Dự thảo Luật Cạnh tranh lần thứ 9 có những tiến bộ

Dự thảo Luật Cạnh tranh do Bộ Thương mại soạn thảo đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Việc tạo dựng một hành lang pháp lý ngăn cản những hành vi phản cạnh tranh như thế nào, để các doanh ngh

Được biết, mục đích của Luật này là điều chỉnh những hành vi phản cạnh tranh, thông qua đó để khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Luật không cấm những doanh nghiệp độc quyền, thống  lĩnh một cách tự nhiên. Nếu bản thân doanh nghiệp tự tích tụ, đầu tư, đổi mới phát triển để chiếm lĩnh thị trường thì Luật không hạn chế. Ngược lại, Luật không để cho các doanh nghiệp liên kết với mục đích thống lĩnh thị trường (thì còn gì là cạnh tranh lành mạnh). Tuy nhiên, không nên hiểu là bất cứ sự sáp nhập, hay liên kết nào của doanh nghiệp cũng phải xin phép. Chỉ những doanh nghiệp nào, nếu sáp nhập lại mà đạt đến giới hạn mà Luật quy định là thống lĩnh thị trường, thì doanh nghiệp đó sẽ phải chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh, thậm chí sẽ có những hành vi phải cấm.

Trong Dự thảo Luật Cạnh tranh đã có chế tài đối với tình trạng phản cạnh tranh của chính cơ quan quản lý nhà nước. Vừa qua, Bộ XD có ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (của mình) chỉ được mua xi măng do doanh nghiệp trong Ngành sản xuất. Dự thảo của Luật đã quy định cấm những hành vi như vậy. Tất nhiên, trừ một số trường hợp đặc biệt thuộc thẩm quyền của Nhà nước thì sẽ có những biện pháp cụ thể. Ví dụ, Nhà nước có quyền yêu cầu hạ giá một số mặt hàng đặc biệt thuộc quyền quản lý nhà nước để bình ổn thị trường thì Luật này cũng không thể điều chỉnh. Còn tinh thần chung là cấm áp đặt giá. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp vẫn có quyền tự định giá sản phẩm của mình. Nhưng, giá cả đúng là do doanh nghiệp tự định đoạt, nếu các doanh nghiệp thoả thuận với nhau để thực hiện hành vi độc quyền, làm tổn hại đến người tiêu dùng thì Luật sẽ điều chỉnh (như việc các doanh nghiệp ô tô đồng loạt tăng giá, nếu thật là họ liên kết để tăng giá bán thì Luật sẽ cấm). Đương nhiên, chúng ta cũng phải có căn cứ để khẳng định họ liên kết để định ra một mức giá làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngay như cả việc hạ giá, nếu vì mục tiêu tiêu diệt doanh nghiệp khác thì Luật sẽ phải cấm.

Trên đây là những vấn đề cấm áp đặt giá mà Dự thảo Luật Cạnh tranh đã đề cập tới.

Được biết, Ban soạn thảo, khi soạn Dự thảo lần thứ 8, các doanh nghiệp nhà nước, công ích đều được coi là ngoại trừ khỏi đối tượng điều chỉnh. Như vậy, Luật Cạnh tranh chỉ là để các đối tượng khác cạnh tranh với nhau, còn doanh nghiệp nhà nước vẫn được miễn trừ. Chúng ta thường có những kiểu tư duy như thế trong những văn bản pháp luật cụ thể, không phù hợp nhất quán với các văn bản pháp luật khác và chính sách của của Đảng và Chính phủ. Một mặt chúng ta nói, các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau, mặt khác, khi soạn thảo các văn bản cụ thể thì "vô tình" có sự phân biệt. Ví dụ: Ngày 22.9.2003, tại phiên họp thứ 12, UBTV Quốc hội đã có buổi  thảo luận về tờ trình của Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng. Theo tờ trình, các điều luật về chính sách ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hợp tác xã, hoặc các địa bàn như nông nghiệp, nông thôn, miền núi hải đảo..., được bãi bỏ, nhằm tạo nên sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Việc này thể hiện quan điểm: ¦u đãi cần phải tách khỏi hoạt động kinh doanh, hoạt động mà ở đó yếu tố bình đẳng trong "sân chơi" chung phải được coi trọng. Như vậy, tiến trình tách bạch hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích đang được tiếp tục. ¦u đãi dù ở lĩnh vực nào, hình thức nào thì bản chất vẫn là công ích. Nói đến  kinh doanh, lợi nhuận là số 1 - tất nhiên kèm theo đó là trách nhiệm xã hội, là đạo đức kinh doanh..., nhưng kinh doanh và công ích không thể nhập làm một, vì từ đó sản sinh ra sự nhập nhằng, kìm hãm sự phát triển kinh tế. Ngân hàng Thương mại, dù là của Nhà nước, cũng vẫn là doanh nghiệp. Phải tính toán lỗ, lãi, lựa chọn phương án cho vay an toàn nhất và chịu trách nhiệm về quyết định đã chọn. Kèm theo "ưu đãi" tín dụng có nghĩa là, bắt tổ chức tín dụng phải hoạt động công ích một cách chồng chéo, lùng bùng. Không chỉ ngân hàng, các DN ngành Điện, ngành Muối và một số ngành khác cũng đang ở trong tình trạng nhập nhằng như vậy.

Có lẽ, do những tiến bộ trên, mà đến Dự thảo Luật Cạnh tranh lần thứ 9 này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không có loại trừ với bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả những DN nhà nước độc quyền. Tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng luật cạnh tranh" được tổ chức cuối tháng 2/2004, nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu lên tác hại của việc độc quyền của những doanh nghiệp nhà nước. Như việc, Tổng Công ty Xi măng đã tìm cách ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất; đồng thời còn tạo ra những tập đoàn liên doanh với những tổng công ty nhà nước khác để xây dựng các nhà máy xi măng mới... Rõ ràng, những hành vi này là không phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), càng không phải là hành vi cạnh tranh lành mạnh.

Nếu chúng ta nhìn vào thị trường viễn thông ở Việt Nam, thì sẽ thấy, hiện tại thị trường viễn thông vẫn còn cấu trúc độc quyền. Tổng công ty Bưu chính viễn thông có vị trí thống lĩnh đối với tất cả dịch vụ viễn thông và kiểm soát các cổng kết nối chính. Hiện nay, VinaPhone kiểm soát đến 95% thị trường điện thoại di động; do đó, giá dịch vụ viễn thông muốn bao nhiêu thì tuỳ ý (nghe nói, dự kiến, từ 1/4 giá cước địên thoại di động sẽ giảm 50%, so với giá ban đầu thì người tiêu dùng bị trả giá quá đắt), ngoài ra, có nhiều quy định nhằm không cho các doanh nghiệp khác phát triển…

Ngành Bưu chính, Viễn thông có thể, cắt điện thoại của các thuê bao, kể cả điện thoại nhà của nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh và nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đều đã bị cắt vì không kịp trả tiền cước, nhưng họ lại không đền bù khi gây thiệt hại cho khác hàng….

Tại thời điểm giá thuốc hiện nay, dư luận xã hội rất bất bình vì không biết bao nhiêu người bệnh nghèo đã chết, vì thuốc tân dược không những đắt quá sức chịu đựng của người dân, mà còn luôn tăng giá và tăng giá bất thường. Có người ước ao: Nếu mà chúng ta có Luật Cạnh tranh, thì chắc chắn các DN dược tăng giá kia sẽ bị phạt hết. 

Trên thế giới, chắc chắn khó có nước nào hoàn toàn không tồn tại doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Vấn đề là, chúng ta phải học cách quản lý sao cho các doanh nghiệp không lạm dụng sự độc quyền, lợi dụng vị trí thống lãnh, cạnh tranh không lành mạnh chèn ép doanh nghiệp khác, kìm hãm nền kinh tế phát triển, làm người tiêu dùng thiệt thòi...

Chúng ta có quyền hy vọng, khi Luật Cạnh tranh ra đời, là luật tiến bộ so với nhiều nước trong khu vực; tạo được sân chơi bình đẳng cho tất cả loại hình doanh nghiệp; đạt được tiêu chuẩn quốc tế.

  • Tags: