Công nghiệp Hà Nội thời kỳ đổi mới những thành tựu và phương hướng phát triển

Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Quá trình phát triển công nghiệp của Thủ đô mấy chục năm qua

Những thành tựu phát triển công nghiệp sau 20 năm đổi mới.

Tốc độ tăng bình quân của giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng cao trong điều kiện giá trị thực tế ngày càng lớn: giai đoạn 1986 – 1990 đạt 2,4% tăng lên đạt bình quân 19,0% trong giai đoạn 1991 – 1995 và đạt 15,36% trong giai đoạn 1996 – 2000. Tốc độ tăng bình quân trong 5 năm 2001 – 2005 là 18,7%/năm.

Công nghiệp Hà Nội hiện nay đã có sự phát triển đáng khích lệ, đã có một số sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước công nhận, đặc biệt  là từ năm 1995 đến nay. Là một thành phố công nghiệp lớn, Hà Nội đang ngày càng phát huy được những lợi thế của mình để phát triển. Có một thị trường tiêu thụ rộng, tập trung nguồn nhân lực lớn, có hàm lượng chất xám cao,  Hà Nội cũng là trung tâm của sự phát triển khoa học công nghệ mới. Với những thế mạnh này, các ngành công nghệ cao - hàm lượng khoa học lớn - có điều kiện để phát triển, kéo theo sự phát triển của các phân ngành khác như: công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp... Chính vì vậy, cơ cấu nhóm ngành kinh tế kỹ thuật của Công nghiệp Hà Nội đã có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá, đã hình thành một số nhóm ngành chủ lực như điện - điện tử – công nghệ thông tin; cơ kim khí; dệt – may – da giày; chế biến thực phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Việc đổi mới cơ chế chính sách phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng như: chính sách phát triển kinh tế đa dạng nhiều thành phần, khuyến khích đầu tư nước ngoài, thu hút công nghệ tiên tiến, khuyến khích đầu tư trong nước, có cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của Thành phố cho các doanh nghiệp được hoạch định rõ..., đã tạo nên những nguồn lực mới để phát triển công nghiệp Thủ đô. Nhờ đó, thành phần kinh tế ngoài nhà nước phát triển nhanh từ năm 1995 và đến nay đã hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân doanh, song kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Trong điều kiện kinh tế mở, nhờ có những chính sách khuyến khích và xúc tiến đầu tư, nhiều công ty công nghiệp xuyên quốc gia đã vào Thành phố hợp tác và liên doanh sản xuất với các cơ sở công nghiệp hiện có, một số nhà máy mới được xây dựng và đi vào hoạt động. Lực lượng mới này vừa cạnh tranh vừa thúc ép các cơ sở sản xuất thuộc nội đô phát triển.

Nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp ngày càng đa dạng, đặc biệt có sự tham gia mạnh của nguồn vốn nước ngoài và vốn dân doanh. Giá trị  hàng công nghiệp xuất khẩu đã tăng từ 31,8 triệu  USD năm 1985 lên 57,6 triệu USD năm 1990, 381 triệu USD năm 1995, 955 triệu USD năm 2000, 1,368 triệu USD năm 2003. Năm 2004 đạt  2,3 triệu USD và đến năm 2005 đã tăng lên là 2,8 triệu USD.

Các doanh nghiệp đã có sự đổi mới về phương thức tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh cho phù hợp hơn với nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, trong điều kiện chịu nhiều tác động của xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp để tồn tại, phát triển kết hợp với sự phát huy truyền thống của người lao động. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp đã mạnh dạn lập dự án, vay vốn, liên doanh, liên kết đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ tiên tiến và hiện đại hoá, được Nhà nước, các tổ chức tín dụng, ngân hàng ủng hộ thực hiện. Như vậy, Công nghiệp Hà Nội là một hệ thống gồm rất nhiều các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, vừa cạnh tranh, vừa thúc đẩy nhau cùng phát triển. Có thể nói, công nghiệp Thủ đô là một nền công nghiệp đầy tiềm năng.

Chất lượng cán bộ và người lao động được xếp vào loại cao so với cả nước và ngày càng được chú trọng nâng cao hơn. Cơ cấu sử dụng lao động đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng sử dụng lao động có kỹ thuật. Các ngành trang phục, giày dép, sản xuất cơ khí, chế biến nông lâm thuỷ sản thu hút được nhiều lao động nhất. Tỷ trọng lao động của một số ngành công nghiệp cơ bản tăng như sản xuất cơ khí, hoá chất. Năng suất lao động công nghiệp đã tăng đáng kể, nhất là khu vực chú trọng vào đầu tư công nghệ thiết bị.

Đặc biệt trong năm năm gần đây (giai đoạn 2001 - 2005), có thể nói, về cơ bản, công nghiệp Hà Nội đã thực hiện thành công những bước đi ban đầu trong chiến lược CNH, HĐH hướng về xuất khẩu, khác về cơ bản so với đường lối công nghiệp trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang diễn ra theo xu thế tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dich vụ trong GDP của Thành phố. Quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp được đẩy nhanh theo hướng ngày càng hợp lý và có hiệu quả hơn. Một số ngành công nghiệp chủ lực đã chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành. Các ngành sản xuất hàng tiêu dùng thu hút nhiều lao động có tốc độ tăng trưởng cao, sản xuất được nhiều mặt hàng đa dạng, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Thành phố và của cả nước về số lượng, chất lượng, và đang có khả năng thay thế dần hàng nhập ngoại.

Phương hướng phát triển công nghiệp Hà Nội giai đoạn sắp tới.

Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong 5 năm sắp tới được xác định như sau: Ưu tiên phát triển các ngành tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao như: công nghệ tự động hoá, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới. Tập trung phát triển các ngành lợi thế, có thương hiệu và có thể đứng ở hàng đầu cả nước, giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt như: các sản phẩm công nghiệp điện, điện tử (máy tính, máy văn phòng, điện tử công nghịêp, điện tử y tế...), công nghệ thông tin, sản phẩm kim cơ khí, chế tạo máy công cụ và động lực, lắp ráp chế tạo ô tô, xe máy, máy biến thế, hàng tiêu dùng cao cấp, nội thất, dược phẩm...

Hướng mạnh công nghiệp vào xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như: điện tử, công nghệ thông tin, tự động hoá, công nghệ sinh học. Phát triển các Khu, Cụm công nghiệp bao gồm cả các Khu công nghiệp vừa và nhỏ mới được hình thành. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn tư nhân, tạo ra một mạng lưới các vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn.

Với một nền công nghiệp có độ “mở” cao như Hà Nội, việc chọn ngành công nghiệp chủ lực cần dựa trên cơ sở kết hợp xu thế chung của thế giới và những tiêu chuẩn đặt ra cho ngành công nghiệp chủ lực của Hà Nội. Trong tương lai, các nhóm ngành công nghiệp chủ lực sẽ là: Điện tử - công nghệ thông tin - công nghệ phần mềm; Cơ kim khí; Sản xuất vật liệu xây dựng.

Để thực hiện được phương hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng CNH, HĐH, cần tiến hành các giải pháp và chính sách như: hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của Thủ đô phát triển; đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp chủ lực; phát triển tiềm lực khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ.

Trong xu thế hội nhập, ngành Công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của đất nước nói chung và của Thủ đô nói riêng. Trong thời gian 10 năm tới, nếu chúng ta quyết tâm cao, tập trung coi trọng chất lượng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển đồng bộ các loại thị trường, chủ động hội nhập quốc tế, tận dụng tốt cơ hội và lợi thế là nước đi sau để có được nền công nghệ tiên tiến với tốc độ nhanh hơn; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho công cuộc CNH, HĐH, tạo đà bứt phá cho 5 năm tiếp theo thì đến 2015, Hà Nội sẽ có thể được coi là cơ bản hoàn thành công cuộc CNH, HĐH, đi trước 5 năm, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.
  • Tags: