Chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho ngành Công nghiệp chế biến Thủy sản

Năm 2000, Việt Nam xuất khẩu thủy sản vượt ngưỡng 1 tỉ USD và đến năm 2002, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt hơn 2 tỉ USD. Với con số này, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu thủy sản lớn tron

Theo tính toán của Bộ Thủy sản thì đến năm 2005, nhu cầu nguyên liệu cho chế biến thủy sản là 2.030.000 tấn và năm 2010 là 2.650.000 tấn. Để đáp ứng đủ nhu cầu, ngành Thủy sản phải chủ động được nguồn nguyên liệu. Bởi nguyên liệu là khâu rất quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh thủy sản. Có một nguồn nguyên liệu ổn định, giá cả có sức cạnh tranh thì ngành công nghiệp chế biến thủy sản mới có cơ hội phát triển.

Kết quả nuôi trồng thủy sản từ năm 2000 đến 2002

Việc nuôi trồng thủy sản trong thời gian vừa qua đã phát triển ở cả ba vùng nước lợ, mặn và ngọt, hiện đang được mở rộng ở nước lợ và vươn ra biển. Năm 2001, diện tích nuôi trồng thủy sản là 887.000 ha, tăng 36% so với năm 2000. Năm 2002 là 955.000 ha, tăng 7,67% so với năm 2001. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2002 là 976.100 tấn, tăng 11,1% so với năm 2001.

Theo thống kê chưa đầy đủ của 9 tỉnh ven biển, năm 2001, lãi từ nuôi trồng thủy sản là 931 tỉ đồng, trong đó tỉnh Bạc Liêu lãi 717 tỉ đồng, Tiền Giang lãi 79 tỉ đồng, Hải Phòng lãi 37 tỉ đồng, Nghệ An lãi 21,5 tỉ đồng… Với nuôi tôm nước lợ, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tôm phát triển bình thường, hiệu quả kinh tế rất cao. Theo thống kê của 12 tỉnh, lãi trong nuôi tôm nước lợ là 1.228 tỉ đồng, tỉnh Bạc Liêu lãi 622 tỉ, Bến Tre lãi 465 tỉ, Phú Yên lãi 24,2 tỉ. Tỉ suất lợi nhuận nuôi tôm là 47,9%. Lợi nhuận nuôi tôm phụ thuộc vào các phương thức nuôi như nuôi quãng canh cải tiến, thu lãi trung bình từ 10-20 triệu đồng/ha, nuôi bán thâm canh lãi từ 20-40 triệu đồng/ha, nuôi thâm canh lãi trên 40 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ nuôi tôm lãi 200-250 triệu đồng/ha.

Trong những năm qua, sản lượng nuôi trồng thủy sản liên tục tăng, năm 2002 là 976.100 tấn, trong đó khoảng 40% giành cho chế biến xuất khẩu. Giá trị sản lượng là 12.943 tỉ đồng (bằng 47,16% giá trị sản lượng toàn ngành Thủy sản). Nuôi trồng thủy sản đã tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, nhất là chế biến xuất khẩu và đã đóng góp phần quan trọng vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tôm chiếm tỉ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu là 43,7% (năm 2001), 46,9% (năm 2002), trong đó tôm nuôi chiếm phần lớn.

Phát triển  nuôi trồng thủy sản phụ thuộc nhiều vào giống nuôi. Hiện nay, ngành Thủy sản đã rất chú trọng tới công tác này. Với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, ta đã sản xuất được giống cá nhân tạo, làm phong phú thêm giống loài nuôi. Năm 2002, toàn quốc có 400 trại cá giống nước ngọt, sản xuất được 8 tỉ cá giống các loại, đáp ứng cơ bản nhu cầu giống nuôi kể cả các tỉnh miền núi. Với giống thủy sản nước lợ, năm 2002, cả nước có 4.760 trại sản xuất tôm giống (nhiều hơn năm 2001 là 983 trại). Sản lượng tôm giống P15 năm 2002, là 19,3 tỉ con, nhiều hơn năm 2001 là 3,1 tỉ con. Cua, ốc hương và cá biển các loại cũng được nghiên cứu và cho sinh sản nhân tạo thành công, hàng năm cung cấp hàng triệu con giống ra thị trường.

Những khó khăn, hạn chế trong nuôi trồng thủy sản   

Việt Nam là nước có nguồn lợi thủy sản tương đối phong phú, nhưng việc nuôi trồng thì mới phát triển và phát triển mạnh mẽ vài năm gần đây. Do vậy, vẫn còn một số khó khăn nhất định cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Đó là:

Các quy hoạch cụ thể cho từng tiểu vùng sinh thái, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa đồng bộ, chậm và còn lúng túng. Công tác qui hoạch thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt cho các vùng mới chuyển đổi, vùng nuôi tôm tập trung, nuôi thủy sản trên vùng đất cát… chưa đáp ứng nhu cầu phát triển thủy sản. Sự phối hợp giữa ngành Thủy sản và Nông nghiệp chưa chặt chẽ.

Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở một số tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long diễn ra quá nhanh, không theo qui hoạch, vượt xa khả năng về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có cũng như trình độ quản lý, công nghệ… Do vậy, hiệu quả nuôi trồng thủy sản ở một số nơi chưa bền vững, cá biệt một số hộ nuôi tôm bị lỗ vốn.

Ngành Thủy sản chưa có chương trình phát triển giống thủy sản. Hệ thống giống thủy sản chậm được điều chỉnh, sắp xếp. Các cơ sở sản xuất tôm giống chưa được qui hoạch hợp lý. Việc giải quyết tôm giống cho nuôi còn bị động, nguồn tôm bố mẹ dùng cho sinh sản nhân tạo chủ yếu còn dựa vào khai thác tự nhiên. Việc nhập tôm bố mẹ của các nước trong khu vực chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vì thế, đầu vụ nuôi tôm, thường xảy ra thiếu giống, giá tôm giống lên cao.

Công tác nghiên cứu khoa học về giống có tiến bộ, nhưng chưa thật sự đi trước một bước. Chưa chủ động sản xuất được giống sạch bệnh, nhất là giống nuôi biển có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu, thiếu công nghệ quản lý môi trường theo hướng phát triển bền vững. Vấn đề phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm nuôi nước lợ còn nhiều bất cập, hiện tượng tôm chết còn xảy ra, có lúc nghiêm trọng, đã gây thiệt hại cho sản xuất và hiệu quả nuôi trồng thủy sản.

Công tác xây dựng tiêu chuẩn các vùng nuôi sạch, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm tiến hành còn chậm. Chậm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường gắn với quản lý các nguồn nước và hoạt động nuôi thủy sản.

Việc kiểm tra, kiểm soát và đầu tư cho nuôi trồng thủy sản tuy được quan tâm, song chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Phát triển nuôi trồng thủy sản còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, trong khi thời tiết, khí hậu thủy văn luôn diễn biến phức tạp.

Những giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đến 2010

Ngành Thủy sản đặt mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản là nhằm đảm bảo an ninh thực phẩm, tạo nguồn hàng xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2010, đạt tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên 2 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,5 tỉ USD, tạo việc làm cho khoảng 2 triệu người. Cụ thể, sản lượng tôm sú đạt 360.000 tấn, cá biển 200.000 tấn, nhuyễn thể 380.000 tấn, rong biển 50.000 tấn khô (tương đương với 550.000 tấn tươi), tôm càng xanh 60.000 tấn, thủy sản ao hồ nhỏ 480.000 tấn, thủy sản ruộng trũng 170.000 tấn, thủy sản hồ chứa lớn và sông 228.000 tấn. Muốn đạt được sản lượng này, Ngành cần một lượng 50 tỉ con giống nuôi.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Thủy sản đề ra 9 giải pháp, cụ thể:

1. Phát huy lợi thế tối đa sinh thái của cả nước, gắn qui hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản với qui hoạch phát triển thủy lợi và đê biển chung trên địa bàn. Tiến hành qui hoạch nuôi thủy sản trên biển và ven biển, nuôi thủy sản vùng đất cát, đất hoang hóa, qui hoạch chuyển đổi ruộng úng trũng, nhiễm mặn, năng suất, hiệu quả thấp sang nuôi chuyên hoặc nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa… Xây dựng qui hoạch nuôi trồng các nhóm sản phẩm chủ lực: Tôm nước lợ, tôm càng xanh, cá biển, cá tra, cá ba sa, cá rô phi, nhuyễn thể, rong câu…

2. Tạo lập cơ cấu giống thủy sản phong phú, bảo tồn được giống đã chọn lọc, phục hồi một số giống thủy sản bản địa có ý nghĩa sinh thái hoặc có giá trị kinh tế cao đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hình thành các trung tâm giống quốc gia về nước mặn, ngọt, lợ, các trạm giống thủy sản vệ tinh đại diện cho cụm, tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống theo qui hoạch. Nhà nước quản lý về chất lượng con giống.

3. Hoàn thiện các qui trình sản xuất giống, nghiên cứu lai tạo giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, cải tạo đàn giống cũ, thay thế nhóm giống kém chất lượng. Nghiên cứu, áp dụng và hoàn thiện các công nghệ mới về xử lý môi trường, dịch bệnh, thức ăn, vận chuyển và công nghệ bảo quản sau thu hoạch các loại sản phẩm nuôi trồng. Nhập công nghệ sinh sản nhân tạo các đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế.

4. Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức khuyến ngư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao công nghệ về nuôi trồng, khai thác, sơ chế, bảo quản nguyên liệu, xây dựng các mô hình điểm để nông, ngư dân học tập.

5. Xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Qui định mã số cho các vùng nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không sử dụng hóa chất, chất kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản. Duy trì kiểm  soát dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

6. Xây dựng các trung tâm quan trắc có các trạm đặt ở các tỉnh làm nhiệm vụ quan trắc môi trường, thu thập dẫn liệu phục vụ dự báo và phòng trừ dịch bệnh.  

7. Tăng cường đào tạo cán bộ đại học, trung học và sau đại học để bổ sung kịp thời sự thiếu hụt nguồn cán bộ kỹ thuật ở các địa phương và bồi dưỡng kỹ thuật cho dân về nuôi trồng thủy sản. Tăng cường hợp tác với nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực sau đại học.

8. Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là về giống nuôi. Chủ động tham gia hội nhập và phân công lao động quốc tế, bình đẳng với các nước trong trao đổi giống và công nghệ giống thủy sản để đến năm 2010, đạt trình độ tiên tiến về sản xuất giống thủy sản trong khu vực và thế giới.

9. Có các chính sách khuyến khích về sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản, thuế và trợ cước một số giống thủy sản.

10. Nhà nước tạo điều kiện để các cơ sở nuôi trồng thủy sản được vay vốn ngân sách và tín dụng một cách thuận lợi nhất. Riêng với vốn tín dụng, nếu vay dưới 50 triệu đồng để sản xuất giống thủy sản, các chủ cơ sở không phải thế chấp tài sản.

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái không chỉ tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh thực phẩm mà còn là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến thủy sản, tạo sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thông qua những giải pháp cụ thể này, trong thời gian không xa, Thủy sản sẽ trở thành một “ ngành kinh tế mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước”  như Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VII) đã xác định.

  • Tags: