Nhựa đường nóng mặt hàng đầy hứa hẹn tại Việt Nam

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà xây dựng đường bộ Việt Nam sử dụng nhựa đường chủ yếu dưới dạng đóng phuy (chứa trong thùng phuy sắt), nhập khẩu từ các nước lân cận. Với cơ sở vật chất còn nhiều hạn

Tuy nhiên, trên thế giới và bước đầu tại Việt Nam, nhựa đường phuy đang được thay thế bằng nhựa đường nóng (nhựa đường luôn được đốt nóng chảy nhờ các thiết bị gia nhiệt). Quá trình thi công nhựa đường phuy bắt đầu bằng việc đục vỏ phuy, sau đó phuy được cho vào lò đốt trực tiếp (bể thô) nung nóng chảy nhựa, từ đó nhựa đường được bơm qua các bể chứa gia nhiệt gián tiếp (bể tinh) để nâng nhiệt độ và đem trộn với hỗn hợp vật liệu khác ở nhiệt độ khoảng 162 ºC tạo ra sản phẩm bê tông nhựa đường. Khối lượng dầu FO đốt nóng nhựa từ nhiệt độ bình thường (25 ºC) lên nhiệt độ cần thiết là rất lớn, trung bình từ 2,2- 2,4 lít/tấn. Hao hụt bám dính nhựa trong các vỏ phuy cũng không nhỏ, khoảng 0,2%. Điều này làm cho giá thành sản phẩm bê tông nhựa tăng cao. Ông R. Fuchida, Giám đốc điều hành liên doanh Taisei-Rotec (Nhật Bản) thực hiện Hợp đồng 1(Km 0-47), quốc lộ (QL) 5, cho biết, sẽ tốn thêm không dưới chục tỷ đồng Việt Nam cho gói thầu này, nếu sản xuất bê tông nhựa không thực hiện nhựa đường nóng.
Nhựa đường nóng xuất hiện trở lại ở Việt Nam vào năm 1995, khi Công ty Hoá dầu Petrolimex (PLC) đầu tư cải tạo và xây dựng hệ thống kho bể tại tổng kho Nhà Bè (TP HCM), đưa kho này vào hoạt động. Nhựa đường nóng đã nhanh chóng khẳng định lợi ích qua các chỉ tiêu kinh tế, tiến độ thi công, chất lượng các QL đưa vào khai thác có hiệu quả cao (QL 1: Hà Nội-Vinh, Vinh-Đông Hà; Hà Nội-Lạng Sơn, R100, R200, R300; QL 18; QL 183; QL 51...) trong những năm qua.
Công nghệ cung cấp nhựa đường nóng cần đến một hệ thống liên hoàn các bể chứa và các phương tiện chuyên chở chuyên dụng. Việc nhập khẩu được thực hiện bằng đường biển, nhờ các tàu chuyên dụng có thiết bị bảo ôn, gia nhiệt. Tại các cảng biển, nhựa đường được bơm rót từ tàu đến bể chứa của các kho, sau đó được bơm vào các xe tải chuyên dùng chở đến các kho chứa nằm sâu trong đất liền, hoặc đến thẳng các trạm trộn để sản xuất bê tông nhựa đường. Quá trình lưu chuyển đòi hỏi nhựa đường luôn ở dạng lỏng, thường nhiệt độ của nhựa đường từ 120 ºC - 145 ºC, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể.
Hệ thống kho gồm các bể chứa có công suất chứa lớn (thường từ 1.000 tấn/bể đến 6.000 tấn/bể) đặt tại các cảng đầu mối nhập khẩu. Tại bể chứa có hệ thống gia nhiệt gồm máy phát điện, các đầu đốt gas hoặc đốt dầu FO và đường ống “ruột gà” có dầu tải nhiệt chạy qua để duy trì hoặc nâng nhiệt độ khi cần thiết. Thành bể chứa được bọc các lớp bảo ôn (bông thuỷ tinh cách nhiệt). Quá trình bảo quản tại bể chứa, nhựa đường thường được duy trì nhiệt độ tối đa không quá 100 ºC, đây là nhiệt độ giữ được chất lượng sản phẩm ổn định trong thời gian dài lưu kho. Khi có yêu cầu, tuỳ thuộc vào điều kiện hợp đồng giao hàng, nhựa đường được nâng thêm nhiệt độ nhờ hệ thống gia nhiệt để bơm vào các xe chuyên dùng.
Xe chuyên dùng, nguyên lý hoạt động cũng giống như các bể chứa. Nhựa đường được duy trì nhiệt độ bằng hệ thống gia nhiệt, bảo ôn trong suốt thời gian vận chuyển trên đường, đảm bảo việc bơm rót tại các bể chứa trung chuyển hoặc trạm trộn bê tông nhựa.
Việc cung cấp nhựa đường nóng cho các trạm trộn bê tông nhựa về căn bản khắc phục được các nhược điểm của nhựa đường phuy trên nhiều phương diện: kinh tế, kỹ thuật, môi trường, là cơ sở cho việc nâng cao năng suất sản xuất bê tông nhựa và cho độ an toàn lao động cao. Với nhiều lợi thế, công nghệ cung cấp nhựa đường nóng đang từng bước khẳng định tính ưu việt của nó, điều đó thể hiện qua biểu đồ phản ánh tỷ lệ sản lượng tiêu thụ nhựa đường nóng và nhựa đường phuy những năm gần đây (đơn vị tính: 1.000 tấn) - Biểu đồ 1.
Khó khăn cho các nhà cung cấp nhựa đường nóng là chi phí đầu tư  ban đầu khá lớn, bình quân chi phí kho bể mới từ 2,5 tỷ đến 3,0 tỷ đồng/1.000 tấn sức chứa. Phần chính các bể chứa được sản xuất trong nước, với các vật liệu sẵn có, giá rẻ, chi phí này chiếm khoảng 2/5 tổng số vốn đầu tư kho bể; các thiết bị gia nhiệt chủ yếu nhập khẩu từ CHLB Đức, Vương quốc Anh, chiếm tỷ trọng chi phí lớn hơn (2,5/5); ngoài ra, cần một số chi phí mua thiết bị van, đồng hồ đo nhiệt độ, ống dẫn, dầu tải nhiệt (Transcal N)... Các xe chuyên dụng chở nhựa đường nóng có giá từ 600-650 triệu đồng/xe (loại xe đóng tại Việt Nam) và khoảng 1,3 tỷ đồng/xe (đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc). Các nhà chuyên môn xác định, muốn kinh doanh nhựa đường nóng thì doanh nghiệp cần số vốn tối thiểu không dưới 20 tỷ đồng. Chính vì chi phí đầu tư ban đầu lớn, nên hiện tại, ở Việt Nam chỉ có 6 nhà cung cấp nhựa đường nóng, trong khi đó có tới 22 nhà cung cấp nhựa đường phuy. Tuy nhiên, các nhà cung cấp nhựa đường nóng không giấu những tham vọng của họ. Ông Nghiêm Phú Hùng -Tổng giám đốc Shell Bitumen Việt Nam cho biết, Hãng Shell sẽ tiếp tục đầu tư thêm một số kho bể chứa nhựa đường nóng tại các vị trí đầu mối cảng miền Bắc, miền Trung và Nam bộ, để có thể cung cấp cho các thị trường rộng lớn này và đang tính tới việc xuất khẩu qua các nước khu vực lân cận. Ông Nguyễn Minh Hải - Tổng giám đốc Công ty Nhựa đường Caltex Việt Nam cũng cho biết, Công ty này dự kiến đầu tư tàu chở nhựa đường nóng trọng tải từ 1.500- 2.500 tấn/tàu, nhằm chủ động trong việc kinh doanh và không loại trừ mua thêm nhiều tàu với kích cỡ trọng tải khác nhau để vận tải nhựa đường nóng cho các hãng kinh doanh tại Việt Nam trong những năm tới.
TS. Doãn Minh Tâm- Phó viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải nhận định, nhu cầu nhựa đường tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, tỷ lệ giữa nhựa đường nóng và nhựa đường phuy cũng tăng lên. Các chuyên gia của Viện này đã đưa ra dự báo nhu cầu nhựa đường qua biểu đồ dưới đây (đơn vị tính: 1.000 tấn) - Biểu đồ 2.
Có thể thấy nhu cầu nhựa đường ở thị trường Việt Nam trong những năm tới đây rất lớn, đặc biệt là nhựa đường nóng, trong khi lượng nhựa đường phuy hầu như không đổi. Điều đó đang đặt ra cho các nhà đầu tư một cơ hội để có thể “đón lõng” thị trường nhựa đường nóng nhiều tiềm năng và đầy hứa hẹn.

  • Tags: