Đổi mới để phát triển

Đất nước ta có nhiều tài nguyên khoáng sản. Ngoài nguồn tài nguyên năng lượng như dầu khí, than đá đã xây dựng xong quy hoạch phát triển ngành và đi vào hoạt động ổn định thì việc khai thác, chế biến

1. Sơ lược về tiềm năng khoáng sản của Việt Nam.
Khoáng sản kim loại ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Thành tựu lớn nhất của ngành Địa chất Việt Nam trong lĩnh vực kim loại đen là đã phát hiện và tiến hành tìm kiếm thăm dò để lập luận chứng khai thác 2 mỏ sắt Thạch Khê và Quý Xa. Đó là các mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất nước ta, hàm lượng sắt cao (Fe=60-65%) đáp ứng cho việc thiết kế Nhà máy Gang thép có công suất lớn. Cùng với Sắt, các mỏ Crômít và Măngan (Cổ Định) có trữ lượng chắc chắn 22,8 triệu tấn, tinh quặng Cr2O3 đạt hơn 46%. Các mỏ Mănggan có tổng trữ lượng khoảng chục triệu tấn đang được khai thác phục vụ nhu cầu sản xuất. Dọc theo bờ biển nước ta còn phát hiện nhiều mỏ Titan như Bình Ngọc (Quảng Ninh), Quảng Xương (Thanh Hóa), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Vĩnh Thái (Quảng Trị), Thuận An (Thừa Thiên – Huế)… Đối với khoáng sản kim loại màu, kim loại quý hiếm, trước hết phải kể đến việc phát hiện và đánh giá các mỏ Bauxít và đất hiếm. Bauxit laterit ở Việt Nam có trữ lượng chắc chắn gần 4 tỷ tấn… Dự báo tổng trữ lượng Bauxit laterit Việt Nam khoảng 7-8 tỷ tấn, điều kiện khai thác thuận lợi, là một trong những nước có trữ lượng Bauxit lớn nhất thế giới. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam được phát hiện chủ yếu ở vùng Tây Bắc, có trữ lượng lớn trên thế giới, trong đó mỏ Nậm Xe, Đông Pao đã được tìm kiếm đánh giá có trữ lượng trên 9 triệu tấn với hàm lượng oxýt đất hiếm từ 8 đến 30%. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển ngành Công nghiệp Điện tử, Thủy tinh, Luyện kim…
Các khoáng sản Đồng, Chì, Kẽm, Niken, Antinmon cũng đã được đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng như mỏ Đồng Sin Quyền (Lào Cai) mỏ Đồng – Niken Bản Phúc (Sơn La), các mỏ chì kẽm Chợ Điền, chợ Đồn (Bắc Cạn), Tràng Đá (Tuyên Quang), Na Sơn (Hà Giang) v.v...
Thiếc ở Việt Nam được khai thác ở Tĩnh Túc từ thời Pháp thuộc. Một số vùng được phát hiện có Thiếc như Tam Đảo, Quỳ Hợp, Đà Lạt… đã được tìm kiếm thăm dò và đưa vào khai thác từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX.
Hai mỏ vàng nổi tiếng ở nước ta là Bồng Miêu và Pắc Lạng được người Pháp khai thác nhiều năm nay đang được đánh giá lại để khai thác. Ngoài 2 mỏ này, nhiều mỏ vàng mới được phát hiện, tìm kiếm đánh giá với trữ lượng đạt khoảng vài trăm tấn và nhiều vùng tiềm năng về vàng cũng đã được phát hiện.
Ngoài các khoáng sản kim loại, Việt Nam còn có các khoáng sản phi kim loại như Apatít (Lào Cai) có trữ lượng chắc chắn 900 triệu tấn, trữ lượng dự báo 2 tỷ tấn với hàm lượng P2O5 cao.
Công nghiệp vật liệu xây dựng ở Việt Nam được bảo đảm bởi nguồn nguyên liệu đá vôi, sét, cao lanh, nguyên liệu chịu lửa giầu nhôm phong phú. Công tác thăm dò đã kịp thời phát hiện các nguồn nguyên liệu cho các nhà máy xi măng lớn ở nước ta như Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Hà Tiên… Các mỏ cát thuỷ tinh như Vân Hải, Nam Ô, Cam Ranh… có trữ lượng lớn, hàm lượng SiO2 cao, cung cấp cho các nhà máy sản xuất kính xây dựng cũng như đồ thủy tinh cao cấp và cho xuất khẩu. Các khoáng chất công nghiệp, khác như Pyrophyrít, Barit, Fluorít, Bentonít, Diatomít, Tale, Mica… cũng được thăm dò, đánh giá trữ lượng phục vụ cho sản xuất gạch chịu lửa, dung dịch khoan, trợ dung cho sản xuất xi măng, sản xuất văn phòng phẩm…

2. Tình hình sản xuất – kinh doanh của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam và định hướng phát triển.
Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1118/QĐ-TCCBĐT ngày 27/10/1995 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Khoáng sản Quý, hiếm và Tổng công ty Phát triển Khoáng sản.
Trước khi hợp nhất, các đơn vị thành viên của Tổng công ty phát triển khoáng sản và Tổng công ty Khoáng sản quý hiếm đều ở trong tình trạng sản xuất khó khăn, nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, không có tài nguyên được thăm dò, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, số lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm phần lớn lao động của các công ty. Nhiều dự án đầu tư trước đó đã không mang lại hiệu quả do qui mô đầu tư và công nghệ không hợp lý.
Rút kinh nghiệm từ những sai lầm về đầu tư trước khi thành lập, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đã tăng cường công tác quản lý, chú trọng xây dựng và triển khai các dự án đầu tư mới mang tính khả thi cao. Sau gần 5 năm kể từ khi thành lập, các dự án đầu tư như Ilmenhít Kỳ Xuân, Khai thác và tuyển quặng Sunphua chợ Điền (Bắc Cạn), Làng Hích (Thái Nguyên), Lò quay sản xuất bột kẽm (Thái Nguyên), Lò luyện Fero Man gan Tĩnh Túc (Cao Bằng), Thuỷ điện Bản Pắt (Cao Bằng)… đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Vì vậy, nếu so với năm 1996 là năm đầu tiên kể từ khi thành lập Tổng công ty, thì năm 2000, giá trị tổng sản lượng tăng 53%, doanh thu tăng 89,9%, năm 2003 giá trị tổng sản lượng tăng 93,5%, doanh thu tăng 141,3%.
Năm 2003, Tổng công ty đã đưa 2 dự án mới vào sản xuất, đó là Dự án khai thác quặng Crômít bằng tầu cuốc, với sản lượng 2 vạn tấn/năm, Dự án lò cao số 2 (Cao Bằng) dung tích 22m3.
Theo sự chỉ đạo của Bộ Công nghiệp, từ năm 1998, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đã chuẩn bị xây dựng các dự án có quy mô từ vừa đến lớn. Đã khởi công xây dựng Dự án Đồng Sinh Quyền (Lào Cai) công suất 10.000 tấn/năm. Nhà máy luyện kẽm (Thái Nguyên) công suất 10.000 T/năm. Hai dự án này sẽ đưa vào sản xuất năm 2005-2006, đáp ứng 30-40% nhu cầu sử dụng Đồng và Kẽm trong nước. Dự án tổ hợp Bauxít Nhôm (Lâm Đồng) đã được chính phủ phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (năm 2000). Hiện nay, Tổng công ty đã hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chính phủ phê duyệt. Dự kiến đến năm 2007, Dự án này sẽ đưa vào sản xuất.
Trong quá trình hoạt động, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đã từng bước kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, số đơn vị thành viên làm ăn kém hiệu quả ngày càng giảm dần. Năm 2002, Tổng công ty đã tự cân đối được tài chính và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên bước sang năm 2003, tổ chức của Tổng công ty lại bị xáo trộn do phải tiếp nhận các đơn vị của Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam. Khi sáp nhập, Tổng công ty Đá quý và Vàng đang đứng trước nguy cơ phá sản, tổng số lỗ đã chiếm hơn 70% vốn kinh doanh. Sau khi tiếp nhận, Tổng công ty đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức, tiến hành cổ phần hóa một số đơn vị. Năm 2003, Tổng công ty đã cổ phần hóa được 5/8 đơn vị, trong đó 3 công ty đã chuyên sang công ty cổ phần, 2 công ty đã phê duyệt xong phương án CPH và đã bán xong cổ phiếu.
Sau gần 10 năm phấn đấu, với các giải pháp tăng cường quản lý đầu tư, đổi mới và sắp xếp lại tổ chức sản xuất, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đã vượt lên khó khăn, tự khẳng định mình trong cơ chế thị trường.
Từ chỗ có nhiều thành viên sản xuất – kinh doanh thua lỗ, đến nay, nhìn chung hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đã bắt đầu có lãi (tuy chưa lớn), nộp đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Thu nhập và đời sống CBCNV được cải thiện, các dự án đầu tư trước đây có quy mô nhỏ, lẻ đến nay đã có các dự án quy mô lớn.
Bước sang năm 2004, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác CPH, sắp xếp lại doanh nghiệp theo hướng sáp nhập, tổ chức lại một số đơn vị thành công ty TNHH một thành viên. Về sản xuất – kinh doanh, Tổng công ty tiếp tục giữ vững và tăng sản lượng các sản phẩm chủ yếu là Thiếc thỏi, tinh quặng Đồng, tinh quặng Kẽm, tinh quặng Crôm, Ilmenit… đảm bảo giá trị tổng sản lượng giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 15%/năm. Năm 2004-2005, Tổng công ty tập trung nhân lực, vật liệu để hoàn thành Dự án tổ hợp Đồng Sin Quyền (Lào Cai), Nhà máy Kẽm Điện phân Thái Nguyên, và dự kiến sẽ khởi công tổ hợp Bauxít Nhôm (Lâm Đồng). Có thể điểm qua một số nét cơ bản trong chiến lược phát triển Tổng công ty từ nay đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 như sau:
Về khai thác và chế biến crôm:
Quặng crômit tập trung ở mỏ Cổ Định – Thanh Hóa, với trữ lượng ôxit nhôm Cr2O3 khoảng 20 triệu tấn. Hiện nay đang đầu tư công nghệ khai thác bằng tàu cuốc với quy mô lớn. Sản lượng Crômit dự kiến 20.000 tấn tinh quặng/năm, sẽ được nâng lên 50.000 tấn/năm sau năm 2010 và tiếp tục nâng lên trong các năm đến 2020. Dự kiến sản xuất 5.000 tấn Bicrona T/năm đáp ứng yêu cầu crôm được chế biến sâu.
Về Măng gan:
Quặng Mangan tập trung chủ yếu ở Cao Bằng, để luyện ra Feromangan, Fesôsilic. Sản lượng các loại Fero dự kiến đạt 2.500 tấn/năm sau đưa lên 5.000 tấn/năm, chủ yếu là Feromangan chất lượng cao. Cần tiếp tục phát triển các thủy điện nhỏ để tăng sản lượng điện từ 12 lên 20 triệu kWh/năm để phục vụ khai thác và luyện Mangan.
Về Quặng sắt, sản xuất gang:
Khai thác quặng sắt để sản xuất gang đúc đạt 30.000 tấn/năm. Đầu tư lò cao luyện gang tại Lào Cai để tận dụng quặng lấy từ mỏ Đồng với sản lượng 112.000 tấn/năm. Sản lượng gang đúc từ 60.000 tấn/năm sẽ nâng lên 100.000 tấn/năm vào năm 2010.
Đá quý và Vàng:
Tiếp tục thăm dò và khai thác vàng gốc ở Lào Cai và Quảng Trị, khai thác đá quý ở Yên Bái, Lâm Đồng và Nghệ An. Sản lượng vàng dự kiến đạt 1.000 kg/năm.
Quặng phi kim loại:
Khai thác Cao lanh, diatomit, bentonit, đá vôi và một số khoáng sản khác phục vụ nhu cầu trong nước.

Thay cho lời kết
Khác với các ngành khai thác khác như than, dầu mỏ, ngành khai thác chế biến khoáng sản có đặc thù riêng, yêu cầu chế biến sâu rất cao. Có như vậy, mới thu hồi được các kim loại quý và hiếm, đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho phát triển công nghiệp. Vì vậy, để thực hiện được chiến lược đề ra, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam kiến nghị Bộ Công nghiệp và Chính phủ tạo điều kiện để Tổng công ty tiếp tục đầu tư Dự án tổ hợp Bauxit Nhôm (Lâm Đồng), đưa các công ty khoáng sản do các địa phương quản lý về trực thuộc Tổng công ty để tăng cường tích tụ, tập trung vốn tài nguyên khoáng sản, tạo điều kiện chế biến, sử dụng tổng hợp tài nguyên khoáng sản trước mắt cũng như lâu dài. Ngoài ra, Nhà nước cần phải xây dựng và phê duyệt qui hoạch khai thác để quản lý tài nguyên khoáng sản trong cả nước, tạo vốn cho điều tra thăm dò để khai thác và sử dụng tài nguyên có hiệu quả nhất… Mặt khác, các doanh nghiệp trong Tổng công ty là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, mà đặc thù của ngành khai thác khoáng sản là cần nhiều vốn, thời gian thu hồi vốn lại kéo dài. Đề nghị Nhà nước có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tổng công ty trong việc bổ sung vốn điều lệ và đầu tư các dự án mới.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm giúp đỡ hỗ trợ về cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, trong kế hoạch 5 năm tới (từ 2006-2010), khi các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam sẽ từng bước đi lên và trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh.

  • Tags: