Trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ Công nghiệp, chính quyền các địa phương đã kịp thời chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Do vậy, ngành công nghiệp đã đạt được những mục tiêu cơ bản đặt ra. Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, vượt kế hoạch và cao hơn mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 (15,2-15,5%).
Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 17% so với cùng kỳ, công nghiệp nhà nước tăng 9,1% (TW tăng 11,9%, ĐP tăng 2%), CN dân doanh tăng 23,9%, CN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8%.
Khu vực ngoài quốc doanh có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn nhất và ngày càng chiếm ưu thế, trở thành động lực trong quá trình hội nhập ở giai đoạn tới. Khu vực công nghiệp nhà nước trung ương có xu hướng tăng chậm nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp tại địa phương.
Khu vực quốc doanh trung ương tăng 11,9%, chiếm tỷ trọng 23,4% (thấp hơn năm 2005 là 1%). Một số tỉnh khu vực QDTW vừa chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN vừa có tốc độ tăng trưởng cao là: Quảng Ninh (chiếm 72,6, tăng 21%), Quảng Bình (chiếm 50,55%, tăng 33,3%), Ninh Bình (chiếm 39%, tăng 19,4%)...
Khu vực quốc doanh địa phương tăng 2%, chiếm tỷ trọng 8,4% (thấp hơn năm 2005 1,23%). Một số tỉnh khu vực QDĐP vừa chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN vừa có tốc độ tăng trưởng cao là: Bắc Kạn (chiếm 44,4%, tăng 86,8%), Lai Châu (chiếm 42,4%, tăng 32,3%)...
Khu vực ngoài quốc doanh tăng 23,9%, chiếm tỷ trọng 30% (cao hơn năm 2005 1,68%). Khu vực này có vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp của 58/64 tỉnh, thành phố ), trong đó, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao là: Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Nam, Tiền Giang, Cần Thơ...
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8%, chiếm tỷ trọng 38,2% (cao hơn năm 2005 0,61%). Trong đó khu vực ĐTNN một số tỉnh vừa chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN, vừa có tốc độ tăng trưởng cao là: Hà Nội (chiếm 39,5%, tăng 26,3%), Vĩnh Phúc (chiếm 80,7%, tăng 26,6%), Bình Dương (chiếm 70,9%, tăng 25,9%), Tp. Hồ Chí Minh (chiếm 31,3%, tăng 20,8%)...
Năm 2006 có 6/8 vùng kinh tế, 43/64 tỉnh thành phố có mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn mức bình quân cả nước, các vùng công nghiệp trọng điểm vẫn chiếm tỷ trọng lớn và giữ vai trò động lực tăng trưởng, cụ thể:
Vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ chiếm 73,86% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 20,2% so với cùng kỳ.
10/15 tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp lớn duy trì được tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao so với năm trước như: Hà Nội 16,6%; Hải Phòng 18,1%; Vĩnh Phúc 25,6%; Bình Dương 25,3%; Hà Tây 23,3%; Hải Dương 23,2%; Đồng Nai 22%; Cần Thơ 22%; Quảng Ninh 18%; Khánh Hòa 16,1%. Tuy nhiên, tỷ trọng của toàn bộ 15 tỉnh, thành phố này lại giảm dần, đạt 77,46% giá trị sản xuất toàn ngành (năm 2005 là 77,7%).
Tăng trưởng công nghiệp tiếp tục góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tăng trưởng của ngành công nghiệp cả về giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm đã đưa tỷ trọng công nghiệp và xây dựng/GDP tăng từ 41% (năm 2005) lên 41,6%. Tỷ trọng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã giảm từ 20,9% (năm 2005) xuống còn 20,2%; ngành dịch vụ tăng từ 38,1% (năm 2005) lên 38,2%.
Cơ cấu kinh tế của các địa phương tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá. Một số tỉnh nổi bật là: Tỷ trọng CN-XD/GDP Ninh Bình từ 43,87% năm 2005 lên 45,68% năm 2006; Khánh Hoà từ 41,4% năm 2005 lên 42,24% năm 2006; Hà Nội từ 38,43% năm 2005 lên 38,93% năm 2006; Thanh Hoá từ 34,6% năm 2005 lên 36,5% năm 2006; Bình Thuận từ 33,23% năm 2005 lên 34,21% năm 2006; Hậu Giang từ 28,73% năm 2005 lên 29,2% năm 2006; Gia Lai từ 23,9% năm 2005 lên 25,34% năm 2006; Yên Bái từ 27,7% năm 2005 lên 28,8% năm 2006; Sóc Trăng từ 18,84% năm 2005 lên 20,54% năm 2006...
Cơ cấu ngành công nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tác tiếp tục tăng lên từ 85,01% năm 2005 tăng lên 86,43% năm 2006 (trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản tăng từ 34,4% lên 35,5%, giá trị sản xuất tăng 22,1%); tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm từ 9,05% năm 2005 xuống còn 7,82% năm 2006; tỷ trọng công nghiệp điện, nước giảm nhẹ từ 5,94% năm 2005 xuống còn 5,75% năm 2006. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đạt kim ngạch xuất khẩu 685 triệu USD, tăng 5,4%.
Cơ cấu thành phần kinh tế trong ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch phù hợp với định hướng phát triển chung. Tỷ trọng kinh tế nhà nước giảm từ 34,09% (năm 2005) xuống còn 31,8%; tỷ trọng kinh tế ngoài quốc doanh tăng từ 28,32% năm 2005 lên 30%; tỷ trọng kinh tế kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 37,59% năm 2005 lên 38,2%.
Tuy đã có những đóng góp không thể phủ nhận, song sản xuất công nghiệp tại địa phương năm 2006 vẫn còn một số tồn tại:
- Mức tăng giá trị sản xuất vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ trọng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn thấp. Có 21/64 địa phương giá trị sản xuất công nghiệp có mức tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, 39/64 địa phương giá trị sản xuất công nghiệp tăng không bằng cùng kỳ năm trước (trong đó 18/64 địa phương vừa tăng thấp hơn cả nước, vừa tăng không bằng cùng kỳ năm trước).
- Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành Công nghiệp chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ theo định hướng phát triển các ngành công nghiệp. Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế chưa khai thác toàn diện và có hiệu quả các nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước.
- Công nghiệp chế biến sâu tăng chậm, tỷ trọng gia công còn khá lớn, đặc biệt công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất trong nước.
- Nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các DNVVN ở nông thôn) còn thụ động trong quá trình hội nhập quốc tế; công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu nhiều, giá thành cao, sức cạnh tranh yếu. Do vậy, tỷ trọng chi phí trung gian của ngành Công nghiệp liên tục gia tăng, làm giảm tốc độ tăng của giá trị tăng thêm so với tốc độ tăng của giá trị sản xuất (tốc độ tăng giá trị tăng thêm 10,4%; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 17,3%).
- Các khu-cụm-điểm CN phần lớn mang tính đa ngành, chưa có sự chuyên môn hóa cao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong đầu tư phát triển và đặc biệt là vai trò quản lý nhà nước của ngành Công nghiệp. Vấn đề giải phóng mặt bằng, huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm cho nhân dân ở khu vực có đất bị thu hồi còn nhiều khó khăn.
- Số dự án đầu tư công nghiệp (đặc biệt là trong các ngành hoá chất, chế biến khoáng sản, giấy, cơ khí ôtô) triển khai từ các năm trước vẫn chậm tiến độ đưa vào sử dụng nên hạn chế mức tăng giá trị sản xuất của Ngành.
Để nâng cao hiệu quả của công nghiệp địa phương, tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2010, trong năm 2007 và những năm tới cần tập trung làm tốt hơn những việc sau đây:
- Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành Công nghiệp ở mức cao và bền vững. Phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, bảo đảm năng lực cạnh tranh để chủ động và tích cực hội nhập. Đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ trong toàn Ngành, phấn đấu đạt tỷ lệ đổi mới 15 - 20%/năm; chú trọng phát triển và thu hút công nghệ cao thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Xây dựng kế hoạch đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
- Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện kế hoạch năm 2007 nhằm phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế, tạo ra sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động.
- Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công theo Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2006-2010. Quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích kinh phí khuyến công và tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ cho hoạt động này.
- Tiếp tục giúp đỡ các tỉnh đặc biệt khó khăn về sản xuất công nghiệp. Xây dựng và thực hiện các đề án phát triển các mô hình điểm về cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến nông lâm thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, đầu tư vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến bằng các phương thức phù hợp, có sự hỗ trợ từ Nhà nước.
- Tích cực xúc tiến vận động đầu tư vào công nghiệp địa phương để đón bắt làm sóng đầu tư mới, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu-cụm công nghiệp theo quy hoạch. Đối với các dự án đang triển khai, chủ đầu tư và các ban quản lý dự án cần tổ chức giao ban hàng tuần đối với các dự án trọng điểm, huy động nguồn lực để hoàn thành khối lượng theo đúng tiến độ.
- Tổ chức công bố lộ trình hội nhập của ngành Công nghiệp, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nắm vững các cơ hội và thách thức trong hội nhập để chủ động thực hiện các cam kết WTO. Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới hoạt động công nghiệp để kiến nghị hoặc chủ động bãi bỏ theo thẩm quyền, đồng thời tiến hành xây dựng mới văn bản cho phù hợp với yêu cầu đổi mới và cam kết quốc tế.