Các dự án trọng điểm chậm, vì sao?

Thực tế cho thấy, hiện nay có khá nhiều dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có không ít dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Ngoài các nguyên nhân như quá trình phê duyệt

Thực trạng quá trình triển khai các dự án trọng điểm
Tính đến cuối năm 2003 (không kể các dự án “trọng điểm” đã được phê duyệt thuộc phạm vi Bộ quản lý), toàn ngành Công nghiệp có 03 dự án trọng điểm quốc gia, là: Dự án khí- Điện- Đạm Bà Rịa- Vũng Tàu; Dự án Khí- Điện- Đạm Cà Mau và Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, với tổng số vốn khoảng 10 tỷ USD.
Đến nay, tuy đã có nhiều dự án nhỏ (nằm trong cụm 3 dự án lớn nói trên) cơ bản đã hoàn thành và đi vào vận hành, song nhìn chung, số dự án còn lại vẫn chậm và không đạt tiến độ như kế hoạch. Dự án Khí- Điện- Đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, có tổng số vốn đầu tư lên tới 6.095 triệu USD (bao gồm 15 dự án: Dự án phát triển mỏ Lan Tây- Lan Đỏ; Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn; Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ; hệ thống phân phối khí thấp áp; Nhà máy Nhiệt Điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng; Nhà máy Điện Phú Mỹ 1; Nhà máy Điện Phú Mỹ 3; Nhà máy Điện Phú Mỹ 2.2; Nhà máy Điện Phú Mỹ 4; Đường dây 500 kV Phú Mỹ- Nhà Bè- Phú Lâm; Nhà máy Đạm Phú Mỹ và một số dự án nhỏ khác) theo kế hoạch đề ra thì mới chỉ có 7/ 13 dự án (2 dự án: Nhà máy Thép và Nhà máy METHANOL phải tạm dừng) đã hoàn thành chạy thử và vận hành.
Còn cụm Dự án Khí- Điện - Đạm Cà Mau, được phê duyệt với tổng số vốn đầu tư 1.258 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/ 2006 (nghĩa là chậm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra- 2005). Song với những gì đang diễn ra hiện nay, thì khó có thể khẳng định vào thời điểm trên, Dự án sẽ đi vào hoạt động. Theo thiết kế, đối với dự án đường ống dẫn khí PM3- Cà Mau và Dự án Nhà máy Điện tua bin khí hỗn hợp Cà Mau, tuy có một số phát sinh, song vẫn có thể hoàn thành vào năm 2006 như kế hoạch (đã có sự điều chỉnh- chậm hơn 1 năm) đề ra, nhưng Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau thì vẫn còn nhiều vướng mắc.
Dự án này, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo tiền khả thi tại quyết định 1218/QĐ-TTg ngày 10/9/2001, với tổng mức đầu tư là 492,75 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2005. Như vậy, để đảm bảo tiến độ, Chính phủ đã đồng ý để cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PV) đàm phán trực tiếp với nhà thầu Technip của Italia. Thế nhưng, cũng giống như một số dự án khác, vì không tính toán kỹ đến các sự cố phát sinh khác như công tác xử lý nền móng, hay việc chào giá không bao gồm các công việc mà chủ đầu tư đã làm và tỷ giá thất thường giữa đồng USD và đồng EURO, nên tính đến thời điểm cuối năm 2003, theo kết quả đàm phán giữa PV với nhà thầu Italia, thì giá trị gói thầu EPC đã tăng thêm 18,44 triệu USD, do phải xử lý móng. Ngoài ra, giá trị phát sinh từ công tác xử lý nền tăng thêm 38,98 triệu USD, giá trị lắp bổ sung thiết bị lọc Amoniac 7,45 triệu USD... Do đó, theo tính toán của PV, tổng mức đầu tư của Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ lên tới trên 560 triệu USD (so với mức duyệt ban đầu, Dự  án này tăng thêm 67,34 triệu USD) và nếu tính theo tỷ giá giữa USD/EURO vào thời điểm đó, thì tổng mức đầu tư cho dự án sẽ lên tới con số 626 triệu USD.
Vì vậy, để thu xếp vốn cho Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau (dự án chiếm trên 50% tổng số vốn đầu tư của toàn cụm Dự án Khí - Điện- Đạm Cà Mau), PV dự định sẽ phải đi vay thương mại khoảng 250 triệu USD. Song cho đến thời điểm hiện nay, (cũng giống như số phận của Dự án Giấy và Bột giấy Thanh Hóa), vẫn chưa thể thu xếp xong nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ dự án, vì các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các Ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn không muốn cho vay, do tính hiệu quả của dự án thấp! Cho dù mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng này “tạo điều kiện” để dự án được vay vốn.
Riêng Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại quyết định số 514/QĐ- TTg ngày 10/7/1997, với tổng số vốn đầu tư 1.500 triệu USD (không bao gồm vốn xây dựng các công trình ngoài hàng rào), dự kiến hoàn thành vào năm 2001… Nhưng đến nay, đã chậm hơn 3 năm so với kế họach đề ra, Dự án vẫn chưa xây dựng (nói riêng về nguồn vốn cho đầu tư, ngoài việc huy động vốn từ phần lãi dầu thô để lại của Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsopetro và các tổ chức tín dụng, đến thời điểm cuối tháng 1 năm 2004, theo báo cáo của PV tại Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất - kinh doanh của ngành Công nghiệp năm 2003 và giải pháp trong năm 2004, thì còn lại gần 800 triệu USD cho Dự án chưa biết huy động bằng cách nào). Nguyên nhân của sự chậm trễ trên, xét về yếu tố khách quan liên quan đến thủ tục đầu tư. Theo tiến độ được duyệt, Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất liên doanh với Cộng hòa Liên bang Nga sẽ được đưa vào vận hành cuối năm 2003, nhưng do nhiều nguyên nhân như tỷ lệ góp vốn trong dự án 50/50, hình thức liên doanh theo nguyên tắc đồng thuận, tiến độ triển khai chậm... Vì vậy, cuối năm 2002, Chính phủ hai nước đã đi tới quyết định chấm dứt hình thức liên doanh và chuyển sang hình thức đầu tư 100% vốn của Việt Nam.
Còn về yếu tố chủ quan, hầu hết các nhà thầu Việt Nam, tuy đã được lựa chọn, song nhìn chung về năng lực và thiết bị thi công còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và tính chất phức tạp trong gói thầu khi nhận thi công trọn gói (EPC)…phần lớn các nhà thầu Việt Nam còn lúng túng trong công tác tổ chức, điều hành và thực hiện công việc. Hơn nữa, khi dự thầu, các nhà thầu Việt Nam, do chưa nghiên cứu kỹ thiết kế, hồ sơ mời thầu và đặc biệt chưa có đủ thông tin về tình hình địa chất trong khu vực cùng với kinh nghiệm xử lý phát sinh kém, nên không triển khai được như dự kiến. Ngoài ra, Dự án lại chia ra làm nhiều gói thầu nhỏ, trong khi kinh nghiệm quản lý kém… Vì vậy, đến nay, hầu hết các nhà thầu Việt Nam đều kiến nghị tăng vốn do phát sinh khối lượng và một số điều khoản liên quan đến bản hợp đồng EPC… Dự kiến, đến đầu năm 2007, dựa án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất có thể đưa vào vận hành và sẽ được hoàn chỉnh vào năm 2008!
Dự tính là vậy, song với tình hình thực tế hiện nay, khi mà cả những dự án trọng điểm quốc gia lẫn dự án đã được phê duyệt đầu tư đang trong tình trạng đói vốn…mà về phía ngân hàng cũng chẳng mặn mà gì, thì không biết những kế hoạch điều chỉnh để hoàn thành các dự án trên có thành hiện thực?
Dự án muốn vay, ngân hàng “chờ xem xét”!
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các dự án chậm tiến độ chính là khâu huy động không đủ nguồn vốn cho đầu tư, do các ngân hàng thương mại không muốn cho vay! Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Giấy và Bột giấy Thanh Hóa là những ví dụ điển hình!
Nguyên nhân dân đến việc các tổ chức tín dụng nói chung và đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại quốc doanh nói riêng không “mặn mà” cho vay, chính là tính hiệu quả của dự án thấp, dẫn đến khả năng thu hồi vốn chậm.
Nhà máy Đạm Cà Mau (thuộc dự án Khí -Điện -Đạm Cà Mau), mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư, nhưng mới đây, một lần nữa, 4 ngân hàng quốc doanh (Ngoại thương, Công thương, Đầu tư phát triển, Nông nghiệp) đã từ  chối việc hợp vốn cho vay đối với dự án này (trị giá khoản vay là 250 triệu USD).
Hay như Dự án Nhà máy Giấy và Bột giấy Thanh Hóa, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2002 và dự kiến đến năm 2006 sẽ đi vào hoạt động, song cho đến nay, vẫn dậm chân tại chỗ. Quỹ Hỗ trợ phát triển thì vẫn chưa “rót” vốn, còn các ngân hàng thương mại thì cũng không muốn cho vay…
Lý giải về việc các NHTM “ngại” hoặc chậm cho các dự án trên vay vốn, qua tìm hiểu được biết:
Thứ nhất, Đối với những dự án huy động vốn từ ngân sách địa phương và từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, nhưng do sự “đùn đẩy” trong việc giải ngân cho Dự án giữa hai nguồn trên, nên phía ngân hàng chưa có cơ sở để cho vay. Phía Quỹ Hỗ trợ phát triển thì biện minh: Nếu ngân sách địa phương và ngân hàng chưa “rót vốn”, thì Quỹ không thể giải ngân. Còn ngược lại, phía ngân hàng thì cho rằng, một trong những điều kiện quan trong để ngân hàng có thể cho vay là Quỹ Hỗ trợ phát triển và ngân sách địa phương phải tiến hành giải ngân trước. Và như vậy, từ sự thiếu thống nhất trong công tác giải ngân của các tổ chức trên, khiến Dự án càng đi vào bế tắc!
Thứ hai, Với việc ấn định lãi suất cho vay thấp hơn mức giá sàn (lãi suất 7%/năm) theo quy định của Nhà nước là khó có thể chấp nhận được. Đặc biệt, vì sợ tính hiệu quả của dự án thấp do quá trình đầu tư không đúng tiến độ… hiệu quả đồng vốn cho vay không cao, dẫn đến việc ngân hàng thương mại càng e ngại. 
Vì vậy, theo kiến nghị của hầu hết các NHTMQD, một trong những điều kiện quan trọng nhất để NH có thể cho vay, ít nhất mức lãi suất cho vay cũng bằng hoặc chí ít gần bằng so với mức sàn được Nhà nước quy định. Đồng thời, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh về nguồn vốn vay của dự án đã được Chính phủ phê duyệt (chứ không phải là chủ đầu tư). Bài học xương máu của các ngân hàng trên trong việc cho vay không hiệu quả đối với một số dự án như Giấy Hoàng Mai và Tam Điệp…càng khiến ngân hàng phải đắn đo. Vì dẫu sao, ngân hàng (cho dù đó là ngân hàng quốc doanh) cũng chỉ là một doanh nghiệp thực hiện việc kinh doanh tiền tệ bằng cách đi vay để cho vay. Do đó, nếu xét thấy không có lợi, thì không cho vay, dẫu dự án đã được Thủ tướng phê duyệt…
Từ việc các Dự án bị chậm tiến độ, một phần do các ngân hàng không muốn cho vay, vấn đề chính đặt ra là tại sao khi dự án chưa khả thi (xét dưới góc độ huy động vốn) hoặc chưa tính đến chuyện thương lượng với ngân hàng thì đã quyết định đầu tư. Và khi sự việc đã rồi, thì không biết vay vốn ở đâu? Nên chăng, rút kinh nghiệm của những dự án trước, sau khi xây dựng dự án, cũng cần phải tính đến chuyện có sự tham gia xây dựng và thẩm thẩm định của những chuyên gia thuộc  các tổ chức tín dụng, để khi dự án được phê duyệt và đi vào triển khai mới không ách tắc ở khâu vốn.
Còn đối với những dự án đang triển khai chậm như hiện nay, rõ ràng chỉ trông chờ vào việc thương lượng nguồn vốn vay từ các NHTM là chưa đủ. Cho dù vừa qua, Chính phủ đã đồng ý giao cho Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh về nguồn vốn vay đối với Dự án Nhà máy Giấy và Bột giấy Thanh Hóa, theo như yêu cầu của các ngân hàng thương mại. Song, đây cũng những dự án cá biệt được Chính phủ ưu tiên giải quyết. Và do đó, bên cạnh một số giải pháp đang được triển khai hiện nay, cách tốt nhất là nên tiến hành phát hành trái phiếu đầu tư (dưới sự bảo lãnh của Bộ Tài chính, với tư cách là thành viên Chính phủ). Có làm như vậy, mới hy vọng các công trình và dự án đang triển khai sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

  • Tags: