Trước những khó khăn và thách thức đó, ngoài nỗ lực thực hiện công tác quản lý nhà nước và những nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Công nghiệp đã chủ động đề xuất các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ và tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động. Theo chỉ đạo của Bộ Công nghiệp, các doanh nghiệp đã có biện pháp ổn định cung cầu thị trường, tránh tình trạng đầu cơ gây sốt ảo. Những chủ trương, chính sách, chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ đã được truyền tải kịp thời tới các doanh nghiệp, tạo nên sự sôi động trong hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, quý I năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 72 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2002, trong đó khu vực quốc doanh trung ương tăng 11,5% (riêng các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp tăng 14,3%), khu vực quốc doanh địa phương tăng 12,2%, ngoài quốc doanh tăng 18,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,1%. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ sản xuất (điện, thép và sản phẩm thép, động cơ điện, động cơ diesel, bơm công nghiệp, máy kéo và xe vận chuyển, máy công cụ, phân bón NPK, sợi, vải lụa, xi măng...), cũng như các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng (dầu thô, quạt điện, máy thu hình, săm lốp xe đạp, lốp ôtô máy kéo, ắc quy, quần áo dệt kim, quần áo may sẵn, giấy bìa các loại, ống cứng và phụ tùng, bóng đèn huỳnh quang, thuốc lá bao, bia, sữa đặc có đường, mì ăn liền, dầu thực vật, đường mật các loại, lắp ráp xe máy, ôtô) đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong số các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực, hàng dệt may có tốc độ tăng trưởng cao nhất (đạt 850 triệu USD, tăng 90,6% so với cùng kỳ). Trong quý I, các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp xuất khẩu đạt khoảng 284 triệu USD (tăng 3,2%), nhập khẩu khoảng 319 triệu USD (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất. Mặc dù chịu ảnh hưởng của biến động tăng giá xăng dầu, phôi thép... nhưng các ngành sản xuất đều đạt được mức tăng trưởng khá. Tiêu biểu là ngành Điện, tuy sản lượng thuỷ điện thấp, nhưng nhờ huy động cao các nguồn khác nên sản lượng điện quý I vẫn đạt 8,946 tỷ kWh (tăng 13,8%), tương ứng với 7,57 tỷ kWh sản lượng điện thương phẩm (tăng16,33% so với cùng kỳ năm trước), đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu sản xuất và phục vụ sinh hoạt. Tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Than Việt Nam cũng đạt khá so với kế hoạch, than sạch đạt 3,98 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Nhờ sản xuất phôi tăng trưởng với lượng phôi sản xuất trong quý I đạt 130 nghìn tấn (chủ yếu của Tổng Công ty thép), cùng với lượng phôi dự trữ khá lớn (khoảng 500 nghìn tấn) nên tình hình sản xuất thép trong cả nước vẫn duy trì tốc độ phát triển với 663,2 nghìn tấn thép, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước. Các Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp và Tổng Công ty Thiết bị kỹ thuật điện đều có mức tăng trưởng là 41,3% và 30%, nhờ những sản phẩm chủ lực tăng (như động cơ diesel tăng 93,3%, máy bơm công nghiệp tăng 30,2%, máy kéo và xe vận chuyển tăng 55,7%, động cơ điện tăng 38,5%). Các đơn vị khác cũng có mức tăng trưởng khá, như Điện tử và Tin học 20,1%, Nhựa 14,1%, Sành sứ-Thủy tinh Công nghiệp 14,7%. Sản lượng các mặt hàng sản xuất chủ yếu của ngành Dệt May đều tăng trưởng, nhất là ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, như vải lụa thành phẩm toàn ngành tăng 13,3%, (riêng khối đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tăng 15,4%), quần áo dệt kim tăng 29%, (ĐTNN tăng 34%) quần áo may sẵn tăng 61,4% (ĐTNN tăng gấp 2 lần). Sản lượng ngành Thuốc lá đạt khoảng 870,4 triệu bao, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Trong dịp Tết Nguyên đán, ngành thuốc lá tiếp tục giữ vững thị trường với sản lượng thuốc lá sản xuất và dự trữ phục vụ Tết là 307,6 triệu bao, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản lượng bia của ngành Rượu Bia Nước giải khát đạt 213,6 triệu lít, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Tổng Công ty Rượu Bia Nước giải khát, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,2%, sản lượng bia tăng 6,2%. Các nhà máy bia đã huy động hết công suất nên phải chuyển một phần sản lượng sang gia công tại một số nhà máy bia địa phương. Một số ngành khác như sành sứ thủy tinh công nghiệp, nhựa, điện tử và tin học, dầu thực vật, công nghiệp thực phẩm … đều có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, trên 14% và có khả năng hoàn thành tốt kế hoạch.
Về tình hình đầu tư trong nước của ngành Công nghiệp, tổng số vốn đầu tư thực hiện quý I đạt hơn 4.680,72 tỷ đồng, tăng 29,26% so với năm trước, nhưng chỉ mới bằng 10,61% kế hoạch. Cũng như mọi năm, vào quý I, do mới được thông báo nguồn vốn ngân sách và tín dụng nên chỉ có các dự án chuyển tiếp như dự án Đuôi hơi Phú Mỹ, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn và Nhà máy Nhiệt điện Na Dương... triển khai thuận lợi. Một số dự án trọng điểm đã được khởi công. Do nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển cho các dự án khởi công mới không đủ, các dự án này phải vay tín dụng thương mại (Nhà nước bù lãi suất sau đầu tư). Vấn đề này đã ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai các dự án. Một số dự án của ngành khoáng sản, cơ khí, dầu thực vật... đã phải giãn tiến độ đầu tư hoặc lùi thời điểm khởi công từ các năm trước, nhưng vẫn không bố trí được vốn. Bên cạnh đó, do sự bất ổn của tình hình chính trị thế giới cũng như chính sách của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư và ảnh hưởng từ việc giảm mức bảo hộ khi Việt Nam cắt giảm thuế quan theo lộ trình của AFTA, nên đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước về cả số dự án lẫn vốn đầu tư. Quý I năm nay, tổng số dự án mới được cấp phép là 61 dự án (bằng 62,8% cùng kỳ năm trước) và tổng số vốn đăng ký là 99,38 triệu USD (bằng 60,05% cùng kỳ). Trong đó, quy mô các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp nặng và công nghiệp thực phẩm giảm, chỉ bằng 88% và 86% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp nhẹ tăng 11,7%, công nghiệp dầu khí tăng 9,6%. Các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chú trọng đến gia công, chế biến hoặc làm dịch vụ với quy mô nhỏ và công nghệ trung bình để đảm bảo ít rủi ro. Từ đó, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là Chính phủ cần có những giải pháp ưu đãi mạnh mẽ hơn, nhất là cần ổn định về chính sách để thu hút được các dự án đầu tư lớn với công nghệ hiện đại vào công nghiệp nặng, phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá của nước ta.
Giá trị sản xuất toàn ngành tăng trưởng 15,1% chủ yếu là do tăng trưởng mạnh các ngành sản xuất gia công như dệt may, giầy dép, lắp ráp sản phẩm điện- điện tử, ô tô, xe máy... còn GDP tuy có tăng hơn so với cùng kỳ năm 2002, đạt 9,24%, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Sự tăng trưởng này còn có các yếu tố không bền vững, cần phải được khắc phục. Bên cạnh một số đơn vị đạt kết quả kinh doanh khả quan như Tổng Công ty Điện lực có số lãi đạt 230 tỷ đồng, tăng 326% so với cùng kỳ năm 2002, Tổng Công ty Thép có số lãi phát sinh là 40,7 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ, thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số đơn vị như Công ty Sữa Việt Nam, Công ty Kỹ nghệ thực phẩm... giảm. Một số dự án mới huy động vào sản xuất như Giấy Việt Trì, Giấy Hoàng Văn Thụ chưa phát huy hết công suất, trong khi số khấu hao cơ bản phải trích, lãi vay đầu tư phải trả lớn và khả năng tiếp cận thị trường còn khó khăn. Số lỗ phát sinh quý I năm 2003 của Tổng Công ty Giấy là 3,5 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến 31 tháng 3 năm 2003, là hơn 77 tỷ đồng. Đến nay, lượng tồn kho của Tổng Công ty Giấy khoảng 35 nghìn tấn (tăng hơn mức tồn cuối năm 2002 là 10 nghìn tấn). Nếu thuế suất nhập khẩu theo lộ trình AFTA giảm xuống 20% từ tháng 7 năm 2003 thì tình hình tiêu thụ giấy sản xuất trong nước sẽ càng khó khăn hơn. Ngoài ra, không ít các đơn vị thuộc các Tổng Công ty Khoáng sản vẫn còn khó khăn về tài chính do phải chịu sức ép nặng nề của số lỗ luỹ kế của những năm trước để lại. Riêng đối với tình hình tăng giá thép xây dựng, một hệ quả tất yếu là tình hình triển khai các dự án xây dựng cơ bản bị chậm lại, các nhà đầu tư lúng túng trước quyết định có tiếp tục hay giãn tiến độ để chờ giá thép xây dựng giảm xuống. Trong trường hợp tiếp tục, theo các quy định hiện hành, cần phải điều chỉnh dự toán, nhưng điều này lại mất nhiều thời gian. Đầu tư chậm, sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của một số ngành cũng như ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn Ngành trong thời gian tới.
Toàn ngành Công nghiệp mới chỉ đi được 1/4 quãng đường trong năm 2003. Nhiệm vụ phải thực hiện trong 3 quý còn lại rất nặng nề, trong khi tình hình kinh tế và chính trị thế giới đang và sẽ có nhiều biến động. Vì vậy, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 7-7,5% như chỉ tiêu kế hoạch của Quốc hội đề ra, các Tổng Công ty và các Công ty cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp theo biến động của thị trường, cụ thể hoá các nhiệm vụ kế hoạch của 3 qúy còn lại. Phấn đấu giảm chỉ phí sản xuất, nhất là chi phí nguyên vật liệu, chi phí quản lý, chi phí thuê ngoài... để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm từ trước đến nay có mức bảo hộ cao (thuế nhập khẩu trên 20%). Việc tổ chức triển khai cần phải kiên quyết, theo các lộ trình và kế hoạch cụ thể, tránh tình trạng đối phó hoặc trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước. Chú trọng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa để bù đắp phần sút giảm do không còn thị trường xuất khẩu I-Rắc. Cần chú trọng hơn nữa các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Đồng thời cần sử dụng nhiều hình thức xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ, xuất khẩu qua đường biên mậu, xuất khẩu tại chỗ, xuất khẩu thông qua hàng đổi hàng...) Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Mỹ, nhưng không buông lỏng các thị trường truyền thống.
Về đầu tư xây dựng cơ bản, đối với các dự án đang thực hiện, cần tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn (điện, xi măng, giấy, thép, DAP...). Nhanh chóng ký hợp đồng tín dụng với các Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển theo kế hoạch vốn đã được thông báo. Do biến động giá đầu vào nên các chủ đầu tư cần tiếp tục triển khai dự án để đảm bảo tiến độ, đồng thời bóc tách phần chênh lệch giá giữa thực tế với dự toán để có căn cứ xem xét điều chỉnh khi cần thiết. Đối với các dự án mới, các tổng công ty, doanh nghiệp cần căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành và kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt, nhanh chóng triển khai xây dựng các dự án đầu tư, đảm bảo tính khả thi (cả về kỹ thuật lẫn khả năng thu xếp vốn), và tính hiệu quả của mỗi dự án. Chú trọng cả đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm và đầu tư mới, đầu tư mở rộng tăng năng lực sản xuất, đảm bảo tốc độ tăng trưởng của từng doanh nghiệp cũng như toàn Ngành. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến vận động đầu tư, nhằm thu hút vồn đầu tư nước ngoài vào các dự án có nhu cầu vốn lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời khai thác triệt để nguồn vốn trong dân để phát triển đầu tư trong nước./.