Mặc dù có rất nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và nhân lực, song được sự quan tâm chỉ đạo của Cục Công nghiệp Địa phương, lãnh đạo Tỉnh, Sở Công Thương cùng sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ của Trung tâm, sau 3 năm, hoạt động khuyến công trên địa bàn Tuyên Quang có nhiều kết quả đáng kể, số lượng đề án tăng, nội dung hỗ trợ phong phú. Với nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia từ năm 2006-2008, Trung tâm đã thực hiện được 19 đề án, đào tạo nghề cho khoảng gần 1400 lao động, nhân cấy được thêm nhiều nghề mới có tiềm năng phát triển cho địa phương như: Sản xuất chiếu tre xuất khẩu tại xã Xuân Vân; Chế tác đá mỹ nghệ tại xã Trung Môn; Sản xuất mây giang đan tại xã Minh Hương… Thành công bước đầu đã giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người, các lao động đã qua đào tạo nghề tại Trung tâm đều có thu nhập ổn định, hoạt động khuyến công đã đi vào nề nếp, được triển khai đều khắp các huyện thị xã, làm thay đổi cơ bản nhận thức của các cấp, các ngành và đối tượng thụ hưởng về công tác khuyến công. Trình độ khuyến công viên tại các huyện, thị xã cũng được nâng lên đáng kể.
Với số kinh phí hỗ trợ gần 1 tỷ đồng, năm 2008, hoạt động Trung tâm có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện 13 đề án, đào tạo nghề cho khoảng gần 1000 lao động, xây dựng được 3 mô hình trình diễn gồm: kỹ thuật sản xuất ván sàn nội thất của Công ty TNHH Hoàn Thái; kỹ thuật sản xuất mành gỗ của hộ kinh doanh cá thể Tưởng Phi Mạnh; kỹ thuật máy uốn sắt cho gia công cơ khí, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền của HTX cơ khí Luân Bình. Cũng trong năm 2008, Trung tâm đã tổ chức hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế logo sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, đồng thời hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, thông qua việc tổ chức triển lãm, giới thiệu sản phẩm, tham quan khảo sát, làm cầu nối cho doanh nghiệp tham gia các hiệp hội làng nghề…
Tuy nhiên, Khuyến công Tuyên Quang cũng vấp phải nhiều khó khăn như các tỉnh miền núi khác, đó là công nghiệp chưa phát triển, không có làng nghề, các cơ sở công nghiệp nông thôn còn ít, quy mô nhỏ bé (đa số hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh, số lượng lao động dưới 10 người), thiếu vốn, năng lực quản lý hạn chế, giao thông đi lại còn khó khăn. Trong quá trình triển khai công tác, Trung tâm cũng gặp phải không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các đề án khuyến công. Ngoài ra, đội ngũ khuyến công lại mỏng, kinh nghiệm hạn chế, thiếu mạng lưới khuyến công chuyên trách ở cấp huyện, thị nên mất nhiều thời gian cho việc khảo sát, thẩm định xây dựng kế hoạch.
Để công tác khuyến công hoạt động hiệu quả hơn nữa trong giai đọan tiếp theo, Trung tâm sẽ tiếp tục kiện toàn về nhân lực và cơ sở vật chất, xây dựng trung tâm dữ liệu điện tử, tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp chặt chẽ với phòng Công Thương ủy ban nhân dân các huyện, thị để khảo sát tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn, đảm bảo hỗ trợ khuyến công đúng đối tượng và hiệu quả, tích cực thực hiện các chương trình khuyến công, trong đó ưu tiên các đề án đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại các khu, cụm, điểm công nghiệp… nằm trong quy hoạch làng nghề của các huyện, thị xã. Trung tâm cũng tiếp tục chú trọng xây dựng các đề án trình diễn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất sản phẩm mới mà địa phương có lợi thế về lao động và nguyên liệu tại chỗ, lồng ghép nhiều nguồn kinh phí thực hiện nhiều đề án trên một địa bàn trong nhiều năm. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm sẽ tăng cường phát triển các hoạt động tư vấn khuyến công (tư vấn cố định tại Trung tâm hoặc tư vấn trực tiếp tại các cơ sở công nghiệp, các làng nghề, các hội chợ triển lãm.. ), hỗ trợ kinh phí thuê tư vấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực lập dự án đầu tư, thị trường, nguyên liệu thiết kế mẫu mã, bao bì …
Với đội ngũ cán bộ khuyến công trẻ, giàu lòng yêu nghề, cùng quyết tâm vì sự phát triển công nghiệp địa phương, hy vọng thời gian tới, công tác khuyến công sẽ thực sự là đòn bẩy, là tác nhân quan trọng kích thích công nghiệp nông thôn Tuyên Quang phát triển.