Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, những ngày đầu mới thành lập trường đã phải chịu muôn vàn gian khổ. Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chỗ làm việc của cán bộ giáo viên, công nhân viên chỉ vài gian nhà tranh tre tuềnh toàng, thiếu điện, nước, máy móc thiết bị vật tư... Nhưng cũng chính trên mảnh đất ấy, với quyết tâm vượt khó, những trang giáo trình tâm huyết đầu tiên của thầy cô đã ra đời. Tháng 11/1969, khóa học đầu tiên đã tuyển được 216 học sinh và phân bổ ở 7 nghề đào tạo. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhiều lớp thầy và trò đã rời ghế nhà trường xung phong ra mặt trận. Có người đã bỏ lại một phần cơ thể của mình, có người đã ngã xuống trong cuộc chiến một mất một còn ấy.
Tháng 10/2004 đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của Nhà trường, được nâng cấp lên thành trường cao đẳng. Đây là vinh dự và cũng là thách thức lớn với nhà trường, bởi trọng trách của Nhà trường đã nặng nề hơn gấp bội. Ngoài việc đào tạo hệ cao đẳng, Nhà trường vẫn đảm đương nhiệm vụ đào tạo Trung cấp, kể cả Trung cấp chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về lao động có kĩ thuật.
Với chủ trương mở rộng quy mô đào tạo, số lượng học sinh sinh viên của Trường không ngừng gia tăng. Năm học 2004-2005, toàn trường có 6.000 học viên, đến năm học 2006- 2007, tăng lên 9.000 và hiện tại, năm học 2009-2010, cả trường đã có 15.500 học viên theo học trên 50 ngành và chuyên ngành đào tạo. Nhà trường đã tích cực liên kết với trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Học viện Tài chính, đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, tổ chức nghiên cứu, biên soạn lại toàn bộ nội dung giáo trình, áp dụng phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, tạo ra tâm lý tích cực từ phía người học. Bởi vậy, chất lượng giáo dục đã không ngừng được nâng cao. Tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong các năm đều đạt trên 98%, trong đó tỉ lệ khá, giỏi chiếm 30-40%. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm và được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng chuyên môn kĩ thuật.
Đối với đội ngũ giảng viên, Nhà trường lập quy hoạch, bồi dưỡng hàng năm, chọn giảng viên đi học các lớp ngắn hạn, dài hạn, tuyển chọn giáo viên giỏi qua các kì hội giảng... Đến nay, hầu hết giáo viên giảng dạy lí thuyết của trường đều có trình độ trên đại học, 98% giáo viên thực hành có trình độ đại học và đạt bậc thợ bình quân 5/7.
Mỗi năm nhà trường chi từ 3-5 tỉ đồng cho việc mua sắm máy móc và trang thiết bị phục vụ quá trình đào tạo bao gồm các loại: máy tiện CNC, Robot hàn, máy cắt Plasma, hệ thống kiểm tra tự động động cơ… Thư viện điện tử nối mạng Internet cũng được đưa vào sử dụng phục vụ mục đích tra cứu tài liệu của giảng viên và học sinh, sinh viên. Nhiều công trình được đưa vào sử dụng như: nhà lớp học 5 tầng với 42 phòng học và thư viện 600 chỗ đọc; xưởng Da giày có thiết kế 3 tầng với 2400m2 sử dụng; nhà D1, D2, kí túc xá sinh viên khép kín với 600 chỗ ở, với hệ thống sân chơi, bãi tập, đường sá, vườn hoa cây cảnh sinh động, hấp dẫn... Từ năm 2005, Nhà trường tiến hành thực hiện “Dự án đầu tư xây dựng cơ sở II” với tổng mức đầu tư 434 tỉ đồng trên diện tích 22ha. Đây là bước đột phá mạnh mẽ, thể hiện sức vươn lên tràn đầy nhựa sống của Nhà trường trong quá trình phát triển đi lên. Sự đầu tư đúng hướng đó đã tạo ra một diện mạo mới khang trang, đẹp đẽ, hiện đại và thân thiện cho mái trường tuổi 40.
Suốt 40 năm phấn đấu không mệt mỏi, trường Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ đã đào tạo được trên 80 nghìn công nhân lành nghề, kĩ thuật viên trung cấp và cử nhân cao đẳng đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất. Lớp lớp học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ mái trường này đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong các đơn vị. Với những thành tích xuất sắc dạy và học trong những năm qua, nhà trường đã vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý của các cấp. Năm 2008, Bộ khoa học & Công nghệ tặng cúp vàng ISO và siêu cúp thương hiệu mạnh và phát triển bền vững. Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc, được tặng thưởng 38 cờ thi đua của Bộ chủ quản, Bộ Công an và UBND tỉnh Hải Dương. Đặc biệt trong các năm 1996 và năm 2007, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chủ tịch nước tặng thưởng 14 Huân chương Lao động các hạng, trong đó có 2 Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công năm 2003, Huân chương Độc lập hạng Ba vì có thành tích xuất sắc giai đoạn 1998-2003 cùng nhiều danh hiệu cao quý khác…
Giáo dục và đào tạo được khẳng định là quốc sách hàng đầu của nhà nước ta, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai của đất nước. Trước những yêu cầu và đòi hỏi mới của xã hội, xác định rõ trọng trách nặng nề đó, trường đã vạch ra định hướng phát triển trong tương lai: tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình, giáo trình đào tạo, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu sinh, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo, mở rộng địa bàn, tăng cường ảnh hưởng, nâng cao quy mô đào tạo trong từng năm học với mục tiêu đạt 23.000-25.000 học viên vào năm 2015; giữ vững kỉ cương và nền nếp, tăng cường quản lí, phát huy nội lực, nâng cao vai trò tự chủ của đơn vị, cá nhân, tổ chức tốt các phong trào thi đua trong học viên và cán bộ viên chức, thực hiện tốt các cuộc vận động chống tiêu cực và bệnh thành tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Trải qua 40 năm, thầy và trò trường Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ đã làm việc không một phút ngơi nghỉ. Bao thế hệ dưới mái trường này đã lao động quên mình với lòng nhiệt tình, cần mẫn, với ý thức trách nhiệm cao, tất cả vì một mục tiêu: “Đào tạo những gì xã hội cần, chứ không chỉ đào tạo những gì nhà trường có”. Những gian khó buổi đầu đã qua, thành quả sẽ không chối bỏ người có tâm, có niềm tin. Những thành tựu đã đạt được của nhà trường là mốc son chói lọi đánh dấu một chặng đường đầy gian khó của bao thế hệ thầy trò đã dày công xây đắp, tạo dựng nên, làm rạng rỡ thêm trang sử truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, mãi mãi xứng đáng là nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Bắc, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.