PV: Thưa Ông, trên cương vị là Thứ trưởng, phụ trách công tác khoa học, công nghệ và môi trường ngành Công nghiệp, xin Ông cho biết những hoạt động về bảo vệ môi trường BVMT mà Bộ đang triển khai thực hiện?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Phát triển công nghiệp luôn là nguyên nhân sử dụng cạn kiệt tài nguyên, tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Chính phủ đã có các Nghị quyết, Quyết định và Chỉ thị quy định các hoạt động về BVMT của các Bộ, ngành và địa phương, nhằm tăng cường công tác BVMT và phát triển bền vững, Bộ Công nghiệp đã và đang triển khai các hoạt động có tính chất dài hạn sau:
- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ Công nghiệp được giao chủ trì 3 Chương trình: áp dụng công nghệ sạch và thân thiện môi trường trong ngành Công nghiệp; Phục hồi môi trường các vùng khai thác khoáng sản; Chương trình Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ở tất cả các khu công nghiệp. Các chương trình này đã được xây dựng khung đề cương và kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2006-2010.
- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, Bộ Công nghiệp đã phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững, tiến hành xây dựng Định hướng phát triền bền vững ngành Công nghiệp và thí điểm xây dựng mô hình doanh nghiệp phát triển bền vững tại Công ty Cổ phần ắc quy Tia Sáng. Hiện mô hình này đang được đánh giá là một thành công, cần được nhân rộng.
- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11/2004 của Bộ Chính trị, Bộ Công nghiệp đã xây dựng Đề án hạn chế và giảm dần việc sử dụng hoá chất độc hại, các bao bì làm từ các loại vật liệu khó phân huỷ trong công nghiệp, thay thế bằng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
- Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg về Đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các khu đô thị và khu công nghiệp, Bộ Công nghiệp đã xây dựng đề án tăng cường hoạt động quản lý chất thải rắn tại các khu công nghiệp. Đề án này đã được xây dựng và bắt đầu thực hiện.
- Thực hiện Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2005, về Kế hoạch quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường công nghiệp đến năm 2010, từ năm 2006, Bộ Công nghiệp đã tiến hành xây dựng Đề cương cho 3 đề án/ chương trình được giao chủ trì bao gồm: Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; Đầu tư xây dựng các cơ sở tiền xử lý, tái chế chất thải công nghiệp và sản xuất thiết bị chuyên dùng thu gom, vận chuyển chất thải; Chương trình kiểm soát an toàn hoá chất.
- Bộ Công nghiệp cũng đã chỉ đạo việc thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo đánh giá của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia, các doanh nghiệp thuộc Bộ đã thực hiện thực hiện nghiêm túc Quyết định và thu được kết quả tốt.
- Triển khai thực hiện các dự án Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường là hoạt động ưu tiên và có hiệu quả của Bộ Công nghiệp với các đối tác truyền thống như: Đan Mạch, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Mỹ… Hiện nay, Bộ Công nghiệp đang thực hiện một số dự án hợp tác quốc tế bao gồm:
+ Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Là một hợp phần của Chương trình “Hỗ trợ phát triển Việt Nam - Đan Mạch trong lĩnh vực môi trường” giai đoạn 2005-2009. Mục tiêu của hợp phần là giảm ô nhiễm và tăng cường hiệu quả sản xuất của ngành Công nghiệp và mang lại môi trường trong sạch hơn cho người dân sống xung quanh và khu vực làm việc của các cơ sở sản xuất.
+ An toàn hoá chất: Là một hợp phần của Chương trình nâng cao năng lực quản lý đất đai và môi trường do Thuỵ Điển tài trợ. Hợp phần của Bộ Công nghiệp thực chất nhằm hỗ trợ xây dựng các quy định pháp quy về an toàn hoá chất bao gồm Luật Hoá chất và các nghị định hướng dẫn.
+ Nâng cao năng lực quản lý môi trường công nghiệp bền vững cho 4 tỉnh thông qua hợp tác với Trung tâm Quốc tế về Chuyển giao công nghệ môi trường (ICETT) do Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản tài trợ.
- Phổ biến thông tin môi trường ngành Công nghiệp: Bộ Công nghiệp đã xây dựng trang web môi trường công nghiệp tại địa chỉ: http://www.environment.moi.gov.vn nhằm cung cấp các thông tin về các hoạt động của Bộ Công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp cũng như các thông tin về hoạt động bảo vệ môi trường ngành công nghiệp.
