Đã có tăng trưởng về chất nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Vừa qua tại Hà Nội, Bộ Công nghiệp đã tiến hành Hội nghị sơ kết tình hình sản SX -KD quý III và 9 tháng đầu năm 2003, bàn giải pháp cho những tháng cuối năm, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị

Giá trị gia tăng đạt mức cao... báo hiệu sản xuất ngày càng hiệu quả

Nếu giá trị gia tăng (GDP) trong ngành Công nghiệp 9 tháng đầu năm 2002, chỉ đạt mức 8,6%, thì 9 tháng đầu năm nay, toàn Ngành đã đạt mức 10,19% (cao nhất từ trước tới nay), gần bằng kế hoạch mà Quốc hội giao là 10,5%... Điều này chứng tỏ, sản xuất công nghiệp ngày càng đạt hiệu quả cao, cũng như có sự tăng trưởng về chất và dần thoát ra khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào các yếu tố nguyên liệu phục vụ cho sản xuất từ phía nước ngoài.

Trong 9 tháng đầu năm, GTSXCN của toàn Ngành ước đạt 227.117 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2002; trong đó, khu vực QDT¦ tăng 12,4% (các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp tăng 15,1%); khu vực QDĐP tăng 12, 9%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,6%. Những sản phẩm quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- an ninh, quốc phòng và các nhu cầu dân sinh đều có mức tăng trưởng cao, như: Điện tăng 14,7%; Than sạch 19,6%; Quần áo dệt kim 38%... Giá trị sản xuất cao, kéo theo giá trị xuất khẩu cũng tăng cao. 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của toàn ngành Công nghiệp chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14,93 tỷ USD); trong đó, các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp xuất khẩu đạt giá trị 882,3 triệu USD.

Riêng lĩnh vực đầu tư XDCB, 9 tháng qua, tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Bộ ước chỉ đạt 19.031,5 tỷ đồng, bằng 51,25% kế hoạch năm; trong số này, các TCty 91 đạt 17.798 tỷ đồng, bằng 53,65% kế hoạch năm; các TCty 90 và doanh nghiệp độc lập mới thực hiện được 1.185,68 tỷ đồng, bằng 30,45%... Như vậy, nếu so với kế hoach đề ra, thì công tác đầu tư XDCB vẫn còn quá trì trệ

Những tồn tại và giải pháp khắc phục.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay đối với toàn ngành công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thuộc Bộ nói riêng, vẫn còn nhiều  khó khăn, vướng mắc cần phải được tháo gỡ, mà một trong những khó khăn vướng mắc nhất chính là công tác thực hiện đầu tư vẫn còn quá chậm và tình trạng thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính đến hết tháng 9, công tác đầu tư xây dựng cơ bản vẫn tiến triển chậm.. Nguyên nhân của sự trì trệ này, theo đánh giá của lãnh đạo một số doanh nghiệp, ngoài yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp, còn phải kể đến yếu tố khách quan từ phía cơ chế chính sách. Cụ thể như Nghị định 66 về phân cấp đầu tư mặc dù đã được ra đời, song trên thực tế vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn.; nên dễ gây tình trạng tuỳ tiện trong cách hiểu và vận dụng cơ chế chính sách của cơ sở.

Còn lĩnh vực đầu tư, ngoại trừ TCty Dệt – May, năm nay tốc độ giải ngân từ Quỹ hỗ trợ phát triển có khá hơn (theo ông Mai Hoàng Ân, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đệt- May Việt Nam, 9 tháng đầu năm, TCty này đã giải ngân được 1.084 tỷ đồng đối với 33 dự án), còn lại một số lĩnh vực và các công trình trọng điểm quốc gia khác đang trong tình trạng thiếu vốn, mà không biết huy động bằng cách nào Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam là một ví dụ. Hiện nay, hai dự án trọng điểm quốc gia là: Dự án Khí- Điện- Đạm Cà Mau và Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tổng số vốn đầu tư cần khoảng trên 2,8 tỷ USD, song hiện mới chỉ thu xếp dược khoảng 2 tỷ USD, còn lại 800 triệu USD nằm ngoài khả năng huy động cuả TCty và chưa biết huy động bằng cách nào.

Vì vậy, để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vựợt mức kế hoạch đề ra, khắc phục những tồn tại trên, trong những tháng cuối năm, Bộ Công nghiệp đã đưa ra 8 giải pháp quan trọng là:

1, Tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, trên cơ sở chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng, trong đó, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và đang có thị trường tiêu thụ.

2, Tìm mọi biện pháp để giảm chi phí đầu vào của các sản phẩm phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu như Dệt- May, Da- Giầy, sản phẩm thép và kim loại mầu, máy móc thiết bị điện, hoá chất cơ bản, phân bón... trong đó, chú trọng khâu cải tiến tổ chức quản lý, phân công hợp tác sản xuất và chuyên môn hoá một cách hợp lý, nhằm tận dụng ưu thế chuyên sâu và năng lực của mỗi doanh nghiệp.

3, Tích cực khai thác thị trường trong nước, nhằm khơi dậy tinh thần “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

4, Tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu- triển khai xây dựng và thực hiện các đề án đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã... để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động.

5, Phát triển các mặt hàng có khả năng cạnh tranh, đầu tư phát triển các mặt hàng mới còn có cơ hội tăng sản lượng và thị phần để đẩy mạnh xuất khẩu dưới mọi hình thức.

6, Đẩy mạnh sắp xếp tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch; trong đó, tập trung thực hiện tốt Quyết định 125/TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu 100% đơn vị xác định xong giá trị doanh nghiệp, 70% đơn vị xác định xong phương án cổ phần, 50% đơn vị bán xong cổ phần và 30% tổ chức xong đại hội cổ đông.

7, Đẩy mạnh đầu tư phát triển, huy động các nguồn vốn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo tiến độ các dự án lớn đầu tư đang được triển khai, nhất là các dự án lớn thuộc lĩnh vực điện, giấy, thép, hoá chất...

8, Tăng cường công tác quản lý nhà nước của Bộ Công nghiệp, trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở cơ quan Bộ, Sở và các doanh nghiệp trực thuộc.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đã biểu dương những thành tích của toàn Ngành trong thời gian qua, cũng như sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, song cũng đưa ra những mặt còn hạn chế để phấn đấu khắc phục. Đó là, tốc độ giá trị tăng thêm (GDP) trong toàn ngành 9 tháng qua, mặc dù đã đạt 10,19%, nhưng vẫn chưa đạt kết quả như kế hoạch đã được Quốc hội giao. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập siêu vẫn chưa được cải thiện; tỷ lệ phụ thuộc vào thị trường thế giới vẫn lớn; Công tác đầu tư đang đi theo một cơ chế dàn trải theo hàng ngang, mà chưa xác định được trong tâm. Do đó, Bộ trưởng đề nghị: Trong thời gian tới, các Cục, Vụ, Viện cũng như các cơ quan có liên quan phải cố gắng nghiên cứu xem, đề xuất, công nghiệp Việt Nam nên phát triển theo hướng nào và đi sâu vào những lĩnh vực then chốt nào!

Cuối cùng Bộ trưởng đã gợi mở một số vấn đề có tính chất chiến lược và trước mắt để thúc đẩy ngành Công nghiệp phát triển, cũng như tháo gỡ khó khăn về vấn đề vốn cho các doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, phát triển sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, phải phát triển theo chiều sâu... đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp phát huy nguồn vốn cho đầu tư, bằng cách đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá và tích cực tham gia vào thị trường chứng khoán.

  • Tags: