Xưa...
Nghề thêu, theo sử sách xuất hiện từ thời Lý, Trần. Ông tổ của nghề là Lê Công Hành, người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây ngày nay. Năm 1646, ông được bổ đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Trong thời gian ở đây, ông đã học được cách làm lọng và thêu chỉ màu trên vải của người Trung Quốc. Khi về nước, ông đem những học hỏi về nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động và 4 xã lân cận. Về sau, nhân dân năm xã này đã lập đền thờ (còn đến ngày nay) và tôn vinh ông thành ông tổ của nghề thêu. Hơn 300 năm qua, từ năm xã ban đầu, nghề thêu đã phát triển rộng khắp với sức sống mãnh liệt, người làm nghề đã kéo nhau lập nghiệp thành những phố nghề, vừa làm, vừa bán những sản phẩm thêu của Quất Động.
Nghề thêu không quá phức tạp, đòi hỏi lớn nhất với những người làm nghề là sự kiên trì, cẩn thận và ý thức làm việc tập thể. Chính vì thế, nghề thêu rất phù hợp với cơ cấu kinh tế và khả năng nguồn lao động của nước ta, nhất là khu vực nông thôn. Mũi kim thoăn thoắt đưa đi đưa lại những đường chỉ cùng đó là những hình thù với màu sắc sống động dần hiện ra. Các sản phẩm thêu trước hết là những vật phẩm có giá trị nghệ thuật cao, không bao giờ lỗi mốt. Dưới thời phong kiến, hàng thêu tồn tại một cách tự phát dưới nhiều hình thức, sản phẩm có mẫu mã khá phong phú, sáng tạo. Vua chúa và quan lại trong triều đình đòi hỏi ở hàng thêu rất khắt khe, vì thế, các cây kim phải được tuyển chọn kỹ lưỡng với tay nghề xuất sắc.
Thời kỳ trước Cách Mạng tháng Tám, các sản phẩm thêu chủ yếu phục vụ cho người Pháp (ở Hà Nội và Hải Phòng là chính). Đây là những khách hàng rất khó tính, vì vậy đòi hỏi kỹ thuật và chất lượng cao, nét thêu phải tinh xảo và độc đáo. Sản phẩm ưa thích của họ là khăn trải bàn, ga trải giường, gối...Thời kỳ này, những sản phẩm thêu của Việt Nam đã được đưa sang các nước thông qua hình thức quà biếu của những khách hàng người Pháp. Sau Cách mạng, đặc biệt là sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, với chủ truơng phát triển nghề thêu thành ngành thủ công mỹ nghệ của Nhà nước, ở hầu hết các tỉnh vào lúc đó đều hình thành HTX, các xí nghiệp thêu thu hút hàng ngàn lao động. Nghề thêu đã phát triển rộng khắp toàn miền Bắc với quy mô và sản lượng lớn. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là các nước Liên Xô, Đông Âu. Xã viên được bao cấp mọi chế độ như cán bộ công nhân viên chức Nhà nước. Thời kỳ này đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ nhất của nghề thêu truyền thống.
Sự biến động trên chính trường Liên Xô, Đông Âu vào những năm đầu 90 thế kỷ XX đã kéo theo sự tan rã, giải thể của hầu hết các xí nghiệp, HTX thêu. Một thời kỳ tưởng chừng đã mất hẳn nghề thêu, nhưng đó chỉ là sự giấu mình của nghề thêu dưới những mái nhà, với những con người chật vật tìm hướng đi mới mà không phải bỏ nghề. Nghề thêu đã bước sang một thời kỳ mới...
...Và nay
Nơi đầu tiên tôi tìm đến không phải là quê hương của nghề thêu mà là một làng cách Quất Động gần 50 cây số, làng Tư Can, xã Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây. Nghề thêu đã trở thành nghề tay trái mạnh nhất của làng. Không biết từ bao giờ, từ trẻ em tới người lớn, từ đàn ông đến đàn bà đều biết thêu và cắm cúi bên những khung thêu vào những lúc nông nhàn và dịp nghỉ hè, trẻ em ở đây lớn lên cứ tự nhiên biết thêu. Hàng thêu ở đây thường là khăn trải bàn, miếng vải đặt bát đũa, cốc chén trong các nhà hàng, khách sạn, ga, gối. Mỗi chiếc khăn trải bàn cỡ 40x 60cm có giá từ 15- 20 ngàn đồng và với một thợ lành nghề cũng phải mất 2-3 ngày mới thêu xong. Các sản phẩm này chủ yếu làm cho các khách hàng nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc... song, khi đến tay khách hàng thì đã qua một vài khâu trung gian, vì vậy, giá bán gốc của mỗi sản phẩm thường rất thấp.
Tôi trở lại làng Quất Động, quê hương của nghề thêu truyền thống với hàng trăm cơ sở tư nhân quy mô từ 30- 150 cây kim trở lên. Cả xã gần như 100% số hộ làm nghề thêu chủ yếu là hàng thêu cao cấp theo đơn đặt hàng... Với một khối lượng công việc khổng lồ như hiện nay, người dân Quất Động quanh năm làm không hết việc. Chị Hải, chủ một xưởng khá lớn ở Quất Động tâm sự “Nghề này cũng có những đòi hỏi khắt khe lắm, mà chỉ những người trong nghề mới thấm thía”. Chị kể, một ngày của người thợ thêu thường kéo dài từ 10-12 giờ, với mức thu nhập bình quân 13-15 ngàn đồng/ngày. Ví dụ thêu một chiếc áo kimônô có giá từ 600 ngàn-2,5 triệu đồng/chiếc tuỳ theo hoạ tiết, màu sắc đơn giản hay phức tạp, phải mất 200 công và chỉ thợ giỏi mới thêu được. Trong trường hợp làm lỗi hoặc ố sẽ phải đền cho khách hàng từ 500- 700 đô la. Vì vậy, nghề này đòi hỏi người làm phải cẩn thận, cầu kỳ, chăm chỉ.
Tranh thêu là một trong những mặt hàng rất được ưa chuộng hiện nay. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ Việt Nam đã đem đến cho bạn bè thế giới những hình ảnh sống động về thiên nhiên, con người qua những bức tranh thêu. Tranh thêu không đòi hỏi khắt khe như những sản phẩm khác, nên thu nhập của người thêu tranh cũng thấp hơn, chỉ ở mức 6-7 ngàn đồng/ngày. Nói về tranh thêu ở Quất Động phải nói tới anh Thái Đức Duy, một tay kim nhiều lần đoạt giải “bàn tay vàng”. Anh chuyên về tranh chân dung và tranh phong cảnh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề thêu gần 200 năm nay, chính truyền thống gia đình đã truyền cho anh khả năng thẩm mỹ và đôi bàn tay khéo léo. Bản thân anh đã có 30 năm theo nghề, các con anh bây giờ cũng đang tiếp bước gia đình. Mỗi bức tranh thêu cỡ 50x70 hoặc 60x 80cm phải mất từ 20-30 ngày, giá của mỗi bức như vậy từ 500-750 ngàn đồng. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong gia đình anh Duy từ 500-600 ngàn đồng/ tháng. Gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác ở làng Quất Động, khá lên nhờ nghề thêu.
Nói đến tranh thêu phải nói tới tranh thêu Đà Lạt, những bức tranh mang hiệu X.O khi đem ra triển lãm ở Hà Nội đã làm cho những người yêu tranh và những người gắn bó với nghề thêu truyền thống không khỏi ngỡ ngàng. Có sự liên quan nào giữa nghề thêu truyền thống ở những làng quê Bắc bộ và những bức tranh được làm ra ở xứ sở sương mù kia? Điều đó để nói lên rằng, trải qua bao biến động thăng trầm, nghề thêu đã phát triển rộng khắp và ngày càng có chỗ đứng trong cuộc sống. Khi công nghệ hiện đại đang dần thay thế con người, nghề thêu cũng vậy, máy móc có thể thêu được hàng loạt các sản phẩm, song, sản phẩm thêu tay thủ công truyền thống vẫn được ưa chuộng và tồn tại mãi mãi. Xin được trích lời của Tổng thống Pháp J.Chirac khi chiêm ngưỡng những bức tranh thêu của chị Hữu Hạnh, chủ tịch HTX thêu Hữu Hạnh (Đà Lạt) “ Tôi rất ngạc nhiên về công việc cần mẫn và đầy tính nghệ thuật của bà”.
Điều trăn trở nhất hiện nay của các làng thêu là, thành lập các tổ hợp sản xuất, có đầy đủ tư cách pháp nhân đứng ra ký hợp đồng với khách hàng. Không phải thông qua trung gian sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao thu nhập cho người làm nghề, tương xứng với sức lao động họ đã bỏ ra. Điều này có lẽ cần có sự giúp đỡ từ cấp vĩ mô.