Tiến sĩ là ai? - Ai là tiến sĩ?

Dư luận xôn xao về bài viết của Lại Nguyên Ân. Chiều ngày 29/10/2003, trong giờ giải lao (kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI), các phóng viên báo chí đã nhất quyết không để Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển từ c

Tại sao, bài viết của Lại Nguyên Ân (LNÂ) lại gây “chấn động” đến các vị Tiến sĩ, phó Giáo sư và Giáo sư như vậy? Thậm chí, có vị nóng quá mất khôn, nên khi viết bài phản đối LNÂ đã tập trung tìm ra những lời gọi là "lăng mạ, làm nhục người khác", nhưng chính các vị đó lại trích dẫn cắt xén không chính xác (và có chủ ý, đi ngược lại bản chất khoa học là phải chính xác và khách quan) và cũng lăng nhục lại LNÂ có phần hơn! Đơn giản, LNÂ đã đụng chạm vào vùng mà chúng ta thường hay gọi là “vùng nhạy cảm”  của trí thức (dởm và thật) bậc cao hiện nay.

Tôi đã đọc bài của LN và nhiều bài phản đối cũng như ủng hộ LNÂ. Đôi chỗ tôi chưa nhất trí cách viết của LN (và đây cũng là chỗ để có cớ để "họ" phản đối). Nhưng tôi rất thất vọng khi đọc các bài tranh luận không có tính lý luận khoa học, mà chỉ nặng về những lời lẽ phê phán, chụp mũ cho nhau. Trong đó (rất tiếc), có nhiều vị tự nhận là hướng dẫn không biết bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ. Có người ủng hộ trên báo đã viết ”Điều đáng buồn là…Lại Nguyên Ân đã nêu một hiện tượng có thật”. Người khác thì lại cho rằng, việc "ấy" cũ lắm rồi, đâu có mới mà làm ầm ĩ cả lên…

                Phải chăng có phong trào: Đổ xô kiếm “mác” tiến sĩ để thăng tiến?

Có người cho rằng, ngành giáo dục vẫn đang tiếp tục “sản xuất” bằng tiến sĩ theo tiêu chuẩn của riêng mình, và do cơ chế đề bạt cán bộ nên xảy ra tình trạng "Đổ xô kiếm "mác" tiến sĩ để thăng tiến".

Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bằng tiến sĩ “hấp dẫn” chủ yếu đang chỉ bởi tư cách là “giấy thông hành” bắt buộc cho sự thăng tiến. Số người dự định theo học sau đại học với toan tính có bằng cấp cao để dễ bề tiến thân mà không phải vì thực sự đam mê nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều.

Người có học vị tiến sĩ trở lên ở nước ngoài được coi là bác học mà nghề nghiệp chính là nghiên cứu và sáng tạo, việc đào tạo tiến sĩ chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học tại các viện, giảng dạy ở bậc đại học và phòng thí nghiệm cho sản xuất chế tạo. Trong khi đó, ở Việt Nam, số lượng tiến sĩ là cán bộ quản lý khá nhiều. Một GS TS là đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta đang thiếu nhiều tiến sĩ, nhiều giáo sư, nhưng không phải là những tiến sĩ, giáo sư để thăng tiến trong quản lý. Chúng ta đã không hiểu, lãnh đạo, quản lý có yêu cầu riêng, đòi hỏi nhiều về khả năng tập hợp, tổ chức và hoạt động thực tiễn. Cho nên, một số vị quan chức ở các cơ quan Đảng và Nhà nước chẳng liên quan gì đến nghiên cứu khoa học hay giảng dạy cũng loay hoay kiếm cho được tấm bằng tiến sĩ để đạt “chuẩn hoá”! Các nước tiên tiến không đặt vấn đề đào tạo tiến sĩ cho mục tiêu quan chức.

Chất lượng tiến sĩ và đào tạo tiến sĩ như thế nào?

Trong bài “ Bàn lại vấn đề học vị tiến sĩ” của tác giả Trần Văn Thọ, đăng trên Tạp chí Tia sáng, số 19, tháng 9/2003 đã phần nào phản ánh đúng sự thật về: "Văn bằng tiến sĩ ở Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị chế giễu trong thiên hạ, nhưng người ta vẫn tiếp tục đỏ xô vào việc lấy bằng và Nhà nước vẫn tiếp tục cho đào tạo và cấp bằng này là do chúng ta hiểu chưa đúng về chuẩn mực của luận án tiến sĩ nói riêng và trình độ của người được cấp bằng tiến sĩ nói chung, cơ chế đào tạo quá lỏng lẻo, tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn không được quy định nghiêm túc, chưa xác lập được cơ chế đánh giá khách quan về luận án tiến sĩ và suy nghĩ sai về ý nghĩa của văn bằng này".

Bằng tiến sĩ của chúng ta có một khoảng cách khá xa so với chuẩn mực quốc tế! Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Theo một GS. Vụ trưởng của Bộ GD-ĐT, chất lượng khoa học nhiều luận án tiến sĩ chưa cao, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo chưa tương đồng với các nước, đề cương các môn học thường viết sơ sài, có tính hình thức, tài liệu tham khảo liệt kê vừa ít, vừa lạc hậu, thậm chí có tài liệu hầu như không tồn tại.

                ở Việt Nam, việc học bậc tiến sĩ quá đơn giản. Người học tại chức cũng có thể bảo vệ thành công luận án trong 3-4 năm. Tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu sinh chỉ phải học 3 chuyên đề thầy giáo gói... trong một ngày, sau đó tự làm các tiểu luận, quan hệ với giáo sư hướng dẫn khá lỏng lẻo, tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn chưa được quy định nghiêm túc. Nếu như ở các trường đại học lớn của các nước trên thế giới, chỉ có khoảng 50% số giáo sư tại mỗi khoa có tư cách dạy ở bậc tiến sĩ, thì ở Việt Nam, thầy là tiến sĩ hướng dẫn cho trò làm luận án tiến sĩ là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên! Và nhiều người có học hàm, học vị nhưng đã chuyển sang làm các công việc khác không liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy, nhưng vẫn được mời làm thành viên hội đồng chấm luận án, thậm chí được mời làm giáo sư hướng dẫn cho nghiên cứu sinh!

                Xin mạn phép trích lại trong bài: “Bê tráp theo thầy” và làm khoa học “dỏm” của Nguyễn Hoà trên Báo Tiền phong số 44 ngày 2/11/2003. “ PGS TS Triết học HQ – người được học trò chơi chữ gọi là “PSG thất học” vì ông giảng dạy bẩy bộ môn khoa học khác nhau! Lên lớp cho nghiên cứu sinh về Kito giáo, thấy ông nhiều lần nhắc tới tín điều “tam vị, nhất thê”, học trò hơi bị lạ tai (đúng ra là "nhất thế", do không hiểu nên giảng là là "thê" có nghĩa là vợ) nên đã đề nghị ông cho biết “tam vị, nhất thê” là cái món gì? Ông liền tỉnh queo giải thích: “ Tam vị là ba người gồm Đức Chúa cha, Đức Chúa con và Thánh thần, nhất thê là chỉ bà Maria. Tam vị nhất thê là ba ông lấy chung một vợ”.

Một số nguyên nhân dẫn đến chất lượng tiến sĩ chưa đạt yêu cầu.

1 - Quy hoạch đào tạo tiến sĩ có vấn đề.

Mục tiêu của Việt Nam từ nay đến năm 2010 đào tạo 19.000 tiến sĩ và hiện nay, cả nước đã có khoảng 12.691 tiến sĩ và 610 TSKH (số liệu sách theo quyển "Đổi mới cơ chế quản lý KHCN hiện nay ở Việt Nam, Nhà xuất bản KHKT, năm 2003). Tuy nhiên, có vẻ đây sẽ là một kế hoạch rất “lãng mạn”!

          Một ví dụ, ở Thái Lan hàng năm, số lượng tiến sĩ đào tạo chỉ có khoảng 120 -130 người. Trong khi đó, Việt Nam đứng sau Thái Lan về số lượng công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế (giai đoạn 1997 đến 2000, Việt Nam chỉ có 2 bằng phát minh sáng chế được đăng ký ở Mỹ…) và trường ĐH tốt nhất của Việt Nam còn kém Thái Lan nhiều bậc mà chúng ta lại dự kiến đào tạo hàng nghìn tiến sĩ mỗi năm!

2 - "Đầu vào" của tiến sĩ.

Ai cũng biết, giống tốt - cây mới tốt. Trong khi đó, "đầu vào "của chương trình đào tạo tiến sĩ lại là những sinh viên chất lượng đào tạo không giống nhau và cũng "giống ai". Có nhiều trường hợp chỉ tốt nghiệp kỹ sư thực hành, đại học tại chức và theo quy chế không được làm nghiên cứu sinh, nhưng thực tế đã có nhiều vị khéo xoay sở và vẫn có bằng tiến sĩ. Chất lượng giảng viên của các trường đại học cũng không thưo một chuẩn nào. Ví dụ, một số trường của Đại học Quốc gia Hà Nội thì yêu cầu giảng viên phải có bằng thạc sĩ, nhưng nhiều trường thì sinh viên tốt nghiệp được giữ lại và lên bục giảng ngay. Điều này, thì các nước tiên tiến chắc chắn là không có. Phải chăng chúng ta chưa có tiêu chí dành cho tiến sĩ "nội"? Nhiều người cho rằng, "Tiêu chí cuối cùng để đánh giá chất lượng đào tạo đại học là gì và chúng ta đã có chưa? Theo UNESCO thì: 1/ để làm và làm có hiệu quả; 2/ để biết sống làm người và chung sống với cộng đồng dân tộc, cộng đồng nhân lọai; 3/ để biết tự đào tạo thành con người có nhân cách, con người tự do, con người phát triển toàn diện. Có nghĩa là nền giáo dục phải tạo ra được những con người biết làm việc có hiệu quả và biết sống có nhân bản. Vậy thì những “sản phẩm” của nền giáo dục đại học của chúng ta có đáp ứng được những tiêu chí đó không? Nếu chỉ dựa vào số sinh viên Việt Nam đoạt giải ở các cuộc thi quốc tế, để lạc quan về nền giáo dục đại học sẽ là không ổn".

3 - Quy chế, quy trình đào tạo tiến sĩ chưa hợp lý.

Một nghịch lý, trong khi có nhiều sinh viên không tốt nghiệp ĐH thì (có lẽ) chẳng một nghiên cứu sinh nào lại không bảo vệ thành công lụân án tiến sĩ. Nhiều nước, có giảng viên đại học, sau 3 lần bảo vệ luận án tiến sĩ, nhưng không thành công (và không được bảo vệ nưa) là chuyện thường tình. Còn chúng ta, đã thành lệ, ai đã được làm nghiên cứu sinh là tất yếu trở thành tiến sĩ. Hiện nay, Nhà nước quy định, học thạc sĩ (cao học) thì ai thi và có tiền là được học, trong khi đó, nghiên cứu sinh lại phải do một cơ quan, tổ chức giới thiệu. Như vậy, có đi ngược lại luật Khoa học và Công nghệ là xã hội hoá công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ? Nếu không có nghiên cứu sinh tự do thì làm sao có các cơ sở nghiên cứu tư nhân?

Nhiều người đồng ý với quan điểm, tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Do đó, người được cấp bằng tiến sĩ phải am hiểu các lý luận cơ bản, và nắm vững các khái niệm, các khung phân tích, các lý luận và những tiến triển nghiên cứu mới trong ngành chuyên môn hẹp của mình (chẳng hạn như, kinh tế phát triển, kinh tế quốc tế, kinh tế lao động).

ở các nước, trình độ nghiên cứu sinh được thử thách và được nhân lên trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận án tiến sĩ. Ngoài tính khoa học, logic tất nhiên phải có, một luận án tiến sĩ phải có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là tính học thuật, trong đó vấn đề phải được triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và có đánh giá mức độ thành công của các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đạt được liên quan đến đề tài của mình. Thứ hai là tính độc đáo, luận án phải đặt ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới hoặc thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội.

Còn tại Việt Nam, hình như đa số hiểu sai về ý nghĩa của luận án tiến sĩ. Các đề tài của một luận án tiến sĩ kinh tế học ở Việt Nam thường là “Những giải pháp để…” (chẳng hạn, những giải pháp để huy động vốn, những giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ chiến lược công nghiệp hoá…). Dĩ nhiên, các đề tài này có thể được chọn là đối tượng nghiên cứu, nhưng đó chỉ là trường hợp được chọn để kiểm chứng một vấn đề có tính chất lý luận, chứ không phải nhằm để giải quyết một vấn đề thực tế. Chúng ta thử nghĩ, nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, tốn hàng tỷ đồng và huy động hàng chục nhà nghiên cứu, nhưng ít có công trình được áp dụng trong thực tế và mang lại hiệu quả, mà lại kỳ vọng ở công trình của một người với phí tổn đào tạo chưa tới 3 triệu một năm? Cách suy nghĩ chọn đề tài ở Việt Nam chỉ làm cho luận án tiến sĩ thiếu tính học thuật và phần lớn thiếu tính độc đáo. Nội dung, trình độ của luận án do đó còn rất xa mới đạt được tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới và người được cấp bằng trong những trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành.

Còn về vấn đề học và nghiên cứu như thế nào để viết được luận án tiến sĩ. ở nước ngoài, khó có thể tưởng tượng được là một người đương đảm trách công việc quản lý xí nghiệp hay quản lý nhà nước mà chỉ trong 3-4 năm có thể lấy bằng tiến sĩ (trừ trường hợp người đó được biệt phái 3-4 năm đi học). Cần nói thêm rằng, chỉ có ở Việt Nam mới có ý kiến đánh giá của giáo sư trong hội đồng chấm luận án, như “luận án này văn phong sáng sủa, bố cục chặt chẽ”. Đáng ra, các nhận xét chỉ xoay quanh tính học thuật và tính độc đáo của lụân án”.

Quy trình đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT vừa rắc rối kiểu hành chính, mất nhiều thời gian, vừa tốn kém mà thiếu cơ sở khoa học, đòi hỏi nghiên cứu sinh nhiều công sức, thời gian và tốn kém, có người phải bỏ ra tới 50-60 triệu đồng sau khi hoàn thành một đống thủ tục rườm rà.

                Đơn cử như thủ tục trước khi bảo vệ chính thức, nghiên cứu sinh phải đi xin khoảng 20 lần nhận xét luận án tiến sĩ của các thành viên trong và ngoài hội đồng chấm luận án, riêng việc đi lại chầu chực, chí ít, đã mất 40 lần rồi!

                Bộ GD & ĐT thì luôn luôn khẳng định: “phải thắt chặt công tác đào tạo sau đại học!”. Tuy nhiên, thắt chặt bằng cách nào thì hình như Bộ GD-ĐT vẫn đang tìm  tòi…chưa có kế hoạch và giải pháp cụ thể. Chỉ biết, chỉ tiêu đào tạo sau đại học vẫn tăng đều hàng năm, mà mặc kệ chất lượng đào tạo. Bất chấp điều kiện thực tế, ngành Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tiếp tục "sản xuất" bằng tiến sĩ theo tiêu chuẩn của riêng mình và văn bằng này được xem như "hàng nội địa" tự cấp, tự tiêu! Còn những người được đào tạo, họ ép plastic tấm bằng này và thở phào như vừa lo xong thủ tục "chạy" được giấy thông hành bắt buộc cho sự thăng tiến./.

  • Tags: