Ngày xưa Hà Nội...

Hà Nội trong ký ức một trí thức 79 tuổi Bác Đào Tam Trọng sinh năm 1925, nhưng khi tiếp xúc với bác, ít người dám khẳng định bác Trọng vượt quá tuổi 70. Bác sinh ở Hà Nội, phố Hàng Rươi, chào đời ở

Đặc biệt, bác Trọng nhớ như in về quãng thời gian vào bộ đội quân y năm 1947. Bác là người đầu tiên biên dịch những tài liệu về Hoả tiễn 6 nòng cho quân đội và cũng là người trực tiếp phóng loạt đạn đầu tiên vào ngày 6/5/1954 tại mặt trận Điện Biên Phủ...
Thú vị nhất là được trò chuyện cùng bác Trọng về một Hà Nội xưa, Hà Nội của 36 phố phường. “Người phụ nữ đầu tiên đi xe đạp là bà đỡ ở nhà hộ sinh hàng Cót”, bác Trọng chìm trong kỷ niệm một cách say sưa. “Hôm ấy là một buổi sáng mùa thu, tôi lên 6 tuổi, đang ở trong nhà thì nghe tiếng bọn trẻ con réo vang đường: a, a, đàn bà đi xe đạp! Tôi cũng tò mò chạy ra. Phố Hàng Rươi lúc ấy đầy trẻ con và những người lớn tò mò ra coi chuyện lạ. Những năm 30, người đi lại chủ yếu bằng xe kéo. Xe kéo được coi bình thường như xe máy bây giờ. Còn xe đạp bị coi là “không đứng đắn”, nhất là khi người điều khiển nó lại là một phụ nữ. Người phụ nữ ấy trẻ lắm, chỉ độ mười tám, đôi mươi. Chị như không để ý đến luc trẻ đang reo hò, phần cũng mải tập trung lái chiếc xe xanh - tê - chiên khung võng màu xanh trên phố Hàng Rươi mấp mô. Tiếng “a, a” của bọn trẻ vang tới phố Hàng Đồng, rồi không biết chị ấy đi đâu nữa. Lát sau về kể lại với mẹ, mẹ tôi bảo đấy là bà đỡ ở nhà hộ sinh Hàng Cót, nơi tôi chào đời. Tôi hãnh diện lắm!”.
ở thế kỷ XXI này, thật khó có thể hình dung về một Hà Nội “ngày này năm xưa”. Bác Trọng kể, “Năm 1932, mẹ tôi bảo tôi ra phố Hàng Buồm mua dầu. Hôm ấy khoảng 12h30, tôi nhìn lên phía chợ Đồng Xuân không thấy một bóng người. Trông xuống Hàng Ngang, Hàng Đường có một người phụ nữ, một người đàn ông, hai người kéo xe, và tôi nữa là năm. Vắng vẻ kinh khủng! Hà Nội khi đó buồn, nhưng mà sạch. Tuyến Hàng Ngang-  Hàng Đào không đi một chiều như bây giờ. Học trò đi học răm rắp đi trên vỉa hè. Nếu không “police” nó gặp, quật gậy vào mông ngay. Hết giờ đến trường, trẻ về chơi bi, đánh đáo, hay đố nhau đếm trên phố Hàng Đào có bao nhiêu cây cột điện. Cây cột điện nào ở trước số nhà bao nhiêu? Đêm mùa hè mới thú vị. Trẻ con, người lớn đem chiếu ra vỉa hè, trước cửa nhà nằm, ngồi nói chuyện. Nhà nọ “nói” sang nhà kia, phố nọ “nói” với phố kia, vui lắm. Lại còn chuyện giải trí của học trò Hà Nội nữa. Quán cà phê, quầy bar không nhiều như bây giờ, mà giá lại rất đắt. Tôi thường tiết kiệm tiền khoảng 2, 3 tháng một lần đến rạp chiếu bóng Pa - té ở đối diện với Đền Ngọc Sơn xem phim. Rạp chiếu bóng ấy nay không còn. Cũng như tụ điểm văn hoá trên phố Hàng Buồm, mỗi tối đều bật những bài hát của ca sĩ Pháp Tinorossies cho lũ học trò nam chúng tôi đứng dưới loa nghe mê mệt không biết chán, giờ cũng chẳng còn dấu vết. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, Hà Nội có nét riêng của mình. Thế hệ chúng tôi hay kể về những kỷ niệm ấy cho con cháu trong nhà, nhiều người nghe thèm, phát ghen...”.
Sự tích Ô Quan Chưởng
Hà Nội xưa, theo một số sách cũ để lại có đến 16 cửa ô được xây dựng vào triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Các cửa ô phần lớn được xây bằng gạch, rất chắc chắn, nhưng đến nay chỉ còn lại một cửa ô Thanh Hà, thường gọi là Ô Quan Chưởng... Sau khi quân Pháp sang đánh chiếm nước ta, chúng cho phá dần các cổng ô để mở rộng thành phố. Các cửa ô khác của Hà Nội không rõ việc phá dỡ bị tiến hành như thế nào. Nhưng của Ô Quan Chưởng lúc đó thuộc tổng Đồng Xuân do một ông họ Đào làm Thiên hộ trông coi (chức Thiên hộ như chức Chánh tổng). Ông họ Đào người làng Khúc Thuỷ tên là Đào Đăng Chiểu, sinh năm ất Tỵ (1845), mất ngày 25- 6 năm Bính Thìn (1916), nguyên là Chánh tổng Đồng Xuân, sau này Hà Nội đổi ra làm 8 hộ, ông được cử làm Thiên hộ thứ nhất.
Có lần, bọn Pháp gọi ông Đào Thiên hộ đến và bảo: “Để người Pháp tiện việc xây dựng, mở mang đường sá, thuận lợi cho giao thông bản xứ, phải phá Ô Quan Chưởng đi. Vậy ông về làm một tờ đơn trình bày đề nghị quan Pháp cho phá cửa ô. Đơn phải có chữ ký của các bộ lão dân làng. Hẹn 10 ngày sau ông đem đến đây”. Ông Đào Thiên Hộ về bàn với dân làng, rồi cùng mọi người nhận định: “Pháp nó muốn làm gì chẳng được, sao nó lại cần xin ý kiến của ta. Vậy ta không đồng ý, chắc nó không dám phá!”. 10 ngày sau, ông Thiên hộ đến gặp quan Pháp và trả lời: “Dân làng tôi không ai chịu ký vào đơn. Họ nói cửa ô là của dân cả nước, có phải của riêng họ đâu mà họ ký. Nếu các quan Pháp muốn phá thì cứ phá, nhưng nếu xảy ra điều gì, dân chúng tôi không chịu trách nhiệm”. Nghe xong chuyện này, mấy người Pháp tức tối lắm: “Các cửa ô khác dân chúng sở tại đều làm đơn cả rồi, sao dân ở đây lại bướng bỉnh, không muốn được mở mang, khai phá sao?”. Chúng yêu cầu ông Đào về bàn lại với dân làng. Nhưng người dân vẫn trước sau như một. Cuối cùng, không biết người Pháp ngại dân tổng Đồng Xuân “cứng đầu”, hay vì còn lý do nào khác, nên không thấy chúng đả động đến việc phá dỡ ô cửa này nữa.
“Sự tích” trên, chúng tôi được bác Đào Tam Trọng kể lại. Và bác chính là hậu duệ của ông Đào Thiên hộ. Sự việc có ghi trong gia phả gốc bằng chữ Nho của họ Đào, và cũng đã được bác Trọng thuật chi tiết trên Tạp chí Xưa và Nay số 76 ra tháng 6/2000. Theo bác Đào Tam Trọng, dòng họ Đào đã có trên 700 năm gia phả, trong đó 200 năm đầu gốc tích ở thôn Khúc Thuỷ, Thanh Oai, Hà Tây. Sau đó, dòng họ Đào toả đi các xứ lập nghiệp. Như cụ Đào Duy Anh là chi trên của bác Đào Tam Trọng thì di cư vào Thanh Hoá. Còn chi của bác Trọng tìm về Thăng Long từ 500 năm trước.
Và phép tề gia của một gia đình gốc Hà Nội
Thân phụ bác Đào Tam Trọng tên là Đào Huân, nếu còn sống thì năm nay cũng đã 115 tuổi. Cụ Huân vốn là kỹ sư lục lộ (như kỹ sư cầu đường bây giờ) sinh ra trong một gia đình Nho giáo và trưởng thành cùng kiến thức Tây học. Cụ Huân sinh được 8 người con, 3 trai, 5 gái. Chỉ ngay cách đặt tên các con của cụ cũng đã thể hiện bản sắc của họ Đào. Con trai cả là cụ Đào Sơ úc (úc là chữ Cửu trong bụng có chữ Nhật, nghĩa là sinh vào ngày mùng 9). Con thứ là Đào Song Hải, tiếp theo là Đào Tam Trọng. 5 cô con gái của cụ Huân hiện còn sống cả. Cô lớn là Đào Bích Quyên, 85 tuổi; rồi đến Đào Liên Quyên, Đào Du Quyên, Đào Thúy Quyên và “cô” út là Đào Cẩm Quyên năm nay 75 tuổi. 5 con chim quyên trong vườn đào, đúng là tìm khắp nơi cũng không có cái tên nào trùng lặp với 8 người con của cụ Đào Huân.
Với truyền thông của dòng tộc, bác Trọng thừa hưởng tinh thần của cụ thân sinh “người lớn trong gia đình phải làm gương cho con cháu, giữ tư cách tuyệt đối. Đức độ mới là thứ đáng quý, đáng coi trọng”. Năm 1962, bác Trọng được phân nhà về khu tập thể Kim Liên. 8 anh chị em của bác, con cháu của mỗi gia đình không một ai lận đận về đường học vấn, không một ai sơ sẩy. Nhà nọ trông nhà kia để bảo ban nhau, phấn đấu. Với riêng bác Trọng, bác được 3 anh con trai: Đào Gia Hạnh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Cung cấp giải pháp của FPT; Đào Tuấn - bác sĩ trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Tiến sĩ Đào Lê Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bồi dưỡng nghiệp vụ Chứng khoán thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
“Tôi thường dặn dò con cháu, phải tự đứng bằng chính đôi chân của mình, phải cưu mang đùm bọc lẫn nhau, phải mẫu mực cho họ hàng, người trên nhìn xuống và người dưới trông lên, không một tiếng chê bai. Có sống tốt từ chính bản thân mình thì mới mong đóng góp được công sức cho xã hội”, người con của Hà Nội tâm sự...

  • Tags: