Thành lập Cục Điều tiết Điện lực: Bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách ngành Điện

Hướng tới mục tiêu “xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực, đảm bảo

PV: Xin ông cho biết lý do tại sao phải thành lập Cục Điều tiết Điện lực và chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Cục là gì?

Ông Nguyễn Bùi Hải: Sự hình thành Cục Điều tiết Điện lực vừa qua là kết quả tất yếu và khách quan của quá trình phát triển ngành điện lực Việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Trong chiến lược phát triển ngành điện giai đoạn 2004-2010, định hướng đến 2020 đã được Bộ Chính trị có ý kiến kết luận ngày 24/10/2003 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/10/2004 đã nêu rõ sự cần thiết phải hình thành thị trường điện cạnh tranh nhằm mục đích giải quyết hai thách thức lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của ngành điện hiện nay là thiếu vốn đầu tư  và tính kém hiệu quả trong hoạt động ở các khâu, các đơn vị của ngành. Chiến lược phát triển ngành Điện đã chỉ rõ cần phải: “Từng bước hình thành thị trường điện lực cạnh tranh trong nước, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp…”

Chiến lược phát triển điện lực còn được cụ thể hoá tại Mục 2, Điều 4 của Luật Điện lực đã được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004,  đó là: “Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện…”.

Sự ra đời của Cục Điều tiết điện lực trực thuộc Bộ Công nghiệp là nhằm góp phần giúp Chính phủ, Bộ Công nghiệp và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam thực hiện thành công Chiến lược phát triển của Ngành. Cụ thể, Cục trực tiếp giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp “thực hiện chức năng điều tiết hoạt động điện lực và thị trường điện lực, góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật”.

Theo Quyết định 258/2005/ QĐ-TTg ngày 19/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, Cục Điều tiết điện lực được giao những nhiệm vụ cơ bản sau đây: Trình Bộ trưởng ban hành một loạt các quy định liên quan đến chương trình tái cơ cấu ngành điện, hoạt động cạnh tranh lành mạnh của thị trường điện; xây dựng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; xây dựng biểu giá bán lẻ điện; thẩm định khung giá phát và bán buôn điện; các thủ tục giải quyết khiếu nại và tranh chấp trong thị trường; thẩm định các loại phí  liên quan đến thị trường điện; cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; quản lý cung cầu ngành Điện, kể cả các dự án quản lý nhu cầu và tiết kiệm điện…

PV: Theo ông, liệu có vấn đề gì chồng chéo với chức năng và nhiệm vụ của Vụ Năng lượng và Dầu khí hoặc Cục Kỹ thuật An toàn Công nghiệp?

Ông Nguyễn Bùi Hải: Sự ra đời của Cục Điều tiết Điện lực đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình cải cách ngành điện ở Việt nam và cùng với sự phát triển của ngành thì cơ cấu tổ chức của các cơ quan liên quan cũng sẽ có những biến đổi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành. Chúng tôi cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Cục Điều tiết Điện lực và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục đã khẳng định sẽ không có sự chồng chéo với chức năng nhiệm vụ hiện nay của Vụ NLDK và Cục Kỹ thuật An toàn Công nghiệp.

Tuy nhiên, để cho việc thi hành Quyết định của Thủ tướng được nghiêm túc và chính xác, lãnh đạo Bộ Công nghiệp sẽ có cuộc họp với các đơn vị liên quan để rà soát lại các chức năng, nhiệm vụ được giao hiện nay của Vụ Năng lượng và Dầu khí, Cục Kỹ thuật An Toàn CN sao cho việc chuyển giao và tiếp nhận nhiệm vụ cũng như các công việc còn dang dở không bị gián đoạn và đạt được hiệu quả cao nhất.

Trong tương lai, chúng tôi cho rằng, 3 đơn vị này vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thi hành chức năng nhiệm vụ được giao của mình vì mục tiêu chung là sự nghiệp phát triển của ngành Điện nói riêng và ngành Công nghiệp Việt Nam nói chung.

PV :  Ông có thể giới thiệu những nét chủ yếu về cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc và phương hướng hoạt động cụ thể của Cục trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Bùi Hải: Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cục có bộ máy gồm 7 phòng/ban, 2 Chi cục tại miền Trung và miền Nam, 1 Trung tâm nghiên cứu phát triển thị trường điện và đào tạo nguồn nhân lực với tổng biên chế 100 người. Tại thời điểm tháng 10/2005, Cục được thành lập với số lượng 10 người, trong đó bao gồm 1 Cục trưởng và 2 Phó Cục trưởng.

Nhằm thực hiện một cách tốt nhất các chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, dự kiến một số công tác trọng tâm của Cục trong thời gian tới sẽ là: Một là, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật ban đầu, quy chế làm việc và chức năng nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc để Cục có thể triển khai công việc được giao một cách sớm nhất, hiệu quả nhất. Hai là, tuyển dụng và xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể cho cán bộ, chuyên viên của Cục nhằm đáp ứng các đòi hỏi khắt khe về kiến thức liên quan đến quá trình cải cách ngành Điện và công tác điều tiết điện lực. Ba là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ sớm bắt tay vào xây dựng hệ thống các quy định, quy tắc, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sự hình thành và hoạt động của thị trường điện cạnh tranh. Bốn là, triển khai thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp giao phó.

PV: Xin cảm ơn ông.

  • Tags: