Bánh đa kế - những ngày mưa gió

Xã Dĩnh Kế, thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang nằm trên quốc lộ 1A. Cả xã có 6/11 thôn làm bánh đa lúc nông nhàn. Với người Dĩnh Kế, nghề làm bánh đa đã trở thành nghề phụ, thu hút một lượng lao động kh

                Tương truyền, bánh đa Kế đã có cách đây bốn đời, khoảng trên 100 năm. Theo những lão làng của nghề, thì nghề này ra đời một cách tự nhiên. Lúc nông nhàn, thời điểm thu hoạch xong mùa màng, nông dân tụ họp lại làm ra những sản phẩm từ hạt gạo để chính họ thưởng thức. Lúc đầu, họ làm chỉ để dùng trong gia đình, một vài người làm nhiều hơn thì đem tới chợ để bán hoặc đổi gạo, thóc hay một vật phẩm nào đó. Chính những người dân ở đây không bao giờ nghĩ rằng, cái nghề đơn giản “như không” ấy lại làm rạng danh tên tuổi của Dĩnh Kế. Với đôi bàn tay khéo léo, người dân Dĩnh Kế đã cho ra đời những chiếc bánh đa có vị thơm ngon, giòn ít vùng nào sánh kịp. Công thức để làm bánh đa mới nghe có vẻ đơn giản mà theo những người dân nơi đây thì nó cũng không có gì phức tạp, nếu muốn, bạn có thể được chính những người trong nghề phổ biến, nhưng để có được những mẻ bánh đa mang “thương hiệu” Kế cũng lắm công phu. Cụ Mạo, một lão làng của nghề cho biết, bánh đa ngon được làm từ giống lúa chiêm V 14 ít nhựa và khô, chứ không phải lúa lai hay lúa tạp giao cực dính. Sau khi xay gạo thành bột vừa nhỏ, trộn thêm khoai lang hoặc cơm nguội, thì bánh sẽ vàng và dẻo. Bánh đa Kế được tráng đều tay 2 lần để đảm bảo độ giòn, độ dày và nhất định phải được quạt bằng than lim. Để có được những chiếc bánh đa đúng tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng, còn tuỳ thuộc vào yếu tố thời tiết. Phơi bánh đa là một công đoạn hết sức quan trọng, nếu trời ẩm thì thời gian phơi lâu, nếu không chú ý bánh dễ bị mốc, trời khô thì phải lấy bánh sớm sao cho bánh không vênh mà vẫn khô vừa đủ. Chị Bùi Thị Hoà ở phố Kế kể, mới đây, chị đã phải huỷ gần một trăm bánh vì chạy mưa không kịp. Để có được một mẻ bánh đa như ý, những người làm nghề không chỉ cần sự khéo léo mà còn phải có kinh nghiệm hay nói cách khác đó là “vở” của mỗi người. Điều này lí giải tại sao bánh đa ở Dĩnh Kế lại có vị khác lạ và ngon hơn hẳn những vùng làm bánh đa khác.

                Việc tiêu thụ món đặc sản này cũng nhiều khó khăn phức tạp, bởi “thị trường” là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với người dân Dĩnh Kế. Cách tiếp cận thị trường quen thuộc nhất ở đây là bán cho khách qua đường. Nếu có dịp đến Bắc Giang hoặc đi qua thị xã Bắc Giang, chỉ cần ngồi trên ô tô bạn cũng sẽ được chào mời một cách nhiệt thành món bánh đa Kế,  xe phanh lại là sẽ có vài chục người, già có, trẻ có, lao vào từng ô cửa với những bịch nilon đựng bánh đa trên vai, vài cái trên tay để mời khách. Thường thì tất cả đều mua một vài chiếc với mục đích làm quà và  cũng vì rẻ, chỉ 1500- 2000 đ/chiếc. Chính nhờ hình thức buôn bán nhỏ lẻ này mà tiếng thơm của bánh đa Kế đã được cả nước biết tới, nhưng kiểu chào bán như thế không đủ để người dân ở đây sống được bằng nghề. Chị Hiền, người xóm Trại cho biết “Em bán ở đầu cầu này từ sáng đến tối, ngày nào may mắn, gặp khách thì kiếm được vài chục ngàn, những ngày mưa gió thì chịu chết. Người bán thì đông, người mua thì đi đâu hết cả. Đã thế lại còn phải chạy theo xe bở hơi tai, rồi tranh giành khách. Bọn thanh niên khoẻ còn kiếm được chứ cứ như em thì...”. Cũng có một vài gia đình khá hơn, đầu óc hơn thì đưa hàng xuống Hà Nội, giao cho các quán bia, quán thịt chó... Có được những mối giao hàng như vậy thì việc sản xuất ổn định hơn, song cũng chỉ là kiểu buôn bán mang tính nhỏ lẻ, tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đầu ra cho những chiếc bánh đa Dĩnh Kế quá bấp bênh, nhiều người không còn đặt niềm tin vào nghề này nữa. Ông Mạo tâm sự “thời gian này chúng tôi chỉ dám làm cầm chừng, hàng này mà ế vài ngày thì chỉ bỏ đi”.

                Thôn Phố được hợp lại bởi xóm Thiên, xóm Trại và Phố Kế. Riêng thôn Phố tập trung 22 hộ làm bánh có quy mô và đây cũng là thôn có số hộ làm bánh đa nhiều nhất. Những ngày nông nhàn, rất nhiều lao động từ các nơi tập trung về đây làm thêm. Một ngày, hai lao động chính  và một lao động phụ làm thành phẩm bánh đa từ 50 kg gạo thì nhận được khoản thù lao 50.000 đồng. Tuy nhiên, nguồn thu nhập này không ổn định đã làm cho nghề  dần bị mai một, những năm gần đây, số hộ làm nghề giảm xuống đáng kể.

                Xã Dĩnh Kế cũng đã có một số biện pháp hỗ trợ nhằm giữ gìn và phát triển nghề làm bánh đa truyền thống. Ông Lương Xuân Lại, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dĩnh Kế cho biết, những dự định tập huấn kỹ thuật, vệ sinh an toàn... sẽ được triển khai, phổ biến cho những hộ sản xuất bánh đa. Chương trình tập huấn này là một trong những cách tự hỗ trợ của những người cùng làm nghề. Hội Nông dân xã cũng hỗ trợ bằng cách cho mỗi hộ sản xuất bánh đa vay 500 ngàn đồng tiền vốn (được biết, chỉ với 2 triệu đồng là có thể sản xuất bánh đa). Mặc dù vậy, ông Lương Xuân Lại cũng tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng phát triển thực sự làng nghề bánh đa Kế.

                Sở dĩ như vậy là do, một vài năm trở lại đây, sản xuất mỳ sợi không phoóc môn đã và đang trở thành cứu cánh cho những người dân Dĩnh Kế vì lợi ích kinh tế mà nó mang lại tương xứng với sức lao động người nông dân bỏ ra. Đầu ra cho sản phẩm ổn định, người dân không phải lo lắng cho việc tiêu thụ. Người mua tìm đến tận nơi, xem xét giá cả, chất lượng, tiến tới ký hợp đồng hoặc việc đặt mua cụ thể. Xét dưới một góc độ nào đó thì sự chuyển hướng sản xuất này là phù hợp với qui luật thị trường, từ làm bánh đa chuyển sang làm mỳ sợi cũng không làm mất đi hoàn toàn bản chất của làng nghề. Mặc dù vậy, nghề làm bánh đa vẫn tồn tại bên cạnh những sản phẩm mỳ sợi sạch. Sự chuyển hướng hay sự kết hợp này có đem lại bài học gì không cho các làng nghề truyền thống Việt Nam hiện nay, khi những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm còn chồng chất?

                Trong chừng mực có thể, những người giữ trọng trách như ông Lại hay những người thiết tha nghề như ông Mạo và tất cả người dân Dĩnh Kế phải có những việc làm cụ thể để giữ lại nghề bánh đa truyền thống, nghề đã đưa tiếng tăm của Dĩnh Kế, của Bắc Giang đến với mọi miền tổ quốc. Đến Dĩnh Kế, âm thanh đặc trưng nhất là tiếng cối xay bột, hình ảnh đẹp nhất là những phên bánh đa trắng xoá trước sân mỗi ngôi nhà mái ngói rêu xanh. Nếu thiếu những hình ảnh, những âm thanh quen thuộc đó, thử hỏi, có ai còn nhớ đến bánh đa Kế một thời?

  • Tags: