Vấn đề quy hoạch đầu tư phát triển các nhà máy chế biến sâu quặng Titan

Ti tan và hợp chất của nó được sử dụng nhiều trong nền kinh tế quốc dân, bởi vì chúng có nhiều tính chất ưu việt như: hợp kim ti tan rất nhẹ, có tính bền, chịu được sự ăn mòn trong nước biển, trong nh

 

Ti tan dioxyt (TiO2 ) được dùng làm bột màu cho sơn vì có độ thấm dầu tốt, độ che phủ cao, hạt mịn và đặc biệt là rất bền đối với tác dụng của không khí ẩm, của nước biển, khí H2S, SO2 và không có tính độc. Bột màu của TiO2 rất trắng, có độ phản chiếu cao. Bột mầu dioxyt được dùng sản xuất sơn chống ăn mòn hoá chất, nước biển, chịu nhiệt...ti tan đioxyt còn được sử dụng làm phụ gia trong công nghiệp chế tạo sợi, gia công chất dẻo, chế tạo săm lốp ô tô.

Vì giá trị kinh tế cao, lại đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vưc của ngành công nghiệp, nên các nước trên thế giới rất chú trọng đầu tư khai thác và chế biến sâu quặng ti tan. Có thể lấy ví dụ 3 nước phát triển ở khu vực châu á là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tập trung phát triển công nghiệp ti tan như thế nào để chúng ta cùng suy nghĩ về cách phát triển công nghiệp chế biến sâu ti tan ở nước ta, góp phần tìm được giải pháp phát triển  tốt nhất.

Nhật Bản: Tuy không có mỏ khoáng ti tan nhưng là một trong những quốc gia châu á phát triển sớm nhất ngành công nghiệp chế biến ti tan (khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ trước). Hiện nay, Nhật Bản có 4 nhà máy Pigment và nhiều cơ sở khác chế biến ti tan kim loại cũng như bột Zircon kim loại. Sản lượng ti tan pigment bình quân đạt 250.000 tấn/năm, bột Zircon siêu mịn đạt 33.000 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng ti tan thế giới. Hiện nay, Nhật Bản nhập khẩu toàn bộ Ilmenite và Zircon cũng như một số nguyên liệu đầu vào khác. Năm 2005, Nhật Bản nhập 160.000 tấn Ilmenite và 64.000 tấn Zircon từ nước ngoài.

  Trung Quốc lại là quốc gia có trữ lượng lớn khoáng sản ti tan trong khu vực. Năm 1956, nước này đã bắt đầu chế biến sâu theo hướng thương mại hoá sản phẩm ti tan pigment. Ngành công nghiệp chế biến sâu ti tan bùng nổ tại Trung Quốc từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đặc bịêt, trong vòng 5 năm lại đây (2001-2005), công nghiệp chế biến sâu ti tan ở nước này đã phát triển mạnh mẽ. Tính tới thời điểm hiện nay, Trung Quốc có 86 cơ sở chế biến, trong đó có 32 cơ sở có công suất 6.000 tấn/ năm trở lên. Sản lượng Ilmenite năm 2005 đạt 580.000 tấn, chiếm 14% sản lượng thế giới. Năng lực sản xuất Ilmenite trong nước đạt 840.000 tấn/năm, trong đó lượng nhập khẩu lên tới 550.000 tấn/năm. Có trên 10 cơ sở sản xuất Zircon siêu mịn công suất đạt 80.000 tấn/năm, chiếm 13% sản lượng thế giới. Sản lượng ti tan xốp đạt 8.500 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng thế giới. Có 3 cơ sở sản xuất Zircon siêu mịn, sản lượng hàng năm 17.000 tấn chiếm 26% sản lượng thế giới.

Hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng một nhà máy xỉ ti tan 100.000 tấn/năm và một nhà máy ti tan pigment lớn nhất châu á công nghệ Clo (dupont) công suất 200.000 tấn/năm. Có thể khẳng định, Trung Quốc sẽ là quốc gia dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp này trong vòng 10 năm tới và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Năm 2005, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 310.000 Ilmenite và 32.000 tấn Zircon 57%.

Hàn Quốc bắt đầu ngành công nghiệp chế biến ti tan vào những năm 1960. Năm 1971, nhà máy đầu tiên ở InChon ra đời, công suất 30.000 tấn/năm. Năm 1997, có nhà máy thứ 2 ở OnSan, công suất 30.000 tấn/năm. Hàn Quốc có một cơ sở nghiền Zircon siêu mịn công suất 6.000 tấn/năm.

Một vài kiến nghị

Một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... đã sớm hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến ti tan, nhưng chỉ tập trung đầu tư  một số lượng nhà máy nhất định. Từ kinh nghiệm các nước đi trước, định hướng phát triển công nghiệp ti tan của Việt Nam, với trữ lượng quặng Ilmenite hiện tại, cho thấy không nên đầu tư tràn lan các nhà máy chế biến quặng sâu mà chỉ tập trung vào một hoặc hai nhà máy. Như vậy, nguồn nguyên liệu sẽ không bị phân tán.  Các nhà máy được đầu tư xây dựng theo định hướng này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khi phân vùng và đầu tư hợp lý các nhà máy chế biến sâu, chúng ta sẽ thiết lập được mối quan hệ cung cấp nguyên liệu thường xuyên và ổn định cho nhà máy hoạt động, vì:

Các nhà máy chế biến sâu quặng titan sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu hoạt động.

         Chúng ta sẽ giải quyết được bất cập trong việc quản lý tài nguyên quặng ti tan ở một số địa phương, xiết chặt và quản lý khai thác quặng titan một cách chặt chẽ, tận thu hết nguyên liệu.

 Các cơ sở khai thác, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sâu sẽ không phải lo đầu ra cho nguyên liệu, vì vậy đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư  02 của Bộ Công nghiêp.

Việc quản lý nguyên liệu và hàng tồn kho ở các nhà máy chế biến sâu sẽ có hiệu quả, giảm được các chi phí phát sinh và lãi suất vốn đầu tư phát sinh.

Như vậy, chế biến sâu quặng ti tan cần phải được điều tra, nghiên cứu thật kỹ, có quy hoạch, có chiến lược lâu dài. Việc phân vùng theo lãnh thổ để đầu tư hợp lý các nhà máy chế biến sâu không chỉ dựa trên cơ sở tài nguyên hiện có, mà còn phải dựa trên quy hoạch phát triển công nghiệp chung và hiệu quả kinh tế của các dự án phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao trong cả nước.

 Để Dự án chế biến sâu quặng ti tan có hiệu quả, cần phải quy hoạch hợp lý và phân vùng có hiệu quả. Các tỉnh cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, chấm dứt ngay việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản không tuân theo Thông tư 02/2001/TT-BCN ngày 27/4/2001 về việc hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản thời kỳ 2001-2005. Trước mắt, thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là giao cho TCT KS&TM Hà Tĩnh làm đầu mối thu mua quặng ti tan xuất khẩu và xúc tiến nhanh việc xây dựng một nhà máy sản xuất Titan ở Hà Tĩnh, nơi có cung cách quản lý tốt và giầu trữ lượng quặng ti tan.

  • Tags: