Vừa qua (tháng 2/2003) Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố 3 bị can là Hoàng Đình Dung - giám đốc chi nhánh CENTRIMEX tại Hà Nội, Vũ Thị Trầm - nguyên Phó Giám đốc Sở Giao dịch 1 (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Đỗ Thị Minh - nguyên phó phòng Kế hoạch kinh doanh thuộc Ngân hàng NN&PTNN vì liên can đến việc làm mất gần 1,5 triệu USD qua việc nhập khẩu 10.000 tấn phân U-rê.
Lãi 2 tỷ đồng và...lỗ gần 6 tỷ
Vào năm 2000, Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp 3 (XNKTH 3) tại Hà Nội (CENTRIMEX) đã ký hợp đồng nhập khẩu 10.000 tấn phân U-rê của Công ty HELM (Đức) với giá 145 USD/tấn, tổng giá trị hợp đồng gần 1,5 triệu USD. Hợp đồng được ký kết rất chặt chẽ, cụ thể và nếu có vấn đề tranh chấp sẽ nhờ trọng tài Sing-ga-po hoặc Việt Nam giải quyết. Sau khi Hợp đồng được ký kết và phía đối tác đã nghiêm chỉnh thực hiện hợp đồng và Công ty XNKTH đã tìm được ngay đối tác nhận mua toàn bộ số hàng trên, đó là Công ty Vật tư nông sản Hà Nội với giá trị 1.610.616,6 USD. Như vậy, chẳng phải vất vả là bao, với cú “sang tay” này, họ có thể bỏ trọn vào túi hơn 2 tỷ đồng.
Nhưng trời lại không “phù hộ” cho Công ty XNKTH 3 để “đút túi” 2 tỷ đồng một cách suôn sẻ mà đe dọa làm lỗ vốn gần 6 tỷ đồng (400.000 USD). Chỉ sau 2 tháng kể từ ngày ký, hàng đã cập cảng Sài Gòn. Trong khi hàng trên đường đến Việt Nam (vào tháng 9-2000) thì trước đó, vụ lũ lụt chưa từng có đã xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long và bà con ở đây không còn nhu cầu về phân U-rê, nên các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này tồn đọng một lượng hàng lớn và họ “bán tống, bán tháo” với giá thấp nhằm thu lại tiền. Chính vì vậy, giá phân U-rê ở thị trường Việt Nam giảm tới 40 USD/tấn so với lúc nhập khẩu. Điều này đã làm cho các “ quan ông, quan bà” ở Công ty XNKTH 3 và Ngân hàng NN&PTNN lộ nguyên hình bản chất và cung cách làm ăn của những người nhờ “ hơi may” của chế độ mà có chức có quyền. Họ đã tìm mọi cách để từ chối lô hàng này khi thấy không lãi mà đẩy cái lỗ này cho phía đối tác, mặc dù phía đối tác không có lỗi.
Muốn hại người nhưng...tự hại mình
Ngày 29-9-2000, hàng cập cảng Sài Gòn an toàn, không có dấu hiệu tổn thất hàng. Ông Hoàng Đình Dung - GĐ Công ty XNKTH 3 cùng đại diện Công ty Vật tư nông sản Hà Nội xuống tầu xem hàng và không có bất cứ ý kiến, thắc mắc nào. Và muốn hại người bằng luật, không ngờ người bị hại lại chính là mình, chỉ vì không thuộc luật. Với sự “tham mưu” của Sở giao dịch 1, họ đã cố “bới lông tìm vết” trong bộ hồ sơ đề nghị thanh toán của Ngân hàng NHF của Đức và tìm được “3 lỗi”, qua đó lấy cớ để từ chối không nhận bốc hàng và đòi phía đối tác (HELM) hoàn trả số tiền đã trả theo hợp đồng gần 1,5 triệu USD. Đó là những lỗi sau: Trên vận đơn không ghi ngày xếp hàng lên tầu; trên hối phiếu không ghi tên ngân hàng trả tiền; số tiền diễn tả bằng chữ không đúng luật. Thế là, Công ty XNKTH 3 dựa trên 3 lỗi do Sở Giao dịch 1 đưa ra để từ chối nhận hàng với lý do “bộ hồ sơ có lỗi”. Còn số hàng 10.000 tấn phân U-rê trên tầu do không thể chờ đợi được nên Công ty XNKTH 3 cho phép tầu rời cảng Sài Gòn. Sau khi phía Việt Nam không chịu thanh toán và bốc hàng, thì Ngân hàng BHF xiết nợ 100% giá trị L/C bằng cách trừ chiết khấu từ tài khoản của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam tại Ngân hàng BHF với số tiền gần 1,5 triệu USD, đồng thời bắt phía Việt Nam phải chịu phạt lãi trả chậm số tiền còn thiếu 10.162 USD..
Trên bảo dưới không nghe
Sau khi phía Ngân hàng Đức trừ tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thương mại yêu cầu Công ty XNKTH 3 đi nhận số hàng trên. Do thấy được mức độ nghiêm trọng, nên Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp có Công văn do Phó Thủ tướng ký thông báo ý kiến của của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Song, Chi nhánh Công ty XNKTH (Công ty XNKTH 3) không chịu thực hiện sự chỉ đạo này của Chính phủ, vẫn kiên quyết không chịu nhận lô hàng nói trên và cho phép tầu rời cảng cùng số hàng 10.000 tấn phân U-rê. Như vậy, chỉ là một Giám đốc chi nhánh “ cò con” mà cũng coi thường kỷ cương phép nước, không chấp hành sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vụ việc này có lẽ trên thế giới duy nhất xảy ra ở Việt Nam. Đây là hiện tượng đang gây lo ngại trong nền hành chính Việt Nam, “ trên bảo dưới không nghe” .
“Già lừa ưa nặng”
Sau khi tầu chở 10.000 tấn phân U-rê về đến Pa-ki-stan, toà án Ka-ra-si đã phán quyết, giao lại hàng và tầu cho chủ hàng với điều kiện phải thanh toán 500.000 USD để bù đắp chi phí. Chỉ vì lỗ 400.000 USD mà chủ hàng đã kiếm cớ không nhận, nay lại thêm 500.000 USD thì mới có hàng. Tất nhiên, các vị phía Việt Nam từ chối thẳng thừng và cho rằng phía Pa-kit-stan đưa ra yêu cầu vô lý. Thế là số hàng đó đã được toà án Ka-ra-si cho phép bán tại Ka-ra-si để lấy tiền bù vào chi phí. Như vậy, từ chỗ không muốn nhận hàng vì sợ lỗ 400.000 USD, thì lại lỗ thêm 500.000 USD và cuối cùng thì mất luôn hơn 1,5 triệu USD.
Đã không thuộc luật lại còn muốn “chơi” luật.
Sau khi mất cả tiền lẫn hàng, ngày 7/2/2001, Công ty XNKTH đã kiện Công ty HELM ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam, đòi bồi thường 1.666.000 USD cũng với lý do trên là do bộ hồ sơ có 3 lỗi. Khốn khổ thay, lý lẽ lần này lại không thuộc về những người có tâm địa không trong sạch trong làm ăn và trình độ luật yếu kém. Khi mở L/C không huỷ ngang tại Sở Giao dịch 1, Công ty XNKTH đã yêu cầu L/C tuân theo quy tắc UCP 500. Đây là quy tắc quốc tế thống nhất về thực hành thống nhất tín dụng chứng từ. Đối chiếu với UCP 500, thì cả 3 lỗi do Sở Giao dịch 1 đưa ra đối với bộ chứng từ của ngân hàng Đức đều không đúng. Cụ thể, tuy vận đơn không ghi ngày bốc hàng lên tầu nhưng lại ghi ngày phát hành vận đơn. Chiểu theo quy định của UCP 500 thì ngày phát hành vận đơn chính là ngày bốc hàng lên tầu và là ngày giao hàng. Còn hối phiếu không ghi tên ngân hàng trả tiền theo UCP 500 thì trên đó đã ghi ngân hàng trả tiền là Sở Giao dịch 1. Ngay cả cách diễn tả số tiền bằng chữ trên hối phiếu cũng phù hợp với quy định của UCP 500. Như vậy, cả 3 lỗi mà phía Việt Nam cho là sai thì theo luật lại đúng 100%. Trong khi đó, người đi kiện lại có lỗi lớn vì không thuộc luật. Theo quy định của UCP 500, việc mở L/C, thanh toán L/C là trách nhiệm của ngân hàng và chỉ có ngân hàng mới có quyền kiểm tra L/C và từ chối thanh toán. Cớ sao Công ty XNKTH (lại nghe tham mưu của Sở Giao dịch 1) mà tuỳ tiện kiểm tra và từ chối thanh toán? Đây đúng là cung cách làm ăn kiểu “ chợ trời” , muốn thì mua, không muốn thì không trả tiền. Như vậy, Công ty XNKTH vì động cơ thấp hèn và không hiểu luật đến nơi đến chốn, mà gây thất thoát một số tiền khổng lồ của Nhà nước.
Những bài học cần rút kinh nghiệm.
Bài học thứ nhất về công tác cán bộ. Việc bố trí cán bộ vừa không có năng lực, vừa không có đạo đức trong làm ăn, lại coi thường kỷ cương phép nước, không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là lỗi ở khâu tổ chức cán bộ. Hiện nay, tình trạng cán bộ vừa yếu về chuyên môn, vừa kém về ý thức tổ chức, coi thường kỷ cương, lộng hành và tham nhũng đang là vấn đề các cấp, các ngành cần quan tâm. Nếu không làm tốt việc tuyển lựa những người có tài, có đức để giao việc thì chắc chắn nước ta không thể “sánh vai” cùng ai được.
Bài học thứ hai về cung cách làm ăn tuỳ tiện. Hiện nay, cả nước ta có đến mấy chục ngàn tỷ đồng là nợ khó đòi. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là cách làm ăn tuỳ tiện và thói quen, “thích thì mua, không thích thì không trả tiền”. Xin lưu ý, kiểu làm ăn đó tuy còn có “hiệu quả” ở Việt Nam là do kỷ cương phép nước lỏng lẻo, ý thức chấp hành và thực thi pháp luật kém và tuỳ tiện, nhưng khi làm ăn với nước ngoài thì hết đất “dụng võ” .
Bài học thứ ba phải làm ăn trung thực khi hội nhập. Các doanh nghiệp muốn hội nhập kinh tế quốc tế không thể chỉ bằng duy ý chí và tính cách áp đặt cho phía đối tác mà phải trung thực trong giao dịch. Trong vụ này, khi thấy có lãi thì ký mua, khi cảm thấy bị lỗ là tìm mọi cách từ chối.
Bài học thứ tư là doanh nghiệp cần phải học thuộc bài. Muốn làm ăn với cộng đồng quốc tế thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thuộc bài học đầu tiên là trung thực trong làm ăn, am hiểu về luật pháp, biết nhìn xa trông rộng và phải học đến nơi đến chốn.
Bài học cuối dành cho chính sách vĩ mô. Phải có đủ văn bản pháp luật chặt chẽ và được thực thi nghiêm chỉnh, tránh tình trạng “trên không ra trên, dưới không ra dưới” và kết cục là “trên bảo dưới không nghe” . Ngoài ra, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh những kẻ làm nghèo đất nước như nêu ở trên.
Luật không thuộc lại... muốn hại thiên hạu bằng luật
TCCT
Mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam phải phát triển bền vững và có đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong tình tr