PV: Luật BVMT đã được sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh hơn về quản lý BVMT cho các bộ, ngành và địa phương. Xin Thứ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Công nghiệp được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Theo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 và các văn bản hướng dẫn, Bộ Công nghiệp cũng như các bộ ngành khác có trách nhiệm cụ thể hơn trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ Công nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến lĩnh vực công nghiệp; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc thẩm quyển quản lý và chủ trì thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
1- Hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường: Từ năm 2006, Bộ đã giao cho Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp triển khai xây dựng Đề án: “Điều tra hiện trạng công nghiệp môi trường, đề xuất giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam”, với mục tiêu tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp môi trường nhằm nội địa hoá các thiết bị, dịch vụ bảo vệ môi trường, góp phần giảm giá thành cho các hoạt động bảo vệ môi trường trong nước; tạo ra động lực chung cho toàn ngành công nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm bảo vệ môi trường và đặc biệt là đội ngũ các chuyên gia môi trường trong và ngoài Bộ.
2/ Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược. Theo Quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Bộ Công nghiệp sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án và đánh giá tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ. Đây là một nội dung mới trong quản lý nhà nước về BVMT của Bộ, do đó cần có những nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
3/ Chỉ đạo việc thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, nhằm đề xuất các giải pháp thực hiện các đề án giảm thiểu ô nhiễm với một ngành có tác động lớn đến môi trường.
4/ Quan trắc môi trường; thống kê, lưu trữ số liệu, thông tin về môi trường thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực đuợc phân công quản lý.
PV: Được biết, Bộ Công nghiệp đã thành lập Văn phòng Môi trường Công nghiệp, xin Thứ trưởng cho biết chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Văn phòng Môi trường Công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp được thành lập tại Quyết định 838/QĐ-BCN ngày 03 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và được đặt tại Vụ Khoa học, Công nghệ. Văn phòng Môi trường Công nghiệp (VPMTCN) là cơ quan tham mưu giúp Bộ xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Công nghiệp trong toàn ngành công nghiệp. Ngoài ra, VPMTCN là đầu mối tổ chức, hợp tác và phát triển mạng lưới bảo vệ môi trường công nghiệp với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm BVMT, sở công nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Về cơ cấu tổ chức của Văn phòng Môi trường, gồm 01 Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ kiêm Chánh Văn phòng Môi trường Công nghiệp và 12 chuyên viên trong lĩnh vực công nghiệp và môi trường thuộc Vụ Khoa học, Công nghệ hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường công nghiệp?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế đất nước, công tác bảo vệ môi trường trong ngành Công nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn khách quan và chủ quan của người quản lý và người chịu quản lý. Những khó khăn chính là vấn đề nhận thức và xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường... Mặc dù hiện nay, nhận thức của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường đã được nâng cao, nhưng sự chuyển biến từ nhận thức sang ý thức bảo vệ môi trường là chưa rõ rệt. Điều này có thể nhận thấy thông qua việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là những khó khăn khách quan của nhiều doanh nghiệp công nghiệp mà đặc biệt với các doanh nghiệp có trình độ công nghệ lạc hậu, tính cạnh tranh thấp dẫn đến năng lực tài chính mỏng, không đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Hệ thống pháp luật về môi trường của Việt Nam khá đầy đủ, song vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu sự đồng bộ, chồng chéo trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật và còn nhiều điểm chưa phù hợp trong các tiêu chuẩn bắt buộc về phát thải chất ô nhiễm. Ngoài ra, tính cưỡng chế thực thi pháp luật chưa cao, nên chưa tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp có ý thức tốt trong BVMT và các doanh nghiệp chưa có ý thức, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để các doanh nghiệp gây ô nhiễm có những giải pháp khắc phục.
Một trong những khó khăn có tính khách quan là, chúng ta hiện còn thiếu đội ngũ quản lý có kinh nghiệm, thiếu đội ngũ các nhà tư vấn giỏi và hơn hết là thiếu các công nghệ phù hợp trong lĩnh vực công nghiệp cũng như bảo vệ môi trường, để trợ giúp các doanh nghiệp trong công tác BVMT.
Cùng với việc từng bước hoàn thiện thể chế chính sách về BVMT, với những nỗ lực của doanh nghiệp và với sự hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường, tôi cho rằng, bức tranh về môi trường công nghiệp sẽ dần được cải thiện, hướng tới sự phát triển bền vững nền kinh tế theo Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
PV: Xin cám ơn Thứ trưởng.