Mẫu thuẫn thiếu - thừa
Ngày nay, công nghệ vật liệu trên thế giới đang phát triển hết sức mạnh mẽ, ngày càng xuất hiện nhiều loại vật liệu mới với nhiều đặc tính tuyệt vời. Nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có loại vật liệu nào có thể thay thế được da thuộc, do thiếu những đặc tính tự nhiên quý báu như: mềm mại, thoát mồ hôi, thoáng khí hợp vệ sinh, bền chắc, bề mặt đẹp... ở Việt Nam, mức sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng các sản phẩm bằng da thuộc ngày càng lớn, và vì thế, vai trò ứng dụng to lớn của da thuộc đã được khẳng định. Trong khi đó, hiện tại, ngành Thuộc da Việt Nam mới chỉ sản xuất được khoảng 17 triệu sqft/năm, trên tổng năng lực của các cơ sở thuộc da khoảng 30 triệu sqft/ năm, bằng khoảng 25% nhu cầu.
80 triệu sqft da thuộc theo nhu cầu của thị trường trong nước bao gồm 3 loại là da trâu, bò và lợn. Với đàn trâu bò hiện nay khoảng trên 7 triệu con và mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 3,5%, mỗi năm có thể thu mua được khoảng 700.000 con da, ước khoảng 20.000 tấn/ năm, có thể đủ để phục vụ cho nhu cầu của các cơ sở thuộc da hiện nay. Tương tự như vậy với da lợn. Chăn nuôi lợn là nghề nông nghiệp truyền thống của Việt Nam, trong vòng 3 năm qua, chăn nuôi lợn vẫn rất phát triển. Hàng năm, số lượng đầu con tăng từ 250.000 đến 300.000 con với tỷ lệ tăng trưởng bình quân là 5- 5,2%/năm. Tính đến năm 2001, toàn quốc có 20.827,35 con. Trung bình mỗi con thu hồi được 7kg da, nếu tận thu được 100% nguồn da nguyên liệu thì sẽ thu được lượng da là 247.845,465 sqft. Hiện nay, tỷ lệ lợn ngoại và lợn lai chiếm khoảng 40%- 50% số lợn của cả nước, trung bình một con nặng khoảng 60- 70kg. Đây là những con số hoàn toàn không nhỏ. Và với lượng da thuộc trên, nếu được hỗ trợ thêm cùng công nghệ tốt và máy móc chuyên dùng, chúng ta hoàn toàn có thể thay thế việc nhập ngoại da lót từ thị trường Đài Loan, Trung Quốc và một số nước châu Âu, bằng việc sử dụng da lót lợn "made in Việt Nam". Với thực lực như vậy, lượng da thuộc hàng năm hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu da cho ngành Da Giầy trong nước.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này, thì nguồn da nguyên liệu ở nước ta đang ở trong tình trạng thiếu mà thừa, thừa mà thiếu. Điều này thể hiện khá rõ qua khảo sát một số các cơ sở thuộc da quanh Hà Nội. Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu da Đại Lợi ở Gia Lâm được biết đến là một trong những cơ sở sản xuất lớn của miền Bắc hiện nay. Trung bình một tháng, Đại Lợi xuất ra thị trường từ 60- 70 tấn da, trong đó chủ yếu là da lợn. Từ sau năm 1994, nhận thấy tính hữu dụng và khả năng thu lợi của da lợn, Đại Lợi đã gần như chuyên tâm với loại da này. Hàng ngày, ngoài việc thu mua da tại chỗ, các nhân viên còn toả đi các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tây..., tìm đến các công ty làm đồ hộp, các cơ sở giết mổ thu mua da lợn. Da của Đại Lợi, ngoài việc để cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp kinh doanh, sản xuất giầy trên phạm vi toàn quốc, còn dành một phần khá lớn để xuất khẩu đi nước ngoài dưới dạng da phèn xanh. Ngoài ra, còn có thể kể đến Công ty XNK Hoàng Lê ở đường Tam Trinh (Hà Nội), trung bình một tháng xuất đi 30- 40 tấn da, song có đến 90% số da trâu, bò muối xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... Chỉ có 10% còn lại là giành cho thị trường nội địa.
Đi tìm nguyên nhân
Trong khi mỗi ngày, hàng trăm tấn da thuộc các loại của ta hối hả “xuất ngoại”, thì hàng năm, ngành sản xuất giầy dép trong nước lại phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập da thuộc phục vụ sản xuất giày dép, đồ da xuất khẩu. Đây quả là một nghịch lý mà nguyên nhân của nó chỉ gói gọn trong vài cụm từ: thiếu công nghệ và quy hoạch.
Đầu tiên là vấn đề quy hoạch. Xuất phát từ việc chăn nuôi phân tán, con giống nhỏ, bề mặt còn nhiều vết sẹo, ghẻ, sước, do trâu bò phần lớn còn nuôi để làm sức kéo, cộng với việc giết mổ, lột da và bảo quản chủ yếu còn thủ công, tuỳ tiện, thiếu kỹ thuật, làm cho da có nhiều vết rách, lỗ thủng... đã dẫn đến một thực tế là da của ta chất lượng kém. Khâu bảo quản da sống cũng luôn trong tình trạng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật do quan niệm da nguyên liệu chỉ được coi là sản phẩm phụ của ngành chăn nuôi, lấy thịt. Cách đây không lâu, TCty Da Giầy Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu da ở Vĩnh Phúc, song kế hoạch đã “bay hơi” cùng với sự giải thể của văn phòng TCty. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho việc quy hoạch chăn nuôi lấy nguyên liệu cho ngành Da Việt Nam.
Thêm một dẫn chứng cho thấy sự nghịch lý thiếu- thừa của ngành công nghiệp Thuộc da. Đối ngược với tình trạng xuất khẩu da nguyên liệu của các cơ sở sản xuất, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập một lượng lớn da nguyên liệu để phục vụ cho các cơ sở thuộc da. Năm 1998, nhập gần 1000 tấn da bò muối của Đức, Mỹ, úc và Niu Dilân. Đây chính là điểm yếu về công nghệ của ngành thuộc da Việt Nam.
Hoá chất phục vụ quá trình thuộc da là một trong các yếu tố quyết định chất lượng da thuộc mà hiện nay, ngành công nghiệp hoá chất trong nước chưa có khả năng cung ứng. Các doanh nghiệp thuộc da phải nhập phần lớn hoá chất của nước ngoài và thiếu sự chủ động, giá thành cao. Bên cạnh đó, khả năng cập nhật, lựa chọn hoá chất mới phù hợp cho từng công đoạn còn hạn chế. Vấn đề công nghệ và thiết bị chuyên dùng của chúng ta phần lớn vẫn còn ở mức độ trung bình, lạc hậu và không đồng bộ, nhất là các cơ sở phía Bắc, mặc dù các cơ sở thuộc da đã được các hãng bán hoá chất hướng dẫn một số công nghệ mới trong quá trình sử dụng hoá chất của họ, nhưng kiến thức công nghệ còn rời rạc, thiếu cơ bản và tính tổng thể. Nguồn lao động trong ngành còn thiếu, đa số còn chưa được đào tạo bài bản, chuyên ngành sâu, thiếu kinh nghiệm và cập nhật được trình độ công nghệ của các nước tiên tiến, do đó sản phẩm da thuộc trong nước còn đơn điệu, chưa phong phú. Theo ông Bùi Ngọc Nhu- Giám đốc Công ty TNHH Đại Lợi, tình trạng thiếu trầm trọng đội ngũ kỹ thuật cao thường xảy ra với cơ sở sản xuất của ông. Hàng năm, để trang bị kiến thức chuyên môn cho các công nhân của mình, ông phải thuê kỹ sư của các trường đại học về giảng dạy tại xưởng. Nhờ có sự đầu tư chiều sâu đó, nên so với các cơ sở tư nhân miền Bắc, số lượng da cung cấp cho thị trường trong nước của Đại Lợi nhiều hơn cả. Còn các doanh nghiệp khác, do thiếu công nghệ và trình độ, hầu hết da xuất khẩu đều là loại da sơ chế.
Đề xuất những giải pháp
Không thể cứ lúng túng mãi với mâu thuẫn thiếu- thừa đó, trong khi nhu cầu tiêu thụ về da ngày càng gia tăng. Dưới đây là một số giải pháp cơ bản của ngành trong giai đoạn tới.
Về quy hoạch, muốn ngành phát triển mạnh mẽ và vững chắc cần có một quy hoạch tổng thể liên ngành: Chăn nuôi, thực phẩm thịt sữa, hoá chất, thuộc da và chế biến giày dép đồ da, phải gắn kết quyền lợi và tránh nhiệm giữa các ngành một cách hợp lý, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ về chính sách của Nhà nước:
- Ngành chăn nuôi: Cần có kế hoạch tổ chức chăn nuôi tập trung, cải tạo chủng loại con giống, kể cả các vật nuôi đặc sản như: Trăn, cá sấu, đà điểu..., cải thiện nguồn thức ăn, điều kiện chăm sóc và kỹ thuật chăn nuôi, đẩy mạnh mức tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm, nhất là tại một số vùng sinh thái có tiềm năng và lợi thế như: Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bắc và nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu long.
- Ngành thực phẩm, thịt sữa: Cần đầu tư tổ chức giết mổ công nghiệp tập trung, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giết mổ gia súc có đủ tháng tuổi, có quy trình kỹ thuật lột mổ và bảo quản nghiêm ngặt theo yêu cầu của ngành Thuộc da để đảm bảo da nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, coi con da cũng là sản phẩm chính, quý hiếm của ngành mình. Do giết mổ công nghiệp tập trung cũng tạo điều kiện cho việc bảo quản và thu mua được thuận tiện, tận thu được các loại da: Da lợn, cừu, dê, ngựa...
- Ngành hoá chất: Khuyến khích đầu tư, kể cả đầu tư, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để phát triển việc sản xuất các loại hoá chất cho thuộc da ở trong nước để chủ động và giảm giá thành, thay thế dần hoá chất nhập ngoại.
- Ngành sản xuất giày dép: Là ngành tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm da thuộc, bên cạnh các ngành xây dựng, nội thất, công nghiệp chế tạo ô tô...., Ngành cần có quy hoạch phát triển để có dự báo nhu cầu sử dụng da thuộc hợp lý cả về số lượng và chủng loại.
Về công nghệ, ngành Thuộc da phải có quy hoạch đầu tư, phát triển hợp lý và toàn diện về mọi mặt:
- Đổi mới công nghệ, đầu tư nâng cao trình độ thiết bị: Máy móc thiết bị trong ngành Thuộc da là loại đắt tiền và chủ yếu được nhập từ các hãng nước ngoài. Do đó, việc đầu tư cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các loại thiết bị chủ lực, quyết định đến chất lượng và chủng loại mặt hàng da thuộc để phát huy hiệu quả. Đẩy mạnh việc chế tạo trong nước đối với một số thiết bị không phức tạp như: Thùng quay gỗ, máy đo bia, máy phun xì tự động...
- Có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực: Công nghệ thuộc da đòi hỏi đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải có trình độ chuyên môn cao, hăng say nghề nghiệp, chịu khó và nhiều kinh nghiệm mới có thể tránh được những sơ suất trong quá trình thực thi công nghệ, đảm bảo tính ổn định trong công nghệ và chất lượng sản phẩm. Do đó, trước hết cần tập trung đầu tư cho công tác đào tạo con người, bao gồm: Trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao để có đủ năng lực quản lý và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tế sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài việc tổ chức trường lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật các trình độ, công nhân trong nước, cần cử một số đi học nước ngoài, thậm chí mời một số chuyên gia giỏi làm việc có thời hạn để học tập kinh nghiệm. Cần có chính sách đãi ngộ nhân tài...
Một trong những giải pháp đầu tư chiều sâu của mọi ngành nghề, chính là tăng cường phát triển các viện nghiên cứu. Viện Nghiên cứu Da Giầy cần phải nỗ lực hơn để xứng đáng với vai trò là cơ quan nghiên cứu khoa học đầu mối của Ngành, nhất là khi ngành Thuộc da Việt Nam đang ở trong tình trạng “thiếu thủ lĩnh” như hiện nay.