Với việc thực hiện chương trình sản phẩm công nghiệp trọng điểm

Trong những năm gần đây, Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (TCT ĐT-TH Việt Nam) là một trong những doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng trưởng cao trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh (SXKD) củ

PV: Được biết, trong những năm gần đây, TCT ĐT-TH Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất cao về mọi mặt, đặc biệt là trong SXKD, vậy Ông có thể cho biết những nguyên nhân nào là chính?
Ông Bùi Quang Độ: Trong 6 năm qua, đặc biệt trong  3 năm trở lại đây, TCT ĐT-TH Việt Nam là một trong những TCT có mức tăng trưởng bình quân về SXKD cao nhất Bộ Công nghiệp. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi, có thể ưu tiên liệt kê những nguyên chính sau:
Một là: Trong những năm qua, TCT thận trọng, không đầu tư lớn theo phong trào, mà tập trung vào tổ chức lại sản xuất, khai thác tối đa công suất hiện có và đầu tư chiều sâu những khâu trọng điểm trong công nghệ. Đầu tư đúng thiết bị công nghệ cần và  theo đúng giá trị của nó trên thị trường thế giới. Không có “phết, phẩy” trong mua sắm thiết bị theo hợp đồng ngoại, chỉ có trách nhiệm của chủ đầu tư và của TCT là chủ quản đầu tư. Nhiều đại gia của Công nghiệp điện tử tin học trên thế giới phải đóng cửa nhà máy, cắt giảm biên chế, nhưng TCT vẫn giũ mức tăng trưởng đều. Đó cũng là nhờ TCT tổ chức lại công tác thông tin thị trường, hoàn thiện công tác điều hành của TCT. Nhờ công tác điều hành nhất quán (điều mà trước đây không làm được) từ phía tập thể lãnh đạo TCT, mà những kiện cáo, khiếu nại ít dần, lãnh đạo các đơn vị thành viên chỉ tập trung vào chỉ đạo phát triển SXKD,  triển khai các đề án đầu tư cho hiệu quả.
Nguyên nhân thứ hai là: Có người đã nói, AFTA là “sân chơi” không có chỗ cho các doanh nghiệp yếu kém. Không ít người đã lo lắng và cho rằng, khi tiến trình giảm thuế của AFTA bắt đầu thì sẽ ảnh hưởng lớn đến các sản phẩm chủ yếu của các công ty thành viên của TCT. Đối với tiến trình này, thì TCT ĐT-TH đã có sự chuẩn bị từ lâu, chúng tôi hiểu sâu sắc rằng, hội nhập không chỉ là rỡ bỏ hàng rào thuế quan (rời xa sự bảo hộ của Nhà nước) mà phảI hội nhập về chất lượng, mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng. Thực chất từ lâu, chúng tôi đã đối mặt với hàng lậu (vụ Tân Trường Sanh là một thí dụ). Tổng Công ty chúng tôi vững vàng vì chúng tôi đã tự thiết kế được nhiều sản phẩm như tivi, đầu DVD, máy tăng âm, dàn, loa, anten, thiết bị đIện tử y tế,... chúng tôi  tự chọn nhà cung cấp những linh kiện cần thiết ở  trong và ngoài nước, liên tục chủ động  cải tiến mẫu mã và cải tiến quản lý trong sản xuất, trong dịch vụ bán hàng và bảo hành trên toàn quốc. Do vậy, sự ảnh hưởng của tiến trình hội nhập không làm giảm được tốc độ tăng trưởng trong SXKD của TCT.
Nguyên nhân thứ ba: Công tác cán bộ của cơ quan TCT và ở các công ty thành viên được hoàn thiện từng bước. Việc đánh giá trình độ, hiệu quả quản lý của cán bộ nói chung và của các giám đốc nói riêng được làm hết sức chặt chẽ, công minh và khoa học. Chúng tôi đặt ra “Giám đốc kế” với các thang điểm chi tiết (được chính các Giám đốc nhất trí thông qua) đặc trưng cho từng lĩnh vực công tác quản lý của Giám đốc, trên cơ sở tiêu chí hiệu quả của hoạt động doanh nghiệp. “Giám đốc kế” đã mang lại hiệu quả rõ rệt. TCT không chỉ đánh giá để có kế hoạch sử dụng cán bộ, mà còn động viên các giám đốc bằng các hình thức khen thưởng vật chất cụ thể cho những giám đốc làm ăn giỏi.
Nguyên nhân cuối cùng: Mặc dù hiện nay, Nhà nước chưa có chiến lược phát triển Ngành, nhưng bản thân Tổng Công ty chủ động lên kế hoạch phát triển dựa trên việc vận dụng những chính sách nói chung và chính sách về thuế nói riêng (tuy chưa hoàn thiện triệt để), nhưng cũng đã hỗ trợ cho sự phát triển SXKD của TCT, và định hướng vào xu thế của thị trường trong nước và thế giới.
Theo tôi, thành công lớn nhất của TCT là các sản phẩm của chúng tôi, dù là các sản phẩm công nghiệp trọng điểm, hay không trọng điểm, nhưng đều là sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, dòng họ VIETTRONICS, hiện  đang và sẽ  không thua kém về chất lượng, mẫu mã và giá cả so với các nước trong khu vực. Công tác bán hàng và dịch vụ sau bán hàng của các công ty thành viên tổ chức rất tốt, nên đã tạo niềm tin ngày càng cao cho người tiêu dùng trong nước.
PV: Ông có thể nói rõ về các sản phẩm này ?
Ông Bùi Quang Độ: Các sản phẩm chủ yếu của TCT là Tivi, Radio Casette, đầu đọc đĩa …các loại, máy tăng âm, loa, anten, máy lắc máu, máy đo tim thai, máy điều hoà, cầu giao điện chống giật, chống chập.. .đang chiếm một thị phần lớn đáng kể ở trong nước.
Ngoài ra, TCT có các thương hiệu máy tính truyền thống  là GPC,  VIEC, VEIC – VTB, VITEK-VTB. Máy tính GPC đã xuất khẩu chủ yếu sang Nga, VIEC, VEIC - VTB đang được người tiêu dùng trong nước biết đến và ưa chuộng. Đây là sản phẩm thuộc Chương trình sản phẩm công nghiệp trọng điểm - máy tính thương hiệu Việt Nam, do Chính phủ giao TCT làm chủ đầu tư. Chương trình đồng bộ này bao gồm: Máy tính (máy cá nhân, máy chủ), Hệ điều hành máy tính Việt nam trên nền mã nguồn mở, Chuẩn máy tính và Hệ thống kiểm chuẩn máy tính.
Mặc dù, trên danh nghĩa, Chương trình này được hưởng chính sách ưu tiên, nhưng rất tiếc, trong chính sách, những quy định cụ thể về việc áp dụng ưu tiên cho nhà đầu tư sản xuất lắp ráp máy tính được rập khuôn từ chính sách ưu tiên cho sản xuất Tivi màu, (có lẽ do công nghệ lắp ráp màn hình máy tính cùng họ công nghệ lắp ráp Tivi) do vậy, chính sách này chưa thực sự đi vào cuộc sống, không hỗ trợ, thúc đẩy việc sản xuất máy tính trong nước phát triển. Một điều giản đơn là màn hình chỉ là một bộ phận của máy tính, ngoài nó ra, còn có: Khối hệ thống (CPU), chuột, Hệ Điều hành có bản quyền. Một trong những tiêu chí gây ảnh hưởng lớn nhất đó là việc quy định tỷ lệ nội địa hoá linh kiện lắp ráp máy vi tính chưa hợp lý. Do quy định tỷ lệ nội địa hoá cao, đã làm cho TCT và tất cả các đơn vị lắp ráp máy vi tính thương hiệu Việt Nam không được hưởng chính sách ưu đãi. Vấn đề thứ hai kìm hãm công nghiệp phần cứng Việt Nam phát triển là thị trường máy tính từ nguồn ngân sách. Chính phủ giao TCT chủ trì Dự án sản xuất máy tính Việt nam – sản phẩm công nghiệp trọng điểm, nhưng tất cả các dự án mua máy tính bằng nguồn ngân sách lại “tung hoành” tự do ngoài thị trường. Phải chăng, chúng ta đã phần nào buông lỏng việc Nhà nước điều tiết chủng loại, chất lượng và kế hoạch lưu thông sản phẩm máy tính (sản phẩm Công nghiệp trọng điểm)? Đúng ra, chúng ta cần phải tập trung tích luỹ cho phát triển công nghiệp phần cứng, và quan trọng hơn nữa là trang bị đồng bộ hệ thống máy tính cho những dự án lớn của quốc gia, tránh đấu thầu manh mún, tràn lan như nhiều năm nay.
Vượt qua những khó khăn trên, TCT đang từng bước đi vào lĩnh vực thiết kế điện tử, thiết kế những mạch tích hợp, hệ thống điện tử để tạo thế bứt phá trong hội nhập quốc tế: không chỉ hội nhập trong lắp ráp sản phẩm điện tử tin học, mà còn hội nhập trong thiết kế sản phẩm điện tử và tin học, đặc biệt là máy tính cá nhân và máy tính công ghiệp chuyên dụng..      
PV: Một trong những công tác trọng điểm của Nhà nước cũng như của Bộ Công nghiệp trong năm nay là việc sắp xếp lại các DNNN, vậy TCT ĐT-TH Việt Nam đã thực hiện chủ trương này như thế nào?
Ông Bùi Quang Độ: Trước hết, về cơ bản, tôi có thể khẳng định một điều là, TCT ĐT-TH Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Đảng và nghiêm túc thực hiện đúng kế hoạch của Bộ Công nghiệp giao. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, có một số đơn vị còn chậm. Chậm ở đây không phải là chậm do công tác xét duyệt, chỉ đạo triển khai của TCT, mà do công tác nhân sự, công tác mua, bán cổ phần (CP) bộc lộ một số vấn đề. Nếu không chấn chỉnh ngay thì rất có thể việc CPH thành “tư nhân” hoá. Ví dụ, có công ty chỉ có 4 “ông” lãnh đạo như giám đốc, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Công đoàn… đã mua đến gần 50% số CP bán cho cán bộ, công nhân viên. Khi phát hiện ra sự việc trên, TCT đã phải dừng lại việc mua bán CP trên, để báo cáo Bộ Công nghiệp chỉ đạo giải quyết.
Việc Dự thảo điều lệ CTCP cũng chiếm mất nhiều thời gian hơn dự kiến do phải cương quyết pháp lý hoá để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phần vốn Nhà nước tại CTCP. 
Vấn đề nữa là bố trí nhân sự - đại diện phía Nhà nước (thông qua TCT) ở CTCP cũng có những vấn đề chưa thống nhất với nhân sự do cơ sở đề xuất.
Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ giải quyết được một cách hài hoà để doanh nghiệp sớm chuyển đổi và ổn định phát triển trong hình thức mới.
PV: Xin chân thành cám ơn ông và chúc ông cũng như TCT ĐTTH một năm mới nhiều thành tích hơn nữa.

  • Tags: