Triển vọng quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các thành viên của EU

Từ ngày 1/5/2004, 10 nước gồm Hungari, Ba Lan, Séc, Slôvakia, Slôvenia, Síp, Manta, Estonia, Latvia, Litva đã chính thức trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan

Các nước thành viên mới của EU đều có quan hệ gần gũi và chặt chẽ với Việt Nam trong Hội đồng Tương trợ kinh tế trước đây, có quan hệ truyền thống lâu đời với Việt Nam. Việc các nước này gia nhập EU cùng với các hiệp ước mà hai bên đã ký kết là cơ hội để các quan hệ đối tác và bạn hàng của Việt Nam với các nước này được khôi phục và phát triển trở lại.
Trong những năm qua, kim ngạch buôn bán của Việt Nam với các nước thành viên mới của EU nhìn chung còn rất nhỏ bé, cả về tỷ trọng lẫn giá trị. Theo số liệu của Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này mới chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và bằng 0,06% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước thành viên mới này. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên mới chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam và bằng 0,02% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước này. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này chủ yếu là hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ, giầy dép. Đồng thời, Việt Nam nhập khẩu từ các nước này các mặt hàng gồm linh kiện điện tử, nguyên liệu sữa, hóa chất, thiết bị máy móc...
Tại Hội thảo “ảnh hưởng của Liên minh châu Âu mở rộng (EU) đến quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự kiện 10 nước chính thức trở thành thành viên của EU sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, song cũng sẽ phát sinh nhiều khó khăn mới mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Theo phân tích của các nhà doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu và khai thác các thị trường của các thành viên mới của EU, thì nhu cầu về hàng tiêu dùng ở đây khá lớn, trong khi yêu cầu về sản phẩm lại dễ tính hơn các thành viên của EU cũ. Hơn nữa, sự có mặt của đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam tại các nước Đông Âu được xem là cầu nối quan trọng để các dự án đầu tư, kinh doanh từ trong nước sang khu vực này trở nên thuận lợi hơn. Ngoài ra, cộng đồng người Việt đóng vai trò rất tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu và quảng bá tiếp thị hàng Việt Nam. Một lợi thế nữa đang mở ra đối với ngành hàng công nghiệp là việc thực hiện biểu thuế quan chung của EU tại các nước thành viên mới sẽ làm giảm đáng kể mức thuế nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp vào các thị trường này.
Theo thống kê của Bộ Thương mại, có 7 nhóm hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang EU mở rộng hiện nay là giầy dép, cà phê, chè, gia vị, thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ sẽ có cơ hội tăng kim ngạch lớn, bởi các nước thành viên mới của EU có tiềm năng tiêu thụ rất lớn các mặt hàng này. Tuy nhiên, ông Markus Cornaro, Đại sứ, Trưởng phái đoàn ủy ban châu Âu tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các mặt hàng này phải tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn cao và quy định chặt chẽ của EU về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi trước đây họ không phải thực hiện. Trong khi đó, mặt hàng gạo, dệt-may sẽ gặp nhiều khó khăn về triển vọng tăng thị phần với cơ cấu EU 25 thành viên.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi và những cơ hội mới đang mở ra, còn có một số khó khăn mới đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc giảm thuế gắn liền với việc tăng các hàng rào phi thuế sẽ là bất lợi với hàng xuất khẩu của Việt Nam vốn còn yếu về năng lực cạnh tranh. Việc buôn bán nhỏ theo hình thức đổi hàng giữa Việt Nam với các nước này sẽ khó  thực hiện, cùng các cam kết song phương giữa 2 bên bị huỷ bỏ, sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, nhiều hàng hóa của Việt Nam vào khu vực này đang không bị hạn ngạch, thì nay phải chịu hạn ngạch. Các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp châu Âu khi mức thuế bảo hộ chung của EU đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu được áp dụng từ 1/5/2004; Đối với  hàng dệt may sẽ phải chịu hạn ngạch theo quy định chung của EU; Các mặt hàng giầy dép tuy không chịu hạn ngạch nhưng có tăng trưởng hay không còn phụ thuộc vào khả năng tiếp thị và nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam; Các mặt hàng cà phê, chè, gia vị thì mức thuế hải quan của EU 15 với mặt hàng này ở dạng thô rất thấp (0%), nhưng thuế suất với 10 nước thành viên mới là 10%. Bên cạnh đó, hầu hết các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU đều phải có giấy phép của EU hoặc phải có chứng chỉ chất lượng và chứng nhận xuất xứ đúng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì lẽ đó, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ và đầy đủ về thị trường EU để tìm cách đưa hàng hóa thâm nhập một cách có hiệu quả vào thị trường này, đồng thời phải nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị truờng thế giới cũng như ở thị trường EU; Tăng cường xúc tiến thương mại; Cải thiện môi trường đầu tư v.v...
Là thành viên của asean, và của Diễn đàn hợp tác á-Âu, tin rằng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khai thác những điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các thành viên mới của EU.

  • Tags: