Tổng công ty Hóa chất Việt Nam chuyển hướng sản xuất, chấp nhận cạnh tranh để phát triển

Năm 2003, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam (Vinachem ) phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp gần 7.600 tỷ đồng, tăng hơn mức thực hiện năm 2002 gần 14%, nộp ngân sách nhà nước từ 305 tỷ đồng và lãi

Chấp nhận cạnh tranh

                Năm 2002, lượng phân lân các loại và phân bón hỗn hợp NPK tồn kho năm trước chuyển sang 300.000 tấn. Trong lúc đó, tháng 3/2002, Nhà nước giảm thuế nhập khẩu phân bón chứa lân làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường; Tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại chưa được khắc phục ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, của các doanh nghiệp. Riêng phân bón hỗn hợp NPK đã tràn vào nước ta trên 200.000 tấn, tạo nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Các công ty sản xuất phân bón đã thấy hết khó khăn, chấp nhận cạnh tranh, kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tìm mọi giải pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để đẩy nhanh tiêu thụ hàng hoá, chiếm lĩnh thị trường. Công ty Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao - doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn nhất cả nước đã giảm chi phí sản xuất, chịu chi phí vận chuyển, đẩy mạnh sản xuất phân bón hỗn hợp NPK đang có khả năng tiêu thụ tốt, đồng thời quy định giá bán phân bón thống nhất trong cả nước, mở rộng thị trường, lần đầu tiên đạt tổng doanh thu 854 tỷ đồng. Công ty Phân lân Văn Điển và Công ty Phân lân Ninh Bình đã kịp thời nắm bắt tình hình giá cà phê, cao su và một số cây công nghiệp khác tăng trở lại, đẩy mạnh tiêu thụ phân lân tại các tỉnh Tây Nguyên và các thị trường truyền thống, tăng 48,48% so với năm trước. Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc mặc dù tiến độ cải tạo kỹ thuật toàn bộ dây chuyền công nghệ bị chậm lại, nhưng đã tận dụng được các thiết bị hiện có, nâng cao năng lực sản xuất toàn dây chuyền, nên đã vượt sản lượng phân đạm urê hơn 8%. Công ty phân bón miền Nam đẩy mạnh sản xuất supe lân và hơn 50 loại phân bón hỗn hợp NPK đang tiêu thụ nhiều tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, đạt tổng doanh thu trên 1.100 tỷ đồng, dẫn đầu Vinachem. Nhờ vậy, năm 2002 Vinachem đã trở lại sản xuất phân bón hoá học với mức cao nhất từ trước đến nay, đạt sản lượng 2.176.600 tấn và tồn kho không nhiều như các năm trước.

                Đi đôi với giữ vững và mở rộng thị trường trong nước là yếu tố quyết định tăng trưởng, các doanh nghiệp thành viên của Vinachem đã chủ động tìm kiếm thị trường ngoài nước để xuất khẩu sản phẩm, hội nhập với khu vực và thế giới nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Năm  qua, Vinachem tuy mới đạt kim ngạch  xuất khẩu hơn 20 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng nhưng đã mở được hướng ra cho năm 2003 và những năm tới. Sản phẩm hoá chất cơ bản đã tìm được thị trường tại Đài Loan, Malaixia, Philippin, Thái Lan và Myanma. Săm lốp ô tô xuất sang các nước Hàn Quốc, Malaixia, Xingapo, Inđônêxia đã được khách hàng chấp nhận và tín nhiệm. Các loại phân bón và pin đã xuất sang Campuchia và Lào với sản lượng ngày càng tăng cao. Chất tẩy rửa đã mở rộng thị trường sang các nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Xingapo, Campuchia, Trung Đông và Đài Loan. Các loại ắc quy chất lượng cao đã đến được thị trường Hồng Công, Dubai, Xingapo, Malaixia, Brunây và Trung Đông. Các loại lốp cao su dùng cho xe đẩy, xe nâng, găng tay cao su, săm lốp xe máy của Công ty Công nghiệp cao su miền Nam đã đứng được ở thị trường các nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và úc.

                Năm 2002, Vinachem đã vượt qua khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường và trên đường hội nhập thị trường thế giới, đạt 6.663 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng 14,19% so với năm 2001 với tổng doanh thu 7.595 tỷ đồng, tăng 13,41%, hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước 300 tỷ đồng, lãi 171 tỷ đồng; Đầu tư tăng năng lực sản xuất trên 766 tỷ đồng. Kết quả này không những đã ổn định và cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên mà còn tăng thêm nguồn lực để Vinachem  vươn lên đạt kế hoạch cao hơn trong năm 2003 và những năm tới.

Chuyển hướng sản xuất kinh doanh

                Ông Đỗ Duy Phi, Tổng giám đốc Vinachem cho biết, Vinachem đang sắp xếp lại kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng tinh gọn, ngày càng hiện đại. Từ năm nay, Vinachem chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, mà tập trung đầu tư phát triển mạnh 4 ngành chính gồm: Sản xuất và kinh doanh phân bón; Nông dược bảo vệ thực vật; Các loại hoá chất cơ bản. Công nghiệp cao su, chủ yếu là các loại săm lốp ô tô chất lượng cao. Các nhóm sản phẩm này đang do 12 doanh nghiệp thành viên của Vinachem sản xuất với doanh thu hàng năm khá lớn. Các doanh nghiệp này không cổ phần hoá, sẽ được lần lượt chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

                Năm 2003, Vinachem bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên 1.725,6 tỷ đồng, tăng hơn 130% so với mức thực hiện năm ngoái. Để đầu tư đúng hướng, phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển với tốc độ cao, tăng lợi nhuận, Vinachem tập trung chỉ đạo xây lắp hoàn chỉnh để đưa vào sản xuất ổn định, đạt yêu cầu kinh tế-kỹ thuật Nhà máy Phân đạm của Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc; Hoàn thành sớm (trong tháng 4 và tháng 5) 2 dự án sản xuất săm lốp ô tô có công suất 500.000 bộ/năm của 2 công ty cao su Sao Vàng và Đà Nẵng; Dự án mở rộng nâng công suất săm lốp ô tô cỡ vành 20 và dự án sản xuất lốp Adian của Công ty công nghiệp cao su miền Nam; Dự án sản xuất Ô xy-Nitơ-Acgon của Công ty Kỹ nghệ que hàn và 11 dự án quan trọng khác để nhanh chóng tạo ra sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Vinachem còn triển kai thực hiện các dự án mới có giá trị kinh tế lớn cho những năm tới như:  Nhà máy sản xuất phân bón hỗn hợp DAP đầu tiên của nước ta, dự định động thổ trong tháng 2 năm 2003, Xưởng sản xuất phân bón hỗn hợp NPK 150.000 tấn tại Hải Dương của Công ty Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao, dự án sản xuất Hydrroxyt nhôm công suất 17.000 tấn/năm của Công ty Hoá chất cơ bản miền Nam, Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh của Công ty Hoá chất và vi sinh, dự án nâng công suất nhà máy sản xuất xút Việt Trì lên 10.000 tấn/năm…

                Năm nay, Vinachem bố trí kế hoạch sản xuất gần 2,5 triệu tấn phân bón hoá học các loại, tăng hơn mức thực hiện năm ngoái trên 324.000 tấn để đáp ứng nhu cầu thâm canh các loại cây trồng trong cả nước. Trong số đó, so với năm ngoái, phân lân nung chảy sẽ tăng 25,5%, phân bón hỗn hợp NPK tăng 16,71% và phân đạm urê tăng trên 40%. Đặc biệt, lần đầu tiên các doanh nghiệp thành viên của Vinachem là các công ty cao su Sao Vàng, cao su Đà Nẵng và công nghiệp cao su miền Nam sẽ sản xuất trên 1 triệu 65 nghìn lốp ô tô các loại, tăng trên 32% so với năm 2002 để đáp ứng nhu cầu trong nước đang có xu hướng gia tăng và xuất khẩu. Vinachem cũng đã bố trí kế hoạch sản xuất các loại nông duợc bảo vệ thực vật, xút thương phẩm, săm lốp xe máy, xe đẩy, xe nâng, ắc quy các loại….tăng hơn mức thực hiện năm 2002 từ trên 13% đến gần17% để tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu.

                Vinachem đã đề ra 10 giải pháp chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, giải quyết những vướng mắc, khó khăn nổi cộm để đảm bảo thành kế hoạch năm 2003. Trong đó có giải pháp thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi một số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước không nắm giữ 100% vốn…/.

 

  • Tags: