm lốp... đã được xuất khẩu ổn định và với khối lượng lớn là minh chứng cho những thành công trong đầu tư mới của ngành chúng tôi.
Tất nhiên với những gì hiện có cũng chưa giải quyết hết được những khó khăn khi hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Thứ nhất, với những gì chúng tôi đã đầu tư, tuy có mang lại hiệu qủa bước đầu, nhưng vẫn trong điều kiện có sự bảo hộ của Nhà nước. Những công nghệ, thiết bị được đầu tư tuy có những tiến bộ rất nhiều so với những thứ đang có, nhưng cũng mới chỉ đạt ở trình độ trung bình tiên tiến so với khu vực, đó là chưa kể phần lớn công nghệ, thiết bị đó lại có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc... nên định mức về tiêu hao vật tư, nhiên liệu cũng vẫn còn cao so với thế giới, do đó có khả năng cạnh tranh của sản phẩm chúng ta sản xuất ra khi hội nhập còn hạn chế. Đó chính là thách thức lớn mà chúng tôi cần vượt qua.
PV: Được biết, một số công nghệ trong ngành Hoá chất như: công nghệ sản xuất bột giặt của Việt Nam không hề kém công nghệ của các nước phát triển. Vậy do đâu mà chúng ta chưa thực sự phát huy được. Và các DN hoá chất Việt Nam sẽ phải làm gì khi xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đang đến rất gần ?
TS. Nguyễn Duy Sỹ: Nói đến công nghệ có thể hiểu đơn thuần đó là một quy trình sản xuất, nhưng cũng có thể hiểu đó là một bí quyết công nghệ. Nếu xét công nghệ với góc độ là quy trình thì đúng là chúng ta không kém cạnh là mấy. Nhưng nếu là bí quyết thì quả là chúng ta còn rất thiếu, rất kém so với các nước khác. Mặt khác, để phát huy được một ngành sản xuất, chỉ yếu tố công nghệ thì chưa đủ, còn cần máy móc thiết bị hiện đại, cần công nhân có tay nghề cao, nguồn cung cấp nguyên liệu và tất nhiên cả cơ chế và chính sách phù hợp.
Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, chúng tôi đã và sẽ cố gắng tiếp tục đầu tư cho các ngành sản xuất trọng điểm của mình. Công tác đầu tư ở đây phải hiểu không chỉ là đầu tư về thiết bị, máy móc hay công nghệ, mà các khâu đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ quản lý, mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin, đầu tư các công trình sản xuất sạch hơn, sử dụng các loại vật tư, nguyên liệu tại chỗ có giá cả phù hợp hơn và đặc biệt là phải tích cực đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị trong ngành để khai thác và phát huy tối đa các cơ sở vật chất hiện có. Có như vậy, chúng tôi mới đứng vững được trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập đang tới gần.
PV: Vậy những sản phẩm nào đang có hướng được ưu tiên phát triển và cần sự hỗ trợ gì về cơ chế chính sách của Nhà nước để đạt được mục tiêu đó ?
TS. Nguyễn Duy Sỹ: Trong hàng trăm sản phẩm mà ngành Hoá chất đang sản xuất và cung cấp cho thị trường thì ngành nào cũng quan trọng và cũng cần được phát triển. Tuy nhiên, nếu phải chọn lấy một vài sản phẩm quan trọng nhất thì phải kể đến các loại phân bón, vì nó liên quan đến vấn đề an ninh lương thực của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam đang sản xuất và cung cấp cho nông dân 1,4 triệu tấn phân chứa lân gồm supe photphat và phân lân nung chảy, đáp ứng 100% nhu cầu của cả nước; khoảng 1,4 – 1,6 tấn phân NPK các loại và 150 nghìn tấn phân đạm. Những con số tự nó đã nói lên tầm quan trọng của ngành sản xuất này. Ngoài phân bón, các ngành như cao su (săm lốp ôtô. xe đạp, xe máy), chất giặt rửa, các sản phẩm điện hoá (pin, acquy), hoá chất bảo vệ thực vật, các loại hoá chất cơ bản (xút, axit...) cũng rất cần được ưu tiên phát triển.
Những vấn đề như: áp dụng thuế VAT cho phân bón bằng “0”; ổn định giá than cho sản xuất phân đạm và phân lân nung chảy, giá điện cho sản xuất xút; việc hỗ trợ cho dự trữ phân bón theo thời vụ... là những vấn đề cần đựơc Nhà nước xem xét và có cơ chế hỗ trợ.
PV: Xin ông cho biết các hoạt động bảo vệ môi trường của Tổng công ty ?
TS. Nguyễn Duy Sỹ: Phải thừa nhận là ngành sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hoá chất luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nếu không được quan tâm đúng mức. Ngành chúng tôi sử dụng nhiều loại vật tư, nguyên liệu rất độc hại như chì, axít, clo, SO2 v.v... Đã có thời gian, có một số nhà máy của chúng tôi để xẩy ra các sự cố bị dân kiện, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh như làm lúa chết, cá chết v.v... Tuy nhiên đó là quá khứ, hiện tại từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên chúng tôi đều hết sức quan tâm đến công tác môi trường. Trước hết, tất cả các đơn vị sản xuất của chúng tôi đều đã lập và được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và liên tục có những đầu tư nhằm cải thiện môi trường lao động, môi trường sinh thái khu vực nhà máy hoạt động. Hàng năm, các đơn vị của chúng tôi đều phải lập và được Tổng công ty phê duyệt kế hoạch về Bảo hộ lao động, Bảo vệ môi trường của mình với tổng mức chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Công tác vệ sinh môi trường, phong trào “Xanh-sạch-đẹp” đã được chú ý phát động và kiểm tra thường xuyên, nên rất nhiều đơn vị trong Tổng Công ty như Phân lân nung chảy Văn Điển, Supe photphat và Hoá chất Lâm Thao, Acquy Tia Sáng, Pin-ăcquy miền Nam đã được khen thưởng về công tác vệ sinh môi trường. Bản thân việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất là phải bảo vệ môi trường một cách chủ động và hiệu quả nhất, nhờ vậy khái niệm “Nhà máy – Công viên” đã được gắn cho rất nhiều đơn vị trong Ngành chúng tôi.
PV: Xin cảm ơn ông về nội dung cuộc phỏng vấn này và chúc Tổng công ty ngày càng phát triển