Theo Tổng công ty Điện lực Việt Nam, sản lượng điện tiêu thụ tại Việt Nam hiện mới đạt bình quân gần 500 kWh/người/năm. Để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp như Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra, năm 2020, sản lượng điện bình quân đầu người phải gấp 20 lần hiện nay và cần một số vốn đầu tư rất lớn. Nhằm bảo đảm thực hiện được mục tiêu chiến lược quan trọng này và trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, EVN từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh trong nước, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia để thu hút mọi nguồn lực ở trong nước và nước ngoài. Thị trường cạnh tranh nội bộ áp dụng cho các nhà máy điện EVN đã được triển khai từ 1/7/2004, dự kiến trong toàn ngành Điện Việt Nam  sẽ chính thức hoạt động vào đầu năm 2005.

            Thị trường điện có tính đặc thù riêng và rất phức tạp. Hiện nay, trong 10 nước ASEAN mới chỉ Xingapo có thị trường điện. ở châu á, chỉ có ấn Độ mới bắt đầu thực hiện thị trường điện hơn một năm nay tại Niu Đêli. Hàn Quốc cũng mới thực hiện thị trường điện cách đây 2 năm. Trung Quốc mới chỉ xây dựng thị trường điện giai đoạn I tại 5 trong tổng số 30 tỉnh, song vừa phải tạm dừng lại, vì cầu vượt cung quá nhiều.

            Theo ông Đào Văn Hưng, thị trường điện lực cạnh tranh là rất phức tạp diễn biến đồng thời. Điện áp ở Hà Nội giảm thì ngay lập tức điện miền Trung “chảy” về. Ai dùng nhiều điện, điện tự động dồn về cho hộ đó. Khi thực hiện thị trường điện lực, ngành Điện nước ta phải giải quyết một loạt khó khăn về trình độ quản lý, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Nhưng thuận lợi của EVN là hệ thống điện hiện nay có kết cấu khá vững, với 2 hệ thống đường dây siêu cao áp 500 kV xuyên Việt và các nhà  máy điện nằm rải khắp cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Có thị trường cạnh tranh điện lực sẽ kích thích phát triển sản xuất điện, trên cơ sở đó giảm mọi chi phí cần thiết, hạ giá thành và nâng cao chất lượng điện.

            Thị trường điện nội bộ trong EVN đã được thí điểm đưa vào hoạt động ngót 4 tháng nay (từ ngày 1/7/2004). Những bước tập dượt đầu tiên cho một thị trường điện tại Việt Nam đã bắt đầu đối với cả bên mua và bên bán, tuy đều là “người một nhà EVN”. Thị trường điện cạnh tranh nội bộ đã tạo điều kiện cho điều độ hệ thống điện, tất cả các nhà máy điện thuộc EVN làm quen với giao dịch trên thị trường một người mua sắp tới, đồng thời tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm của các nhà máy điện; phát hiện những khó khăn nảy sinh mà khi thiết kế khó có thể dự đoán hết, để hoàn thiện việc thiết kế thị trường điện, áp dụng vào ngày 1/1/2005 như các luật lệ của thị trường và cơ sở hạ tầng thông tin, đo đếm; thúc đẩy hợp lý hóa sản xuất, giảm chi phí phát điện của các nhà máy thuộc EVN. Nhưng qua thực tế đã cho thấy còn nhiều việc cần phải làm và phải có một thời gian dài nữa, Việt Nam mới có thể có được một thị trường điện cạnh tranh thực sự. Trước mắt, cần khắc phục ngay những mặt còn hạn chế như: Các phần mềm phục vụ thị trường điện chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu; hệ thống đường truyền kết nối giữa các nhà máy điện và EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) chưa đảm bảo yêu cầu về giao dịch và điều hành trên thị trường điện; các nhà máy điện chưa được trang bị đầy đủ hệ thống máy tính, phần mềm phục vụ chào giá bán điện trên thị trường.

            Theo kế hoạch của EVN, thị trường điện lực Việt Nam triển khai cạnh tranh theo 3 giai đoạn. Giai đoạn I của thị trường điện lực có nhiều người bán, nhưng chỉ có một người mua. Giai đoạn II sẽ vẫn chỉ có một người mua, nhưng mở ra hơn là trong quá trình giao dịch, nhà máy phát điện có thể trực tiếp bán ra ngoài cho một hộ nào đó (nhà máy xi măng, nhà máy phân bón chẳng hạn) mua với sản lượng lớn, hoặc bán điện trực tiếp cho khách hàng tiêu thụ điện tại địa bàn quận, huyện. EVN cho phép các nhà máy này sử dụng lưới điện truyền tải, phân phối sau khi trả cho EVN phí truyền tải và phí phân phối do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Giai đoạn 3 mới là thị trường điện thực thụ, nhiều người bán và nhiều người mua.

            EVN hiện vẫn đóng vai trò người mua điện duy nhất trên thị trường từ các nhà máy điện theo 2 hình thức: Hợp đồng mua bán điện có thời hạn (chiếm 85-95% sản lượng điện) và trên thị trường giao ngay (chiếm 5-15% sản lượng điện). Việc xây dựng và thực hiện thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khác nhau tham gia đầu tư xây dựng nguồn điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội và tiêu dùng của nhân dân. Cơ chế cạnh tranh cũng sẽ thúc đẩy các nhà máy của EVN chủ động, tích cực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả chung cho toàn xã hội.

            Thị trường điện cạnh tranh là một lĩnh vực mới. Vì vậy, EVN đã liên tiếp tổ chức các khóa đào tạo (thuê cả chuyên gia trong nước và nước ngoài giảng dạy) nâng cao kiến thức cho cán bộ các nhà máy điện, công ty truyền tải, Ao... để có đủ năng lực quản lý, vận hành thị trường điện. EVN cũng đã chọn cử một số cán bộ trẻ, có năng lực đi học, thực tập và nghiên cứu sâu về thị trường điện như ôxtrâylia, Niu Dilân, Nauy, Anh, Xingapo... Để có đủ điều kiện xây dựng thị trường cạnh tranh trong khâu phát điện, EVN đã kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cho phép tách các nhà máy điện thuộc EVN hiện nay ra hạch toán độc lập từ ngày 1/1/2005; Cho phép 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị An, Yaly tiếp tục hạch toán phụ thuộc EVN, nhằm khai thác tối đa hiệu ích tổng hợp của các công trình này; Sớm có văn bản hướng dẫn về chủ trương tổ chức thị trường phát điện cạnh tranh để EVN tổ chức thực hiện; Chính phủ sớm ban hành cơ chế về tài chính, tiền lương... cho các nhà máy điện trong Tổng công ty chuyển sang hạch toán độc lập để tham gia thị trường điện./.

  • Tags: