Mô hình Đan Mạch trong việc giải quyết vấn đề lao động

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thách thức về lao động, việc làm đang nóng bỏng đối với toàn cầu, trong đó có thị trường lao động Việt Nam. Nhằm giúp bạn đọc tham khảo một mô hình giải quyết vấn đ

Toàn cầu hóa có cả thách thức và cơ hội. Chỉ chưa đầy một năm trước toàn cầu hóa là xúc tác cho sự phát triển, hiện nay thách thức dường như chiếm ưu thế. Điều này diễn ra ở châu Á cũng như ở Đan Mạch.

Đối với thách thức của toàn cầu hóa, các nước có thể cố gắng bảo vệ việc làm, bằng cách gây khó khăn cho doanh nghiệp khi sa thải người lao động. Ví dụ, thông qua hình thức yêu cầu phải có thời gian dài thông báo trước, hoặc làm cho các chủ sử dụng lao động phải tốn kém khi sa thải.

Phương thức này sẽ dẫn đến tình trạng các công ty ngần ngại tuyển dụng lao động mới. Các chủ sử dụng lao động sẽ sợ gặp phải khó khăn khi sa thải nhân viên trong trường hợp có biến động thị trường và cần thay đổi sản xuất.

Sự thật là trong một thế giới toàn cầu hóa, các nước không thể bảo vệ được việc làm. Các nước có thể trì hoãn những chỉnh sửa cần thiết, nhưng cuối cùng làm như vậy sẽ chỉ tốn kém cho cả người lao động và doanh nghiệp, vì: Trước hết, khi sản xuất trở thành rẻ hơn ở những vùng khác trên thế giới thì việc làm sẽ chuyển tới đó; thứ hai là, khi cầu không còn nữa thì sẽ không có doanh thu để trả lương.

Một phương thức nữa để đối phó với toàn cầu hóa là phát triển khả năng thích ứng của lao động và công ty với sự thay đổi thì Đan Mạch đã chọn cách này. Khả năng thích ứng với thị trường toàn cầu luôn thay đổi là tối cần thiết cho công ty nếu muốn cạnh tranh và đảm bảo việc làm.

Đan Mạch áp dụng mô hình linh hoạt, an toàn. Mô hình này là sự kết hợp giữa linh hoạt và ổn định trong thể thống nhất. Mô hình được thể hiện qua 3 yếu tố cơ bản, tất cả 3 yếu tố này đều phụ thuộc lẫn nhau:

Yếu tố thứ nhất, là thị trường lao động linh hoạt, tức là dễ thuê và cũng dễ dàng sa thải người lao động. Như vậy cho phép các công ty của Đan Mạch có thể thích nghi với điều kiện thị trường mới và công nghệ mới.

Yếu tố thứ hai, là đảm bảo tốt an sinh xã hội. Đa số người Đan Mạch đều có thể xin trợ cấp xã hội nếu mất việc làm và trợ cấp của nhà nước Đan Mạch cũng hào phóng hơn so với nhiều quốc gia khác.

Yếu tố thứ ba, là chính sách thị trường lao động chủ động. Chính sách này đảm bảo hỗ trợ người lao động thất nghiệp tìm kiếm việc làm mới và đầu tư lớn cho đào tạo và tái đào tạo cho người dân tìm được công việc mới, hoặc công việc khác.

Việc duy trì một lực lượng lao động được đào tạo tốt, liên tục được cập nhật đã góp phần giữ được tính cạnh tranh của nền kinh tế Đan Mạch. Tóm lại, mô hình linh hoạt – an toàn đã tạo cho Đan Mạch một số lợi thế trong cuộc cạnh tranh quốc tế. Trước hết, người lao động Đan Mạch được đào tạo tốt hơn và hết sức năng động; thứ hai là, doanh nghiệp Đan Mạch được hưởng lợi rất nhiều từ người lao động có năng lực, từ các nguyên tắc linh hoạt trong tuyển dụng và sa thải và từ sự hợp tác riêng với các tổ chức công đoàn có trách nhiệm; thứ ba là, thành công của các doanh nghiệp Đan Mạch đã đem lại tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử thể hiện trong những năm qua.

Ngày nay, khủng hoảng kinh tế đang làm gia tăng số lao động thất nghiệp. Đây là thách thức đối với mô hình thị trường lao động của Đan Mạch. Cùng với sự thay đổi của thế giới xung quanh mô hình này sẽ được thử thách.

Ở Đan Mạch, những chính sách chủ động đối với thị trường lao động dựa trên nguyên tắc quyền và trách nhiệm. Nếu bị mất việc làm, người lao động có quyền xin trợ cấp thất nghiệp và họ phải có trách nhiệm tích cực tham gia tìm kiếm việc làm và phải có các biện pháp chủ động. Làm như vậy có tác dụng giảm số người thất nghiệp xuống mức thấp nhất có thể và đảm bảo được đời sống cho những người thất nghiệp. Ngoài ra, sự thành công của thị trường lao động Đan Mạch phải nói đến trách nhiệm của các đối tác xã hội trên thị trường lao động. Năng lực của các đối tác trong hợp tác và thương lượng là nền tảng để có thể vừa linh hoạt vừa an toàn.

Khả năng này là đặc điểm riêng có của mô hình Đan Mạch. Trong thực tế, các nhà nhân chủng học đã coi đó là nét độc đáo trong văn hóa Đan Mạch. Người Đan Mạch một khi đã ngồi xuống bàn là phải bàn bạc tới cùng cho tới khi nào đạt được thỏa thuận chung mới thôi. Điều kiện tiên quyết để có thể thỏa thuận chung là sự tin tưởng. Các đối tác phải có sự tin tưởng lẫn nhau và phải có sự tin tưởng giữa các đối tác xã hội và các chính trị gia. Để có thể tin tưởng thì các đối tác xã hội phải cư xử một cách có trách nhiệm.

Nói đến sự tin tưởng, hợp tác và các đối tác xã hội, phải nhấn mạnh đến nền tảng của mô hình Đan Mạch, nền tảng đó là dân chủ.

Mô hình của Đan Mạch có thể là mô hình gợi mở cho những quốc gia khác, nhưng không có gì có thể “đốt cháy giai đoạn” và cũng không có một kích cỡ nào có thể vừa cho tất cả các quốc gia. Mô hình này phải được biến đổi để thích nghi với những nhu cầu cụ thể của từng quốc gia nhất định, mà trong đó Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

 

  • Tags: